Sinh viên Việt học cách chào ở Nhật Bản

0

SSDH – Cô giáo hướng dẫn chúng tôi cách chào sao cho đúng, tư thế đẹp nhất là đứng chụm chân lại, đổ người về phía trước ở phần eo, để chân và lưng vẫn giữ thẳng.

 

“Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, những buổi học ở Đại học Risshio đúng là có nhiều điểm mới lạ, giúp tôi được trải nghiệm cuộc sống làm một sinh viên Nhật “chính hiệu”.

 

9h sáng thay vì tiếng chuông, một buổi học bắt đầu khi tiếng đàn piano vang lên. Mặc dù chỉ khoảng 30 giây nhưng những giai điệu nhẹ nhàng của dương cầm khiến tôi và những người bạn thêm phấn chấn tinh thần để bắt đầu một ngày học mới. Trong những ngày đến trường với tâm trạng uể oải nhất, bản nhạc chính là liều thuốc tinh thần giúp tôi vực lại khí thế học tập.

 

Một buổi học thông thường sẽ có khoảng 2-3 tiếng đàn như vậy để báo giờ vào lớp và báo hết tiết. Lớp sinh viên Việt Nam của tôi vẫn hay đùa với nhau rằng nếu coi mỗi ngày đi học là một ngày được đến dự một buổi hòa nhạc với vài ba bản nhạc thì có lẽ trong 5 tháng sắp tới, chúng tôi sẽ còn được nghe ít nhất 150 buổi hòa nhạc nữa. Nếu có khác chăng thì đó là thay vì thưởng thức một cách liền mạch tất cả nhạc phẩm, xen giữa những giai điệu đó, chúng tôi được thả hồn vào từng con chữ tiếng Nhật và những bài học về đất nước Phù Tang.

 sinh%20viên%20Việt%20Nam.jpg

Các sinh viên Việt Nam ở Nhật Bản.

 

Khi học tại Đại học FPT, vào mỗi giờ học tiếng Nhật, tôi được dạy cách chào các thầy cô vào đầu và cuối giờ. Thói quen này vẫn được duy trì khi sang đây. Tôi còn nhớ như in những buổi học đầu tiên tại Đại học Risshio, khi tôi và các bạn trong đoàn đứng nghiêm và gập người chào, các thầy cô đã ngạc nhiên như thế nào. “Sugoine” (Tuyệt vời) – cô Ochiri, giáo viên dạy tiếng Nhật đã nói như vậy trong lần đầu tiên bước vào lớp. Cô Ochiri giải thích rằng hấu hết sinh viên quốc tế khi đến du học không có thói quen như vậy nên có chút chưa quen.

 

Cô cũng vui vẻ hướng dẫn chúng tôi cách chào sao cho đúng. Tư thế đẹp nhất là đứng chụm chân lại, đổ người về phía trước ở phần eo, để chân và lưng vẫn giữ thẳng. Cứ như vậy, đầu giờ cả lớp sẽ đồng thanh: “Kyou yoroshiku onegaishimasu” (Chào cô. Hôm nay xin được cô chỉ bảo) và khi ra về cả lớp sẽ cùng nói: “Arigatou gozaimashita. Shitsurei shimasu” (Em cảm ơn cô đã giúp đỡ. Em xin thất lễ ạ).

 

Điều đặc biệt ở các lớp học tại Đại học Risshio là trong lớp chỉ có bục giảng chứ không có bàn ghế dành cho giáo viên. Bạn có thể tưởng tượng được không, suốt 90 phút của tiết học các thầy cô đều đứng để giảng bài. “Bởi vì khi chúng tôi đứng trên bục giảng đều mang theo suy nghĩ mình là người phục vụ các em, là người có nhiệm vụ đưa các em đến với bến bờ tri thức nên không bao giờ dám phí phạm một giây nào. Sinh viên học đúng 90 phút mỗi tiết thì giảng viên cũng không có tích tắc nào ngồi không”, thầy giáo môn Lịch sử Nhật Bản trả lời một cách trìu mến khi tôi thắc mắc về vấn đề này. Chỉ một chi tiết nhỏ đó thôi, tôi đã có được một bài học về tinh thần trách nhiệm và sự nghiêm túc với thời gian của người Nhật.

 

Nhưng đó chưa phải tất cả. Tuần trước, tôi có một bài kiểm tra tập làm văn về món ăn của quê hương. Nào phở, nào chả cá, nào cốm, nào bánh chưng… tất cả những món ăn nổi tiếng của Việt Nam đều được kể đến trong các bài viết. Cô bạn Uyên ngồi kế bên kể về món chả nem ngon đến nỗi cô giáo còn nhắc bạn ấy phải dạy cô làm khi có thời gian rảnh. Còn tôi, vốn sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Sơn Tây đầy nắng gió nên đã chọn ngay món đặc sản lẩu cá chép (thực chất đó là món cá chép om dưa).

 

Ngày nhận lại bài kiểm tra, tôi khá bất ngờ khi đọc được những lời nhận xét của cô giáo: “Nhật Bản còn nhiều món ăn khác mà. Em hãy ăn thử đi nhưng sẽ không béo lên đâu”. Mãi sau này tôi mới biết người Nhật không ăn cá chép vì Nhật Bản được bao quanh bởi biển nên cá biển sẽ là món ăn chính, hơn hết cá chép cũng là một trong những con vật thiêng của Nhật Bản.

 

Thế đấy, ngay cả những thầy cô giáo tưởng chừng khó tính nhất cũng khiến tôi nhiều phen ngỡ ngàng vì sự gần gũi và thân thiện.

 

Nguyễn Hoàng Lâm

Sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật – Đại học FPT

Share.

Leave A Reply