SSDH – Theo chị, điểm mạnh – yếu của học sinh Việt Nam khi chuẩn bị du học là gì, đặc biệt đối với những em có tham vọng tìm học bổng? Vai trò của người hỗ trợ trong quá trình các em tìm kiếm cơ hội du học là như thế nào, thưa chị?
Là sinh viên quốc tế, học sinh Việt Nam mang đến cho các trường yếu tố “đa dạng” và học sinh Việt Nam thường chăm chỉ, nghiêm túc và có trí nên thường học giỏi, tạo được ấn tượng tốt và uy tín cao.
Học sinh Việt Nam thường học tốt các môn tự nhiên nên vào trường không gặp khó khăn với những môn đó. Ngoài ra, các bạn có khả năng thích ứng tốt với môi trường mới và hoà nhập ổn định khi sang trường. Đó là điểm mạnh của các em.
Còn điểm yếu là khả năng tư duy độc lập chưa cao. Thời gian học tiếng Anh của học sinh Việt Nam chưa lâu nên ngôn ngữ còn sách vở làm hạn chế khả năng giao tiếp. Thời gian luyện thi SAT ít và không có nhiều trung tâm dạy giỏi, nên điểm SAT chưa cao.
Ít em có cơ hội phát triển năng khiếu, sở thích và đam mê từ nhỏ, cũng như chưa có lịch sử hoạt động ngoại khoá lâu dài, vì thế chưa có cơ hội phát huy tài năng ngoài việc học ở trên trường. Một số em được gia đình bao bọc nhiều nên trở nên thụ động. Khi đi vào quá trình làm hồ sơ, các em chưa hiểu rõ về trường, về mình, về ngành mình muốn học và về mức độ cạnh tranh. Vì thế còn nhiều em muốn thử sự may mắn nhiều hơn là có chiến lược rõ ràng.
Về vai trò của người hỗ trợ – ở đây có thể là gia đình, các thầy cô hay trung tâm tư vấn – là giúp các em có nguyện vọng du học chuẩn bị từ sớm. Việc chuẩn bị này bao gồm: Học thuật ở nhà trường, học ngoại ngữ và phát triển cá nhân.
“Sớm” ở đây phải là từ đầu cấp 2 chứ không phải đầu cấp 3 như các gia đình hiện nay đang làm. Các em cần có thời gian để đầu tư thật sự và phát triển bản thân thì mới phát hiện ra điểm mạnh của mình, phát huy được tài năng, biết mình muốn theo đuổi lĩnh vực nào và có những lựa chọn đúng đắn khi vào đại học.
Chọn đúng trường là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công khi nộp đơn. Đó là chưa nói đến việc làm hồ sơ vào đại học còn đòi hỏi các em phải biết khai thác lịch sử, điểm mạnh và khác biệt của mình để tạo yếu tố nổi bật trong hồ sơ.
Những tư vấn viên như chúng tôi đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục Mỹ và ai cũng đã từng trải qua quá trình du học thành công, vì vậy hơn ai hết chúng tôi có rất nhiều thuận lợi để giúp các em định hướng và có kế hoạch cụ thể để theo đuổi giấc mơ của mình.
Chị thấy rằng học sinh du học theo nguyện vọng của bản thân, hay theo nguyện vọng của phụ huynh chiếm phần nhiều hơn?
Những em học sinh học giỏi và có tham vọng vào các trường uy tín thường khá chủ động bày tỏ nguyện vọng của bản thân. Có rất nhiều em, đặc biệt là học sinh các trường chuyên nơi có lịch sử du học lâu năm, tự mình làm hết mọi việc. Nhưng cũng có một nhóm học sinh dựa vào bố mẹ nhiều.
Nếu phải đưa ra một câu trả lời “nhìn chung” thì theo tôi có lẽ là 50/50.
Nếu như có một chiến lược đầu tư cho con, phụ huynh phải chú trọng tới những điều gì, và bắt đầu từ khi nào? Vai trò của tài chính chiếm bao nhiêu %, thưa chị?
Theo tôi, các gia đình nên bắt đầu định hướng cho học sinh từ đầu cấp 2 và tập trung vào những việc sau:
Thứ nhất là việc học.
Để thành công cao trong việc xin học bộc tại những trường hàng đầu ở Mỹ, điểm học trên lớp của học sinh phải xuất sắc (trên 8.5). Học sinh từ các trường chuyên, các trường phổ thông năng khiếu (Hanoi-Amsterdam, Lê Hồng Phong…) được đánh giá cao hơn các trường không chuyên.
Các em không chỉ học trong nhà trường phổ thông, mà nên tìm các khoá học nâng cao ở bên ngoài hay trên mạng (Coursera, Udemy) hoặc tìm các cơ hội tham gia nghiên cứu, trợ giảng, v.v. Nếu có cơ hội tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, các em nên cố gắng tham gia.
Thứ hai là tiếng Anh.
