SSDH – Visa 457 bị xóa bỏ, 200 nghề bị loại khỏi danh sách tay nghề định cư, cánh cửa cơ hội làm việc và trở thành thường trú nhân của Úc đối với các bạn du học sinh vốn đã không rộng rãi, nay lại càng thu hẹp.
Những thay đổi này đã gây ra nhiều thất vọng và tiếc nuối cho các bạn du học sinh Việt Nam mong muốn được ở lại Úc làm việc hoặc định cư sau tốt nghiệp.
Câu hỏi đã được rất nhiều du học sinh đưa ra trong các diễn đàn trong những ngày vừa qua khi ngành học của họ bị loại ra khỏi danh sách tay nghề định cư hoặc là bị đưa vào danh sách tay nghề ngắn hạn (nghĩa là sẽ không được quyền xin trở thành thường trú nhân theo luật mới): Chuyển sang ngành gì để phù hợp với các quy định mới đây?
Đừng để giấc mơ Úc làm mờ giấc mơ của chính mình
Trước khi có những quyết định riêng cho mình về những hướng đi sắp tới, mời nghe chia sẻ của bạn Vinh Nguyễn, một du học sinh Việt Nam đang theo học ngành Nấu ăn tại trường Le Cordon Blue trước những thay đổi trong chính sách về lao động nước ngoài của Bộ Di trú.
Những thay đổi trong chính sách của Bộ Di trú Úc có ảnh hưởng gì đến bản thân bạn hay không?
Ngành mình học hiện đã bị đưa vào danh sách tay nghề ngắn hạn, nghĩa là sau này mình không thể xin thường trú nhân theo luật mới. Mình lo lắng nhưng không quá áp lực vì hiện còn một thời gian khá dài nữa mình mới học xong.
Bạn hiện đang sinh sống và học tập tại Melbourne, một trong những thành phố đáng sống nhất thế giới. Nếu phải chia tay với Melbourne, với nước Úc thì bạn có cảm thấy tiếc nuối không?
Mình thấy con người Melbourne thân thiện, cuộc sống lại rất thanh bình chứ không hề xô bồ, vội vã. Đặc biệt, môi trường lại rất trong lành, là điều mà ở Việt Nam dù có bao nhiêu tiền cũng không mua được. Ở đây, mình cũng thấy quyền con người được tôn trọng. Đó là những lý do mà mình thích được ở lại Úc.
Nhưng mình nghĩ rằng dù có về Việt Nam hay ở lại, mình vẫn phải cố gắng học và làm việc thật tốt để nếu được ở lại Úc, mình sẽ là một công dân tốt. Nếu về Việt Nam, mình cũng sẽ có thể đem kiến thức và những gì tốt đẹp nhất mà mình học được ở Úc để góp phần để làm cho nó thành một nơi đáng sống.
Bản thân Vinh có nghĩ đến việc thay đổi ngành học của mình hay không?
Nhiều bạn bè cũng hỏi mình câu này. Nhưng câu trả lời của mình là không. Mình không có nhiều thời gian và sức lực để cứ mãi chạy theo những thứ mà không chắc chắc. Hôm nay luật là như vậy, nhưng mai mốt có thể sẽ lại thay đổi.
Vì thế, cách tốt nhất, theo mình, là cứ theo đuổi con đường riêng của mình, tiếp tục với ngành học mà mình yêu thích. Chỉ cần trung thành với nghề mà mình chọn thì mình nhất định sẽ kiếm sống được theo cách này hay cách khác.
Giấc mơ trì trệ
Du học sinh đang học những ngành vừa bị bỏ ra khỏi danh sách tay nghề định cư cảm thấy thất vọng và tiếc nuối thì đã rõ rồi. Còn những bạn đã được là thường trú nhân của nước Úc rồi vẫn có nhưng khó khăn riêng của họ.
Tâm Nguyễn (Sydney), sau khi tốt nghiệp ngành kế toán tại Đại học Western Sydney, đã miệt mài ôn luyện tiếng Anh trong suốt 2 năm trời để cuối cùng đạt được trình độ tiếng Anh tương đương IELTS 8.0, đủ điều kiện xin thường trú nhân theo diện tay nghề độc lập. Tâm đã ấp ủ một kế hoạch để được tiếp tục theo học một khóa thạc sĩ kinh doanh bằng cách vay tiền từ chính phủ, sau khi bạn trở thành công dân Úc.
Ước mơ này của Tâm sẽ bị trì hoãn thêm 3 năm nữa nếu như dự luật về việc tăng thời gian chờ của thường trú nhân lên 4 năm được thông qua. Nếu muốn học sớm hơn thời gian này thì Tâm sẽ phải đóng hẳn 30 ngàn đô cho khóa học.
Hiện tại, Tâm cho biết bạn không biết sắp tới sẽ phải làm gì, và vẫn đang trông chờ vào quyết định cuối cùng của chính phủ.
Thái Hải (SSDH) – Theo Kim Cúc – SBS