Sẵn sàng du học – Thấu hiểu bản thân và mọi người xung quanh, từ đó chia sẻ nhiều hơn là cách tạo ra năng lượng tích cực để giải quyết những khúc mắc.
Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy rẫy bất an, lo âu, xung đột. Hàng ngày, báo chí trong nước không thiếu câu chuyện người thật việc thật với những bi kịch, sự khốn cùng.
Báo chí quốc tế cũng đầy rẫy chiến tranh, tai họa, xung đột sắc tộc và tôn giáo… Nhân loại gần 7 tỷ người, số người đạt hạnh phúc không nhiều. Có lẽ, “làm thế nào để có cuộc sống thanh thản, sung túc, hạnh phúc?” là trăn trở lớn mà bất cứ ai cũng đi tìm lời giải.
Sử dụng tình thương để thấu hiểu bản thân mình, thấu hiểu những người xung quanh, từ đó có thể chia sẻ, và tìm ra giải pháp là cách mà tác giả Hà Huy Thanh đề xuất để con người tìm được hạnh phúc. Đề xuất này được trình bày trong hai cuốn sách Tình thương và Việt Nam – quốc gia của tình thương.
Xây dựng cây tình thương
Tình thương là một chủ đề cũ, quen thuộc trong đời sống con người. Nếu xét ở góc độ tư tưởng, luân lý, tình thương được coi là biểu hiện của tính nhân đạo, chủ nghĩa nhân văn.
Nhưng tác giả Hà Huy Thanh không đi tìm hiểu tình thương ở góc độ học thuật, mà đưa ra một kiến nghị: dùng tình thương như chìa khóa giải quyết mọi vấn đề.
Tác giả nêu quan điểm: “Nếu chỉ ra một thành tựu vĩ đại nhất của nhân loại, chắc hẳn đó là thành tựu của tình thương”. Ngược lại, những tai họa lớn nhất mà nhân loại gánh chịu, chắc chắn do thiếu tình thương.
Một phần dung lượng lớn của sách nói về cách xây dựng, vun đắp, thực hành tình thương. Nguyên lý tình thương được cấu thành từ ba giai đoạn.
Ở giai đoạn đầu – thấu hiểu – con người phải thấu hiểu bản thân, thấu hiểu người khác và thấu hiểu hoàn cảnh. Chương sách này cho thấy tầm quan trọng của việc khám phá nội tâm, thế giới bên trong con người cũng phong phú, kỳ vĩ biết nhường nào, đáng để ta tìm hiểu ra sao. Quan điểm này cũng trùng khớp Binh pháp Tôn Tử ở ý “Biết người biết ta, trăm trận không khốn cùng”.
Sau khi thấu hiểu, giai đoạn thứ hai là chia sẻ. Chương sách này cho thấy chia sẻ là một giá trị sống: “Khi chia sẻ bạn mới thấy những tiềm năng của mình, vì khi chia sẻ là ta nhìn lại mình đang có gì. Mình có thể có gì hơn nữa trong tương lai và mình cần phải làm gì để có thể chia sẻ nhiều hơn. Lúc đó ta có tâm thế sống tích cực và hăng say hơn”.
Sử dụng tháp nhu cầu Maslow (với những nhu cầu thiết yếu như sinh lý, an toàn, xã hội, tâm linh…) là phương pháp được khuyến nghị để có thể hiểu được người khác và chia sẻ hiệu quả.
Giai đoạn thứ ba của nguyên lý tình thương là “kiến tạo giải pháp”. Nếu bộ não người được ví như chiếc máy tính, với vỏ não là phần cứng, thì việc cài đặt phần mềm “tình thương” sẽ giúp tạo ra năng lượng tích cực để có giải pháp đúng cho mọi vấn đề.
Không chỉ đưa ra nguyên lý tình thương, hai cuốn sách còn đề xuất sử dụng nguyên lý này trong gia đình, xã hội, quốc gia. Gia đình chính là mảnh đất ươm mầm cho rễ cây tình thương bám sâu lòng đất. Xã hội là cành lá sum suê của cây ấy, và quốc gia là môi trường tốt lành cho những cây tình thương tồn tại xanh tốt.
Chủ nghĩa không tưởng hay nguyên lý của xã hội văn minh?
Thật khó để có thể gọi tên thể loại cho hai cuốn sách của tác giả Hà Huy Thanh. Bởi nội dung sách trình bày một tư tưởng (dùng nguyên lý tình thương làm chìa khóa giải đáp cho mọi vấn đề), nhưng sách không đưa ra các triết luận, mà lại dựa trên những trải nghiệm bản thân.
Còn nói đây là một cuốn sách tự lực (self-help) cũng không đúng, bởi sách không có mục đích viết ra để giúp ai đó có được kỹ năng tự hoàn thiện mình, giải quyết các vấn đề cá nhân.
Tuy vậy, ở một vài chương, sách cũng đưa ra những kỹ năng giúp tìm sự thanh thản trong cuộc sống, hay cách sử dụng năng lực não bộ một cách hiệu quả.
Vượt qua những khuôn khổ của thể loại, tác giả trình bày vấn đề thông qua những kiến thức mình thu nạp được, các trải nghiệm và suy nghĩ của bản thân.
“Tôi nghĩ văn minh nhân loại đã phát triển đến mức để chúng ta có thể thống nhất một khái niệm chung nhất, dù chúng ta thuộc tôn giáo khác nhau, màu da, lãnh thổ, sắc tộc khác nhau… Đó là tình thương!”, sách viết.
Sẽ có những ý kiến cho rằng sử dụng tình thương để sống hạnh phúc hơn là quan điểm mang tính không tưởng. Bởi bao lâu nay, nhân loại đâu phải chưa biết tới tình thương hay lòng từ bi. Nhưng cuốn sách sẽ chẳng còn là một đề xuất mang tính lý tưởng nếu bạn đọc áp dụng nguyên lý này vào cuộc sống.
Trong một xã hội đã thay đổi mạnh mẽ, công nghệ phát triển khiến ai cũng chia sẻ dễ dàng vấn đề của mình, công nghệ kết nối, đưa mọi người đến gần nhau hơn. Điều đó giúp thực hành tình thương một cách dễ dàng hơn.
Qua hai cuốn sách, có thể thấy tác giả có kiến thức ở nhiều lĩnh vực, từ lịch sử, kinh tế, xã hội đến văn chương… Song chính điều đó khiến người viết tham trích dẫn, đôi chỗ sa vào kể những câu chuyện dài dòng. Sẽ thuyết phục hơn nếu tác giả tiết chế những câu chuyện quanh mình, mà tìm ra những minh chứng điển hình mang tính phổ quát.
Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing