Nữ tiến sĩ Kinh tế tại Hà Lan và khát vọng hỗ trợ người Việt thành công dân toàn cầu

0

Sẵn sàng du học – Tốt nghiệp thạc sĩ Chính sách công và tiến sĩ Kinh tế học tại Hà Lan, Lê Quỳnh Nga hiện đang làm tư vấn quốc tế cho UNICEF. Dù đã lấy chồng và chuẩn bị chuyển sang Thụy Sĩ làm việc, cô gái Việt vẫn không ngừng hướng về quê nhà với những hoạt động phi lợi nhuận thiết thực nhằm hỗ trợ các bạn trẻ theo đuổi giấc mơ trở thành công toàn cầu.

Tiến sĩ Lê Thị Quỳnh Nga (Nga Leopold)

Sinh năm: 1987

Tốt nghiệp trường Đại Học Kinh Tế Quốc Dân Hà Nội năm 2009

Tốt nghiệp thạc sĩ chính sách công và tiến sĩ kinh tế học tại Đại Học Maastricht, Hà Lan

Hiện đang làm tư vấn quốc tế cho UNICEF cùng với các giáo sư người Hà Lan. Từ đầu năm 2020, Nga sẽ bắt đầu làm việc ở một tổ chức quốc tế ở Geneva, Thụy Sĩ.

Thành tích nổi bật:

– Học bổng toàn phần Thạc sĩ (High Potential Scholarship)

– Học bổng toàn phần Tiến sĩ (UNU-MERIT Fellowship)

– Giải Vàng Thắp Sáng Tài Năng Kinh Doanh Trẻ 2008

– Giải Nhì Cuộc thi Dynamic Sinh Viên Nhà Doanh Nghiệp Tương Lai 2009. Được đi Mỹ gặp gỡ bà Indra Nooyi, chủ tịch và CEO của Pepsi Co toàn cầu và giao lưu với sinh viên và giáo sư MBA tại ĐH Georgetown ở Washington D.C.

Trở thành một phiên bản hạnh phúc hơn sau 5 năm…

PV: Quỳnh Nga có thể chia sẻ về quá trình học thạc sĩ và tiến sĩ tại Hà Lan? Tại sao chị lại chọn theo đuổi hai lĩnh vực là Chính sách công và Kinh tế học?

Quỳnh Nga: Mình học Thạc sĩ về Chính sách công và Tiến sĩ về Kinh tế học ở Viện nghiên cứu UNU-MERIT (thuộc khoa Kinh Doanh và Kinh Tế – School of Business and Economics) của Đại Học Maastricht, Hà Lan.

Từ trước khi học thạc sĩ, mình rất quan tâm về giảm nghèo và các vấn đề chính sách toàn cầu, vì vậy học kì hai của chương trình thạc sĩ mình đã chọn chuyên ngành An sinh xã hội và Chính sách y tế được giảng dạy bởi rất nhiều chuyên gia cao cấp đến từ Tổ chức Lao động Quốc tế ILO (Geneva).

Sau đó, mình may mắn có học bổng Tiến sĩ nên học tiếp chuyên sâu ngành Kinh tế học y tế (Health economics) và nghiên cứu về chính sách y tế ở các nước đang phát triển đồng thời áp dụng vào trường hợp của Việt Nam.

Nói chung, mình là người ủng hộ "An sinh xã hội dành cho tất cả mọi người" (universal social protection) và "chăm sóc y tế chất lượng, giá cả phải chăng, có khả năng tiếp cận dành cho tất cả mọi người" (universal health coverage).

Mình tin rằng an sinh xã hội và chăm sóc y tế là hai quyền cơ bản của con người, và mình mong có thể góp một hạt cát nhỏ trong sa mạc tri thức và nguồn nhân lực của thế giới để hiện thực hóa hai mục tiêu này trong thời đại mình đang sống.

Tiến sĩ Lê Thị Quỳnh Nga

Tiến sĩ Lê Thị Quỳnh Nga

Sau những năm học tập nghiên cứu tại Hà Lan, chị có chia sẻ gì về trải nghiệm thú vị và điểm đặc trưng nhất của nền giáo dục tại quốc gia này?

