Sẵn sàng du học – Với việc Mỹ cùng nhiều nước phương Tây đang đề xuất các biện pháp nhằm siết chặt chính sách nhập cư, trước nguy cơ tiềm tàng này, du học sinh cần có những thay đổi để thích ứng với những môi trường mới.
Xác định rõ “đích”
Nguyễn Phương Anh – cử nhân ĐH Franklin & Marshall (Hoa Kỳ), giành học bổng toàn phần bậc thạc sĩ tại ĐH Georgetown – nhận định các chính sách mới thắt chặt về nhập cư chưa có tác động tiêu cực tức thời đến du học sinh Việt Nam. “Bởi khi Tổng thống Mỹ đưa ra một quyết định, với chế độ tam quyền phân lập, các quyết định này cần thông qua lưỡng viện. Bên cạnh đó, quyền lực của các bang tại Mỹ rất lớn, đa số các trường đại học là trường tư, coi trọng vai trò và những đóng góp của du học sinh quốc tế – những người có thể cống hiến cho nước Mỹ”, Phương Anh phân tích.
Có 4 năm học đại học và vừa xuất sắc giành 4 học bổng tiến sĩ/ thạc sĩ đất Mỹ, cô gái 9X này cho rằng, chính sách liên quan đến giáo dục của các bang và các trường đại học nói riêng (đặc biệt là trường tư) khó bị ảnh hưởng ngay. Do đó, những bạn trẻ có ý định du học Mỹ không nên hoang mang, lo lắng mà bỏ cuộc khi chưa bắt đầu.
Tuy nhiên, những chính sách mới của chính phủ Mỹ có thể ảnh hưởng đến tương lai của các du học sinh sau khi học tập 4 năm. Tân sinh viên ĐH Rice (Hoa Kỳ) Vũ Tuấn Minh lưu ý, ảnh hưởng quan trọng nhất của chính sách mới là gây khó khăn cho việc ở lại làm việc của sinh viên quốc tế. Sau 4 năm học, việc ở lại xin việc và xin visa H1B sẽ khó khăn hơn nhiều so với bây giờ. Bởi vậy, ngay từ khi có ý định du học, phụ huynh và học sinh nên trả lời rõ câu hỏi: Du học Mỹ để làm gì? Sau khi du học ở lại Mỹ làm việc, học tiếp lên cao hay quay về Việt Nam làm việc? Nên nhớ rằng chỉ có rất ít du học sinh có khả năng vượt trội có thể ở lại để cạnh tranh trong môi trường làm việc khắt khe tại Mỹ.
Nguyễn Phương Anh cũng đồng tình cho rằng, trước khi đi du học cả phụ huynh và bạn trẻ phải xác định mục đích đúng đắn. Nếu rất may mắn, du học sinh mới có thể tự lo cho bản thân chứ việc trả lại tiền “vốn đầu tư” của bố mẹ là cả một quá trình dài. Chính vì vậy, cô nàng 9X quan niệm du học để tăng cường kiến thức. Và trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, khi có kiến thức, kỹ năng và đam mê, bạn có rất nhiều cơ hội để cống hiến. “Tôi có nhiều người bạn đi du học ở các nước, sau khi học xong quay về nước làm việc cho các tổ chức quốc tế, các công ty và nhận mức lương rất cao, họ vẫn được sống theo đam mê và có cơ hội phát triển bản thân hoặc đến các quốc gia khác… Vì vậy, ở lại chưa hẳn đã là một phương án tốt”, Phương Anh chia sẻ.
Còn Vũ Tuấn Minh tâm sự: Cha mẹ kỳ vọng vào con khi du học là điều tất nhiên, mong rằng con học xong thì ở lại làm việc để kiếm tiền bù cho việc đầu tư du học tốn kém. “Ngay bản thân tôi cũng mong rằng, sau này tôi có thể lo cho em tôi học tập. Điều này tác động tốt đến du học sinh để cố gắng học tập. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu gia đình gây áp lực quá mức sẽ khiến con cái căng thẳng. Cha mẹ cho con du học nên để con học theo cách con muốn, tự tin với sự lựa chọn của mình”.
Cơ hội vẫn luôn rộng mở
Sẻ chia về bí quyết nộp hồ sơ du học Mỹ thành công, Tuấn Minh cho rằng, với mỗi bạn trẻ, khi đã đặt ra mục tiêu thì hãy vượt qua chính mình, tự tin vào bản thân và mạnh dạn dự tuyển. Đừng vì suy nghĩ có nhiều người giỏi hơn mình, sẽ không trúng đâu trở thành rào cản bản thân. Cần trải nghiệm nhưng phải có định hướng, tránh dàn trải để biết được mình thích gì, đi sâu vào lĩnh vực mình đam mê, từ đó sẽ có ý tưởng để viết bài luận và thể hiện tính cách của mình qua hồ sơ nộp cho trường.
Bên cạnh đó, mỗi người cần thay đổi quan niệm về sự thành công. Du học không phải con đường duy nhất để phát triển bản thân, Võ Tuấn Sơn (tốt nghiệp loại giỏi Học viện Ngoại giao, công tác tại Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc tại Việt Nam) – chàng trai chưa từng du học ở nước nào nhưng đang làm việc cho nhiều tổ chức quốc tế nhận định như vậy. Tuấn Sơn cho rằng, kiến thức trong nhà trường chỉ là một phần, quan trọng là bạn học tập được gì từ thực tế trải nghiệm với công việc. Chính vì thế, ngay từ khi còn là sinh viên Học viện Ngoại giao Việt Nam, Võ Tuấn Sơn đã tham gia rất nhiều hoạt động tình nguyện tại các tổ chức lớn như UNDP (Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc), SEAL.Net (Southeast Asian Service Leadership Network), iSEE (Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường)……
“Mình luôn làm 3 – 4 nơi cùng thời điểm, như hiện tại mình làm cho 3 dự án. Mình cho rằng, những nơi tôi làm việc đã cho tôi nhiều kiến thức nhất. Và vì làm ở những nơi khác nhau, có nhiều trải nghiệm khác nhau nên khi nhìn lại bảng công việc từng làm, bạn sẽ thấy có nhiều cơ hội hơn, khi gặp nhà tuyển dụng sẽ có nhiều điều để chia sẻ với họ”, Sơn tâm sự.
Tuấn Sơn cũng cho hay, sau khi học tập và làm việc tại Việt Nam, bản thân cũng muốn trải nghiệm học thạc sĩ về xã hội học ở nước ngoài. Khác với trước đây, Sơn đặt mục tiêu là phải học ở trường thuộc tốp đầu ở Mỹ nhưng bây giờ Sơn thấy không cần thiết phải như vậy. Các bạn trẻ có thể học ở các nước khác như Bắc Âu, Úc… nơi có nền giáo dục nổi tiếng không kém Mỹ. Việc mở rộng mối quan tâm trong việc học tập như vậy sẽ giúp mỗi người có thêm nhiều sự lựa chọn và cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều.
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Lao Động