Sẵn sàng du học – Mình đã rất may mắn khi bốn năm trước được biết tới Berea College – ngôi trường đặc biệt nhất nước Mỹ khi cấp học bổng toàn phần (trọn gói học phí và sinh hoạt phí) cho toàn bộ sinh viên trong nước và quốc tế khi trúng tuyển vào trường. Cũng tại ngôi trường hào phóng này, mình đã có cơ duyên trải nghiệm nhiều môn học đa dạng, để rồi quyết định theo học chương trình kép (double major) ngành toán và kinh tế.
Trong quá trình tìm hiểu thông tin du học Mỹ, mình đã từng rất thất vọng khi biết được rằng có rất ít (thậm chí có lúc mình đã tin rằng hoàn toàn không có) trường đại học ở Mỹ cấp học bổng toàn phần cho sinh viên quốc tế bậc cử nhân. Tuy nhiên, mình luôn có một niềm tin mãnh liệt rằng chắc chắn phải có một cơ hội nào đó, một suất học bổng nào đó đài thọ toàn bộ chi phí du học. Với sự quyết tâm và sự bền bỉ, mình đã google rồi đi hỏi các anh chị du học sinh về cơ hội hiếm hoi đó. Cuối cùng, đến cuối năm lớp 11, mình đã được một chị giới thiệu trường Berea – ngôi trường duy nhất nước Mỹ cho sinh viên học bổng toàn phần và thậm chí là một công việc ở trường để có thể kiếm thêm một khoản chi tiêu nho nhỏ.
Bước đầu đầy bỡ ngỡ
Vậy là mình đã nộp hồ sơ ứng tuyển và trở thành sinh viên duy nhất của trường đến từ Việt Nam ở niên học đó. Ngày đầu tiên đến lớp, mình đã “hừng hực” khí thế học lớp “Giới thiệu môn Chính trị” (Introduction to the study of Politics), bởi mình từng có ước mơ trở thành một nhà ngoại giao. Tuy nhiên, học xong lớp này, mình đã tự tin nói với bản thân rằng mình không hợp với ngành này. Mình không thích đọc những lí thuyết rất dài và không có nhiều ứng dụng. Vậy nên mình chuyển sang một ngành cũng là về xã hội nhưng có chút thực tế hơn, đó là ngành Kinh tế (Economics) vốn đòi hỏi khả năng tư duy nhạy bén với tình hình xã hội và các kiến thức phổ thông.
Vốn là “mọt sách” từ nhỏ và đam mê thời sự nên mình đã nhanh chóng nắm bắt lí thuyết kinh tế và áp dụng vào việc học. Chưa kể kinh tế còn đòi hỏi kĩ năng toán học – cũng là một môn học mà mình có chút năng khiếu từ nhỏ. Bản thân mình có suy nghĩ rất thực tế nên không thích suy luận nhiều, trái lại, mình thích dùng các con số để hiểu vấn đề và nhìn nhận vấn đề một cách “công bằng” hơn. Ví dụ, có nhiều bài báo lên án Trung Quốc thao túng và bóc lột sức lao động, tài nguyên của Châu Phi. Mình sẽ không vội tin vào đó mà mình sẽ tìm hiểu các con số về xuất nhập khẩu, nợ công, nợ tư, lương trung bình… để phán xét vấn đề một cách công tâm nhất. Chính vì niềm đam mê với kinh tế và các con số, mình đã quyết định học thêm ngành Toán vào cuối năm thứ hai để có thể bổ trợ kiến thức ngành kinh tế của mình hơn.
Tăng tốc nỗ lực
Theo kinh nghiệm của mình, hai năm đầu ở trường liberal arts (đại học giáo dục theo định hướng khai phóng) khá nhàn nhã và chủ yếu tạo cơ hội cho bạn học nhiều môn để biết mình muốn gì. Vậy nên hãy cứ vui vẻ và tận hưởng những môn học mình không nghĩ mình sẽ thích. Chẳng hạn, đến bây giờ mình là sinh viên năm cuối, mình ước mình đã học nhiều lớp về âm nhạc và hội họa hơn.
Sau hai năm đầu, bạn sẽ học nhiều lớp nâng cao hơn, và tất nhiên đòi hỏi sự tập trung cũng như những cam kết về thời gian, công sức cho ngành học bạn chọn. Với ngành toán và kinh tế, càng lên cao bạn càng phải học những lớp rất “khoai”. “Khoai” nhất trong ngành kinh tế là lớp “Kinh tế lượng” – đây là lớp kết hợp giữa xác suất thống kê và kinh tế.