Có rất nhiều điều để nói về nền giáo dục Hà Lan, nhưng nếu phải chọn một đặc trưng nổi bật nhất thì có lẽ là triết lý giáo dục – điều chi phối toàn bộ hoạt động của nền giáo dục Hà Lan.

Người Hà Lan có rất nhiều giá trị cốt lõi được thể hiện rõ rệt trong nền giáo dục: dân chủ, tự do và bình đẳng. Hà Lan là một nền giáo dục không phân biệt thứ bậc, học sinh là trung tâm và bình đẳng tranh luận với thầy giáo.

Kỉ niệm mình nhớ nhất khi học ở đây là thầy giáo của mình đã trêu mình trước cả lớp khi mình hay gọi thầy là ngài và giáo sư (sir, professor) khi mình giơ tay đặt câu hỏi.

Thầy giáo của mình là người Đức, lúc đó là một sếp cấp cao ở ILO, và cũng là giáo sư ở nhiều trường Đại học tại Đức, và theo mình biết thì thầy là người quy hoạch lại hệ thống lương hưu của rất nhiều quốc gia, nên mình đã dùng văn hóa tôn sư trọng đạo của người Việt để gọi thầy một cách trang trọng. Nhưng thầy đã trêu mình trước cả lớp và đề xuất là “em hãy gọi thẳng tên của tôi”.

Hôm đó các bạn trong lớp được một trận cười nghiêng ngả, còn mình cũng nhớ câu chuyện vui này suốt đời. Kể câu chuyện trên để cho thấy rằng ở Hà Lan học sinh không cần phải sợ thầy giáo hay mặc nhiên mình thấp hơn thầy, nếu có quan điểm khác với thầy thì bạn có quyền tự do trao đổi. Vì vậy, thầy giáo của mình đã gỡ đi rào cản thứ bậc ngay trước khi mình đặt ra câu hỏi của mình cho thầy.

Mặc khác, với tư cách là người học và từng trợ giảng ở cùng một chương trình Thạc sĩ Chính sách công, mình nhận thấy tốc độ đổi mới chóng mặt ở Hà Lan trong giáo dục, giáo trình cập nhật liên tục, chất lượng ngày càng được cải thiện dựa trên phản hồi từ người học và người dạy.

Như chị nói, chất lượng giáo dục ở Hà Lan “cải tiến không ngừng”, vậy sau 5 năm ở Hà Lan, chị nhận được gì?

Sau hơn 5 năm ở Hà Lan, mình nhận thấy việc đổi mới không ngừng này không chỉ có trong giáo dục mà có ở khắp mọi nơi trong đời sống.

Ví dụ, nếu mình đi xe đạp và thấy chỗ khúc cua này có đèn đỏ đặt không hợp lý lắm, mình chỉ nghĩ như vậy trong đầu thôi, nhưng một vài tuần sau đã thấy họ sửa rồi.

Có lẽ hệ thống cải thiện không ngừng được hỗ trợ bởi thể chế dân chủ, có những vòng phản hồi và phản biện liên tục. À, ở Hà Lan, nếu bạn không hài lòng về bất cứ việc gì thì bạn có thể viết email cho chính quyền thành phố nhé.

Mình chỉ tóm gọn lại, sau hơn 5 năm ở Hà Lan, mình thật sự trở thành một phiên bản khác của chính mình, một phiên bản hạnh phúc hơn và hiểu rõ bản thân hơn với rất nhiều kiến thức và kĩ năng mới.

Để trở thành công dân toàn cầu, không nên tự giới hạn bản thân

Được biết, hiện chị đang tham gia tư vấn cùng với team Hà Lan cho một dự án UNICEF để sửa luật chính sách Bảo trợ xã hội ở Việt Nam (cùng với Bộ Lao Động TBXH)? Chị có thể chia sẻ cụ thể hơn?

Trước khi mình bảo vệ tốt nghiệp Tiến sĩ vào tháng 9 vừa qua, nhóm của mình ở Viện UNU-MERIT may mắn được UNICEF chọn để tham gia cùng rất nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế khác để hỗ trợ Bộ sửa nghị định 136 về bảo trợ xã hội.

