TOP 15 cuốn sách bạn nên đọc khi còn trẻ (Phần 2)

0

SSDH – Ngày nay, để tìm được một cuốn sách “chân ái” để đọc không phải là điều dễ dàng. Trong phần 2 này, SSDH sẽ tiếp tục giới thiệu bạn 5 cuốn sách hay mà bạn nhất định không được bỏ lỡ nhé!

[Tham khảo: TOP 15 cuốn sách bạn nên đọc khi còn trẻ (Phần 1)]

6. Jared Diamond – Súng, vi trùng và thép, định mệnh của các xã hội loài người (1997)

Thể loại: Xã hội học, nhân chủng học, chính trị và kinh tế học

Trần Tiễn Cao Đăng dịch, Nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội, Tái bản 2019

Đây là một cuốn sách đặc biệt quan trọng và gây thảo luận sôi nổi khắp thế giới, mang lại danh tiếng cho Jared Diamond như là một trong những tư tưởng gia hàng đầu hiện nay. Cuốn sách không hề dễ đọc, nhưng việc đọc nó chắc chắn sẽ giúp bạn có được những nhận thức mới mẻ và độc đáo về các xã hội loài người.

Ở đây tôi chỉ xin lấy một ví dụ cho thấy học thuyết của Diamond có thể giúp bạn giải thích một câu chuyện mà người Việt Nam hầu như ai cũng từng nghe.

Câu chuyện đó như thế này: Người Việt dạy học sinh rằng Việt Nam tự hào là một nước “rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”, còn người Nhật dạy học sinh rằng Nhật Bản là một nước nghèo tài nguyên, thường xuyên bị động đất. Kết quả là Việt Nam trong thế kỉ 21 vẫn là một trong những nước nghèo, còn Nhật Bản cách đây 100 năm đã trở thành một cường quốc giàu có.

Ý nghĩa của câu chuyện trên là gì? Là nó phê phán cách dạy sai trái của người Việt Nam và ca ngợi cách dạy đúng đắn của người Nhật Bản. Nhưng nó cũng truyền tải một thông điệp như thế này: Quốc gia có điều kiện tự nhiên kém hơn (Nhật Bản) lại phát triển hơn quốc gia có điều kiện tự nhiên tốt hơn (Việt Nam).

Tuy nhiên, dưới ánh sáng của học thuyết Diamond thì toàn bộ câu chuyện trên chỉ là một câu chuyện tào lao.

Diamond cho rằng, sở dĩ xã hội này phát triển hơn xã hội khác trước hết là do nó sở hữu một loạt những lợi thế về môi trường (địa lý, khí hậu). Nhật Bản phát triển sớm hơn Việt Nam vì nó sở hữu những điều kiện tự nhiên tốt hơn. Khí hậu ôn đới với 4 mùa rõ rệt của Nhật Bản, nơi có lượng mưa vừa đủ và độ ẩm không quá cao, cho phép người ta cấy trồng và lưu giữ sản vật. Độ ẩm thấp khiến cho các công trình xây dựng làm từ gạch, gỗ có thể trụ được lâu dài. Tri thức lưu giữ dưới dạng sách da, sách thẻ tre hoặc sách giấy cũng được bảo quản tốt hơn, do đó thế hệ sau có thể dễ dàng kế tục và nhân rộng tri thức của thế hệ trước.

Từ thế kỉ 6, ở Nhật Bản đã có những thư viện lớn cho giới quý tộc, nơi tập trung lưu giữ một lượng lớn tri thức của xã hội. Ngược lại, khí hậu nhiệt đới gió mùa ở miền Bắc và khí hậu nhiệt đới ở miền Nam Việt Nam với lượng mưa lớn và độ ẩm cao tuy có thuận lợi cho việc trồng cấy, nhưng lại rất bất lợi cho việc lưu giữ sản vật. Các công trình cổ xây bằng gạch, gỗ ở Việt Nam có tuổi thọ thấp. Tri thức lưu giữ dưới dạng sách chỉ tồn tại được trong một thời gian ngắn, khó bảo quản, khó nhân rộng.

