SSDH – Đàm Thị Tuyết, cô bạn có bề dày thành tích trong học tập cũng như giành học bổng thạc sĩ nghiên cứu và học bổng tiến sĩ khoa học- đã có những chia sẻ rất bổ ích.
Tốt nghiệp thủ khoa, Khoa Kinh tế quản lý môi trường và Đô thị, Đại học Kinh tế quốc dân, chuyên ngành Kinh tế môi trường niên khóa 2002-2006, Đàm Thị Tuyết đã rất xuất sắc nhận được học bổng Endeavour Postgarduate Award năm 2009-2011, thạc sỹ nghiên cứu (masters by research), Đại học Nam Úc (University of South Australia) và học bổng tiến sỹ khoa học (PhD) khóa 2011-2014, Trung tâm Kế toán, Quản trị doanh nghiệp và Phát triển bền vững – the Centre for Accounting, Governance and Sustainability (CAGS), Đại học Nam Úc (University of South Australia).
Sau đây là những kinh nghiệm “săn” học bổng của cô bạn xuất sắc:
Cuộc “phiêu lưu” luyện thi IELTS và tìm học bổng.
Lúc quyết định tham gia “trò chơi” (game) xin học bổng và du học, tôi vẫn chưa hình dung ra IELTS hay TOEFL là cái gì? Tôi tưởng tượng chúng là cái gì “rất ghê gớm – cao siêu”. Tôi tự giả định những người có các chứng chỉ này chắc tiếng anh phải “siêu” lắm.
Do đó, tôi suy luận “Với trình độ tiếng anh hiện tại, chắc mình mất 5 năm gì đó để luyện thi tiếng anh”. Tất nhiên chỉ cần chứng chỉ IELTS hoặc TOEFL là đủ, những tôi vẫn chưa rõ mình sẽ “thử sức” với cái gì?
Tôi quyết định vào các diễn đàn và tìm kiếm trên internet về thi IELTS và TOEFL và các điều kiện cần thiết để xin học bổng. Sau này tôi nghiệm ra cho bản thân mình, sự “đam mê” rất quan trọng để có được thành công sau này.
Những ngày tìm hiểu thông tin về học và thi tiếng anh và học bổng, tôi ăn ngủ với chúng luôn. Gần như mọi thời gian, tiền bạc và tâm huyết đều gắn liền với học bổng và du học.
Tôi tham gia nhiều diễn đàn du học và tham dự rất nhiều hội thảo du học do các công ty tư vấn du học tổ chức ở Hà Nội. Mục tiêu để có thêm thông tin về các trường đại học, học bổng và quen thêm bạn bè cùng chung “lý tưởng”. Thời gian trôi đi, tôi có nhiều thông tin về học hành và thi tiếng anh, cộng với kinh nghiệm của những người đã dành được học bổng.
Tôi tự tin hơn và quyết tâm dành nhiều thời gian hơn vào công việc này. Tôi mất 6 tháng học thi liên tục để đạt IELTS trung bình (overall) 6.5 và không có môn nào (band) dưới 6. Đây là điều kiện tối thiểu để xin nhiều loại học bổng và xin học ở nhiều trường đại học ở cả Australia và các nước khác (như Châu Âu). Tất nhiên phải nói thêm tiêu chuẩn tiếng anh tối thiểu tùy thuộc vào từng ngành và lĩnh vực.
Trong thời gian luyện thi IELTS tôi vẫn tìm và ghi chép rất cẩn thận các loại học bổng phù hợp với chuyên ngành của mình. Sau khi có điểm tiếng anh đầu tiên IELTS 6.5 tôi bắt đầu chuẩn bị hồ sơ và nộp một số học bổng mà mình đủ điều kiện như học bổng phát triển chính phủ Nhật Bản JDS, học bổng phát triển chính phủ Australia ADS, học bổng Viện Hàn Lâm Đức DAAD và học bổng Endeavour. Mặt khác vẫn tiếp tục tự luyện IELTS để có điểm cao hơn. Vì tôi biết điểm số càng cao thì cơ hội dành học bổng càng lớn.