Đây là một may mắn hiếm có vì ngay khi tốt nghiệp mình đã có cơ hội để áp dụng ngay những gì mình được học vào một dự án thú vị. Mình hiện chỉ đóng vai trò là một tư vấn trong nhóm, cùng với chuyên gia hơn 20 năm kinh nghiệm quốc tế về chủ đề này.

Điều mình có thể nói là Việt Nam hiện đang tăng thu nhập bình quân rất nhanh nhưng đồng thời bất bình đẳng thu nhập cũng tăng nhanh.

Vì vậy, đây là lúc quan trọng để Việt Nam đầu tư nhiều hơn và hỗ trợ những nhóm yếu thế, những nhóm có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bộ Lao động TB&XH đang đi đúng xu hướng quốc tế và chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng vào tương lai.

Đầu năm 2020 chị sẽ chuyển sang làm việc ở một tổ chức quốc tế có trụ sở chính ở Geneva. Cơ duyên nào mình làm việc tại đây? Chị có cần vượt qua thử thách nào để có vị trí này?

Geneva là một trong những trung tâm xây dựng chính sách toàn cầu ở Châu Âu do sự hiện diện của Liên Hợp Quốc và rất nhiều các tổ chức quốc tế ở đây.

Là một người học chính sách công và kinh tế học, mình rất may mắn được sống ở Geneva. Xin phép không tiết lộ cụ thể về công việc này và tên tổ chức, vì mình vừa mới kết thúc thương thảo với sếp tương lai cách đây mấy ngày thôi.

Thị trường lao động ở Geneva cạnh tranh khá khốc liệt vì các tổ chức quốc tế thường tuyển ứng viên toàn cầu. Để tìm được việc ở Geneva thì phải không ngừng tìm kiếm và cần rất rất rất nhiều may mắn.

Mình thì chắc do rất may mắn (mình hay nói đùa là hôm đấy cụ Rùa Hồ Gươm nổi lên), lúc sắp bảo vệ luận văn Tiến sĩ mình đã nhìn thấy trên tweeter một công việc phù hợp gần như 90% với kinh nghiệm và bằng cấp của mình.

Việc tiếp theo là mình phải nộp đơn, qua vòng xét duyệt hồ sơ, vòng thi kiếm tra kiến thức (3 tiếng), lọt vào vòng tiếp theo thì mình đi phỏng vấn (45 phút) với hội đồng. Nói chung quy trình cũng rất chuẩn giống như nhiều tổ chức lớn khác.

Tốt nghiệp thạc sĩ chính sách công và tiến sĩ kinh tế học tại Đại Học Maastricht, Hà Lan, Quỳnh Nga chuẩn bị chuyển sang Thụy Sĩ làm việc.

Tốt nghiệp thạc sĩ chính sách công và tiến sĩ kinh tế học tại Đại Học Maastricht, Hà Lan, Quỳnh Nga chuẩn bị chuyển sang Thụy Sĩ làm việc.

Để có được những thành quả như ngày hôm nay, những bí quyết cơ bản của chị là gì? Chị có chia sẻ kinh nghiệm nào với các bạn trẻ Việt muốn thành công với ước mơ trở thành công dân toàn cầu?

Việc đầu tiên và quan trọng nhất là hãy học tiếng Anh, và nếu có thể là nhiều ngôn ngữ khác nữa. Nếu học tiếng Anh thì hãy học để trở nên thật siêu, đừng dừng lại khi đủ tiêu chuẩn vào học ở một trường tốt.

Các bạn trẻ nên có tài khoản Tweeter và Linkedin, các chuyên gia đầu ngành phần lớn đều dùng hai mạng này để chia sẻ nhiều điều cập nhật nhất đang diễn ra.

Mình lưu ý là các bạn phải trông chuyên nghiệp nhé, nhiều bạn còn dùng ảnh đời thường để dùng làm ảnh trên Linkedin, có lẽ các bạn không hiểu đây là mạng tuyển dụng lớn nhất thế giới – nơi các nhà tuyển dụng tiềm năng đang nhìn vào bạn.

Sau cùng, mình nghĩ học ở một trường Đại học tốt có danh tiếng là một lợi thế trong việc may mắn mỉm cười với mình. Học ở trường lớn còn có lợi thế về mạng lưới cựu sinh viên.

