Tiết kiệm nơi xứ người

0

SSDH – Đi học ở nước ngoài là đối diện cuộc sống tự lập, với biết bao khoản chi tiêu đắt đỏ. Vì thế, quản lý tài chính cá nhân là một vấn đề “sống còn” đối với du học sinh. 

 

08102012duhocanh1.jpeg

Cựu du học sinh chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài chính cá nhân với học sinh THPT tại TP.HCM

 

Nhiều tiền cũng… khóc

 

Anh Trần Phước Lộc, Phó giám đốc Tổ chức Y tế tình nguyện tại VN, là người vừa hoàn tất chương trình đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Singapore. Trước đó, anh trải qua 4 năm đại học tại Malaysia. Nói về quãng thời gian du học của mình, anh Lộc kể: “Hồi mới ra nước ngoài, tôi thấy cái gì cũng thích, cũng muốn mua. Sẵn có nhiều tiền mặt trong tay, tôi mặc sức mua sắm. Do vậy, tôi rơi vào cảnh thâm hụt ngân quỹ suốt mấy tháng liền”. Sau khi tĩnh tâm, anh Lộc kịp nhận ra sự tiêu xài của bản thân đã ở mức báo động đỏ. Từ đó, anh bắt đầu ngồi lại tính toán, điều chỉnh và cân bằng các khoản thu – chi.

 

Cũng từng nếm trải những “bài học xương máu” liên quan đến chi tiêu cá nhân, thạc sĩ Bùi Trọng Giao, chuyên gia huấn luyện các chương trình Tổ hợp Giáo dục CML (Change My Life), chia sẻ: “Những năm học ở Nga, tôi phải làm thêm đủ thứ việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống: Từ bốc xếp ở ga tàu, đi giao báo cho đến phục vụ nhà hàng, trợ lý thủ thư, hoặc cao siêu hơn là buôn vàng… Nói chung, càng ngày tôi càng kiếm được nhiều tiền. Thế nhưng, ngay cả khi làm ra thật nhiều tiền, tôi vẫn thấy cuộc sống của mình luôn thiếu thốn”. Để khắc phục tình trạng “cháy túi” triền miên, ông đã tìm đọc nhiều sách vở, tài liệu cũng như sự chia sẻ của nhiều người.

 

Tuy nhiên, ông Giao khẳng định, điều mấu chốt nhất là khi chính ông “ngộ” ra vấn đề: Dù có bao nhiêu tiền chăng nữa, nếu không có sự chủ động trong chi tiêu thì cũng mãi luẩn quẩn với cảnh thiếu trước hụt sau. Đó là do chi phí nhiều hơn thu nhập. Mà việc chi tiêu như thế nào thường do thói quen và tâm lý dẫn dắt. 

 

Thích nhất không bằng cần nhất

 

Trong tháng 9 vừa qua, một nhóm cựu du học sinh có buổi giao lưu thân mật, chia sẻ kinh nghiệm du học với học sinh Trường THPT Marie Curie, TP.HCM. Tại đây, thạc sĩ ngành tài chính Lê Việt Hoàng (30 tuổi, ngụ ở Hà Nội) cho hay chị đã trải qua 7 năm du học lần lượt ở Pháp và ở Singapore. Chị Hoàng thẳng thắn bộc bạch: “Hồi nhỏ, chị được gia đình cưng chiều, nên không ý thức tiết kiệm là gì. Khi đi du học, những khoản chi cơ bản như học phí, chỗ ở, ăn uống… đã có cha mẹ chu cấp. Nhưng giá cả sinh hoạt ở nước ngoài rất đắt đỏ, cao gấp 10 – 20 lần so với VN. Hơn nữa, chị đi du học từ năm 19 tuổi nên rất thích sắm sửa những thứ như quần áo, mỹ phẩm…”.

 

Theo chị Hoàng, trong nửa năm đầu tiên, chị luôn sống trong tâm trạng hoang mang, lo lắng, muốn xin thêm tiền nhưng biết chắc gia đình không thể đáp ứng. Thế rồi, chị quyết tâm lập một danh sách chi tiêu hằng tuần, ưu tiên cho những thứ thực sự cần thiết. Song song đó, chị khảo sát giá cả cụ thể và đối chiếu số tiền mình có nhằm cân đối hầu bao.

 

Chị Việt Hoàng tâm tình: “Bây giờ, nhiều bạn đi du học đã có thẻ tín dụng nên dễ thấy cái gì thích là mua ngay, “quẹt” thẻ ngay mà ít nghĩ đến hậu quả khôn lường. Chúng ta không nên nóng vội mà phải bình tĩnh, hít thở sâu và tự nhủ: “Ừ, nó hay đấy, nhưng khả năng mình có hạn”. Dần dần, số lần hối hận vì hoang phí sẽ giảm bớt”. Cũng theo chị Hoàng, rèn luyện kế hoạch chi tiêu càng sớm thì càng có điều kiện tiết kiệm và tiết kiệm càng nhiều tiền thì càng chủ động hơn trong chi tiêu.

 

Chị Chu Hoàng Yến, cựu du học sinh Mỹ, hiện là nhân viên một tập đoàn tài chính đa quốc gia, đã đúc kết một số kinh nghiệm của bản thân: Làm sổ tay ghi chép cụ thể các khoản cần chi và mở tài khoản trên website “tay hòm chìa khóa” trực tuyến Mint.com. Không những vậy, chị còn học (miễn phí) kỹ năng quản lý tài chính cũng như tranh thủ tìm việc làm thêm phù hợp qua những trang web như Iwillteachyoutoberich.com…

 

Thục Uyên ( Theo Thanh Niên )

 

 

Share.

Leave A Reply