Nữ sinh Phú Yên giành học bổng 15 đại học Mỹ

0

Sẵn sàng du học – Tự ôn thi bài chuẩn hóa, tìm hiểu các trường, làm hồ sơ du học, Dương Bảo Tiên được 15 trường của Mỹ đồng ý hỗ trợ tài chính.

Bảo Tiên là học sinh lớp 12 Anh 1 trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, tỉnh Phú Yên. Sau hai đợt tuyển sinh của đại học Mỹ cho năm học 2020-2021, em nhận thông báo trúng tuyển từ 15 trường. Trong đó Đại học Dickinson (top 46 National Liberal Arts Colleges, theo US News & World Report) hỗ trợ cao nhất – gần 207.000 USD cho bốn năm, Đại học Denison (top 43) cấp 184.000 USD, Đại học bang Georgia hỗ trợ toàn bộ học phí, các trường khác ít nhất 120.000 USD.

Ngoài ra, Tiên còn được Đại học Fulbright Việt Nam gửi thư mời nhập học kèm mức hỗ trợ tài chính tốt. “Dù nhận tới 16 thư chúc mừng từ các trường, cảm xúc ở mỗi lần nguyên vẹn như nhau. Em tự hào về sự cố gắng của chính mình bởi em đã phải tự và tự rất nhiều trong suốt quá trình làm hồ sơ“, Tiên nói.

Bảo Tiên vừa hoàn thành chương trình THPT tại trường chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên).  Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bảo Tiên vừa hoàn thành chương trình THPT tại trường chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên).
Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Là học sinh tỉnh lẻ, nơi phong trào “săn” học bổng du học yếu ớt so với Hà Nội, TP HCM, nhưng Tiên đã nuôi dưỡng giấc mơ du học từ năm lớp 7, khi một người quen ở Mỹ kể những câu chuyện về cuộc sống, văn hóa, những tinh hoa giáo dục của quốc gia này. Được bố mẹ định hướng học tiếng Anh từ thời tiểu học, cô gái khi đó mới 13 tuổi đã chắc chắn “con phải được học tập ở nước ngoài”.

Lớp 8, được người quen giới thiệu, Tiên gửi hồ sơ xin học một trường trung học ở Hà Lan và được trao học bổng bán phần. Nhưng vì còn nhỏ, “bản lĩnh và kiến thức chưa đầy đủ”, em quyết định ở lại Phú Yên học tiếp, đợi cơ hội du học bậc đại học. Từ đó, Tiên luôn ý thức việc phải trau dồi để sang nước ngoài mà mục tiêu cao nhất là Mỹ.

Lớp 10, thi vào trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Tiên là một trong hai học sinh có điểm đầu vào cao nhất. Được học trong môi trường giáo dục hàng đầu của tỉnh, em tận dụng mọi cơ hội để phát triển cả về học thuật và hoạt động ngoại khóa. Tiên tham gia rất nhiều hoạt động ở cả trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là Hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc (MUN). Hè lớp 10, em bắt đầu tham gia các hội nghị MUN lớn, mang tầm quốc tế ở Hà Nội và TP HCM và giành nhiều thành tích như đại biểu xuất sắc, đại biểu danh dự.

“Ban đầu, em tham gia đơn giản vì thấy các hoạt động này hay quá, có thể giúp em gặp gỡ nhiều bạn mới, học hỏi nhiều thứ và có thêm thành tích nho nhỏ bỏ vào CV. Nhưng càng tham gia, em càng nhận thấy mình sâu sắc và trưởng thành hơn rất nhiều”, Tiên nói.

Từ các hội nghị, Bảo Tiên được tìm hiểu về lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia. Em cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong cách tổ chức chương trình để rồi trở thành người lãnh đạo trong những sự kiện ở trường. Tiên còn sáng lập một Hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc quy mô khu vực đầu tiên ở Phú Yên, thu hút rất nhiều học sinh trong và ngoài tỉnh tham dự.

Bảo Tiên (đeo kính) bên các bạn sau Hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc ở Phú Yên do chính em sáng lập.  Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bảo Tiên (đeo kính) bên các bạn sau Hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc ở Phú Yên do chính em sáng lập.
Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nuôi ước mơ du học từ sớm và tích cực tìm hiểu, tham gia các hoạt động ngoại khóa nhưng phải đến lớp 12, Tiên mới dành thời gian để làm hồ sơ. Tại Phú Yên, gần như không có trung tâm tư vấn du học bài bản, chỉ có một vài trung tâm đến trường giới thiệu hỗ trợ làm thủ tục, giấy tờ trong hồ sơ. Tiên quyết định tự mình mò mẫm.

Tháng 9/2019, Tiên tự ôn để dự thi các bài chuẩn hóa SAT và IELTS. “Em đã rất áp lực vì vừa phải ôn thi chuẩn hóa, vừa ôn thi học sinh giỏi quốc gia”, Tiên nói. Giai đoạn đó, một ngày của Tiên bắt đầu lúc 7h ở trường. Học tới 11h30, em về nhà nghỉ ngơi rồi chiều lại quay lại trường ôn luyện thi quốc gia. Tối đến, Tiên đi học thêm 1-2 ca. Hơn 21h, về tới nhà, tắm rửa, ăn uống xong, em dành 1-2 tiếng học các môn ở lớp rồi tiếp tục luyện môn thi chuẩn hóa tới 1-2h sáng.

