Kinh nghiệm nộp đơn học thạc sĩ ở Canada

0

Sẵn sàng du học – Anh Nguyễn Đăng Anh Thi chia sẻ kinh nghiệm chọn trường, cách nộp đơn vào University of British Columbia (UBC), đại học hàng đầu ở Canada.

Sau khi khoanh vùng vài khóa học tiềm năng tại nhiều trường tại Canada, tôi dành thời gian nghiên cứu và đánh giá từng khóa trước khi chính thức nộp đơn. Ngoài các tiêu chí cơ bản là nội dung môn học, chiều dài khóa học, hình thức học (online hay trên giảng đường), tôi xem xét kỹ yêu cầu về thực tập, luận án hay dự án tốt nghiệp.

Với người đi làm lâu năm như tôi, một khóa học đòi hỏi làm luận án tốt nghiệp nặng về nghiên cứu học thuật là không cần thiết. Nhưng quan trọng hơn cả với tôi là sự hỗ trợ của trường/khoa về phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên trong lúc theo học. Vì xét cho cùng, nếu một khóa học không gắn kết, không tương tác với xã hội, hay thậm chí xa rời xã hội bằng những lý luận tưởng chừng cao siêu hay kiến thức và kỹ năng thực hành đã lạc hậu, thì khóa học đó khó mà tạo ra những sinh viên biết đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Xác định tư tưởng như trên, tôi quyết định viết email liên lạc với đại diện tuyển sinh các khóa học đã khoanh vùng tại các trường. Trong thư, tôi giới thiệu về bản thân, kinh nghiệm, mong muốn khi đăng ký học, đính kèm bản CV và hỏi hai câu. Thứ nhất là nền tảng và mong muốn của tôi có thể được đáp ứng qua khóa học không? Thứ hai, những hỗ trợ của khóa học về phát triển nghề nghiệp (professional development).

Tôi cũng dựa trên mức độ phản hồi thông tin để quyết định có nên nộp đơn vào khóa đó hay không. Có những người đại diện cả tuần vẫn không trả lời email cho tôi, lại có những người không rõ ràng, miễn cưỡng hay trả lời cho qua. Tôi cho rằng, những trường có "dịch vụ khách hàng" không tốt thì khó mà hỗ trợ sinh viên tốt được, nên cũng loại bỏ hết.

Một góc University of British Columbia, trường đứng thứ hai trong top 10 đại học tốt nhất Canada năm 2020. Ảnh: Anh Thi

Một góc University of British Columbia, trường đứng thứ hai trong top 10 đại học tốt nhất Canada năm 2020. Ảnh: Anh Thi

May mắn cho tôi, trường University of British Columbia (UBC) không những có khóa học phù hợp (thạc sĩ Quản lý Công nghệ, ngành Năng lượng sạch), mà đại diện tuyển sinh còn nhiệt tình phản hồi và hướng dẫn thêm về việc chuẩn bị hồ sơ sao cho thuyết phục hội đồng tuyển sinh.

Giám đốc chương trình còn dành thời gian gọi điện qua Skype với tôi để trao đổi thêm về chương trình đào tạo, đồng thời hỏi tôi thông tin về chính sách và hiện trạng phát triển năng lượng sạch tại Đông Nam Á. Ông muốn tôi chuẩn bị những điều này để chia sẻ với các bạn sinh viên Canada và quốc tế trong khóa học tại UBC.

UBC là đại học công và lâu đời nhất tại tỉnh bang British Columbia (BC). Là một trong những đại học nghiên cứu hàng đầu thế giới, UBC thu hút hơn 65.000 sinh viên, từ đại học đến sau tiến sĩ, đến từ Canada và hơn 140 quốc gia. UBC cũng là cái nôi đào tạo các thế hệ kỹ sư cho tỉnh bang BC.

Khi vào học ở trường tôi mới biết làm sinh viên của trường không chỉ là khao khát của nhiều sinh viên quốc tế mà còn của chính người dân Canada. Đương kim Thủ tướng Justin Trudaeu tốt nghiệp cử nhân giáo dục tại UBC năm 1998, trước đó hai cựu thủ tướng John Turner và Kim Campbell học UBC. Trường có 6 cựu học viên và nhà khoa học từng được trao các giải Nobel.

Qua những trải nghiệm nộp đơn, tôi nhận thấy việc chủ động liên lạc với trường không chỉ giúp bạn hiểu kỹ hơn về khóa học trước khi nộp đơn mà qua đó còn thiết lập mối quan hệ với trường. Ít nhất, bộ phận tuyển sinh biết đến bạn, năng lực và mong muốn của bạn so với khi bạn nộp trực tiếp và không có mối liên hệ nào trước đó với trường. Tôi nghĩ mối liên hệ đó sẽ thuận lợi hơn cho việc sàng lọc hồ sơ ban đầu trước khi trình lên hội đồng tuyển sinh phê duyệt.

Vậy còn bài luận giải thích lý do du học (Statement of Intent) và kế hoạch học tập (Study Plan) với một người đã trên 40 tuổi thì sao? Theo tôi, việc học là chuyện cả đời, nên bạn bao nhiêu tuổi mà đi học không quan trọng bằng chứng minh vì sao việc đi học của bạn là cần thiết. Tôi làm tư vấn trong lĩnh vực năng lượng sạch nên đưa ra nhiều số liệu tham khảo về nhu cầu thị trường lao động trong lĩnh vực này.

Tôi xác định bản thân sẽ tiếp tục tham gia vào tiến trình xã hội chuyển đổi từ năng lượng bẩn sang năng lượng sạch. Vì vậy, việc học sẽ giúp tôi cũng cố nền tảng kỹ thuật, trang bị thêm kiến thức về phát triển các dự án năng lượng sạch mà tôi còn thiếu, đồng thời bổ túc thêm những kỹ năng về quản trị dự án và quản trị doanh nghiệp mà những người làm trong lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật cần phải có trên con đường phát triển nghề nghiệp. Đó là cách mà tôi trình bày trong bài luận nộp vào trường UBC và được vị giám đốc chương trình đào tạo đánh giá cao thông qua cuộc gọi Skype với tôi.

Về tổng thể trong bài luận, tôi cố gắng trả lời ba câu hỏi có liên quan chặt chẽ với nhau. Thứ nhất, nền tảng học thuật và kinh nghiệm làm việc của bạn là gì? Trả lời tốt câu này sẽ thuyết phục hội đồng tuyển sinh về việc bạn sẽ đáp ứng yêu cầu của khóa học như thế nào. Thứ hai, bạn mong muốn gì từ khóa học? Trả lời tốt câu này cho thấy bạn đã nghiên cứu kỹ khóa học như thế nào và bạn sẽ thu nhận được những kiến thức, kỹ năng gì sau khóa học.

Thứ ba, việc hoàn thành khóa học đó sẽ giúp bạn đóng góp gì cho xã hội? Câu này nghe có vẻ to tát, nhưng xét cho cùng, trả lời câu này cho thấy việc học trước hết giúp bạn phát triển về mặt nghề nghiệp mà xã hội đang cần hay không. Xu hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực bạn đang làm hoặc dự kiến làm sẽ giúp bạn định hình được việc trả lời cho câu hỏi này.

Như đã đề cập trong bài trước, Luật di trú của Canada cho phép sinh viên quốc tế mang theo "người phụ thuộc", gồm vợ/chồng và con cái. Con của người có giấy phép học tập và làm việc được học trường công miễn phí, từ mẫu giáo đến hết lớp 12. Vợ/chồng của sinh viên được cấp giấy phép làm việc mở, là loại giấy phép làm việc không hạn chế. Đa số trường ở Canada có mục hướng dẫn xin giấy phép du học cho sinh viên quốc tế, nhưng thông tin cập nhật và chính xác nhất thì nên tham khảo trang web của IRCC.

Sau khi nhận thư mời nhập học của UBC, tôi bắt tay vào chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép du học và làm việc cho cả gia đình (4 người). Quá trình chuẩn bị hồ sơ gồm khám sức khỏe, làm lý lịch tư pháp, công chứng giấy tờ, chứng minh tài chính, và kèm kế hoạch học tập (study plan). Trong kế hoạch học tập, tôi nói rõ mục đích đi học và mong muốn bản thân sẽ làm gì sau khi học.

Rồi tin vui đến vào một buổi chiều tháng 11, những nỗ lực của tôi gần một năm qua đã có thành quả bước đầu. Chỉ có hơn một tháng để sắp xếp mọi thứ cho hành trình dài sắp đến, tôi chia tay công việc, tạm biệt người thân, bước lên chuyến bay rời Sài Gòn vào đúng buổi chiều Giáng sinh năm ấy.

Đến sân bay Vancouver khi tối muộn, chúng tôi chờ vài tiếng để nhân viên di trú cấp tờ giấy phép du học và các giấy tờ khác cho thành viên gia đình. Những ngày đầu năm mới, tôi chính thức trở thành sinh viên UBC, một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ với người trên 40 tuổi lần đầu du học, có gia đình đi cùng.

Thái Hải (SSDH) – Theo VnExpress

Share.

Leave A Reply