Thực tập ở nhà hàng chính là đi thể dục thẩm mỹ

0

SSDH – Lam Hạnh, du học sinh tại một trường Quản lý khách sạn cao cấp ở Pháp, chia sẻ với bạn đọc chuyến “thực tập à thực tập ơi” nhiều cảm xúc.

 

1.jpg

 

 

Từ tình yêu với anh đầu bếp trong Bambino!

 

“Bambino! là một trong những bộ phim mà mình rất thích, mồi lửa góp phần châm ngòi cho tình yêu Jpop của mình bùng cháy. Cái hay của những bộ phim truyền hình Nhật Bản là ở sự cô đọng về nội dung và tính chân thực của những đề tài được khai thác. Xem Osen, có cảm giác chính bản thân đang sống trong căn nhà ấy, giữa bao la vườn và xanh ngắt cây, “thụ hưởng” những bữa ăn được làm từ các nguyên liệu cũng tinh tế như bàn tay người nấu; và cũng chẳng thể quên được mùi rượu vang thơm nồng trong tùng thước phim Kamino Shi Zuku hay sức quyến rũ khó cưỡng của những chiếc bánh ngọt trong tiệm bánh Cake Antique. Bambino!, chuyện kể về một anh đầu bếp tỉnh lẻ được gửi lên thành phố học việc trong một nhà hàng Ý chân chính, đã từng bước học hỏi và tự hoàn thiện mình để trở thành một đầu bếp tài ba.

 

Đó là bộ phim mà mình đã xem từ rất lâu và có lẽ sau này sẽ còn nhớ mãi. Không chỉ vì nội dung quá hay hay dàn dựng quá chi tiết. Các cụ vẫn có câu “Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy ko bằng một sờ”. Xem một bộ phim hay, không bằng tự mình đóng vai nhân vật chính. Sau 3 tháng của 90 ngày thực tập gian khổ vừa qua, mình đã thấm hết ý nghĩa của bộ phim và đồng cảm một cách sâu sắc với anh đầu bếp (tội nghiệp) ấy…

 

2.jpg

Lam Hạnh và cái nĩa khổng lồ ở Thụy Sĩ

 

Đến 3 tháng của… giấc mơ bị “bổ búa”

 

Mình biết, cụm từ “bánh ngọt” luôn giàu sức quyến rũ với mọi cô gái. Chả gì, mình cũng sướng điên lên khi được sếp thông báo công việc đó. Nào là biết bao nhiêu công thức bánh trái cộng hình minh họa tưng bừng trên facebook, nào thơm béo ngọt bùi lai rai hết ngày này qua tháng khác, này thì bơ sữa thoang thoảng trên từng ngón tay mỗi lúc đi làm về (chứ ko phải nem rán với phở bò của thời đi chạy bàn ở nhà hàng Việt). Oh, bánh ngọt, một hình ảnh mới sang trọng và lãng mạn làm sao…

 

Và sự thật phũ phàng như một nhát búa phang thẳng vào giấc mơ thiếu nữ!

 

Sếp đã “quên” nói với mình rằng, ngoài việc tập sự trong khu vực làm bánh ra thì mình cũng còn phải kiêm luôn các công việc:

– Sắp xếp hàng hóa trong kho

– Chuẩn bị nguyên liệu cho cả ngày làm

– Ra món khai vị

và “chạy vặt” cho các sếp nhỡ.

 

Tức là mình phải đến từ tờ mờ sáng, nhận và chuyển hàng tấn (tấn đấy, ko đùa đâu) hàng hóa vào kho (ở trên tầng), sơ chế hết chỗ rau củ quả trong ngày, xếp sẵn chảo và đĩa lên giá, lau dọn tủ lạnh và cọ rửa sàn nhà mỗi cuối ngày, cả học cách thay thế vị trí của một trong các sếp khi có sự cố. Mình cũng phải ở đấy mỗi khi các sếp khát, đổ mồ hôi hay cần lọ sốt (sau này mình xem phim “Pasta” và sung sướng ghê gớm vì thấy chuyện của mình lên phim sao mà chính xác quá).

 

Nấu ăn vốn chưa bao giờ là nỗi lo lắng của mình. Việc làm thêm cuối tuần ở các nhà hàng cho mình chút kinh nghiệm đủ sức lòe thiên hạ và trở thành một ngôi sao sáng ở lớp trong mỗi giờ thực hành. Thế nhưng khi làm việc cùng với sáu đầu bếp khổng lồ (cả chiều ngang lẫn chiều dài đều gấp rưỡi mình) thì lại là chuyện khác. Trong cái thế giới nơi mà sức khỏe quyết định tốc độ và tốc độ quyết định tất cả ấy, thì con muỗi con như mình quả là chả biết làm gì ngoài vo ve thật. Và mình đã hiểu, làm sao lại có nhiều đàn ông đến thế trong bếp ăn của các nhà hàng – một trong những điều thắc mắc nhất hồi nhỏ.

