Bảy lầm tưởng về nói tiếng Anh

0

Sẵn sàng du học – Bạn thường được khuyên phải thạo ngữ pháp mới có thể nói trôi chảy tiếng Anh, hay học giao tiếp ở nước ngoài mới tốt. Thực tế đó là suy nghĩ sai lầm.

1. Những người nói trôi chảy không mắc sai lầm

Nhiều người lầm tưởng nói tiếng Anh trôi chảy đồng nghĩa với việc không bao giờ mắc sai lầm về phát âm hay ngữ pháp. Sự thật là rất ít người, ngay cả người bản ngữ có thể nói tiếng Anh hoàn hảo không sai bất kỳ lỗi ngữ pháp nào và 99% người không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ khi nói tiếng Anh sẽ bị pha trộn ngữ điệu của ngôn ngữ gốc hoặc mắc sai lầm.

Những người giỏi ngôn ngữ sẽ học giao tiếp trước hoặc học song song giao tiếp và ngữ pháp nên việc mắc lỗi là không thể tránh khỏi. Vì vậy, người học tiếng Anh không nên đặt nặng vấn đề phải nói thật hoàn hảo và hãy chấp nhận việc mắc sai lầm, từ ngữ pháp đến phát âm. Khi đã phát hiện sai lầm, đừng quên sửa chữa chúng để hoàn thiện khả năng của bản thân.

2. Nói trôi chảy sau khi thành thạo ngữ pháp

Một suy nghĩ phổ biến khác là nói tiếng Anh trôi chảy đòi hỏi phải rất thuần thục sử dụng ngữ pháp. Những người nói tiếng Anh lưu loát thường học nói ngay từ đầu, khi chưa vững về ngữ pháp. Nhưng mỗi bài học ngữ pháp thu về đều được họ sử dụng để rèn luyện giao tiếp. Chẳng hạn khi mới học thì hiện tại đơn với những mẫu câu cơ bản như hỏi đáp về tên tuổi, họ đã áp dụng ngay những kiến thức này vào việc luyện nói.

Việc học lý thuyết và thực hành nên song hành, nếu không bạn sẽ quên mất kiến thức trước đó. Bạn nên luyện nghe nói từ khi mới học tiếng Anh, đừng chờ đến khi thành thạo ngữ pháp. Bạn có thể luyện nói với những tình huống giao tiếp hàng ngày và nên luyện tập mỗi ngày để tạo thành thói quen.

Ngoài ra, nhiều người còn cho rằng biết nhiều từ mới sẽ thành thạo nói tiếng Anh nên nhồi nhét mỗi ngày 15-20 từ mới. Tuy nhiên, việc biết nhiều từ mới nhưng không thường xuyên luyện nói, đặt câu giao tiếp thì kỹ năng nói vẫn dậm chân tại chỗ. Việc học 15-20 từ một ngày là quá nhiều, sẽ không đảm bảo bạn ghi nhớ hoặc thực sự hiểu cách dùng chúng. Bạn chỉ nên học 3-5 từ mới mỗi ngày nhưng học cách đặt câu trong ngữ cảnh cụ thể, từ đồng nghĩa, trái nghĩa.

Đồ họa: English Mate.

Đồ họa: English Mate.

3. Phải học giao tiếp ở nước ngoài

Rất nhiều người cho rằng phải đắm mình trong văn hóa và những người bản xứ, trình độ tiếng Anh mới có thể cải thiện. Kế hoạch du học, du lịch sẽ đem lại trải nghiệm tuyệt vời về ngôn ngữ nhưng không phải liều thuốc kỳ diệu để biến bạn từ kém thành giỏi tiếng Anh. Ngoài tác động của môi trường, điều quan trọng và tiên quyết nhất là sự cố gắng, nỗ lực của mỗi cá nhân.

Bạn có thể giỏi tiếng Anh nếu hình thành thói quen học ngoại ngữ mỗi ngày, tiếp cận tiếng Anh mỗi ngày thông qua nhiều phương pháp như đọc sách, báo, xem TV, phim ảnh, chương trình truyền hình hoặc trò chuyện với người nước ngoài thông qua ứng dụng học ngôn ngữ. Với kế hoạch này, bạn sẽ biến tiếng Anh thành một phần cuộc sống và không cảm thấy áp lực vì đang phải học ngoại ngữ.

4. Phải có chứng chỉ ngôn ngữ để chứng minh năng lực

Các chứng chỉ ngôn ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL, TOEIC sẽ rất có ích nếu bạn cần sử dụng cho mục đích học tập, công việc nhưng không lột tả hết trình độ tiếng Anh của mỗi người. Bạn phải làm chủ khả năng của bản thân, biết ưu điểm, nhược điểm trong các kỹ năng ngoại ngữ để tiếp tục trau dồi. Đừng quá chú trọng việc ôn tập lấy chứng chỉ mà quên mất rằng học tiếng Anh là để giao tiếp chứ không phải vì mục đích thi cử.

5. Nói thành thạo trong thời gian ngắn

Trên phương tiện truyền thông, mỗi ngày có không ít chủ đề như "Thành thạo tiếng Anh trong một tháng", "Nói tiếng Anh như người bản địa trong 30 ngày". Thực tế những người học tiếng Anh không thể nói lưu loát, trôi chảy chỉ trong thời gian ngắn như vậy vì kỹ năng nói đòi hỏi sự luyện tập và củng cố kiến thức liên quan. Bạn có thể nói lưu loát ở một vài chủ đề do có kế hoạch ôn luyện nhưng rất khó có thể thành thạo như người bản xứ.

6. Nghe, nói không quan trọng bằng đọc, viết

Tại hầu hết lớp học ngoại ngữ, giáo viên tập trung nhiều hơn vào kỹ năng đọc, viết và vì điểm số nên học sinh chỉ quan tâm đến hai kỹ năng này thay vì nghe, nói. Từ đó, nhiều người có thể đọc tiếng Anh trôi chảy nhưng không thể nói dù nửa chữ tiếng Anh. Điều này có nghĩa là bạn vẫn chưa thông thạo ngoại ngữ. Vì vậy, với bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, bạn không nên thiên vị kỹ năng nào mà cần ôn luyện, trau dồi tất cả.

7. Dùng tiếng Anh Anh hoặc Anh Mỹ mới có nghĩa là thành thạo

Nhiều người cho rằng việc phát âm giọng Anh Anh hoặc Anh Mỹ mới thể hiện sự thành thạo nhưng điều này không chính xác. Điều quan trọng của việc học ngoại ngữ là phát âm chính xác, nói dễ nghe, dễ hiểu và có thể giao tiếp tự nhiên. Khi bạn nói pha ngữ điệu của tiếng mẹ đẻ nhưng người bản xứ vẫn hiểu ý của bạn thì có nghĩa là bạn đã thành công.

Thái Hải (SSDH) – Theo VnExpress

Share.

Leave A Reply