Phó chủ tịch Nam Định khuyên giới trẻ tự học tiếng Anh

0

SSDH – Từng là Phó Vụ trưởng Chính sách Đối ngoại của Bộ Ngoại giao và nay là Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, ông Bạch Ngọc Chiến luôn mong muốn nhân rộng được phong trào học tiếng Anh ở tỉnh nhà. Trên trang cá nhân của mình, ông chia sẻ về kinh nghiệm cá nhân với hy vọng truyền được cảm hứng học tiếng Anh cho lớp trẻ.

 Bạch%20Ngọc%20Chiến.jpg

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Đinh vẫn duy trì thói quen học tiếng Anh hàng ngày

dù công việc hiện tại ít phải sử dụng đến thứ ngôn ngữ này.

 

Sự học tiếng Anh của tôi

 

Tôi bắt đầu học tiếng Anh khi vào năm thứ nhất (1989) Đại học Ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội) trong lớp song ngữ Nga-Anh FN1-89. Hết học kỳ I, tôi phải thi lại, hết học kỳ 2 cũng suýt phải thi lại.

 

Hè năm 1990 tôi quyết định học lại từ đầu ở một trung tâm tiếng Anh buổi tối. Tôi ngồi bàn đầu tiên, hăng hái phát biểu và thuộc làu tất cả những gì thày dạy. Rất may thày giáo là người của Bộ Ngoại giao, có giọng Anh chuẩn Mỹ và phương pháp dạy thu hút.

 

Sau lớp học hè, vào năm thứ hai, khi thi kiểm tra đầu kỳ, tôi được điểm khá cao và tự tin hơn. Để học tốt hơn, tôi quyết định mở lớp dạy miễn phí tại nhà cho ba người quen. Hai cậu học ất ơ và chẳng biết đã đi đến đâu. Một cậu học nghiêm túc và trong luận văn tiến sĩ sau đó nhiều năm có thêm một dòng “Cám ơn anh em họ Bạch ở làng Mộ Lao” và vừa rồi có đề xuất được dạy miễn phí cho doanh nghiệp Nam Định sau khi đọc bài “Hãy học tiếng Anh” của tôi.

 

Sau khi hoàn thành khoá dạy thí điểm miễn phí, tôi bắt đầu đi dạy kiếm tiền. Sức ép của việc trụ lớp khiến tôi phải tự học rất nhiều để không bị học sinh coi thường và bị người thuê tôi dạy sa thải.

 

Nhưng tôi hiểu là học thuộc giáo trình và đáp án của các bài tập để dạy được những người chưa biết gì không phải là điều gì ghê gớm. Hơn nữa, khi học tiếng Anh ở lớp, mình toàn học sau các bạn. Tôi có một quyết định mà tự cho là hợp lý: chọn một lĩnh vực chuyên sâu thay vì học dàn trải và tôi chọn học về văn hoá, lịch sử bằng tiếng Anh.

 

Thế là tôi chỉ chăm chú đọc mục “Traditional Miscenllany” trên tờ Vietnam News. Đây là chuyên mục của nhà văn hoá Hữu Ngọc, thần tượng của tôi về kiến thức văn hoá và ngoại ngữ. Nhờ chuyên mục này mà tôi biết được nhiều điều về văn hoá và lịch sử Việt Nam bằng tiếng Anh. Sau này cụ Hữu Ngọc có biên soạn các bài đã đăng thành một cuốn sách mà tôi rất thích, đó là “Sketches for a portrait of Vietnamese culture”. Nhờ có chút vốn liếng này mà sau khi thấy dạy học không thể kiếm được nhiều tiền, tôi đã chuyển sang làm hướng dẫn viên du lịch và trụ được với nghề.

 

Ngày đầu tiên đi cùng khách nước ngoài là một cú sốc vì mình nói thì họ có vẻ hiểu còn họ nói thì mình hiểu rất ít. Phát âm của tôi thì sai trọng âm và ngữ điệu. Khách từ các nước khác nhau nói giọng khác nhau, ngay cả cùng một nước Mỹ thì giọng miền Nam khó nghe hơn giọng miền Bắc. Và thế là phải học nói cho đúng ngữ âm và ngữ điệu để người ta có thể hiểu được mình. Lúc mới vào nghề cứ tưởng mình biết về Việt Nam kha khá, nhưng nhiều khi ớ ra khi khách hỏi. Và thế là tiếp tục tìm sách mà đọc và tìm người mà hỏi.

 

Có nhiều phương pháp học tiếng Anh nhưng quan trọng là phải thường xuyên tự học và chủ động tìm thấy niềm vui khi học, theo vị Phó Chủ tịch tỉnh Bạch Ngọc Chiến.