Đầu tư vào tiếng Anh từ sớm (cấp 1 và cấp 2) sẽ đảm bảo việc học sinh có vốn tiếng Anh chắc và gặp nhiều thuận lợi khi luyện thi TOEFL và SAT vào đầu cấp 3. Ngoài học nghe nói và ngữ pháp, học sinh nên đọc nhiều sách văn học bằng tiếng Anh để nâng cao khả năng viết và mở rộng vốn từ vựng. Khả năng tư duy bằng tiếng Anh cũng phát triển từ những cơ hội giao du với văn hoá quốc tế, đặc biệt qua các trại hè hay các CLB giao lưu trong nước.
Thứ ba là các hoạt động ngoại khoá.
Gia đình nên cho học sinh tham gia các hoạt động bên ngoài nhà trường như thể thao, âm nhạc, hội hoạ, hay xã hội để các em phát triển bản thân toàn diện hơn. Các em nên bắt đầu với vai trò thành viên, nhưng nên cố gắng lĩnh hội các vai trò lớn hơn trong một tổ chức hoặc đứng ra thành lập các dự án, câu lạc bộ riêng của mình nếu có nguyện vọng, để có cơ hội phát triển khả năng lãnh đạo. Với những học sinh có năng khiếu đặc biệt, gia đình nên cho các em đầu tư thời gian vào khám phá và phát triển tối đa năng khiếu đó.
Còn về vấn đề tài chính, thì các gia đình nên xác định từ sớm khả năng tài chính và mức chi phí gia đình có thể chi trả khi cho con đi học trong 4 năm ở Mỹ.
Với chi phí học ở Mỹ lên tới 50-60 ngàn đô/năm, chỉ có khoảng 20 trường hàng đầu ở Mỹ hiện vẫn còn giữ chính sách “meet full needs” nghĩa là “học bổng toàn phần” xét dựa trên thu nhập của bố mẹ.
Còn lại, các trường đều yêu cầu gia đình nộp khoảng 40-50% trở lên, nghĩa là tối thiểu các gia đình sẽ cần 20 – 25 ngàn đô/năm. Không những cần có khoản tiền này, mà các gia đình còn cần phải hợp lý hoá nguồn thu 2 – 3 năm trước khi cho con đi học.
Chẳng hạn, nhiều gia đình có nhà cho thuê, nhưng lại không có hợp đồng công chứng, vì vậy không chứng minh được nguồn thu này là có thật. Chờ đến gần ngày nộp đơn mới thực hiện việc này là quá chậm.
Học sinh có điều kiện tài chính ngày càng được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để săn học bổng. Như vậy, có còn cửa cho “con nhà nghèo học giỏi”?
Đây là một câu hỏi hay. Từ trước tới nay, ở Việt Nam, chúng ta quen với khái niệm “con nhà nghèo học giỏi” và phần nào khái niệm này vẫn tồn tại trong “cuộc chiến” săn học bổng Mỹ, có lẽ bởi vì những em thực sự giỏi vẫn thường xuyên được các trường nhận ra và đánh giá cao.
Tuy nhiên, nếu bạn tin rằng trong cái “giỏi” có một phần của tự nhiên và một phần của môi trường (“part nature, part nurture“) thì học sinh có điều kiện tài chính và có sự chuẩn bị chu đáo cũng có thể trở thành những đối thủ cạnh tranh không kém phần.
Hơn thế nữa, vì các trường đại học Mỹ sử dụng hồ sơ và đánh giá “tổng thể” thay vì 1 kỳ thi tuyển khi xét nhận học sinh vào, học sinh có thể thể hiện tiềm năng của mình qua nhiều mặt. Những bạn chỉ có điểm số, kể cả điểm số rất cao, nhìn chung sẽ yếu vế hơn nhưng bạn có điểm số cao và nhiều thành tích hoạt động xã hội khác.
Nói vậy, nhưng tôi cũng muốn lưu ý rằng việc chuẩn bị du học không nhất thiết cứ phải có “điều kiện tài chính” vì các em hoàn toàn có thể học tập, tham gia hoạt động, và tạo cho mình một bộ hồ sơ ấn tượng bằng công sức, thời gian và trí óc của chính mình.
Có một số người cho rằng du học sinh học trường “xịn” về không làm việc đúng chuyên môn mà lại đứng ra làm việc ở các trung tâm tư vấn du học là một sự lãng phí. Câu trả lời của chị về ý kiến này như thế nào?
Ai nói câu này chắc đang có vị trí nào “xịn” hơn muốn tuyển các du học sinh trường “xịn” này chăng?
Tôi nghĩ rằng giúp Việt Nam xây dựng một đội ngũ trẻ có học thức, kinh nghiệm và tầm nhìn quốc tế là việc làm có ích nhất cho quốc gia này ở thời điểm hiện nay.
Xin cảm ơn chị!
Thục Uyên (SSDH) – Theo Tạp Chí Giáo Dục