Vì tự học để thi chuẩn hóa trong hơn một tháng, Tiên phải tận dụng hết quỹ thời gian của mình. Em lên mạng tìm hiểu, làm đề ôn luyện, hỏi kinh nghiệm của các anh chị, bạn bè từng du học Mỹ mà em đã quen trong các hoạt động ngoại khóa. Kết quả, em đạt SAT I là 1.430/1.600, SAT II môn Toán 800/800, IELTS 8.0 ngay trong lần đầu thi. Em không thi nhiều lần để nâng điểm như nhiều bạn khác.

Sau khi có điểm chuẩn hóa vào đầu tháng 10, Tiên bắt đầu lên danh sách trường sẽ nộp hồ sơ với tiêu chí điểm thi chuẩn hóa phù hợp và có uy tín trong đào tạo các ngành em yêu thích, bao gồm khoa học dữ liệu và kinh tế.

Song song với việc chọn trường, Tiên quay ra làm hồ sơ tài chính, viết các bài luận. Em dành khoảng một tháng để lên ý tưởng cho bài luận, viết bài rồi nhờ bạn bè, thầy cô góp ý chỉnh sửa. Trong bài luận chính, Tiên chia sẻ về sở thích hồi nhỏ là được ngắm nhìn bầu trời, từ đó rút ra một chân lý về cuộc sống.

Tiên chỉ ra bầu trời bao giờ cũng có nhiều tầng lớp và càng lên cao thì càng khó thích nghi. Nhưng chỉ khi dám vượt giới hạn của bầu trời, con người mới khám phá được vũ trụ và những điều chưa từng chạm tới. Em cho rằng mình cũng vậy, nếu chỉ mãi ở trong vùng dễ thích nghi thì không thể trải nghiệm cuộc sống. Em muốn bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để chạm đến những tầm cao.

“Bài luận này cùng các bài luận phụ và hoạt động ngoại khóa là điểm cộng giúp em gây ấn tượng với nhà tuyển sinh bởi điểm SAT so với nhiều bạn chưa phải là lợi thế cạnh tranh”, Tiên nói, bày tỏ may mắn khi được anh chị, bạn bè từng quen ở các hội nghị MUN góp ý, cho lời khuyên.

Bảo Tiên (áo đỏ) trong Hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc IVMUN 2019.

Bảo Tiên (áo đỏ) trong Hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc IVMUN 2019.

Giữa tháng 11/2019, cô gái sinh năm 2002 nộp hồ sơ trong đợt tuyển sinh sớm vào một số trường yêu thích, trong đó hai trường từ chối và ba trường đưa em vào danh sách chờ. “Lúc đó em đã rất khủng hoảng, đặc biệt khi một trường từ chối vì khả năng tài chính của em không cao như điều kiện họ đặt ra”, Tiên nói.

Dù thất vọng, Tiên nghĩ không thể nâng mức tài chính lên bởi bố mẹ chỉ là công chức nhà nước bình thường, thu nhập chỉ đủ chi tiêu. Tiên phải ngồi xem lại những hạn chế khiến em chưa thuyết phục được nhà tuyển sinh. Em tự nhủ sẽ tự tạo cơ hội cho mình trong đợt tuyển sinh vào tháng 1/2020. Cuối cùng, em đạt được nguyện vọng khi nhiều trường gọi tên. Tiên quyết định lựa chọn Đại học Denison bởi trường có thế mạnh đào tạo ngành Kinh tế.

Cô Ngô Huyền Phương Nghi, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Anh 1 trường chuyên Lương Văn Chánh, dùng hai chữ “xuất sắc” khi nói về Bảo Tiên. Cô Nghi cho biết Tiên là thủ khoa đầu vào, môn tiếng Anh luôn dẫn đầu khối, thậm chí thi với anh chị trên một lớp cũng đứng đầu. Em còn đứng ra tổ chức nhiều hoạt động của lớp, câu lạc bộ để giúp học sinh khác học tiếng Anh.

“Tỉnh nhỏ, phong trào du học không mạnh, Tiên phải tự tìm tòi. Em lựa chọn theo đúng đam mê và thực lực của mình chứ không theo ý kiến, sự sắp xếp của ai cả. Đó là điều tôi đánh giá cao và cũng rất tự hào”, cô Nghi nói.

Hiện, dù đã trúng tuyển đại học Mỹ, Tiên vẫn tham gia hoạt động cùng câu lạc bộ tiếng Anh và một số dự án thanh niên. Do ảnh hưởng của Covid-19, nữ sinh dự định “gap year” (bảo lưu) một năm. “Em chỉ định nghỉ một kỳ để dịch lắng xuống rồi qua Mỹ nhưng trường chỉ có chính sách bảo lưu một năm”, Tiên nói về quyết định mà em chưa từng nghĩ tới. Em cũng vạch ra kế hoạch sẽ dành một năm tới để phát triển bản thân, xây dựng các dự án của riêng mình, xin đi thực tâp, trải nghiệm để trau dồi kiến thức, kỹ năng trước khi sang Mỹ.

Theo VnExpress

Share.

Leave A Reply