SSDH – Cô đơn nơi xứ người, không theo nổi chương trình học, sốc văn hóa là những cung trầm khiến nhiều du học sinh (DHS) vỡ mộng giấc mơ hoa nơi xứ người. DHS phải làm gì để vượt qua khủng hoảng, trụ vững nơi xứ người.
Thấy đời mình đã chấm hết.
Ba tháng đầu tiên chân ướt chân ráo sang xứ người được xem là thời điểm khốn khổ nhất của DHS, quá trình thích nghi thật sự kéo dài đến nửa năm, thậm chí một năm. Tuy tất cả DHS đều có chuẩn bị trước về tâm lí cho những cú sốc văn hóa nhưng sự chuẩn bị này chẳng là nghĩa gì khi chạm vào thực tế cuộc sống.
Ảnh minh họa
Một DHS Úc có nickname “buồn mênh mang” tâm sự: “Tôi sang đây đã lâu không hiểu sao không thể có bạn được. Cảm giác ở phương xa không có ai để nói chuyện để chia sẻ mới thấy nhớ nhà kinh khủng. Không biết có thể chịu đựng đến bao lâu. Thấy cô đơn ghê gớm và chán nản lắm. Cùng chung cảnh ngộ là Minh Quang, DHS Canada: “Khi còn ở VIệt Nam tôi luôn mong thoát ly gia đình, nhưng lúc qua xứ người rồi tôi mới nhận ra tôi yêu cái nhà nhỏ của mình ở Việt Nam mà trước đây mình thấy ngột ngạt lắm. Tôi nhớ đường xá lúc nào cũng tấp nập, đông đúc người qua kẻ lại. Ban đêm ở phương xa vắng lặng, bất chợt thèm nghe một tiếng rao hàng giữa trời khuya”. Đi xa “ đất bỗng hóa tâm hồn”, nỗi nhớ nhà chưa kịp nguôi ngoai thì, DHS lại vấp thêm một khó khăn khác là nghe tiếng bản xứ như vịt nghe sấm. Nhiều DHS cảm thấy hoang mang tột cùng, không nghe được ngoại ngữ, làm sao hiểu bài, thuyết trình trước lớp? Đối với DHS Ái Vân, Úc, trình độ anh văn 6.0 IELTS mà giáo viên nói gì cô cũng không hiểu. Ngày nào Ái Vân cũng ghi âm bài giảng trên lớp, tối về dù buồn ngủ díp cả mắt cô vẫn ráng rà băng nghiên cứu. Nhưng nghe hoài cũng không thấy sáng lên được gì. DHS Ái Vân than: “ người ngày càng tăng trọng nhưng kiến thức chẳng tăng thêm chút nào. Tôi thật sự chán lắm rồi, chán chính bản thân mình và cuộc đời này. Tôi thấy mình đang già đi nhưng chẳng hề lớn lên. Tôi làm ba mẹ thất vọng học ngày càng dở. Đường về Việt Nam xa thăm thẳm, bạn bè bằng tuổi đã có sự nghiệp rực rỡ, ngó lại mình vẫn giậm chân tại chỗ. Cô đơn, sốc văn hóa, bế tắc trong học hành khiến DHS đã thấy đời mình đã chấm hết. Có DHS thấy đời phù du, có ý định tự tử, sợ ba mẹ buồn nên chưa dám, muốn vào chùa tu nhưng sợ không thành chánh quả. Cứ thế ngày qua ngày chịu đựng, cuộc sống của DHS cứ lay lất ở phương trời xa trong khi ba mẹ ở nhà luôn tự hào, hãnh diện vì đứa con DHS sắp thành tài.
Làm chủ tình hình, chế ngự cảm xúc.
Đời DHS đều trải qua những giây phút bế tắc ở cái thuở ban đầu lạ lẫm ấy, chính vì vậy điều quan trọng nhất chính là biết “ làm chủ tình hình chế ngự cảm xúc” . Trường hợp của Minh Anh, DHS Mỹ là rất chịu khó “ làm thân”. Lớp học của Minh Anh chỉ có 2 DHS người Việt trong tổng số 14 thành viên. Nhưng quyết tâm không chịu buồn nên anh đã chủ động kết bạn, gặp ai cũng xởi lởi, bắt chuyện làm quen. Không chỉ thế, Minh Anh còn kết bạn qua mạng trên các diễn đàn DHS, nhiệt tình tham gia các hoạt động offline nên nỗi buồn không có chỗ chứa trong lòng anh. Minh Anh đúc kết kinh nghiệm của mình: “ trước lạ sau quen, không ngại, không ngượng. Các bạn mới qua cần hòa đồng với bạn bè trong lớp, vừa giúp mình vui vẻ, vừa luyện nghe nói tiếng Anh. Ngoài ra, các bạn nên mở rộng quan hệ với đồng hương, kiếm việc làm thêm sẽ khiến các bạn không còn hơi sức đâu cho nỗi buồn viễn xứ.
Ảnh minh họa
Cựu DHS Pháp Trần Ngọc Oanh chia sẻ bí quyết học tốt. Trong lớp học các bạn cần tự giác và chủ động đặt câu hỏi, nếu không các bạn sẽ mất cơ hội cạnh tranh với những sinh viên khác. Tâm lý sinh viên Việt mình thường rụt rè ngại hỏi vì sợ đồng môn đánh giá câu hỏi của mình ngô nghê. Song thực tế những câu hỏi rất đơn giản sinh viên nước ngoài nêu ra chẳng bị ai cười mà đó là minh chứng cho sự chủ động và tự tin trong học tập. Các bạn cũng cần học đều, đừng dồn đến cuối kì thì mới “ chạy nước rút”. Bên cạnh ý thức tự học cũng cần tranh thủ học nhóm để học hỏi kinh nghiệm và dễ kết bạn. DHS cũng cần khai thác tối đa thư viện và mạng Internet, tóm lại cần cân bằng giữa học và chơi lành mạnh sẽ giúp các bạn học tốt hơn. Nhiều DHS Việt ở Pháp luôn đứng hàng top của lớp nhờ biết cách học và chơi hợp lí.
Theo Giáo dục