Kinh nghiệm cá nhân để dành học bổng.
Trong số các học bổng JDS, ADS, DAAD và Endeavour mà tôi nộp đơn ở trên, tôi đã “thắng” học bổng Endeavour – học bổng mà tôi đã lựa chọn và học thạc sỹ nghiên cứu (masters by research) ở Đại học Nam Úc (University of South Australia) cùng với 2 học bổng khác làDAAD và JDS. Cả 3 học bổng trên đều là học bổng toàn phần (tức là bao gồm học phí, chi phí sinh hoạt hàng thàng, vé máy bay khứ hồi, chi phí bảo hiểm y tế bắt buộc đối với học sinh nước ngoài, phí làm hồ sơ visa….).
Tôi chỉ nhớ giá trị học bổng Endeavour khỏang AUD $ 112,500 (đô la Úc) cho toàn khóa học thạc sỹ. Tôi không nhớ giá trị của 2 học bổng DAAD và JDS vì lúc đó tôi đã xác định sang Australia học thạc sỹ với học bổng Endeavour.
Thực ra tìm trên internet, các bạn sẽ thấy rất nhiều kinh nghiệm xin học bổng và du học. Tôi thấy nhiều thông tin rất có ích và bản thân tôi cũng bắt đầu “những bước đi đầu tiên” từ các bài viết đó. Nay tôi cũng muốn chia sẻ một vài kinh nghiệm cá nhân và hy vọng sẽ giúp ích được ai đó.
Cũng như nhiều lĩnh vực khác như xin việc và làm kinh doanh, việc xin học bổng và đi du học khác nhau đối với mỗi cá nhân. Qua đây tôi muốn nói, các bạn nên xác định sự thành công có thể mất vài năm (có khi đến 5 hoặc 10 năm) tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng cá nhân, năng lực thực tế của từng người và may mắn (dù may mắn không phải là yếu tố quyết định).
Nói chung các bạn nên xác định xin học bổng là “trường kỳ kháng chiến”. Điều này đặc biệt đúng nếu các bạn muốn xin những học bổng “lớn” chẳng hạn như học bổng do chính phủ cấp hoặc học bổng tòan phần do chính trường đại học tuyển sinh cấp hoặc các tổ chức tài trợ nhất định.
Tuy vậy, theo kinh nghiệm cá nhân tôi để thành công khi xin học bổng, các bạn cần một số điều kiện sau:
– Sự quyết tâm và kiên trì cao:
Những ai đã quyết tâm xin học bổng đi học nên xác định phương trâm bao giờ “thắng lợi” học bổng mới thôi. Dành học bổng đòi hỏi phải kiên trì vì rất ít người nộp đơn 1, 2 hoặc 3 lần học bổng mà đã thắng lợi ngay. Các bạn cứ cho phép mình “trượt vỏ chuối” 1 vài lần để thoải mái tư tưởng.
Nộp hồ sơ học bổng nhiều lúc rất tốn kém về mặt “tiền bạc”, thời gian và tinh thần. Về sự kiên trì tôi xin kể chuyện khi tôi nộp hồ sơ học bổng Eramus Mundus cuối năm 2006. Tức là lúc tôi còn chưa có chứng chỉ tiếng anh IELTS. Tất nhiên hồ sơ của tôi bị loại ngay từ vòng đầu.
Đăng ký học bổng này phải nộp hồ sơ qua đường bưu điện đến trường mà bạn đăng ký học (tất nhiên tôi không rõ bây giờ họ đã thay đổi hình thức qua nộp online hay chưa?). Lần đầu tiên tôi tốn mất gần 1 triệu đồng tiền gửi hồ sơ và chẳng có kết quả gì ngoài cái thư thông báo “tôi trượt vỏ chuối rồi”. Sau học bổng Eramus Mundus, tôi cũng gửi hồ sơ trực tiếp qua đường bưu điện đến một số trường ở Châu Âu như University of Birmingham, University of East Anglia, University of Amsterdam, VU University Amsterdam… và một vài trường khác.
Việc gửi hồ sơ trực tiếp như thế thực sự rất tốn kém và không biết “có kết quả” gì không? Nhưng đổi lại, các bạn sẽ rèn thêm cho mình kỹ năng viết hồ sơ. Trong số tất cả những lần nộp hồ sơ như thế, tôi chỉ nhận được “administration acceptance” – tức là chấp nhận vào học mà không được học bổng.
Tôi hy vọng bây giờ các trường đại học không bắt buộc nộp hồ sơ qua đường bưu điện nữa, như vậy các bạn sẽ tiết kiệm được một khỏan tiền. Nhưng nếu các trường vẫn bắt buộc nộp hồ sơ qua đường bưu điện, thì các bạn vẫn nên thử trong khả năng tài chính của mình và tất nhiên thử nhưng vẫn có mục đích.
Sự quyết tâm và kiên trì thường bắt nguồn từ sở thích và ước mơ đi du học của các bạn. Nếu các bạn đã xác định con đường mà các bạn thực sự muốn đi trong những năm sắp tới là du học thì các bạn sẽ có thêm quyết tâm và sự kiên trì.
– Tự tin vào bản thân rằng mình có khả năng dành học bổng:
Cái này bản thân tôi đến giờ làm vẫn chưa tốt. Như kể từ phần đầu, tôi thiếu niềm tin nghiêm trọng vào bản thân mình. Đến giờ tôi vẫn chưa khắc phục được hòan tòan, nhưng tôi muốn các bạn không bị mắc “sai lầm” này của tôi.
Kinh nghiệm của tôi vẫn là các bạn hãy tin mình có thể làm bất cứ điều gì mà những người khác đã làm và thành công. Hãy tin tưởng cơ hội thành công cho mọi cá nhân là như nhau dù nỗ lực mà mỗi người phải bỏ ra để có được thành công đó là khác nhau.
– Kết quả học tập ở Việt Nam và chất lượng của bài luận (essay):
Ngoài điều kiện tiếng anh (IELTS và TOEFL) là bắt buộc. Nếu các bạn xin học bổng học sau đại học, thì kết quả học đại học ở Việt Nam phải tốt. Kết quả học tập chủ yếu thể hiện qua điểm tổng kết trung bình cuối khóa/chương trình học (GPA), các học bổng và giải thường mà các bạn đạt được.
Tùy từng chuyên ngành mà điểm tổng kết trung bình GPA khác nhau, tôi tham khảo các bạn bè được học bổng trước đó, GPA của ngành tài chính và ngân hàng khi xin học bổng khỏang 8.0 hoặc hơn, các ngành kỹ thuật thì khoảng 7.5. Nếu các bạn muốn xin học bổng học đại học thì điểm tổng kết phổ thông trung học phải tốt. Nhìn chung có GPA càng cao sẽ là một lợi thế lớn khi xin học bổng.
Thường mỗi học bổng đều có các bài luận có thể dưới dạng các câu hỏi cho thí sinh. Phần này cũng quan trọng và ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng. Tôi thấy các bài luận thường liên quan đến những vấn đề sau:
+ Kinh nghiệm làm việc trong quá khứ liên quan như thế nào đến ngành học?
+Tại sao bạn lại chọn ngành học này?
+ Lợi ích của ngành học mà bạn đăng ký đối với cá nhân bạn, đất nước bạn và đất nước bạn theo học?
+ Kế hoạch học tập/nghiên cứu cụ thể của bạn trong thời gian nhận học bổng là gì (câu này rất quan trọng và chắc chắn bắt buộc với bạn nào học nghiên cứu – research như thạc sỹ nghiên cứu và tiến sỹ)?
+ Sau khi hoàn thành khóa học bạn sẽ làm gì?
