SSDH – Có lẽ ý niệm tìm việc làm và định cư tại Úc sau khi hoàn thành chương trình học tập của mình đối với sinh viên Việt Nam không còn là mới. Thế nhưng, tìm được việc làm ở Úc rồi có giúp hầu hết sinh viên Việt Nam đạt được mong muốn của mình hay không?
Du học tự túc: ở lại Úc tìm việc
Con số du học sinh tự túc chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng số sinh viên Việt ở Úc. Chính vì không bị ràng buộc phải quay trở về nước làm việc nên sinh viên thường ở lại Úc tìm việc làm sau khi ra trường. Kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài, vốn tiếng Anh được nâng cao là những lý do khiến họ muốn ở lại. Hơn thế nữa, có được một việc làm toàn thời gian (full time) ở các công ty Úc sẽ giúp họ thu lại số tiền đã đầu tư cho những năm học tập ở Úc. Một phép tính nhỏ được đưa ra như sau: học phí mỗi năm là gần 20,000 đô la Úc (AUD), do đó số tiền học phải chi cho vài năm ở Úc có thể lên đến hàng tỷ đồng (chưa kể đến sinh hoạt phí). Để thu hồi lại nó thì có thể bạn phải mất hàng chục năm đi làm ở Việt Nam. Trong khi đó, mức lương tối thiểu hàng năm cho sinh viên mới ra trường ở Úc từ 30,000 – 50,000 AUD tùy thuộc vào vị trí và tính chất của từng công việc cụ thể và có tăng lên theo luật định. Do đó, việc thu lại số tiền đã bỏ ra cũng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, để được ở lại Úc hợp pháp không phải là chuyện đơn giản. Trừ trường hợp sinh viên được một công ty ở Úc bảo lãnh visa làm việc (working visa) theo loại 457 với thời hạn là 4 năm, còn đâu bạn sẽ phải xin được thường trú (Permanent Resident – PR) thì mới được phép ở lại Úc làm việc và sinh sống.
Rất nhiều du học sinh đã đăng ký thêm một khóa học khác cho đủ thời gian 2 năm học tập ở Úc – một trong những điều kiện xin PR. Một số người khác lại chọn những nghề ‘hot’ mà Úc đang thiếu lao động để học như: cắt tóc, nấu ăn, trông trẻ … với hy vọng sẽ có được PR. Tuy nhiên, chi phí cho một khóa học nghề cũng đắt đỏ chẳng kém các ngành học khác nên đây là một vấn đề khá nan giải với sinh viên. Vì thế họ vừa học nghề lại vừa phải ‘cày’ cật lực để trang trải mọi chi phí. Xem ra, cái giá của PR quả là không nhỏ!
Hơn nữa, theo luật mới sẽ có hiệu lực vào tháng 9/2007 thì chỉ có sinh viên nào tìm được việc làm toàn thời gian và phù hợp với ngành học thì mới đủ điều kiện để xin PR. Như vậy là chính sách nhập cư của Bộ Di Trú Úc đang ngày càng thắt chặt và việc học nghề cũng ẩn chứa rủi ro vì không ai có thể khẳng định sẽ tìm được việc làm phù hợp sau khi học xong.
Ở lại làm việc tại Úc có dễ hay không? (Nguồn ảnh: Paddy Connect).
Phần lớn du học sinh Việt không tìm được việc làm
Việc làm được nhắc đến ở đây là công việc phù hợp với chuyên ngành được đào tạo của du học sinh. Phần lớn sinh viên đều muốn tìm được một việc làm ở các văn phòng ở Úc sau khi ra trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số đông du học sinh Việt không xin được những công việc phù hợp như mong đợi. Và không phải là ngẫu nhiên mà Bộ Di Trú Úc lại đưa ra yêu cầu sinh viên phải có việc làm thì mới được PR như đã nói ở trên mặc dù trong những năm gần đây, lực lượng lao động trong rất nhiều ngành nghề ở Úc đang thiếu trầm trọng và Chính phủ Úc cũng có chủ trương thu hút nguồn chất xám từ sinh viên quốc tế đang học tập, sinh sống trên nước Úc.
Có một nghịch lý vẫn đang diễn ra trên thị trường lao động của Úc hiện nay là mặc dù rất nhiều sinh viên quốc tế, trong đó có Việt Nam, xin được PR để ở lại nhưng lại không thể tìm được việc làm nơi công sở hoặc các công ty mà đại đa số ‘đầu quân’ cho các dịch vụ trái nghề như: bán hàng, chạy bàn, phụ bếp, bán rau quả… Do đó, nguồn nhân lực chất lượng cao ở các doanh nghiệp vốn đã thiếu lại vẫn hoàn thiếu! Có lẽ vì lý do này mà Chính phủ Úc mới có dự định hạn chế việc cấp PR cho sinh viên quốc tế.
Một thực tế đáng buồn là phần lớn du học sinh Việt Nam học xong đi lao động chân tay ở Úc. Tất nhiên tiền công được trả của họ cũng không hề kém những người làm công sở, thậm chí còn cao hơn trong một số trường hợp. Mặc dù vậy, đó cũng vẫn chỉ là những nghề lao động phổ thông, không đòi hỏi nhiều kiến thức và chất xám nên vô hình trung đây quả là một sự lãng phí nguồn lực con người. Hơn nữa, nếu trong một khoảng thời gian dài sau khi ra trường sinh viên không tìm được việc làm đúng ngành nghề được đào tạo thì những kiến thức được học sẽ bị mai một dần – một sự lãng phí tiền của, công sức học tập!
Vậy đâu là nguyên nhân chính khiến cho du học sinh Việt rất khó tìm được một việc làm phù hợp sau khi ra trường?
Lý do tại sao?
Theo Lãnh sự quán Úc tại TPHCM, tính đến hết tháng 12/2006, số sinh viên học sinh Việt Nam đang theo học ở các cơ sở đào tạo tại Úc đã đạt đến con số kỷ lục 7,000 người. Như vậy, lượng du học sinh Việt Nam tốt nghiệp hàng năm và có nhu cầu tìm việc làm ở Úc là rất lớn.
Có thể nói nguyên nhân đầu tiên và cơ bản là tiếng Anh của sinh viên Việt còn kém nên chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc ở Úc. Đây là một nhược điểm chung của sinh viên Việt nói riêng và Châu Á nói chung. Kết quả học tập không phải là yếu tố quyết định tất cả để được nhận vào làm việc trong một công ty ở Úc, mặc dù nó rất quan trọng trong việc đánh giá tư duy cũng như khả năng của người xin việc. Đã có khá nhiều sinh viên có kết quả học tập tốt nộp đơn xin việc nhưng lại bị loại ở vòng phỏng vấn vì tiếng Anh kém. Điều này đặc biệt quan trọng với những ngành nghề cần khả năng giao tiếp tốt và ăn nói hoạt bát như marketing, phục vụ và tư vấn khách hàng…
Bên cạnh đó, một nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng là du học sinh Việt Nam còn nhút nhát, thiếu sự tự tin khi thi tuyển việc làm. Tâm lý e dè, lo ngại không làm được việc cộng vốn tiếng Anh chưa tốt cũng khiến nhiều người không ‘dám’ nộp đơn vào các vị trí tuyển dụng của các công ty. Tuy bộ phận sinh viên này chỉ là nhỏ nhưng cũng là lý do khiến một số người vẫn tiếp tục đi làm các công việc chân tay ở các khu chợ người Việt và Tây mặc dù đã tốt nghiệp một thời gian khá dài trước đó.
Nguồn: Vtcorp