Trong quá khứ, Việt Nam chỉ có những tủ sách nhỏ của các gia đình quyền quý chứ gần như không có thư viện lớn. Tri thức xã hội do đó bị phân tán, mất mát, khó được truyền lại và nhân rộng cho nhiều người. Nói một cách ngắn gọn thì khi tiếp xúc với phương Tây vào thế kỉ 19, Nhật Bản đã phát triển hơn Việt Nam đáng kể. Người Nhật Bản khi đó đã tự tin hơn người Việt Nam rất nhiều, vì họ nhận ra rằng, xã hội của họ đã ở một qui mô tổ chức cao, và họ hoàn toàn có thể đuổi kịp phương Tây nếu họ canh tân.

Tất nhiên học thuyết coi trọng thời tiết-khí hậu của Diamond không loại trừ nỗ lực của con người. Ai cũng biết rằng dù có những điều kiện môi trường thuận lợi, nhưng nếu một xã hội ở một giai đoạn nhất định thi hành những chính sách sai lầm thì xã hội đó vẫn tụt hậu như thường. Trường hợp Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên chính là một ví dụ sinh động.

Gần đây, sự vươn lên của một số quốc gia nhiệt đới-hải đảo như Singapore, Malaysia cho thấy rằng, với những cách thức tổ chức và điều kiện kỹ thuật hiện tại, con người hoàn toàn có thể vượt qua những bất lợi do thời tiết-khí hậu mang lại để xây dựng những xã hội phát triển không thua kém những xã hội phát triển ở các nước ôn đới (Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ). Độc giả Việt Nam nên suy tư về những vấn đề mà Diamond đặt ra để hiểu đúng các điều kiện tự nhiên bất lợi của Việt Nam cũng như Việt Nam cần làm gì để phát triển.

7. Gabriel Gacía Marques – Trăm năm cô đơn (1967)

Thể loại: Tiểu thuyết

Nguyễn Trung Đức dịch, Nhà xuất bản Văn học, 2018

Cuốn tiểu thuyết vĩ đại của nhà văn Colombia là cánh cửa đưa bạn vào thế giới tâm hồn châu Mỹ Latinh. Người Việt Nam thường có thái độ tôn sùng phương Tây hoặc các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc), nhưng lại coi thường hoặc lạnh nhạt với các nền văn hóa khác như văn hóa Ả rập, châu Phi, Mỹ Latinh hoặc Đông Nam Á. Thái độ thiếu cởi mở này rõ ràng chỉ có hại cho việc tiếp nhận để làm phong phú thêm nền văn hóa của chính mình.

Châu Mỹ Latinh là vùng đất hòa trộn các yếu tố văn hóa châu Âu do người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mang tới với các yếu tố văn hóa bản địa. Nói đến châu Mỹ Latinh, ta không thể không nói tới những đội bóng hào hoa, những vũ điệu quyến rũ và một nền văn học huyền ảo làm say mê lòng người. Trăm năm cô đơn là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của dòng văn học này, mang lại giải Nobel cho Gabriel Cacía Marques và đưa tâm hồn Mỹ Latinh ảnh hưởng khắp thế giới. Ở châu Á và Việt Nam, không khó để nhận ra dấu vết của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong các tiểu thuyết của Murakami, Mạc Ngôn và Bảo Ninh.

Tôi xin trích khổ văn đầu tiên của tác phẩm để các bạn có cảm nhận ban đầu về văn phong đặc sắc của nhà văn này:

“Rất nhiều năm sau này, trước đội hành hình, đại tá Aurêlianô Buênđya đã nhớ lại buổi chiều xa xưa ấy, cái buổi chiều cha chàng dẫn chàng đi xem nước đá. Thời ấy Macônđô là một làng gồm vài chục nóc nhà tranh vách đất dựng bên bờ con sông nước trong như pha lê, ào ào chảy qua những tảng đá nhẵn thín, trắng bong, to như những quả trứng thời tiền sử. Thế giới lúc ấy còn ở buổi hồng hoang, chưa có tên gọi các đồ vật và để gọi chúng cần phải dùng ngón tay chỉ đích vào từng cái một. Cứ vào tháng ba hàng năm, một gia đình digan rách rưới dựng một túp lều bạt ngay cạnh làng, rồi với tiếng kèn trống om xòm quảng cáo những phát minh mới. Ðầu tiên, họ mang tới đá nam châm. Một người digan lực lưỡng, hàm râu lởm chởm, bàn tay lông lá, tự giới thiệu mình tên là Menkyađêt, làm ngay một thí nghiệm kinh rợn trước công chúng về cái mà chính ông ta gọi là kỳ quan thứ tám của các thuật sĩ luyện đá giả kim uyên bác xứ Maxêđoan. Từ nhà này sang nhà khác ông ta kéo hai thỏi kim loại đã nhiễm từ, và thế gian kinh ngạc khi nhìn thấy sanh, chảo, vạc, kìm, bếp lò rơi đổ ngổn ngang, đồ gỗ kêu cọt kẹt bởi đinh, ốc vít đang như muốn tuột ra khỏi chúng, và hơn nữa, những vật bằng sắt bị mất từ lâu bỗng lại ló ra ở ngay nơi chủ nó từng mất công tìm kiếm…”

 

8. Milan Kundera – Đời nhẹ khôn kham (1984)

Thể loại: Tiểu thuyết

Trịnh Y Thư dịch, Nhà xuất bản Nhã Nam, Hà Nội, 2018

Milan Kundera có lẽ là nhà văn châu Âu có ảnh hưởng mạnh nhất hiện nay, xét trên phạm vi toàn cầu. Khó có nhà văn nào mổ xẻ văn hóa châu Âu và con người châu Âu hiện đại tinh tế hơn ông.

Đời nhẹ khôn kham là cuốn tiểu thuyết bàn về “sự nhẹ tênh của đời sống”. Tomas, nhân vật chính, là một bác sĩ phẫu thuật ở Praha. Anh chỉ yêu duy nhất Tereza và sống chung với cô, nhưng anh lại cho phép mình đồng thời quan hệ tình dục với nhiều người phụ nữ khác mà không hề cảm thấy cắn rứt. Anh tự tạo cho mình một triết lý về sự “nhẹ tênh” của đời sống, trong đó anh phân biệt rất rõ tình yêu và tình dục và cho rằng chúng hoàn toàn có thể tách rời nhau. Sau sự kiện “mùa xuân Praha” 1968, Tomas và Tereza chạy sang Thụy Sĩ. Tomas tiếp tục có các vụ ngoại tình và Tereza dần cảm thấy cuộc sống thật “nặng nhọc”. Cô chạy trốn khỏi Tomas để trở về Tiệp Khắc. Lúc này Tomas mới cảm thấy thiếu cô, nên anh cũng bỏ Thụy Sĩ để trở về Praha tìm cô. Trong bầu không khí chính trị nặng nề ở Tiệp Khắc hồi đó, Tomas bị mất việc làm. Anh phải lau cửa kính và cuối cùng là làm nghề nông để kiếm sống. Cũng như ở các tiểu thuyết khác của Milan Kundera, các nhân vật trong Đời nhẹ khôn kham liên tục suy tư và nhận thức về đời sống khi họ vấp phải những vấn đề thường nhật như tình yêu, tình dục, tiền bạc, quan điểm đạo đức hoặc chính trị.

9. George Orwell – Chuyện ở nông trại (1945)

Thể loại: Tiểu thuyết, Truyện ngụ ngôn

An Lý dịch, Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2013

Hiện nay người ta vẫn chưa thể nói về Georg Orwell một cách thoải mái ở Việt Nam, vì tính chất “nhạy cảm chính trị” của nhà văn này. Chuyện ở nông trại đến nay vẫn là cuốn tiểu thuyết đầu tiên và duy nhất của Orwell được phép xuất bản ở Việt Nam. Nhưng dĩ nhiên, nói về Orwell thì không thể không nói đến chính trị, vì ông đích thực là một “nhà văn chính trị”, hiểu theo nghĩa đen của từ này.

