Sức sống trăm năm công trình nghiên cứu về nghệ thuật tạo hình Huế

0

Sẵn sàng du học – Kể từ năm 1919, ở Việt Nam đã có những nghiên cứu khoa học về Nghệ thuật và nghệ nhân vùng Kinh thành Huế do những người Pháp yêu mến Huế thực hiện.

Ra đời từ năm 1913, Hội “Những người bạn Cố đô Huế” (A.A.V.H) và tập san Những người bạn Cố đô Huế (B.A.V.H) do Linh mục Léopold Cadière làm chủ bút với tinh thần “Sưu tầm bảo tồn và truyền đạt những dấu tích xưa về chính trị, tôn giáo, nghệ thuật và văn học châu Âu cũng như bản xứ, liên quan đến Huế và phụ cận”.

Tập san là diễn đàn học thuật để những nhà nghiên cứu Pháp – Việt công bố kết quả nghiên cứu công phu, có giá trị cao về các khía cạnh nổi bật của vùng đất Huế – trái tim của mảnh đất miền Trung, nhất là về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật.

Là một ấn phẩm đặc biệt của B.A.V.H (Số 1/1919), Nghệ thuật và nghệ nhân vùng Kinh thành Huế (L’Art à Hué) sau đó được in lại trở thành một tác phẩm độc lập với 398 trang trong đó có 176 trang viết cùng 222 trang phụ bản được thể hiện sinh động, độc đáo với nhiều hình vẽ và hình ảnh minh họa cả đen lẫn trắng.

Bộ sách tuy chỉ đề tên hai tác giả L. Cadière và E. Gras nhưng rõ ràng, xuyên suốt nội dung và phục lục sách đã cho thấy rõ đây thực sự là một công trình tập thể, được tổ chức thực hiện và điều hành dưới sự chủ biên của giả L. Cadière bởi tập san của Hội Đô thành Hiếu cổ hay trong số chuyên đề về nghệ thuật ở Huế nói riêng luôn có sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn trong giới nghệ thuật đương thời như họa sĩ Lê Văn Miến, Tôn Thất Sa, Lê Văn Tùng, Trần Văn Phềnh, Nguyễn Văn Nhơn/ Nguyễn Khắc Nhân…

Bố cục của ấn phẩm được cấu thành từ nhiều phần, mở đầu bằng một chương tổng quát trình bày về nghệ thuật ở Huế của L. Cadière, những phần còn lại viết về thành phố, nhà cửa, đồ đạc trang trí nội thất Huế của E. Gras. Sau những nhận định tổng quát về nghệ thuật Huế, L. Cadière bắt đầu tiếp cận chi tiết với từng phần cụ thể liên quan đến nghệ thuật tạo hình.

Đó có thể là những mô típ trang trí hình học, những thư pháp viết bằng chữ Hán được dùng trang trí, đề tài tĩnh vật, thực vật, động vật và phong cảnh… để cho độc giả có cái nhìn bao quát về tất cả những giá trị của kiến trúc Huế, từ những chi tiết nhỏ nhất đến sự sắp xếp của kiến trúc trong bức tranh cảnh quan rộng lớn của đất Thần Kinh. Phân tích từng ý nghĩa cụ thể của trang trí trong hệ thống những quan điểm của người Việt về cái đẹp, giá trị tâm linh và ý nghĩa biểu tượng của nó trong đời sống tinh thần người dân thời kỳ ấy.

ssdh-nghe-thuat-va-nghe-nhan-vung-kinh-thanh-hue

 

Nhưng giá trị của cuốn sách không chỉ có như vậy. Nghệ thuật và nghệ nhân vùng Kinh thành Huế vừa ghi chép, sao chụp lại những chi tiết của nghệ thuật trang trí của vùng Kinh thành Huế vừa giới thiệu quá trình, tư duy của những nghệ nhân, những người trực tiếp tạo lên sản phẩm, đặt nó vào trong hoàn cảnh lịch sử, thời đại và bối cảnh Việt Nam để đưa ra những nhận xét khách quan, khoa học, có hệ thống, khai mở những vấn đề mỹ thuật Huế dưới góc độ một công trình khoa học về nghệ thuật tạo hình.

Có nhận định cho rằng “người An Nam chưa từng ấp ủ những hoài bão lớn lao; những cung điện nguy nga, những đền đài đồ sộ chưa từng xuất hiện trong dự phóng người xứ này…họ chăm chút tô điểm cho những ngôi chùa nhỏ nhắn, những ngôi nhà thấp bé và thiếu sáng”.

Từ đó, nhóm tác giả đã trực tiếp nghiên cứu đến những chi tiết nhỏ bé đầy tính nghệ thuật, những nội thất, cột trụ cột được bào nhẵn thật công phu, sơn son thiếp vàng; những vách ngăn, cửa ra vào, xà nhà, tủ bàn và những đường cong nét lượn tinh tế điểm xuyết lá cành thanh thoát hay chạm lộng thật tỉ mỉ… được những người nghệ nhân khai thác để đạt được những hiệu ứng mỹ thuật trang trí tốt nhất.

Ngoài những lời khen ngợi, tác giả cũng cho rằng “người An Nam đã bỏ qua, bỏ quên tất cả những gì đòi hỏi sức mạnh tài năng, sáng tạo” khi so sánh với những nghệ sĩ Trung Hoa và Nhật Bản. Ngay từ 100 năm trước, với việc áp dụng những tư duy phân tích của phương Tây vào trong thực tế Việt Nam, L. Cadière đã thẳng thắn chỉ ra “một dân tộc nghèo thì tương ứng một nền nghệ thuật nghèo. Về mặt nghệ thuật, người An Nam chỉ thực hiện những cái không đòi hỏi nhiều thời gian, nhiều công sức. Nghệ nhân An Nam không để tâm đến những món mà có thể những người giàu có nhất cũng khó mở hầu bao ra theo đúng giá trị sản phẩm”.

Hoặc chính những sản phẩm nghệ thuật của người nghệ nhân lúc ấy đã bộc lộ ra rất nhiều bất cập vì đã “tự mình tự nguyện khép lại cuốn sách tự nhiên vô cùng của muôn loài, không tự vùi mình vào nghiên cứu thiên nhiên, từ đó tự làm cạn kiệt đi nguồn cảm hứng phong phú vô tận và rồi tự giam mình trong một chuỗi chủ đề truyền thống khá hạn chế”. Rõ ràng, chính những nguyên nhân khách quan và chủ quan đã khiến cho những sản phẩm của nghệ nhân Việt Nam trở lên tụt hậu so với những quốc gia Á Đông khác.

Một điểm mới lạ trong những cuốn sách đương thời, L.Cadière đã thực hiện một lối phân tích dựa trên việc nắm bắt và tôn trọng tâm lý của người Việt Nam thay vì dựa hoàn toàn vào cách áp đặt tư duy của người phương tây trên nghệ thuật trang trí Á Đông. Những nhận xét của ông và cộng sự không xuất phát từ sự ác ý, xem thường hay lặng mạ dân tộc trên quốc gia mình cai trị mà xuất phát từ chính sự yêu mến và cảm phục sự tinh tế trong trang trí kiến trúc Huế.

Ông khen sự mảnh dẻ, xinh xắn, ít tốn kém, dễ bảo trì sửa chữa trong nghệ thuật tạo hình trang trí nhưng lại chê sự nghèo nàn của đề tài, sự gò bó trong việc giải phóng những ý nhiệm và thực hành trong sáng tạo của người Việt với thái độ cảm thông và yêu mến với phong tục, tâm linh, bản sắc văn hóa Việt Nam.

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing

Share.

Leave A Reply