Anh tranh cãi về việc tăng học phí lên 9.250 bảng một năm

0

SSDH – Ngay sau tuyên bố của Chính phủ, Đảng Dân chủ Tự do cho biết sẽ yêu cầu một cuộc bỏ phiếu của các nghị sĩ vào mùa thu này để nỗ lực ngăn chặn tình trạng tăng học phí quá giới hạn 9.000 bảng.

 Học%20phí%20đại%20học%20ở%20Anh.jpg

Học phí đại học ở Anh sẽ vượt ngưỡng 9.000 bảng theo kế hoạch của chính phủ. Ảnh: BBC

 

Thứ tư tuần trước, một số nghị sĩ chỉ trích việc các trường đại học đã công bố tăng học phí, trước khi giới hạn 9.000 bảng được chính thức gỡ bỏ. Ông John Pugh, phát ngôn viên về giáo dục của Đảng Dân chủ Tự do, cáo buộc đây là một hành động “ngạo mạn đáng xấu hổ”.

 

Tuy nhiên, ngay hôm sau, chính phủ Anh đưa ra tuyên bố về quá trình tăng mức giới hạn học phí. Học phí đại học ở Anh sẽ tăng lên 9.250 bảng một năm từ 2017, những năm tiếp theo sẽ tăng theo tỷ lệ lạm phát. Việc này sẽ được đi kèm với chất lượng giảng dạy tốt hơn, được quyết định bởi một cơ chế mới gọi là “khuôn mẫu giảng dạy”.

 

Ngay sau tuyên bố của Chính phủ, Đảng Dân chủ Tự do cho biết sẽ yêu cầu một cuộc bỏ phiếu của các nghị sĩ vào mùa thu này để nỗ lực ngăn chặn tình trạng tăng học phí quá giới hạn 9.000 bảng hiện nay.

 

Bà Baroness Lorely Burt, phát ngôn viên về đại học của Đảng Dân chủ Tự do, cho biết: “Lý do của việc tăng học phí liên quan đến chất lượng giảng dạy là không chấp nhận được. Cho phép bất kỳ trường đại học bỏ qua sự đánh giá đáp ứng kỳ vọng để tăng 2,8% học phí cho thấy hoàn toàn không phải là do chất lượng giáo dục. Nếu các trường cần hỗ trợ thêm, chúng ta sẽ có một cuộc thảo luận nghiêm túc về nguyên nhân của việc tăng học phí thay vì việc nói rằng nó sẽ mang đến chất lượng giáo dục đúng với mong mong đợi của sinh viên”.

 

Ông Gordon Marsden, người phát ngôn về giáo dục của Đảng Lao động cho biết một cuộc tranh luận thẳng thắn là rất cần thiết và các bộ trưởng phải giải trình về ý định tăng học phí. Ông báo cuộc các bộ trưởng đã có một nỗ lực “đáng xấu hổ” khi đề xuất việc tăng học phí vào ngày cuối cùng trước kỳ nghỉ của Quốc hội.

 

Liên hiệp sinh viên quốc gia và Liên hiệp giảng viên các trường đại học và cao đẳng khẳng định sẽ có một cuộc biểu tình vào tháng 11 tới.

 

Lạm phát ở Anh hiện nay tăng khoảng 2,8%/năm và nếu duy trì nhịp tăng này thì học phí sẽ vượt quá 10.000 bảng chỉ trong vài năm tới. 

 

Các trường đại học phải đối mặt với tình trạng khó xử. Theo yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng, các trường sẽ phải thông báo mức học phí 9.250 bảng, nếu muốn áp dụng vào năm sau, vào đầu tháng 9 này. Nhưng cho đến khi có quyết định thay đổi chính thức từ Nghị viện, các trường đại học không được phép thu phí cao hơn 9.000.

 

Đại học Royal Holloway và Đại học Kent sẽ tự quyết việc có định áp dụng học phí mới cho sinh viên hiện tại không, nhưng chắc chắn sẽ áp dụng với sinh viên mới bắt đầu học vào năm 2017 nếu mức giới hạn 9.000 bảng được xỏa bỏ. Đại học Surrey sẽ giữ nguyên học phí đối với sinh viên hiện tại nhưng sẽ tăng hàng năm đối với sinh viên nhập học năm 2017.

 

Theo bà Nicola Dandridge, Giám đốc điều hành của các trường đại học Anh, học phí đã được giảm bởi lạm phát do đó nó chỉ giữ ở mức 8.200 bảng trong năm 2012-2013. “Bắt kịp lạm phát là điều cần thiết cho phép các trường đại học tiếp tục cung cấp môi trường học tập chất lượng cao cho sinh viên”.

 

Một phát ngôn viên của chính phủ cho biết: “Khả năng duy trì chi phí phù hợp với lạm phát đã được đưa ra từ năm 2004, và được quy định trong luật. Các khuôn mẫu giảng dạy cho phép các trường duy trì học phí phù hợp với lạm phát chỉ khi đáp ứng mức tiêu chuẩn về chất lượng”.

 

Tóm lại, các trường đại học Anh được quyền tự chủ trong việc tăng học phí, tuy nhiên họ vẫn phải đảm bảo một số tiêu chí: Mức học phí tăng không quá giới hạn mà chính phủ đề ra; việc có áp dụng học phí mới cho sinh viên hiện tại hay không phải dựa vào những thỏa thuận đã ký với sinh viên; phải thông báo học phí mới trước ít nhất một năm theo yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng; các trường được phép thay đổi học phí phù hợp với lạm phát chỉ khi đáp ứng mức tiêu chuẩn về chất lượng giáo dục.

 

Nguồn: Vnexpress

Share.

Leave A Reply