 

Nếu chúng ta gặp một người phương Tây nói được các từ lóng tiếng Việt kiểu như “nó là anh hùng chém gió”, “bớt bát mát mặt”, “ba người dại họp lại thành người khôn” thì người bản ngữ cũng sẽ ấn tượng khi ta biết dùng các đặc ngữ (idioms), tiếng lóng (slang), thành ngữ, tục ngữ (proverbs) hay các trích dẫn nổi tiếng (quotations), và tất nhiên là phải dùng đúng văn cảnh. Vì thế, tôi rất quan tâm đến việc tìm đọc và hiểu các idioms và càng thấy rất nhiều tương đồng trong tư duy và diễn đạt của người Việt và người nói tiếng Anh. Ví dụ:

 

Where there is a will, there is a way = có chí thì nên

 

Don’t teach grandma to suck eggs = đừng dạy bà lang bốc thuốc

 

Birds of a feather flock together = ngưu tầm ngưu, mã tầm mã

 

Kill 2 birds with 1 stone = Nhất cử lưỡng tiện

 

Be my guest = Cứ tự nhiên/Xin mời (đừng hiểu là “hãy ở lại làm khách của tôi” nhé).

 

Muốn học được slang, tốt nhất là xem phim có phụ đề tiếng Anh. Rất nhiều cụm từ khi kết hợp với nhau mà hiểu nghĩa thông thường bằng cách ghép nghĩa các từ thì phải tra ngay từ điển vì đó có thể là đặc ngữ thú vị đấy, ví dụ: for good = forever.

 

Có một kinh nghiệm nữa, tuy không phổ biến nhưng cũng nên chia sẻ đó là học thêm ngoại ngữ khác. Trong thời gian học đại học, tôi “tráng” qua lớp tiếng Đức 2 năm, 1 năm Đông phương học (tiếng Trung) và tiếng Nga vẫn là chuyên môn chính. Khi học được từ hay câu nào hay thì tìm cách diễn đạt sang các ngôn ngữ khác hoặc vận dụng kiến thức của các ngôn ngữ khác để học và hiểu ngôn ngữ đang học. Nhờ thế cũng thấy đỡ tẻ nhạt hơn cả khi học và dạy tiếng Anh.

 

Thách thức cuối cùng là đọc một cuốn sách dày mà không bị ám ảnh của việc nặng nhọc là tra từ điển. Rất may mắn là khi ở Bộ Ngoại giao tôi được tham gia dịch vài chương trong cuốn “Ho Chi Minh: A Life” của William Duiker và tôi đã đọc được hết cuốn sách dày hơn 600 trang. Tất nhiên là vẫn phải tra từ điển. Sau khi vượt qua được ngưỡng này, tôi không còn ngại cầm một cuốn sách dày nữa. Tất nhiên là đọc sách bằng tiếng Anh về một lĩnh vực mà mình biết ít nhiều sẽ đỡ nhọc hơn rất nhiều so với đọc về một chuyên môn lạ hoắc.

 

Tôi tin là có nhiều cách học nữa. Ví dụ như học thuộc từ điển như chuyện một anh bạn học cùng khoá với tôi. Anh này quê Hải Hậu, học khoa Anh. Lúc mới vào thì chắc không phải là nhất lớp. Nhưng thấy bạn bè nói lại là cậu ấy đọc từ điển và đến năm thứ 3 thì trở thành một người có kho từ vựng lớn nhất khoa và trường.

 

Giờ đây, dù không phải dùng tiếng Anh thường xuyên, tôi vẫn duy trì việc đọc sách, tạp chí, nghe podcast. Nếu bạn nào thích trau dồi kinh nghiệm tranh luận, hãy thử tham khảo các podcast của NPR, đặc biệt là IQ2US tại www.IntelligenceSquaredUS.org. Có cả âm thanh (audio) và lời (text) để bạn vừa nghe và đọc. Nói chung là có vô khối tài liệu học tập miễn phí trên mạng. Hãy chọn lấy một vài nguồn và theo đến đầu đến đũa để đỡ bị loãng và phân tán.

 

Tóm lại, theo tôi, hãy tự và chủ động tìm thấy niềm vui khi học tiếng Anh chứ đừng để các điều kiện khách quan chi phối các bạn. Hãy coi các giáo trình bạn đang học như là xuất phát điểm cho sự tự học, là vôi vữa để gắn kết các viên gạch là kiến thức các bạn tự thu thập được để xây dựng nên ngôi nhà bạn mơ ước. Có rất nhiều giáo trình và giáo viên tốt đang đợi các bạn ở trên internet và trong chính con người bạn.

 

Nếu cảm thấy việc học đang lủng củng thì “xoá cờ đánh lại”. Hãy học lại từ đầu để tìm ra được những cảm hứng thành công thay cho lẽo đẽo chạy theo hết thất bại này đến thất bại khác.

 

Coi tiếng Anh là công cụ để tiếp thu một chuyên nghành khác nữa, như thế chúng ta mới có thể “nhất cử lưỡng tiện” (“kill two birds with one stone”) và năng lực tiếng Anh của bạn mới có cơ hội phát triển.

 

Nguồn: Vnexpress

Share.

Leave A Reply