Tác phẩm châm biếm về sự tự sát

0

SSDH – Với chất liệu đã quá phổ biến trong nghệ thuật là “tự sát”, Jean Teulé có một hướng nhìn mới, lạ lùng hơn, hài hước hơn và cũng yêu đời hơn qua tiểu thuyết “Cửa hiệu tự sát”.

Khi xã hội loài người ngày càng phát triển, trái đất bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng, các thảm họa chiến tranh, môi trường diễn ra thường xuyên hơn, khi tội ác ngày càng gia tăng,thời sự chỉ toàn đưa tin về những điều tệ hại, và khi cuộc sống của mỗi cá nhân ngày càng nhiều áp lực, con người cũng có nhiều lý do để tìm đến cái chết sớm, trái với tự nhiên.

Chúng ta đã quá quen thuộc khi đọc những thông tin về các vụ tự sát do trầm cảm của người nổi tiếng, cũng không còn xa lạ với những tiểu thuyết viết về sầu bi và tự tử.

Nhưng bạn đã từng bao giờ nghĩ đến một cửa hiệu chuyên kinh doanh các mặt hàng, thiết bị dùng cho những người muốn tìm đến cái chết? Bạn đã từng bao giờ gặp được người bán hàng có thể tư vấn cho bạn những cách thức tự kết liễu đời mình phù hợp nhất, độc đáo nhất và thú vị nhất? Nếu chưa từng, hãy đến với Cửa hiệu tự sát của Jean Teulé, nơi mọi áp lực của cuộc sống, mọi mệt mỏi trong công việc, mọi thất vọng về bản thân, mọi nỗi đau tinh thần sẽ tan biến – một lần và mãi mãi.

Tiểu thuyết Cửa hiệu tự sát của nhà văn Pháp Jean Teulé.

Tiểu thuyết Cửa hiệu tự sát của nhà văn Pháp Jean Teulé.

Câu chuyện mở đầu bằng một cửa hiệu nhỏ, nơi không bao giờ có ánh nắng hồng vui tươi lọt vào, với khẩu hiệu độc nhất vô nhị: “Quý khách đã thất bại trong cuộc sống? Đến với chúng tôi, quý khách sẽ thành công trong cái chết.”

Cùng với tiêu chí này, cả gia đình người chủ cửa hàng đều là những người luôn buồn bã, chán nản với sự sống và rất giỏi trong việc chế tạo những chất liệu để giúp người khác giải thoát khỏi cuộc đời tệ hại.

Nếu Mishima, ông chủ cửa hàng, là một người lão luyện trong nghi thức tự sát seppuku theo phong cách võ sĩ đạo của Nhật Bản thì Lucrèce, bà vợ, lại là một chuyên gia về độc dược. Hai đứa con lớn của gia đình cũng được dạy bảo đúng theo truyền thống ngàn đời của gia đình: cậu con trai cả Vincent là nhà sáng chế tuyệt vời, người thừa kế hoàn hảo sự nghiệp của cha; cô con gái Marilyn luôn tin mình xấu xí, vô dụng, và rất hi vọng được phụ huynh cho phép chết.

Mọi thứ tưởng chừng đã đi vào quỹ đạo và rất hoàn hảo thì trớ trêu thay, đứa con trai út là Alan được sinh ra do sai lầm của cha mẹ với nụ cười trên môi. Và từ đó, mọi thứ đã hoàn toàn đảo lộn.

Với cốt truyện độc đáo, cách viết lém lỉnh, lối châm biếm nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu cay, Jean Teulé đã đưa người đọc đến một thành phố giả tưởng, nơi chúng ta có thể nhìn lại thế giới hiện thực mà chúng ta đang sống, về sự diệt vong mà nhân loại đang tự gây ra bằng hạt nhân, bằng chiến tranh, bằng việc hủy hoại môi trường và bằng cả những độc ác, tham lam, thiếu hiểu biết của chính con người.

Nhà văn Jean Teulé.

Nhà văn Jean Teulé.

Cửa hiệu tự sát ngay khi ra mắt năm 2007 ở Pháp đã nhanh chóng trở thành tác phẩm best-seller,được bạn đọc nước Pháp và thế giới đón nhận tích cực, được giới phê bình đánh giá cao, và ngay sau đó được chuyển thể thành bộ phim hoạt hình cũng rất thành công.

Tác phẩm đồng thời cũng là một quyển sách tuyệt vời dành cho những yêu thích việc sáng tạo trong kinh doanh. Không chỉ dừng lại ở việc luôn đổi mới các mặt hàng kinh doanh, luôn tạo ra những xu hướng mới, những ưu đãi theo ngày, gia đình nhà Tuvache còn khiến bạn đọc bật cười và khâm phục bởi những cách quảng cáo tài tình và cách thuyết phục khách hàng vô cùng thông minh.

Và trên tất cả, bằng cách đến gần hơn với cái chết, Cửa hiệu tự sát giúp chúng ta hiểu hơn về giá trị của cuộc sống, giá trị của niềm vui, và giá trị của lối tư duy tích cực.

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing.vn

Share.

Leave A Reply