SSDH – Từ quê lên Hà Nội học cấp 3, Ngọc thấy “choáng” khi bạn bè đều học giỏi, nói tiếng Anh như gió. Cô tự nhận mình không có gì nổi bật, chỉ đến khi lọt vào top 10 học sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhất thủ đô.
Thi xong đại học, Nguyễn Thảo Ngọc về quê ở Phúc Yên (Vĩnh Phúc) nghỉ ngơi cùng gia đình. Khi nhận được tin thủ khoa hai đại học lớn, nữ sinh này vô cùng bất ngờ và cho biết, thi xong em thấy mình làm bài bình thường, thậm chí có môn còn nghĩ rằng mình làm không tốt như Văn (khối D) và Vật lý (khối A1).
Gương mặt khả ái, thông minh, Ngọc tươi cười cho biết, thông tin đỗ thủ khoa ĐH Ngoại thương và Học viện Ngoại giao đều là do bạn bè xem và thông báo. Từ khi thi xong, Ngọc không xem lại đáp án và cũng không ôm lấy máy tính để theo dõi kết quả bởi “làm như vậy chỉ gia tăng áp lực cho mình”.
Thủ khoa Nguyễn Thảo Ngọc rất thích đọc sách.
Dù đỗ thủ khoa cả hai đại học lớn ở hai khối khác nhau nhưng Ngọc thừa nhận, em không học xuất sắc môn nào. Theo Ngọc, có được kết quả này là do em học đều các môn và một phần nữa là do may mắn.
“Em học đúng quy trình như nghe thầy cô giảng, làm bài tập nhiều chứ không hề có bí quyết gì đặc biệt. Em học vì đam mê cho dù đó là môn học nào, và em nghĩ nếu được làm một việc mình thích thì hiệu quả sẽ khác hẳn so với việc mà mình không mấy hứng thú”, Ngọc tâm sự.
Nữ sinh này chia sẻ, không có môn học nào được xếp vào vị trí yêu thích số 1 bởi cô yêu nhiều môn, mỗi môn mở ra một chân trời kiến thức khác nhau và đều tìm được điểm hay khác nhau trong từng môn học.
Học cấp 2 ở quê với sở trường là môn Toán, Ngọc từng dự thi Olympic Toán Singapore mở rộng và đoạt huy chương Đồng năm lớp 8. Một năm sau, Ngọc thi học sinh giỏi tỉnh môn Toán, tiếng Anh và giành hai giải Nhì. Bước ngoặt lớn nhất trong đời học sinh của Ngọc là thi vào THPT chuyên Ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội.
“Bác em làm việc tại Hà Nội nên đã mua hồ sơ dự thi vào chuyên Ngữ và động viên em dự thi. Em đồng ý và không ngờ mình đỗ thật”, Ngọc thật thà kể.
Về thủ đô học, Ngọc phải “cạnh tranh” ở môi trường khốc liệt hơn bởi xung quanh em “bạn nào cũng học giỏi, nói tiếng Anh như gió”. Dù thấy “choáng” nhưng nhờ sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, Ngọc dần lấy lại được cân bằng và theo kịp các bạn trong lớp.
Cô thủ khoa cho biết, vì cạnh tranh ở môi trường chuyên vô cùng khó, bản thân lại chẳng có gì nổi bật nên suốt những năm cấp 3 Ngọc không có cơ hội được tham dự cuộc thi học sinh giỏi lớn nào.
“Mãi đến khi thi tốt nghiệp THPT em mới lọt vào top 10 học sinh có điểm cao nhất thành phố Hà Nội, với 56 điểm”, Ngọc cười.
Cho rằng đam mê và nuôi dưỡng đam mê học tập mới thực sự quan trọng, Ngọc không bao giờ học theo kiểu nhồi nhét, học ngày học đêm. Hàng ngày, cô chỉ học đến 22h30 là đi ngủ để giữ gìn sức khỏe. Quan niệm của Ngọc là có sức khỏe mới làm được mọi việc và thời gian học nhiều không đồng nghĩa với học hiệu quả. Dù học ít, nhưng chăm chú vào việc học sẽ hiệu quả hơn nhiều việc ngồi ôm sách triền miên mà không tiếp thu được.
“Gia đình cũng không thích em học theo kiểu mọt sách. Nhiều lúc em ngồi bàn học quá lâu là bị bố mẹ hoặc bác nhắc nhở ngay”, Ngọc nói thêm.
Cho rằng, tự học là quan trọng nhất và sẽ hiệu quả hơn nếu tìm nhiều bài tập để làm nên năm lớp 10 và 11, Ngọc không đi học thêm mà tự dành thời gian tự học ở nhà. Lên lớp 12, cô học thêm môn Toán, và một tháng trước kỳ thi đại học đã đăng ký học thêm Văn để thầy cô giúp hệ thống lại kiến thức.
Người bạn thân thiết nhất với Ngọc có lẽ là sách. Cô thích đọc mọi thể loại sách. Cứ cầm một cuốn sách là cô mê mẩn đọc không biết chán. Ngoài ra, Ngọc cũng rất thích đi du lịch bởi mỗi lần đi là một lần cô được biết thêm những vùng đất mới, con người, phong tục, tập quán mới.
“Sở thích của em là học, còn sở trường thì có lẽ là… chơi”, nữ thủ khoa nhoẻn miệng cười.
Có bố mẹ làm công chức ở thị xã Phúc Yên, Ngọc lại lựa chọn thi ngành Tài chính Ngân hàng của ĐH Ngoại thương và Quan hệ quốc tế của Học viện Ngoại giao vì cho rằng hai ngành học này phù hợp với xu thế xã hội, bản thân lại yêu thích. Thế nhưng khi trở thành thủ khoa của cả hai trường, Ngọc lại rất băn khoăn không biết nên theo học ngành nào.
“Trước mắt, em sẽ theo học tại Việt Nam, sau đó tìm cơ hội đi du học khi cảm thấy mình sẵn sàng cả về kiến thức sách vở lẫn kiến thức xã hội”, Ngọc chia sẻ.
Hoàng Thùy