 

Chứ còn gì nữa, chỉ thế này thôi là đã đủ để dọa chết con gái nhà người ta rồi: vào bếp tức là không được đeo trang sức, không sơn móng tay, không trang điểm. Cứ 8 tiếng/5 ngày, khi mà những phụ nữ khác khoác trên mình những bộ cánh thanh lịch và đi gặp các nam đồng nghiệp điển trai thì mình lại phải quấn kín từ đầu đến chân, bị nhốt trong một cái lò hấp hơi cùng các ông bạn suốt ngày nhăn nhó và luôn miệng hối thúc. Chưa kể hết giờ làm ra về trong tình trạng người ngợm nhếch nhác, tóc tai bơ phờ, mặt mũi hốc hác, mắt long sòng sọc, lại còn bám đầy những mùi. Ôi, còn gì là tuổi trẻ, còn gì là thanh xuân!

 

3.jpg

 

Lại còn thương tích. Mình sẽ nhớ đến suốt đời cái quãng thời gian đau khổ ấy, từ sau khi bị caramel của lò nướng bánh (200°) nhỏ vào tay. Vết phỏng đau rát, nhức đến tận xương và tệ nhất là ko thể nào khô được dưới tác động của nước và ti tỉ thứ kinh dị khác như dấm, xà phòng, javel… mà găng tay với băng dán đều vô dụng. Ngày nào không bị đứt tay, vỡ móng hay rách da thì hôm đó mình sẽ cảm thấy… thiêu thiếu. Và mặc dù đã bôi xức vào đấy không biết bao nhiêu là thuốc nhưng mình vẫn phải đau khổ chấp nhận sự thật rằng bàn tay xinh đẹp sẽ phải chấp nhận thêm một (vài) gã sẹo mới đến bầu bạn đến hết đời. Thôi không sao, coi như là kỉ niệm. Sau này mình sẽ chỉ vào đó và tỉ tê với con cháu rằng đây toàn là những vết tích của một thời oanh liệt đấy nhé, đây là vết phỏng của máy crepe, này là của nồi nấu cơm sushi, kia là caramel nhỏ giọt từ bánh tarte… Kiêu hãnh không kém gì một cựu chiến binh khi hồi tưởng lại những thành tích trên chiến trường.

 

Thật ra, mọi chuyện đều trở nên vui vẻ nếu ta nghĩ về nó một cách tích cực. Hãy xem nhà bếp như một trung tâm thể dục thẩm mỹ, nơi mà mình có thể leo núi trên từng bậc thang, chơi ném tạ với túi rác, bóng chuyền với thùng các-tông, chạy marathon trong bếp, cử tạ với những chồng đĩa cao ngút, luyện yoga với những ông sếp khó tính, và sauna bên lò nướng bánh mì. Thể thao không hẳn là thứ mà mình thích, nhưng tất cả những thứ tốt cho sức khỏe đều đáng hoan nghênh.

 

Và quan trọng hơn, trong thời gian ở đó, mình đã học được ko ít kĩ thuật bếp núc hay ho, kể cả những thứ thuộc hàng hiếm như coffee art. Cái miệng tinh quái của mình đương nhiên cũng không bỏ lỡ cơ hội xơi những món mà người khác phải bỏ từ vài chục đến vài trăm euros để được thử. Và trong khi mấy chục con người phải trả hàng trăm euros để dùng bữa trong một căn phòng trăm mét vuông thì một mình mình thảnh thơi ngồi trên sân thượng gió thổi lồng lộng ăn cá hồi uống Orangina (cái hay của việc làm trong bếp là luôn biết ta nên ăn gì). Các sếp tuy khó tính nhưng luôn sẵn lòng giảng giải đến cùng mọi câu hỏi kể cả cà chớn nhất (chẳng hạn sếp ơi sao sếp lại bảo em xay muối? Xay muối để làm gì?).

 

Cảm nhận về việc làm bánh á, ờ thì nếu nguyên liệu không tính bằng kg và thời gian không đo bằng phút, thì cũng được đấy.

 

Niềm an ủi cuối cùng: khi mình kể chuyến thực tập này cho bọn bạn cùng lớp thì 10 đứa như 1 đều gào lên “Ôi ghen tị!!!”

 

Đông Đức (SSDH) Theo Hotcourses

 

 

Share.

Leave A Reply