Sẵn sàng du học – Một doanh nhân Việt đã mua lại bức tranh với giá gấp đôi với lời hứa: nếu đến một ngày bức tranh không còn nghĩa lý gì nữa thì hãy đốt nó. Và ngày đó đã đến, anh phải đốt.
Tranh Van Gogh mua để đốt là tác phẩm mới nhất của Hồ Anh Thái, một lần nữa đã chứng tỏ được tay viết tài hoa, độc đáo từ việc đặt tên sách, xây dựng nội dung sách cho đến cách kể chuyện đầy cuốn hút.
Bức tranh xấu số nhất
Bức họa Chân dung bác sĩ Gachet được vẽ khi Van Gogh đang ở trong thời kỳ khó khăn nhất. Tiết trời ngày càng lạnh và sức chịu đựng của ông càng kiệt cùng. Không biết rằng chỉ vài tháng nữa thôi, Van Gogh sẽ trút hơi thở cuối cùng, ông vẽ bức họa này để cảm ơn bác sĩ Gachet, người đã tận tình điều trị cho ông.
Nhưng tiếc thay, tranh của ông trong mắt người đương thời không được đánh giá là đẹp. Những đường gân đường vẩy ngoằn ngoèo trông như trẻ con vẽ. Vị bác sĩ vì lịch sự nên cũng nhận tranh nhưng bản thân ông và cả vợ con đều chê tranh xấu.
Hình ông bác sĩ trong tranh đã chẳng những không giống người thật mà lại còn nhăn nheo, ốm yếu hơn cả người đã vẽ nó. Và quan trọng hơn cả, bức tranh chao ôi sao mà cô độc đến thế, hay đó là con mắt nhìn đời của vị họa sĩ tài hoa nhưng không được công nhận?
Bức tranh được mang về, sau nhiều tháng quay mặt vào tường, cuối cùng đến một hôm nào đó, nó đã thấy mình được che trên nóc chuồng gà.
Tranh của Van Gogh vốn không hề bán được một bức nào khi ông còn sống, nhưng bảy năm sau khi qua đời, giới nghệ thuật mới bắt đầu đổ xô đi mua tranh của ông.
Những bức tranh nổi gân nổi vẩy, những bức tự hoa, những bức vẽ hoa hướng dương… 100 năm sau tất cả đều được đấu giá hàng chục triệu đô. Và bức Chân dung bác sĩ Gachet mang che chuồng gà năm nào cũng được lục tìm bán lại, giờ đây thuộc về một ông tỷ phú Nhật với giá 82,5 triệu đô la.
Những tưởng số phận nó sẽ được yên vị trong khung gỗ trên bức tường trắng, nhưng giờ đây nó lại sắp nằm trên đống lửa bởi vị tỷ phú kia có ước nguyện rằng khi ông chết đi, bức tranh sẽ được đốt theo. Giới nghệ thuật cuống cuồng lên khi một tác phẩm độc nhất vô nhị của thời đại sắp sửa biến mất.
Một doanh nhân Việt đã lặn lội từ châu Âu sang Nhật Bản, đàm phán và nhận thử thách với vị tỷ phú nọ để mua được bức tranh Chân dung bác sĩ Gachet với giá gấp đôi với lời hứa: nếu đến một ngày bức tranh không còn nghĩa lý gì nữa thì hãy đốt nó. Và ngày đó đã đến, vị doanh nhân không còn cách nào khác là phải đem đốt bức tranh.
Đốt. Cháy thành tro. Thêm lần nữa.
Những mảnh ghép cuộc đời
Chân dung bác sĩ Gachet là bức tranh nhỏ, Hồ Anh Thái trong tác phẩm Mua tranh Van Gogh để đốt muốn bàn đến khung cảnh to hơn: bức tranh cuộc đời. Xoay quanh chuỗi sự việc mua tranh – đốt tranh – cứu tranh, những mảnh đời cứ thế hiện lên như những mảnh ghép khác nhau của bức tranh hàng trăm, hàng nghìn mảnh.
