Sự khác nhau giữa bằng cấp (degree) và chứng chỉ (diploma)

0

SSDH – Dù đều dùng để chứng minh việc hoàn tất một khóa học, nhưng bằng cấp (degree) và chứng chỉ (diploma) vẫn có một số khác biệt về độ dài, tính chất cũng như giá trị về lâu về dài.

 

Sự khác nhau giữa bằng cấp (degree) và chứng chỉ (diploma)

 

Khác với chứng nhận (certificate), cả bằng cấp và chứng chỉ đều được dành để trao cho những ai đã hoàn tất thành công một khóa học nào đó. Tuy nhiên, có một số khác biệt giữa hai thuật ngữ này mà đôi khi chúng ta không thể sử dụng nhầm lẫn.

 

Một khóa học cấp bằng (degree) thường kéo dài từ 3 đến 4 năm tùy theo quốc gia, trong khi đó một khóa học cấp chứng chỉ (diploma) chỉ kéo dài trong 1-2 năm. Về bằng cấp, một tấm bằng thường được trao bởi những trường Đại học uy tín còn một chứng chỉ có thể được trao bởi bất kì cơ sở giáo dục nào, kể cả các cơ sở giáo dục tư nhân.

 

Cũng như vậy, trọng tâm và mục đích của cả hai chương trình đào tạo này cũng khác nhau. Một khóa cấp bằng thường chú trọng hơn đến yếu tố hàn lâm, học thuật.

 

Cấu trúc của chương trình cấp bằng thường giúp người học có được cái nhìn tổng quan với ngành học và những ứng dụng trong sự nghiệp. Thông thường, nội dung chính đó được gọi là môn chuyên ngành, bên cạnh các môn tự chọn. Chẳng hạn, nếu bạn muốn theo học Kế toán, chương trình học sẽ có thêm các môn học hữu ích với công việc kế toán sau này, chẳng hạn Toán học, Thống kê, Văn hóa kinh doanh và Luật thương mại.

 

Bên cạnh đó, chương trình cấp chứng chỉ lại tập trung vào việc huấn luyện học viên, đào tạo họ trở thành người có năng lực đặc biệt trong thương mại và kinh doanh. Ngoài việc được học kiến thức hàn lâm, lí thuyết, chương trình còn đưa ra một số tình huống có thể xảy ra trong công việc để giúp bạn thực hành bằng cách vận dụng kiến thức cho mỗi tình huống. Một số học viên có thể sẽ tham gia khóa học với hình thức vừa học vừa làm. Quay lại với ví dụ trên, việc theo học một khóa cấp chứng chỉ trong nghành Kế toán có thể tập trung vào kĩ năng đào tạo vào việc giữ sổ sách kế toán mà không bao gồm các môn về Thương mại hay Thống kê.

 

Nếu chương trình cấp bằng có rất nhiều khóa học trải dài qua các cấp độ cũng như lĩnh vực khác nhau, thì chương trình cấp chứng chỉ thường được tập trung vào một ngành nghề cụ thể như Nấu ăn, Quản lí nhà hàng, Y tá, Thợ mộc, Kĩ sư…

 

Hầu hết các trường Đại học thường yêu cầu người đăng kí vào các chương trình tuyển sinh cao học phải hoàn thành chương trình học nghiên cứu, kéo dài từ 3-4 năm. Trong khi những người có bằng có thể đạt được yêu cầu trên thì những ai sở hữu chứng chỉ có thể sẽ gặp khó khăn trong vấn đề chứng minh trình độ học vấn hay sự tương ứng giữa các văn bằng.

 

Có một suy nghĩ là chứng chỉ thường được đánh giá thấp hơn bằng cấp, tuy nhiên nhiều công ty không đồng ý với quan điểm này. Ngoài trình độ học vấn, các công ty này thường quan tâm đến hiệu suất công việc hay thái độ của ứng viên trong lúc tuyển dụng. Việc sở hữu một tấm bằng hay chứng chỉ có thể không ảnh hưởng đến việc bước vào sự nghiệp, tuy nhiên để “thăng quan tiến chức” về sau, một tấm bằng có thể là một điểm cộng.

 

Thục Uyên (SSDH) – Theo Báo Du Học

Share.

Leave A Reply