Sẵn sàng du học – Nếu bạn phát triển các thói quen dưới đây, bạn sẽ thấy một sự cải thiện lớn trong việc học tập của mình!
1. Không cố gắng để nhồi nhét tất cả mọi kiến thức trong một buổi học
Bạn cố gắng thức thật khuya để học cho hết rất nhiều kiến thức, bài tập, nhưng thực tế thức khuya không có nghĩa là bạn sẽ thu được kết quả tốt. Bởi khi đó, bạn đang cố dùng mọi cách để khiến mình không buồn ngủ hơn là việc tập trung học. Vậy nên, đừng cố gắng nhồi nhét kiến thức trong một buổi học, hãy chia lượng kiến thức cho từng buổi học khác nhau và không nên kéo dài thời gian học quá lâu. Điều này sẽ gây tâm lý mệt mỏi, chán nản.
2. Lập kế hoạch học tập
Hãy tự kiểm soát việc học của mình. Lập một danh sách tất cả những việc mà bạn cần phải làm, sau đó chia khối lượng công việc thành những phần nhỏ hơn, dễ hoàn thành hơn. Chúng ta nên có một thời gian biểu hợp lý, tuyệt đối đừng ôm đồm quá nhiều môn học vào một khoảng thời gian ngắn, bạn sẽ rất dễ… loạn kiến thức.
3. Tạo thói quen học tập
Không chỉ lên kế hoạch học tập, điều quan trọng là bạn tạo ra một thói quen học tập nhất quán, hàng ngày. Khi bạn học cùng một thời điểm mỗi ngày và mỗi tuần, việc học sẽ trở thành một phần của cuộc sống.
Điều này giúp bạn không cần “lên dây cót” mỗi khi đến giờ học vì nó đã trở thành thói quen hàng ngày, việc học theo đó cũng hiệu quả hơn. Nếu phải thay đổi lịch học do các sự kiện bất ngờ, không vấn đề gì cả, nhưng hãy quay trở lại với lịch trình của mình ngay khi sự kiện kia qua đi.
4. Mỗi thời gian học tập cần có một mục tiêu cụ thể
Học tập mà không có mục tiêu thì sẽ không hiệu quả được. Bạn cần phải biết chính xác những gì bạn cần phải hoàn thành trong mỗi buổi học. Trước khi bắt đầu học, hãy liệt kê danh sách những việc cần phải làm, điều này sẽ tạo động lực học tập cho bản thân.
5. Không bao giờ trì hoãn kế hoạch học tập dự kiến của bạn
Thường thì sinh viên có thể bỏ qua kế hoạch học tập vì rất nhiều lý do: cảm thấy mệt mỏi, hẹn hò ăn uống với bạn bè, vài bộ phim không thể bỏ lỡ… Việc trì hoãn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình học tập lâu dài của bạn. Bạn trì hoãn lần một, sẽ có lần 2… cứ thế, lượng kiến thức bị dồn lại, bạn lại nhồi nhét chúng trong vài buổi học, đương nhiên lượng kiến thức nhận về chẳng được bao nhiêu. Đo đó, cực kì hạn chế trì hoãn kế hoạch học tập dự kiến.
6. Bắt đầu với chủ đề khó nhất trước
Vì nhiệm vụ hay chủ đề khó khăn sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực và năng lượng tinh thần nhất, bởi vậy bạn nên bắt đầu với nó trước. Một khi bạn đã hoàn thành công việc khó khăn nhất, những phần việc còn lại sẽ trở nên dễ dàng hơn. Điều này sẽ nâng cao hiệu quả của các buổi học nói riêng và kết quả học tập của bạn nói chung.
7. Luôn xem lại ghi chép trước khi bắt đầu làm bài tập
Sinh viên cần đảm bảo ghi chép có hiệu quả trong lớp. Trước khi bắt đầu mỗi buổi học, một bài tập cụ thể, hãy xem lại cẩn thận các ghi chú để chắc chắn rằng bạn biết cách hoàn thành bài tập một cách chính xác. Điều này cũng giup bạn nhớ được những vấn đề trọng tâm của môn học và đảm bảo việc học có hiệu quả.
8. Hãy chắc chắn rằng bạn không bị phân tâm khi đang học
Bạn có thể bị phân tâm bởi vài điều khi học: tivi, những thành viên trong gia đình hoặc một vài lý do khách quan khác. Điều này có thể khiến bạn bị mất ý tưởng, cảm hứng học tập và không thể tập trung. Thế nên, trước khi bắt đầu học, hãy tìm một nơi mà bạn sẽ không bị quấy rầy.
9. Học nhóm
Học nhóm, bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ từ bạn bè nếu gặp khó khăn trong học tập. Và trong quá trình giảng cho bạn của mình hiểu, bạn cũng củng cố và hoàn thiện kiến thức của mình hơn. Thêm nữa học cùng với một người bạn có thể tạo động lực lớn để học tập ngay từ đầu, đặc biệt nếu bạn có khuynh hướng chán nản khi học một mình. Các bạn sẽ thúc đẩy lẫn nhau cùng học tập và giảm khả năng trì hoãn.
10. Xem lại các ghi chép, bài tập và tài liệu học tập khác vào cuối tuần
Bằng cách này, các bạn có sự chuẩn bị tốt kiến thức để tiếp tục học các khái niệm mới dựa trên các môn học và kiến thức đã học vào tuần trước.
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14.vn