Vị tỷ phú Nhật giàu có nhưng bị cho là gàn dở khi lũ con cháu trong nhà chỉ nhăm nhe đến khối tài sản khổng lồ của ông. Không những đốt tranh, ông còn mở chai rượu đắt tiền đổ xuống bể cá như để chọc tức gia đình.
Ông doanh nhân Việt sau nhiều năm bôn ba trên đất Đông Âu giờ đây về Việt Nam lập nghiệp và trở thành một trong những người giàu có nhất cả nước, cả châu lục. Dù lúc nào cũng lẩn như trạch trong mỗi sự kiện nhưng tập đoàn có hoạt động hay có biến gì, ông cũng nắm rõ như lòng bàn tay.
Anh giám đốc truyền thông xuất thân từ vị trí tổng biên tập của một tờ báo lớn, giờ chuyển sang làm cho tập đoàn to nhất nhì Việt Nam. Tâm trí anh vẫn luôn dằn vặt vì không cứu được người trong cơn thác lũ, giờ đây anh quyết tâm cứu bức tranh sắp bị đốt thành tro bụi.
Một cô diễn viên với gương mặt như hoa nhưng không đọc được kịch bản bởi cứ nhìn thấy chữ là đau đầu. Nhưng khi đọc những trang giấy trắng thì cô lại vanh vách đọc ra những câu chuyện. Các bức tranh cô vẽ cũng toàn là một màu trắng xóa.
Rồi một loạt những tuyến nhân vật to nhỏ kéo theo, một phó tổng biên tập xảo trá, người lái xe háo sắc, chú cần vụ lúc nào cũng oang oang một bài hát nhảm nhí, chị bếp ưa tám chuyện… Tất cả, tất cả đều là những mảnh ghép cần thiết cho bức tranh cuộc đời hoàn chỉnh.
Trò chơi khăm giữa những chuyện bi hài
Tranh Van Gogh mua để đốt bên cạnh chủ đề mới lạ thì còn được hấp dẫn bởi chính cách xây dựng cốt truyện tài hoa của tác giả. Đánh lạc hướng độc giả bằng lối kể hóm hỉnh, chỉ trong một cái chớp mắt, Hồ Anh Thái đổi ngữ điệu và để họ rơi vào cái hố đầy bi kịch. Chính hai sắc thái Bi – Hài xen kẽ, bổ sung cho nhau đã mang đến cảm giác như bị chơi khăm, vừa oán trách lại vừa khâm phục của người đọc.
Khi bàn đến Hài, Hồ Anh Thái nhắc đến những trò tầm thường, giả dối, đỉnh cao là phân cảnh đặt tên tranh cho những bức tranh trắng xóa. Để chứng tỏ sự uyên thâm với khiếu nghệ thuật độc đáo của mình với vị sếp tổng của tập đoàn giàu có, không ít người đã vô tình bộc lộ cái sự rỗng tuếch bên trong, màu mè bên ngoài của mình.
Nhưng ở phạm trù Bi, ông kể lại câu chuyện người kỹ sư đầy hoài bão và mơ ước, chăm chỉ học hành ở nước ngoài với khát vọng sáng chế ra đầu máy tàu hỏa hiện đại cho đất nước. Tiếc thay, những người đứng đầu đâu có biết dùng nhân tài, họ chuyển anh hết từ chỗ này sang chỗ khác, từ thợ máy dầu mỡ sang giáo viên dạy nghề, để rồi sống mòn với giấc mơ của mình.
Đã từng có câu hỏi: Việc nghĩ ra một bài toán vô cùng khó và việc giải bài toán đó, việc nào khó hơn? Giống như việc nhà văn Hồ Anh Thái đã vẽ nên bức tranh sinh động về một xã hội đầy bi hài trong Tranh Van Gogh mua để đốt, rồi cắt ra thành nghìn mảnh, xáo trộn rối tung lên và việc độc giả ngồi tỉ mẩn xếp lại từng mảnh ghép một, việc nào mang đến ấn tượng sâu sắc hơn?
Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing