SSDH – Tiến độ tiêm chủng vắc xin đã đạt được những thành quả mới sau những trục trặc ban đầu nhưng có thể thấy rằng đến 45% số liều đã tiêm là tại các nước giàu thuộc nhóm G7.
Hãng tin AFP tổng hợp nhiều nguồn tin cho biết tính đến chiều 20-2 đã có 201.042.149 liều vắc xin (vaccine) được tiêm chủng tại ít nhất 107 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó nhóm nước giàu G7 chỉ chiếm 10% dân số thế giới, nhưng lại chiếm tới 45% tổng số mũi tiêm.
Tuy nhiên con số thống kê trên không bao gồm số liệu mới nhất từ Trung Quốc và Nga – 2 nước ngừng công bố kết quả của các chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 từ 10 ngày qua.
Israel hiện dẫn đầu thế giới về tỷ lệ người được tiêm chủng, với 49% dân số được tiêm chủng mũi đầu tiên và có tới 30% dân số được tiêm đầy đủ 2 mũi.
Trong ngày 20-2, Bộ Y tế Israel cũng khẳng định vắc xin Pfizer/BioNTech có hiệu quả đến 95,8% sau khi tiêm đủ 2 mũi.
New Zealand đã chính thức triển khai rộng rãi chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 từ ngày 20-2 nhưng cũng cảnh báo đây “chỉ là bước đi nhỏ đầu tiên của cuộc chiến dài hơi”.
Trước mắt lực lượng biên phòng và nhân viên kiểm dịch biên giới được tiêm chủng cùng các nhân viên y tế.
Vào đầu tuần này, khi New Zealand tiếp nhận 60.000 liều vắc xin Pfizer-BioNTech đầu tiên, Thủ tướng Jacinda Ardern tuyên bố nước này đã đặt mua đủ lượng vắc xin để tiêm miễn phí cho hơn 5 triệu người và tất cả người nước ngoài đang có mặt ở đây. Chiến dịch tiêm chủng ở New Zealand dự kiến sẽ hoàn thành trong 1 năm.
Các nước G7 (Mỹ, Canada, Anh, Đức, Pháp, Ý và Nhật Bản) đã cam kết chia sẻ số lượng vắc xin công bằng với những nước đang khó khăn chống đỡ với dịch bệnh này và có kế hoạch tăng gấp đôi số tiền đóng góp cho các chương trình vắc xin ngừa COVID-19 toàn cầu, trong đó có chương trình COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tức lên 7,5 tỉ USD.
Theo số liệu tổng hợp của AFP, 92% số vắc xin nói trên được phân phối cho các nước được Ngân hàng thế giới (WB) xếp loại nước có thu nhập cao và trung bình cao (chiếm khoảng 50% dân số thế giới).
Đến nay, trong số 29 nước mà WB xếp loại nước có thu nhập thấp, mới chỉ có Guinea và Rwanda bắt đầu tiêm chủng.
Những nước và vùng lãnh thổ có trên 10% dân số được tiêm chủng ít nhất 1 mũi vắc xin gồm Anh (25%), Bahrain (16%), Mỹ (13%), Chile (12%), Seychelles (43%) và Maldives (12%).
Số vắc xin tiêm chủng ở Mỹ cao nhất thế giới: 59,6 triệu liều. Tính đến ngày 9-2, Trung Quốc đã tiêm 40,5 triệu liều, Anh đạt 17,5 triệu liều, Ấn Độ 10,7 triệu liều và Israel 7,1 triệu liều.
Nhật bồi thường tiền nếu tử vong do tiêm vắc xin
Hôm 17-2, Nhật cũng đã bắt đầu triển khai tiêm chủng, ưu tiên 40.000 lực lượng y, bác sĩ làm việc tại 100 bệnh viện trên cả nước.
Theo Bộ Y tế Nhật Bản, nếu trường hợp một người tử vong do biến chứng sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19, chính phủ sẽ bồi thường 44,2 triệu yen (419.000 USD) cho gia đình nạn nhân.
Nhằm theo dõi tính an toàn của vắc xin, Nhật Bản yêu cầu người tiêm theo dõi tình hình sức khỏe liên tục trong 7 tuần sau khi tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin. Thời gian tiêm giữa 2 mũi cách nhau 3 tuần.
SSDH (Theo tuổi trẻ)