Hiện tại mình đang học lớp làm luận án tốt nghiệp. Đây là một bài nghiên cứu kinh tế do bạn tự chọn chủ đề và giáo sư sẽ trông đợi bạn phải làm thật tốt, vì nó phản ánh phần nào quá trình học tập của bạn ở trường. Mình đang rất căng thẳng nhưng cũng rất vui vì mình đã đi được một chặng đường rất dài. Chỉ cần một chút nữa thôi là mình sẽ hoàn thành ngành Kinh tế học. Còn với ngành toán học thì càng lên cao, bạn sẽ càng phải học những lớp rất trừu tượng và khó hiểu. Nếu các bạn học nguyên hàm, tích phân và thấy khó hiểu thì chắc chắn các lớp toán cao cấp này sẽ rất choáng ngợp khi phải thường xuyên chứng minh các định lí. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà mình cảm thấy toán học thú vị hơn, không nhàm chán như khi làm các con số “vô hồn”. Giờ đây mình có thể hiểu những gì đằng sau các con số ấy và tại sao lại có các định lí như vậy.
Triển vọng ở lại Mỹ làm việc sau tốt nghiệp
Thêm một lí do quan trọng nữa để mình học ngành Toán song song với Kinh tế là vì mình phát hiện ra rằng các nhà tuyển dụng rất thích những sinh viên có kĩ năng toán học và phân tích. Trong thời buổi công nghệ và dữ liệu hóa như hiện nay, kĩ năng toán học là vô cùng quan trọng và cần thiết. Mình đã vô cùng chật vật tìm nơi để thực tập năm thứ hai trong khi các bạn học ngành toán hay công nghệ đều có thể tìm việc rất dễ dàng và nhanh chóng. Đến bây giờ là năm cuối và đang tìm việc để làm sau khi tốt nghiệp, mình thầm cảm ơn quyết định kịp thời và đúng đắn vào năm hai khi mình chọn ngành toán làm ngành thứ hai để học. Qua bài học này, mình muốn chia sẻ bài học kinh nghiệm về việc “thức thời”, hay là nhạy bén trong việc học những ngành có nhu cầu cao trong xã hội. Đặc biệt, với những du học sinh có ý định ở lại Mỹ lâu dài thì việc bạn học ngành gì và có những kĩ năng gì rất quan trọng. Để cạnh tranh với sinh viên bản địa, bạn phải thực sự ưu tú và đóng góp được nhiều cho công ty thì mới mong có tấm vé ở lại.
Trên thực tế, về cơ hội nghề nghiệp, Toán và Kinh tế đều là hai ngành có nhu cầu từ nhà tuyển dụng rất cao. Trong thời buổi dữ liệu số và giao thương toàn cầu tăng cao, ngành toán và kinh tế tạo rất nhiều cơ hội cho các sinh viên mới ra trường. Bên cạnh đó, đây cũng là hai ngành cơ bản, tạo nền tảng cho các bạn học ở trường cao học vì nó là sự kết hợp hoàn hảo giữa phân tích dữ liệu và kiến thức xã hội. Theo trang Collegegrad, mức lương trung bình của một nhà kinh tế học là khoảng $104.340 một năm. Còn theo trang Chron, mức lương trung bình của một nhà toán học là khoảng $105.810 một năm. Trong khi đó, bộ Lao động Mỹ thống kê mức lương trung bình của một người nước Mỹ rơi vào khoảng $31.099 một năm. Nhìn vào các con số trên thì bạn có thể thấy mức lương “khủng” của hai ngành Toán và Kinh tế so với mặt bằng chung lớn như thế nào. Về cá nhân mình, mình nhận thấy hai ngành này giúp mình phát triển tư duy logic rất lớn. Khi làm bất kì việc gì hay suy nghĩ về một vấn đề gì, mình thường tìm cơ sở dữ liệu khoa học và suy luận theo tính logic chứ không “đánh đồng” ý kiến cá nhân với ý kiến của số đông. Điều này tạo cho mình sự khác biệt và hiểu biết rất lớn.
Điều cuối cùng mình muốn nói là các bạn đừng sợ hãi. Đặc quyền của tuổi trẻ là được sai, và nếu sai thì mình sửa lại! Vậy nên, khi bước chân vào giảng đường, các bạn hãy mở rộng tâm trí và đón nhận thật nhiều điều mới. Biết đâu các bạn lại như mình, vào trường với suy nghĩ sẽ học chính trị nhưng ra trường với tấm bằng toán và kinh tế? Bạn mình vào trường với suy nghĩ sẽ học ngành khoa học máy tính, chỉ vài tháng nữa bạn ấy tốt nghiệp với tâm bằng… âm nhạc. Vậy nên, hãy làm những gì bạn muốn vì chẳng phải tất cả chúng ta đều chỉ có một cuộc đời để sống? Chúc các bạn thành công!
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Hotcourses Vietnam