Lâu nay người ta thường có ác cảm với “văn học chính trị” vì họ cho rằng văn học nên tách rời khỏi chính trị và nhà văn thì không nên can dự vào chính trị. Tuy nhiên chính trị lại là một trong những hoạt động sôi nổi và quan trọng nhất của loài người, nơi người ta bộc lộ những quan điểm và đam mê mãnh liệt, cho nên một khi văn học né tránh chính trị thì tức là nó cũng né tránh luôn cả đời sống. Trên thực tế, một nhà văn đích thực ngay cả khi không can dự vào các hoạt động chính trị thì ông ta vẫn không thể không suy tư về chính trị. Georg Orwell vừa là một nhà báo, vừa là một nhà hoạt động chính trị, vừa là nhà văn, và ông đã thực hiện những công việc này với niềm đam mê và kết quả xuất sắc.

Sinh năm 1903 ở Ấn Độ khi nước này còn nằm dưới sự cai trị của đế chế Anh, Georg Orwell đã có dịp trải nghiệm thực tế các xã hội thuộc địa từ rất sớm, nên ông đã sớm tỏ ra chán ghét chủ nghĩa đế quốc. Nhờ việc thường xuyên tiếp xúc với các tầng lớp dân nghèo ở Ấn Độ, Miến Điện, châu Âu lục địa và Anh, ông ý thức rõ về việc cần có một cuộc cách mạng xã hội để mang lại tự do và cơ hội bình đẳng cho những người ở tầng lớp dưới. Tháng 12 năm 1936, ông cùng vợ sang Catalonia, Tây Ban Nha để chiến đấu cho Đảng Công nhân Liên minh mác-xít (POUM) chống lại lực lượng phát-xít do Francisco Franco cầm đầu. Những trải nghiệm của Orwell ở Tây Ban Nha khiến cả đời ông tin tưởng vào chủ nghĩa dân chủ xã hội, nghĩa là chủ nghĩa xã hội kết hợp với tự do tranh luận và tự do bầu cử. Nhưng cũng trong thời gian này, vợ chồng ông đã phải chạy trốn sự thanh trừng theo kiểu Stalin trong phút chót. Chính kinh nghiệm này đã ám ảnh Georg Orwell, khiến ông viết nên hai kiệt tác: Chuyện ở nông trại (có bản dịch là Trại súc vật) và 1984, kể về bi kịch của cách mạng vô sản.

Chuyện ở nông trại kể về cuộc nổi loạn của đám gia súc chống lại ông chủ trại. Cuộc nổi loạn được đám lợn dẫn đầu dưới sự lãnh đạo của một con lợn chúa tên là Napoleon (Nã Phá Luân). Sau khi chiếm được nông trại, đám gia súc liền tiến hành một cuộc cách mạng xã hội bằng cách tuyên bố “mọi con vật đều bình đẳng”. Thế nhưng theo thời gian, khi nắm quyền lực trong tay, đám lợn dần trở nên hợm hĩnh và lộng quyền. Chúng kiểm soát tất cả các hoạt động trong nông trại và không cho những con vật khác được quyền lên tiếng. Rốt cuộc, chúng tạo ra một xã hội mà ở đó, thay vì “mọi con vật đều bình đẳng” thì lại luôn có “những con vật khác bình đẳng hơn”.

Từ thời cải cách mở cửa, Chuyện ở nông trại đã được dịch và xuất bản nhiều lần ở Trung Quốc, thậm chí người ta còn cho in những bản rút gọn hoặc chuyển thể truyện tranh cho trẻ em. Nhưng ở Việt Nam, phải tới năm 2013, độc giả mới được đọc một bản dịch của Georg Orwell dưới dạng sách xuất bản chính thức.

