Xứ Bạch Dương có thực sự là thiên đường du học?

0

SSDH – Theo đài Tiếng nói Nước Nga, tính đến đầu năm 2014 hiện có khoảng 6.000 du học sinh Việt nam đang theo học ở Nga. Nhưng con số này có thể đánh giá liệu Nga có thực sự là một thiên đường du học?

 du%20hoc%20nga.jpg

 

Đầu tiên hãy cùng đi tìm lời giải thích cho con số khá lớn này. Với tình hữu nghị lâu đời giữa hai nước, Nga ưu ái cho Việt Nam khá nhiều suất học bổng, trong đó Nga viện trợ hoàn toàn học phí, và số sinh viên thuộc diện hiệp định này lên tới 2.000 người. Và phần đông số sinh viên nhận học bổng nhà nước là theo diện xử lý nợ lên khoảng gần 4.000 người.

 

Ngoài ra số còn lại cũng khá đáng kể là những con em của người Việt làm ăn, sinh sống bên này. Còn những sinh viên tự túc hoàn toàn tự nguyện một mình sang đây du học có lẽ là một con số khá nhỏ.

 

Vậy thực tế, Nga có phải là một điểm đến lý tưởng cho du học sinh?

 

So với những cường quốc khác như Anh, Úc, Singapore, Mỹ, Nhật, Đức… du học Nga có một ưu thế nổi trội đó là không yêu cầu bất cứ một chứng chỉ ngoại ngữ nào. Có lẽ đó là điểm có sức hấp dẫn nhất đối với những bạn sinh viên năm đầu từ lâu ôm ấp ước mơ du học, trong khi chưa có nền tảng ngoại ngữ.

 

Nhưng đó không chỉ là ưu điểm mà còn là một nhược điểm lớn. Chúng ta đều biết tiếng Nga là một trong những ngôn ngữ khó nhất trên thế giới, nên nếu bạn không có sự chuẩn bị nền tảng tiếng Nga trước thì khi qua đây, bạn sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn.

 

Rõ ràng có 1 năm dự bị nhưng thường thì chỉ khoảng 1,5 học kì vì những lý do thủ tục giấy tờ giữa hai nước nên các bạn thường nhập học muộn. Thực tế cho thấy năm gần 1 năm học dự bị tiếng Nga không được hiệu quả cao. Vướng mắc lớn nhất đối với sinh viên Việt Nam, đặc biệt là những ngành học thuộc, nhiều chữ như Luật, Sinh học, Y, Môi trường,… vẫn là tiếng Nga. Hàng rào, trở ngại ngôn ngữ này đã làm nhiều bạn sinh viên chán nản, tự khép mình và buông xuôi.

 

Một ưu điểm nữa của du học Nga so với các cường quốc du học khác đó là chi phí thấp (tiền sinh hoạt phí 5 năm ở Nga cũng chỉ tương đương với khoảng 2 năm ở Úc hay Singapore. Có lẽ đây chỉ được coi là ưu điểm với một số ít bạn du học sinh tự túc, đối với phần lớn sinh viên diện học bổng thì đó lại là một nhược điểm. Vì chi phí thấp đồng nghĩa với tiền trợ cấp sinh hoạt phí thấp.

 

Đối với sinh viên diện nhà nước đi học ở Nga 1 tháng được khoảng 480 USD nếu như muốn về thăm nhà một chuyến cần phải nhịn ăn tròn 3 tháng mới đủ tiền vé và mua thêm một ít quà nhỏ, trong khi du học sinh tại Pháp, Anh cũng diện nhà nước, họ chỉ cần trích tiền tiêu vặt của một tháng là đủ. Ngoài ra thì theo luật pháp Nga, sinh viên nước ngoài không được tự do làm thêm như những nước khác vậy nên nguồn thu nhập chính của sinh viên cũng chỉ là học bổng, hoặc là từ chính phủ, hoặc là học bổng Bu-ta-chi (học bổng do gia đình cấp)

 

Bạn vẫn mơ ước sẽ được tự do bay nhảy chu du các nước xứ Âu thiên đường mà không cần bận tâm đên việc xin visa khi sang đây? Nga không nằm trong EU để thỏa mãn ước mong ấy của bạn.

