‘Phế tích tráng lệ’: Còn lại yêu thương, còn lại một mối tình

0

Sẵn sàng du học – Jess Walter viết “Phế tích tráng lệ” năm ông 31 tuổi. Và khi dòng cuối cùng của quyển sách đầy chất thơ hoàn thành, ngẩng mặt lên, ông đã bước qua tuổi 46.

Phế tích tráng lệ như một cuốn phim lấy cảm hứng từ thời hoàng kim của Hollywood, đằng sau ánh đèn rực rỡ, phục trang màu sắc là nỗi dằn vặt giữa mộng tưởng và thực tế mà thường thì thực tế sẽ chiến thắng, là những ngọt-đắng cuộc đời mà người ta va đập và cố ghìm lại dục vọng để đi con đường đúng đắn.

Tác phẩm Phế tích tráng lệ của nhà văn Jess Walter.

Tác phẩm Phế tích tráng lệ của nhà văn Jess Walter.

Đường biên của những giấc mơ

Pasquale sinh ra và lớn lên ở một làng chài nghèo của Italia, một bên là vịnh hẹp Porto Vergogna du khách chỉ ghé đến nếu lỡ như có một sự nhầm lẫn, một bên là núi đá cao. Giấc mơ của cậu là một ngày nào đó sẽ biến ngôi làng hẻo lánh này thành thiên đường du lịch với bãi cát dài trắng muốt, với sân quần vợt nhô ra trên vách núi.

Tương tự như Pasquale, tất cả các nhân vật trong truyện, ở không gian và thời gian nào, đều ấp ủ cho bản thân những mộng tưởng. Dee Moray ao ước trở thành một diễn viên hạng A tại Hollywood, Alvis Bender muốn trở thành một nhà văn, Claire Silver mong trở thành nhà sản xuất phim, Shane Wheeler muốn là một nhà biên kịch giỏi với bài pitch phim về đoàn người Dooner ăn thịt đồng loại, Pat Bender – con nghiện thứ thiệt của sự nổi tiếng.

Thế nhưng, những ao ước đó đều là vỏ bọc bền ngoài cố che giấu đi thực tại bất thường mà các nhân vật khó lòng chấp nhận hoặc dũng cảm đối mặt. Đó là nỗi ám ảnh của chiến tranh, cái đói, cái chết, sự thiếu ăn, nỗi trống rỗng, chán chường, niềm tin vụn vỡ, là thoát khỏi nghèo nàn, những mối quan hệ rối rắm, không lối thoát.

Duy nhất một người tỉnh táo là Michael Dean, vị trưởng lão của Hollywood. Sự tỉnh táo của Dean theo thời gian càng sắc lạnh, đặt quyền lợi của tiền bạc, của hãng phim lên trên mọi thứ.

Dean không có giấc mơ, không có khát vọng, Dean chỉ có sự nhạy bén và tinh ranh của một con cáo già, cờ đến tay thì phất. Và một khi đã phất thì cứ ở trên đỉnh cao danh vọng đó mà đi. Không hối lỗi, không dằn vặt, mặc kệ tất cả bị nghiền nát. Đó cũng chính là quy luật vận hành của nền công nghiệp giải trí. Khắc nghiệt, tàn bạo và không có tình người ư?

Tùy thuộc vào góc nhìn và sự chấp nhận của mỗi cá nhân. Bởi màn bạc lấp lánh cần những con người có tố chất đặc biệt cũng như độ điên nhất định mà vẫn hết sức đắm say như Richard Burton, như Elizabeth Taylor. “Họ kiêu căng, ích kỷ, chẳng màn gì đến người khác” – nói như Dean. Hollywood bán những giấc mơ, cuộc đời thắp lên những mộng tưởng nhưng cần một cái đầu lạnh để vận hành, duy trì nó. Dean là minh chứng điển hình.

Khi giấc mơ va chạm thực tế, khi dục vọng buộc phải tỉnh táo để lựa chọn, để cân nhắc giữa bổn phận và số phận, Walter đặt các nhân vật của ông trước hai cánh cửa, chọn lối đi nào là quyền của họ. Bởi, nó không chỉ là sự vần xoay của số phận mà còn là bản lĩnh của mỗi người.

Giấc mộng màu hồng tan vỡ, thực tại thắng thế hay đã đến lúc dọn lòng đối diện với những nỗi đau ăn mòn chính mình bấy lâu? Liệu có thể có một tình yêu trong thế giới bất chấp mọi thứ và đầy nhẫn tâm, lợi dụng nhau? Nó cũng tương tự câu hỏi của bất kỳ người làm phim nào, liệu có thể có một tác phẩm nghệ thuật đích thực trong nền văn hóa chuộng sự giải trí theo nhu cầu của đại đa số công chúng?

Jess Walter đã mất 15 năm để hoàn thành tác phẩm Phế tích tráng lệ.

Jess Walter đã mất 15 năm để hoàn thành tác phẩm Phế tích tráng lệ.

Chạm vào thực tại

Jess Walter viết Phế tích tráng lệ năm ông 31 tuổi. Và khi dòng cuối cùng của quyển sách đầy chất thơ hoàn thành, ngẩng mặt lên, ông đã bước qua tuổi 46.

Nếu có điều gì đặc biệt trong cuốn sách best-seller ngốn mất của Walter hết 15 năm này thì đó chính là thời gian, là tuổi trẻ, là những trải nghiệm một khi đã đi qua, người ta cần lắng lại để trải lòng hoặc trút bỏ. Tựa như những nhân vật trong truyện cần thời gian để trưởng thành, để vỗ về những nỗi đau, sai lầm của tuổi trẻ và gạn đục những dục vọng trong lòng. Để khi ngoái lại, có thể mỉm cười nhìn những trầm tích đã gieo.

Lấy cảm hứng từ thời kỳ hoàng kim của Hollywood, và bằng sự am hiểu tường tận ngóc ngách của ngành công nghiệp giải trí, Walter rất khéo léo cài cắm câu chuyện của ông cùng những nhân vật có thật khiến tính thuyết phục của nó ở mức tuyệt đối.

Sự cuốn hút của quyển sách nằm ở chất thơ và những hình ảnh như một khung hình điện ảnh, đẹp và buồn, rực rỡ và choáng ngợp, u ám và bế tắc,… trong khoảng không gian và thời gian được cài cắm phức điệu, đan xem vô cùng hợp lý. Đáng tiếc phần nửa sau, khi Pasquale chọn được cánh cửa cho anh cũng là lúc, các nhân vật tìm được lối ra cho con đường của họ, tính thơ của tác phẩm giảm nhiệt, nhịp truyện trở nên vội vã như chính hành trình của ông cụ Pasquale trên đất Mỹ trong thời hiện đại.

Trên tất cả, Phế tích tráng lệ được viết bằng trải nghiệm và sự song hành trưởng thành của tác giả, nên nó khiến người đọc xúc động và suy ngẫm hơn là tiêu khiển đơn thuần. Nó là một tiếng cười giòn giã nhưng đau đớn và đắng cay vào xã hội hiện đại phồn tạp, vào trí nhớ hời hợt của những kẻ tự cho mình quyền nắm trong tay số phận người khác,…

Có rất nhiều chiêm nghiệm từ quyển sách, ở mỗi góc nhìn của nhân vật, thật khó để chọn ra đây một vài câu đáng nhớ. Cách tốt nhất là, hãy thử chiêm nghiệm cùng tác giả.

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing.vn

Share.

Leave A Reply