Tình yêu đồng tính của người chuyên nằm trong quan tài giả xác chết

0

Sẵn sàng du học – "Người chết thuê" không đi sâu vào khắc họa nghề nghiệp lạ, mà tập trung thể hiện bức tranh tuổi trẻ với những thân phận nổi trôi, vô định.

Chính thức ra mắt văn đàn từ năm 2017, Thái Cường là một “ca lạ” của làng văn trẻ. Không đưa trang viết xuất hiện ồ ạt trên các báo, tạp chí, ấn phẩm chung, cây bút trẻ sinh năm 1992 mỗi năm chỉ cho ra đời một tác phẩm, song luôn thách thức cái tôi sáng tạo của mình với nhiều thể nghiệm mới.

Trở lại với Người chết thuê, vẫn tiếp tục trung thành với thể loại tiểu thuyết, Thái Cường đã có những chia sẻ về tác phẩm này.

"Tạng viết của tôi không dành cho việc đọc giải trí"

– Sau "Những mảnh mắt nhìn", rồi "Gam lam không thực", giờ đến "Người chết thuê", phải chăng cách đặt nhan đề lạ lẫm và gây chú ý đã trở thành công thức của Thái Cường?

– Trong Người chết thuê, chết thuê hoàn toàn không phải hình ảnh ẩn dụ hay ví von cho nhiều lớp nghĩa, vì thực chất nhân vật chủ chốt của tiểu thuyết sống bằng nghề này thật.

Hắn đóng giả xác chết nằm liệm thay cho những kẻ khuất mặt xấu số khi chết mất xác, chết không còn nguyên vẹn, có đôi khi phải hóa trang để mạo danh người khác phục vụ cho nhiều mục đích của tang chủ.

Tuy nhiên, đó chỉ là một lối kiếm sống và lúc viết tác phẩm, tôi không sa đà vào khai thác theo hướng văn hóa, nghề nghiệp, thay vào đó vẽ ra một bức tranh của tuổi trẻ với những thân phận đường phố nổi trôi, vô định.

Cho nên, cách đặt nhan đề lần này hoàn toàn trực diện, không chủ đích gây chú ý, song công bằng mà nói cũng phần nào gợi thu hút, bởi lẽ không phải ai cũng biết về công việc này trước đó.

Tác giả Thái Cường.

Tác giả Thái Cường.

– Với nội dung xoay quanh tình yêu đồng tính và một nghề nghiệp lạ lùng, "Người chết thuê" liệu có mải đi theo hướng câu khách, gợi tò mò mà quên đi chiều sâu của một tiểu thuyết?

– Bản thân tôi khi theo con đường viết lách đã xác định trang viết của mình không dành cho việc đọc giải trí, luôn đặt ý thức làm mới mình ở đề tài, cốt truyện, chi tiết… lên trên cả. Đó có thể là chỗ kén, song đồng thời cũng là điểm mạnh, giúp tôi tỉnh táo trong việc “cày cuốc”, “chăm bẵm”, chiêm nghiệm, tìm tòi… nhằm cho ra những áng văn tâm huyết, thế nên chắc chắn Người chết thuê không phải gây sốc bởi các yếu tố ngoài lề.

Tôi cũng không muốn định danh đây là tiểu thuyết đồng tính, vì rõ ràng điểm nhấn của truyện nằm ở chỗ không dùng mối quan hệ cùng giới nhằm dẫn dắt theo cách kể quen thuộc.

Dẫu mối tình trai giữa Bách và Minh vốn là “trái tim” của tác phẩm, các nhân vật vẫn cứ bình thản sống, tình cảm nảy sinh từ những xao động và không việc gì phải xác định mình sẽ biến thành người như thế nào, chỉ giản đơn hòa vào thực tại, nói lời yêu với người mình thật lòng thương yêu, chẳng quan trọng người đó phải là nam hay nữ.

– Tại sao mỗi chương trong "Người chết thuê" lại được đánh dấu bằng thơ haiku? Bạn có dụng ý gì không khi xếp các bài thơ này theo thứ tự mùa xuân, hạ, thu, đông, rồi lại xuân?

– Ban đầu đây là năm bài thơ tôi viết đã lâu ngay khi còn đi học. Trong lúc chưa xác định được mình sẽ đặt tên chương mục như thế nào, tôi vô tình tìm thấy những bài thơ mình tưởng chừng đã bỏ quên này, đọc đi đọc lại nhiều lần càng phát hiện rất hợp với cái tứ của truyện, vậy là tôi chọn đưa vào sách tự nhiên như thế.

Việc xếp thơ theo mùa xoay vòng cũng hợp với các tình tiết, mở đầu cùng mùa xuân khi đám bạn đường phố vì duyên mà gặp nhau, cùng đi qua mùa hè mãnh liệt, mùa thu đượm buồn, rồi mùa đông tan đàn xẻ nghé, song cuối cùng vẫn đoàn viên dẫu dòng đời nay đã thay đổi, từng mảnh đời rẽ ngang nhiều hướng khác nhau.

Chắt lọc nội tâm để tuôn thành con chữ là việc không đơn giản

– Là một tác phẩm với nội dung tuổi 17 nhưng lại mang phong cách 18+, "Người chết thuê" có gây khó khăn hay trăn trở gì với bạn trong quá trình sáng tạo?

– Tôi đã qua tuổi 17 rất lâu rồi nên thử thách lớn nhất có lẽ là làm sao để hồi tưởng những cung bậc cảm xúc của mình trong khoảng thời gian đó. Có những thứ tưởng chừng không bao giờ quên được nhưng cuối cùng rồi cũng không thắng nổi thời gian.

Có lẽ vậy mà Người chết thuê cứ lãng đãng với những mảng ký ức chắp nối bao trùm, như câu thoại Minh đã nói về Phượng ngay trong chính tác phẩm: “Không chừng nàng quên rồi cũng nên và điều nàng tìm kiếm là chính nàng trong những thời khắc hạnh phúc của thanh xuân mà ngay lúc ấy, nàng nào chịu lùi lại một chút để nhìn nó bằng chính mình nuối tiếc sau này”.

Cũng chính vì không còn ở tuổi 17 nữa nên việc chấp bút theo phong cách 18+ không hề cản trở, cốt yếu làm sao viết về nhục cảm mà không hề thô thiển, có phần điềm tĩnh, nên thơ mà thôi.

ssdh-nguoi-chet-thue

 

– Có ý kiến cho rằng "Gam lam không thực" độc đáo và cá tính hơn so với "Người chết thuê", bạn nghĩ sao về điều này?

– Thật sự thì với chính cả bản thân tôi, Gam lam không thực vẫn là tác phẩm tôi cảm thấy hài lòng, ưng ý, thể hiện đúng chất sáng tạo của mình nhất, đúng với tạng của tôi là viết không lan man, không dài, quan trọng chữ nào ra chữ nấy.

Nhưng tôi nghĩ mỗi cuốn sách sẽ đều có cái hay riêng, sẽ có vận mệnh và đời sống riêng mình, sẽ tìm được những người đọc thấu cảm với nó. Tôi không mong gì hơn ngoài việc sẽ có người yêu thích và cảm thấy đồng điệu với mình qua tác phẩm.

– Điểm lại ba tác phẩm đã ra mắt, bạn thích những nhân vật nào mình từng xây dựng nhất? Vì sao?

– Với Những mảnh mắt nhìn, đó là Thọ, Gam lam không thực là Thụy, và Người chết thuê là Bách. Phần lớn các nhân vật này đều ít nhiều gắn với một hình mẫu nào đó trong đời thực, là nguồn cảm hứng cho tôi dựa vào mà sáng tác nên vừa gợi nhiều suy ngẫm, vừa được ưu tiên hơn hẳn những nhân vật còn lại.

Sẽ rất khó để trả lời vì sao tôi ưu ái hay yêu thích ba nhân vật này, nhưng có một điều tôi khẳng định chắc nịch rằng, nếu không có sự xuất hiện của họ, tôi đã không thể hoàn thiện nên ba tác phẩm tròn trịa như thế.

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing

Share.

Leave A Reply