 

Theo bảng xếp hạng các cường quốc khoa học, Thomson Science Watch, thì nếu xếp theo số lượng các bài báo quốc tế và số lượng citation thì Nga xếp thứ 13, nhưng nếu xếp theo số lượng citation/1 papers, thì Nga xếp ở vị trí 23. Điều này phản ánh rằng, Nga một quốc gia lớn, nhiều nhà khoa học nên số lượng papers nhiều, tổng citation nhiều, còn chất lượng thì còn phải xem xét.

 du%20hoc%20nga2.jpg

 

Hầu hết cơ sở vật chất và trang thiết bị của nhà trường đều có cùng tuổi với trường. Nó đã cũ và đôi khi đến lạc hậu rồi nhưng chưa hỏng nên người ta vẫn sử dụng không cần cải tạo nâng cấp. Nếu như vào các trường đại học đặc biệt các trường kĩ thuật, các ngành khoa học tự nhiên, lượng giảng viên già đã quá tuổi về hưu chiếm một con số đáng kể.

 

Điều này thật khó chấp nhận đối với những môn khoa học luôn đòi hỏi sự sáng tạo đổi mới. Và đòi hỏi người thầy dạy cũng phải luôn luôn cập nhật những kiến thức mới về công nghệ thay vì chỉ dạy lại những thành tựu của quá khứ.

 

Ngoài ra, các giáo trình, tài liệu tham khảo cũng được lưu giữ cẩn thận, và hầu hết ở dạng giấy màu cánh gián của những năm thập niên bảy mươi. Cầm những quyển giáo trình ấy trong tay tôi vẫn hay nói đùa, chúng tôi đến đây để tìm kiếm giá trị khảo cổ.

 

Đến Nga bạn sẽ được níu kéo tuổi sinh viên, hay nói một cách tiêu cực hơn thì đó là “bán đứng tuổi thanh xuân”. Vì thường thì sinh viên năm một ở nhà mới bắt đầu làm hồ sơ dự tuyển, khi có kết quả thì nếu suôn sẻ, đầu năm hai đại học bạn sẽ được sang đây, và quay trở về đời học sinh 1 năm dự bị trước khi trở lại là sinh viên; có nghĩa là khi mà bạn bè rộn ràng với ảnh kỷ yếu và bảo vệ khóa luận để ra trường thì chúng ta vẫn ngô nghê nghĩ về hai năm tới mình sẽ đối mặt tiếp với bài vở ra sao.

 

Đôi khi, nhất là lúc đầu khi mới đến, tôi vẫn từng nghĩ mình chẳng thuộc về nơi đây, nhưng mấy năm rồi có lẽ “đất cũng hóa tâm hồn” nên cũng vẫn tự dằn mình cố gắng không từ bỏ ước mơ. Nhưng ở đây, tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp đáng tiếc.

 

Nhiều người sang đây với một quá khứ vàng son thủ khoa, á khoa những trường danh tiếng ở Việt Nam, họ đem theo những mộng tưởng về chốn thiên đường xứ Bạch Dương này, nhưng rồi hàng rào ngôn ngữ, cộng thêm môi trường giáo dục, thầy cô… không như đã kì vọng dẫn đến sự chán nản, buông xuôi, nợ thi… và cuối cùng lặng lẽ hồi hương.

 

Một sự thật đáng buồn ở trường tôi, đó là lượng sinh viên Việt Nam bị đình chỉ hoặc bị buộc thôi học ngày càng tăng.

 du%20hoc%20nga3.jpg

Liệu Nga có thật sự là điểm tới du học lý tưởng mà nhiều sinh viên Việt Nam

đã và đang kỳ vọng quá nhiều? (Ảnh minh họa)

 

Tôi không được may mắn như nhiều người, không được học ở thủ đô hoa lệ Moscow hay thiên đường du lịch Saint Petersburg mà bị học tận mãi nơi hạ nguồn sông Volga, nơi mà người ta vẫn tô hồng là thủ phủ phía nam của Nga.

 

Vậy nên những trải nghiệm cũng như quan sát tôi chia sẻ trên chỉ mang tính cục bộ nơi này, và có lẽ cũng chỉ đúng với nhiều trường ở những thành phố lẻ khác, còn với tổng thể nước Nga rộng lớn thì cách nhìn nhận này chắc còn nhiều phiến diện.

 

Nhưng tôi vẫn hi vọng nó sẽ đem đến cho các bạn một cái nhìn khách quan, khái quát nhất để cân nhắc tương lai của mình để rồi sau này không phải nuối tiếc với cụm từ “giá như ngày ấy”. Ở nhà trau dồi kiến thức học tiếng Anh rồi nộp một học bổng thạc sĩ nào đó thỏa sức vẫy vùng hay thấy học bổng đi Nga nhiều hàng tá mà vội vàng đăng kí.

 

Điều cuối cùng tôi vẫn muốn khẳng định mọi thứ đều có 2 mặt, màu hồng hay màu xám ảm đạm do chính bạn cảm nhận mà thôi. Chúc các bạn có quyết định đúng đắn để sang tạo tương lai cho chính mình.

 

Đông Đức (SSDH) – Theo Một thế giới

Share.

Leave A Reply