Bộ GD&ĐT không cấp phép cho lớp học kích thích não

0

SSDH – Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 29/11, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết Bộ GD&ĐT nhận được thông tin liên quan các lớp học kích thích não qua báo chí.

 

Ông Ga khẳng định Bộ GD&ĐT không cấp phép cho bất kỳ lớp học nào về kích thích não.

 

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng yêu cầu cơ quan đại diện phía Nam của Bộ GD&ĐT nắm tình hình để báo cáo lãnh đạo bộ, trên cơ sở đó có các bước xử lý tiếp theo.

 

Trước đó, nhiều phụ huynh đưa con tới học lớp kích thích bán cầu não ở một số trung tâm với hy vọng trẻ làm được những việc siêu phàm như: Bịt mắt lại vẫn phân biệt được màu sắc, học lớp 1 nhưng có thể giải toán cấp ba…

 

Bộ GD&ĐT khẳng định không cấp phép cho những học kích thích não. Ảnh: Phụ Nữ TP.HCM. 

 

Những trung tâm này quảng cáo rằng sau hai ngày được ‘kích hoạt não‘ với phí 9 triệu đồng, trẻ có thể sẽ trở thành thiên tài(!?). Nếu học lâu dài, các bé có thể thần giao cách cảm, ngồi ở lớp mà vẫn biết bố mẹ đang làm gì ở nhà…

 

Trả lời Phụ Nữ TP.HCM, ông Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT – cho biết chưa có bất kỳ công bố nào trên thế giới khẳng định tính an toàn, cũng như tác dụng của phương pháp này. Bậc phụ huynh cần tỉnh táo lựa chọn hoạt động phù hợp, an toàn cho trẻ.

 

Báo Pháp Luật TP.HCM dẫn lời bác sĩ Lý Trần Tình – nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội – cho biết những việc như cảm xạ, kích não… đều dựa vào tâm lý và cho đến nay chưa có nghiên cứu khẳng định có cơ sở khoa học.

 

‘Việc phụ huynh cho con mình theo học những lớp như vậy thật đáng lo ngại. Tôi cho rằng lớp học đó chỉ nên dành cho những ông bố bà mẹ thiếu hiểu biết; nếu đã là người hiểu biết, chẳng ai đưa con mình đến đó’, bác sĩ Tình bức xúc nói.

 

Cũng theo bác sĩ Tình, về lâu dài, nếu tiếp tục kích hoạt não kiểu này, trẻ sẽ bị ám thị, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý trẻ. Việc phát triển về nhân cách của trẻ sẽ không tốt, chúng sẽ thu mình lại, có hành vi xung động, rối loạn về cảm xúc…

 

Cụ thể, nếu theo học những lớp kiểu này một thời gian dài, trẻ sẽ luôn ám ảnh là chúng có thể làm được việc này, việc kia (bịt mắt phân biệt màu, khả năng đọc siêu nhanh…). Một lúc nào đó không làm được, trẻ sẽ phản ứng lại bằng hành vi xung động.

 

‘Khi bị ám thị làm được việc đó rồi nhưng sau không làm được, trẻ sẽ khó chịu, dồn nén, bị rối loạn tâm thần’, bác sĩ Tình nói trên Pháp Luật TP.HCM.

 

 

Share.

Leave A Reply