Vì vậy, nếu có ước mơ du học và trở thành công dân toàn cầu, các bạn trẻ không nên tự giới hạn bản thân mình. Hãy đặt mục tiêu thật cao, mơ thật lớn, để mặc dù không đạt được mục tiêu cao ấy thì bạn cũng sẽ trở nên tốt hơn chính bạn của ngày hôm qua.

Miễn là bạn đừng nản chí khi không đạt mục tiêu cao (vì không đạt được mục tiêu cao là chuyện hết sức bình thường, dễ hiểu mà phải không?)

Góp “hạt cát” vào sa mạc thế giới

Phương châm sống của chị là gì?

Theo nhân sinh quan của mình, thế giới này – dù có do ai tạo ra đi nữa – không có mấy ý nghĩa thực sự. Vì vậy khi còn có duyên ở thế giới này thì mình muốn nhìn thấy thế giới lúc mình rời đi sẽ là một nơi tốt đẹp hơn lúc mình đến. Mỗi người là một hạt cát trong sa mạc tri thức và nguồn lực của thế giới.

Vì vậy, không được cho là mình quan trọng mà phải nghĩ mình cũng chỉ là một phần dòng chảy của sa mạc thế giới. Mình muốn góp hạt cát của mình vào sa mạc, chỉ đơn giản vậy thôi.

Chị đã, đang có những hoạt động, dự án nào hướng về quê nhà không?

Là một thí sinh đã từng thi Olympia, mình cùng anh Nguyễn Thanh Tùng (thi Olympia năm nhất) đã thành lập nên cộng đồng Olympians Tư vấn Du học để đưa tin về học bổng và các cơ hội phát triển bản thân cho người Việt.

Tháng 12 này mình có chuyến công tác về Hà Nội, lại gần đúng dịp tết Dương lịch nên mình muốn tận dụng cơ hội này để tổ chức một chuỗi sự kiện Truyền lửa đam mê với chủ đề “Du học và Tư duy toàn cầu” tại Hà Nội và Hồ Chí Minh.

Mình đã cố gắng mời rất nhiều siêu sao, trong đó có chuyên gia 4.0 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và các anh chị đã từng học ở Harvard, Cambridge, hoặc từng nhận học bổng Chevening, Erasmus Mundus, học bổng chính phủ Ireland (IDEAS), học bổng chính phủ New Zealand… để chia sẻ và “truyền lửa” cho mọi người.

Cô gái Việt có trái tim ấm áp hướng về quê nhà bằng những hoạt động thiết thực hỗ trợ bạn trẻ trở thành công dân toàn cầu.

Cô gái Việt có trái tim ấm áp hướng về quê nhà bằng những hoạt động thiết thực hỗ trợ bạn trẻ trở thành công dân toàn cầu.

Ước mơ của chị, đến thời điểm hiện tại chị đã thực hiện được nó chưa?

Ngày bé ước mơ của mình chỉ là được đi du lịch được hơn 20 quốc gia và nhìn ngắm thế giới, bởi vậy nên mình đã bò ra học tiếng Anh để được đi chơi (cười).

Lúc đó mình nghĩ là 20 nước là nhiều lắm ấy, nhưng không ngờ lại được sống ở Liên Minh Châu Âu – nơi không có biên giới và có thể đi lại dễ dàng, nên con số 20 mình đã đạt được từ vài năm trước rồi.

Giờ ước mơ của mình là có một sống rất bình thường giản dị, buổi sáng có thể uống một tách trà, buổi tối có thể đọc một quyển sách, và có đủ ăn đủ mặc thôi. Mình không có mơ ước gì to lớn cho bản thân, chỉ mong cầu tất cả mọi người đều được bình an.

Về dự định cá nhân, mình sẽ cố gắng làm việc chăm chỉ để hướng đến hiện thực hóa các quyền con người, đặc biệt là quyền tiếp cận chăm sóc y tế chất lượng và quyền được bảo đảm an sinh xã hội. Hai mục tiêu này cũng đủ để mình làm việc chăm chỉ suốt đời rồi!

Xin cảm ơn chị về những chia sẻ chân thành.

Cá Domino (SSDH) – Theo dantri

Share.

Leave A Reply