Sẵn sàng du học – Một trong những yếu tố quan trọng của việc học chính là ghi nhớ những gì bạn đã hiểu hay nói cách khác “biến chúng thành của mình” để khi cần bạn có thể “gọi” chúng ra và sử dụng ngay lập tức.
Trước khi bắt tay vào học bất kì thứ gì, bạn cần ghi nhớ có 2 loại kiến thức, đó là:
– Kiến thức về các môn học sẵn có và cụ thể như lịch sử, toán học hay lập trình…
– Kiến thức về cách thức “vận hành” của quá trình học
Buồn thay là hệ thống giáo dục của chúng ta lại chẳng e ngại gì việc bỏ qua một trong số chúng đó là đào tạo kĩ năng học. Bởi cách bạn học sẽ quyết định việc sau cùng bạn sẽ tiếp thu được những gì và nghĩ rộng hơn nó sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc sống, sự nghiệp sau này của bạn.
Một trong những yếu tố quan trọng của việc học chính là ghi nhớ những gì bạn đã hiểu hay nói cách khác “biến chúng thành của mình” để khi cần bạn có thể “gọi” chúng ra và sử dụng ngay lập tức.
Dưới đây là 4 chiến lược giúp tối đa hóa hiệu quả của quá trình học của bạn:
Ép bản thân gợi nhắc lại kiến thức
Đây là một trong những phần có vẻ nhàm chán nhất trong quá trình học. Và nó thực sự không đơn giản chút nào. Song sự thực là khi việc học tỏ ra vô cùng khó khăn với bạn hay nói cách khác là bạn đang chật vật để tự học cũng chính là lúc bạn dần dần được tôi luyện và ghi nhớ một cách bền lâu hơn. Đồng thời, khi ép bản thân cố gắng nhớ lại những gì đã được học sẽ giúp bạn vượt qua giới hạn tạm thời về trí nhớ của mình. Với phương pháp này, bạn có thể sử dụng flashcard.
Đừng bị huyễn hoặc bởi sự trôi chảy
Khi bạn đọc một tài liệu hoặc bài ghi nào đó một cách dễ dàng, thì điều mà bạn đang trải qua chính là sự trôi chảy trong việc học. Và nó có thể khiến bạn gặp rắc rối.
Một ví dụ cụ thể cho hiện tượng này: bạn đang ở sân bay và bạn đang cố gắng để nhớ ra cổng vào chuyến bay của bạn đến Chicago. Bạn nhìn vào màn hình chỉ dẫn – đó là B44. Bạn tự nhủ với chính mình, ồ, B44, thật dễ dàng. Sau đó, bạn đi bộ, kiểm tra điện thoại của bạn một cách nhàn hạ và ngay lập tức quên đi nơi bạn đang định hướng đến.
Cách tốt nhất ở đây là, sau khi nhìn vào số hiệu trên bảng chỉ dẫn, bạn quay đi và tự hỏi mình là cổng số mấy, sau đó tự nhắc lại trong đầu là B44. Và chắc chắn bạn sẽ không quên dù có bị sao nhãng bởi điện thoại hay bất kì điều gì diễn ra sau đó.
Kết nối những kiến thức cũ và mới lại với nhau
Theo tác giả của cuốn sách “Make it stick”: “Càng kết nối được nhiều kiến thức mới với kiến thức đã học thì khả năng nắm bắt ý tưởng của bạn sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn. Và điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn ghi nhớ dài hạn hơn”. Khi bạn đặt những kiến thức vừa được học trong cùng chuỗi liên kết với những kiến thức sẵn có của mình, bạn đang giải thích vấn đề một cách kĩ lưỡng, nói nôm na chính là tìm ra bản chất của vấn đề.
Một kỹ năng tuyệt vời là tìm ra những ví dụ thực tế để minh họa các nguyên tắc mà bạn vừa khám phá ra. Chỉ khi thực sự hiểu một vấn đề bạn mới có thể đưa ra ví dụ đúng. Ngược lại việc đưa ra ví dụ đúng là cách để kiểm tra sự hiểu biết của bạn đến đâu.
Ôn lại, ôn lại và chỉ có ôn lại
Việc ôn lại mọi thứ thực sự có ích. Theo nghiên cứu của Harvard Business School, các nhân viên làm việc ở vị trí trực điện thoại có hiệu suất làm việc lên tới 22.8% cao hơn so với hiệu suất của các nhân việt làm việc ở nhóm điều khiển khi họ chỉ dành 15 phút để ôn lại những công việc vào cuối ngày.
Giáo sư Francesca Gino của HBS nói cho biết: "Khi mọi người có cơ hội suy ngẫm, họ sẽ trở nên tự tin hơn. "Họ cảm thấy tự tin hơn và rằng họ có thể đạt được mọi thứ. Kết quả là, họ cố gắng nhiều hơn vào những gì mình đang làm và đang học.”
Người dịch: Ánh Dương (SSDH)