+ Tất nhiên sẽ có một số câu hỏi khác…
– Hãy tìm “đồng đội” cũng muốn xin học bổng và đi du học như bạn và hãy tìm những người có kinh nghiệm giúp đỡ mình
Kết bạn với những người có cùng mục tiêu chí hướng để động viên tinh thần và học hỏi lẫn nhau là cần thiết. Nếu các bạn đã có sẵn những người bạn được học bổng và đi du học thì tốt quá rồi. Nhưng theo tôi tốt nhất vẫn là những người chuẩn bị xin học bổng và du học như các bạn. Cùng trong một “trạng thái” các bạn sẽ hiểu nhau và chia sẽ được nhiều hơn.
Khi tôi nộp hồ sơ xin học bổng, tôi cũng có các anh chị đã đi du học trong cơ quan giúp đỡ nhưng thời kỳ họ xin học bổng (vài năm trước) có một số điều kiện khác với năm tôi xin học bổng. Và lại tôi thấy những người đã qua thời kỳ này họ sẽ cho bạn kinh nghiệm và những lời khuyên về kỹ năng và cả động viên tinh thần nữa… nhưng trong khi bạn trực tiếp “chiến đấu” bạn cần “đồng đội” hơn là những người đã tham gia “chiến đấu”. Hãy đến các lớp học IELTS, TOEFL để có thêm nhiều người bạn cùng chí hướng.
Nếu có những người bạn hoặc người thân đã được học bổng và đi du học rồi, bạn hãy nhờ họ xem giúp hồ sơ xin học bổng trước khi nộp, đặc biệt phần bài luận (essay). Các bạn có thể đọc và học từ trên internet, nhưng nếu có những người đã thành công xem và sửa hồ sơ của các bạn, điều đó không gì so sánh bằng.
Nếu không có sẵn bạn bè và người thân, các bạn hãy đến các công ty du học để “cộng tác” với họ. Tôi biết họ sẽ thu phí của các bạn nhưng thông thường họ có nhiều người có kinh nghiệm trong việc xin học bổng và du học giúp đỡ bạn.
Tóm lại: tôi nghĩ thành công hay không phụ thuộc nhiều nhất vào con người của bạn. Đó là ý chí quyết tâm, sự kiên trì, kiến thức và kinh nghiệm làm việc của các bạn. Nhưng sự giúp đỡ từ bạn bè, người thân đặc biệt là những người đã có kinh nghiệm rất quan trọng. Sự may mắn cũng rất quan trọng, nhưng tôi không muốn lạm bàn về “may mắn”.
Theo tôi may mắn là điều chúng ta không thể tác động đến. Nhìn chung, ít người có thể làm mình may mắn hơn. Vì vậy tôi nghĩ chúng ta hãy luôn tự tin và hi vọng là mình sẽ may mắn. Tôi cũng hi vọng những kinh nghiệm này giúp ích gì đó cho các bạn. Chúc các bạn thành công và may mắn.
Câu chuyện thứ 2 về sự quyết tâm của tôi: tôi đã vay Cô ruột tôi 50 triệu đồng để mua máy tính xách tay và luyện thi IELTS. Tôi nói với cả nhà là tôi sẽ lấy tiền học bổng sau này (dù lúc đó tôi chưa biết bao giờ mình mới dành được học bổng) để trả “nợ”.
Bố mẹ tôi có khả năng cho tôi học tiếng anh và tìm kiếm học bổng trong 1 thời gian, nhưng tôi vay tiền trang trải cho việc học nhằm tạo một số áp lực cụ thể cho bản thân. Thực tế, tôi cố gắng nhiều hơn vì món nợ 50 triệu đồng luôn “ám ảnh” mình.
Đa số các học bổng tòan phần như tôi kể trên (ADS, JDS, DAAD, Endeavour) yêu cần kinh nghiệm tối thiểu 2 năm với thạc sỹ và có thể nhiều hơn đối với tiến sỹ. Vì vậy những ai muốn xin học bổng này cũng phải kiên trì chờ đợi ít nhất 2 năm từ ngày các bạn đi làm. Trong thời gian đó các bạn có thể chuẩn bị tiếng anh và làm hồ sơ (form) trước khi mình hội tụ đủ hết mọi điều kiện.
Theo Giaoduc.net