10. Bùi Văn Nam Sơn – Trò chuyện triết học (2012)

Thể loại: Tập hợp các bài viết về triết học

Nhà xuất bản Tri Thức, Hà Nội

Bùi Văn Nam Sơn có thể được coi là triết gia đích thực và duy nhất ở Việt Nam hiện nay. Ông sinh năm 1947 ở Quảng Nam, học triết học ở Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1964-1968. Từ 1968, ông qua Đức du học khoa Triết tại đại học J.W.Goethe ở Frankfurt. Ông là học trò của hai triết gia lớn nhất còn sống của Đức hiện nay là Habermas và Otto Apel. Từ 10 năm trở lại đây, Bùi Văn Nam Sơn đã lần lượt dịch những tác phẩm kinh điển quan trọng nhất của triết học Đức sang tiếng Việt, như bộ ba cuốn Phê phán của Kant và các tác phẩm chính của Hegel. Ông là học giả quan trọng nhất đảm nhận việc hiệu đính và viết lời giới thiệu cho các bản dịch sách tinh hoa của Nhà xuất bản Tri Thức. Nhà văn Nguyên Ngọc nói về Bùi Văn Nam Sơn: “Một sự uyên bác thực sự cộng với một tài năng đặc biệt không dễ tìm ra; một lối viết triết học cho số đông công chúng thật tài hoa, duyên dáng”.

Trò chuyện triết học tập hợp 92 bài viết của ông đăng rải rác trên tạp chí Sài Gòn Tiếp Thị, bàn về các vấn đề của cuộc sống hôm nay dưới lăng kính triết học. Cuốn sách đã gây tiếng vang lớn khi ra mắt tháng 6/2012 tại Sài Gòn khi độc giả kéo đến đông nghịt để nghe tác giả diễn thuyết. Nhân sự kiện này, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh nhận xét: “Với cuốn sách này, triết học đã đi vào công chúng, và chúng ta đã có một nhà nghiên cứu triết học xuống đường để làm việc đó xứng đáng. Triết học là khoa học bao trùm rộng lớn mọi vấn đề của vũ trụ, con người, là môn học đẻ ra các ngành khoa học. Triết học thật sự là chất xúc tác cho tư duy, là tiền đồ cho một xã hội tri thức. Nếu không có triết học, xã hội sẽ như con thuyền không bánh lái”.

Còn Nhà sử học Nguyễn Thị Hậu chia sẻ: “Cách diễn đạt của ông rất gần với công chúng, không coi mình cao hơn công chúng, mình và công chúng như nhau. Chính sự tôn trọng ấy đã giúp tôi không thấy mình thấp hơn người đang truyền đạt kiến thức, và rất thoải mái khi đọc ông”. Đáp lại những chia sẻ đó, Bùi Văn Nam Sơn nói: “…Rõ ràng lâu nay mình đã lãng quên vai trò triết học: đó là phải đi vào cuộc sống. Triết học cắt đứt đối thoại thì không còn gì để suy nghĩ nữa. Chính cuộc sống làm cho triết học tươi xanh… Những hiện tượng văn hoá rất bình thường đều có chất lượng triết học. Phải có công cụ suy nghĩ và những triết gia biết cách chuyển tải, thể hiện những vấn đề bình thường nhất của con người như: Thế nào là cuộc đời đáng sống? Tình cảm là gì? Có tình cảm có lý trí không? Con người là gì? Nhân cách là gì?… Đó là những vấn đề hàng ngày, bất tận, như là bản thân cuộc đời… Đi ngược với tinh thần đó là lạc hậu, phản bội lại triết học.”

Nhìn chung Trò chuyện triết học là một cuốn sách sâu sắc, được viết bằng văn phong giản dị, trong sáng, dễ hiểu, và cũng là cuốn sách đầu tiên do một học giả Việt Nam viết thuộc thể loại này. Nó xứng đáng được thế hệ trẻ Việt Nam trân trọng, tìm đọc, và nếu có thể thì cùng tranh luận hoặc đối thoại.

[Tham khảo: 5 cuốn sách sinh viên mới ra trường nên đọc]

[Tham khảo: 10 tác phẩm văn học kinh điển nên đọc trong cuộc đời]

SSDH (nguồn: Trạm Đọc)

Share.

Leave A Reply