Sẵn sàng du học – Trước sinh nhật lần thứ 17, tôi cầm trong tay một cọc tiền khổng lồ đầu đời mà mình kiếm được năm mình 16 tuổi: Học bổng gần-như-toàn-phần. Cùng với số tiền đó, tôi cầm theo vài quyển sách văn học nho nhỏ, những yêu thương ở Việt Nam, và bắt đầu con đường trở thành du học sinh Mỹ đầy gian truân và cũng đầy thử thách.
Trải qua những năm học tập tại xứ sở cờ hoa tôi đã học được những điều sau đây, xin chia sẻ cùng các bạn
1. Kiên Nhẫn:
Trước khi tôi chính thức làm du học sinh Mỹ, những gì tôi muốn có, đều phải có cho bằng được. Sự kiên nhẫn từ lúc nào trở thành một điều cực kì xa xỉ.
Thế nhưng nếu bạn không kiên nhẫn, quá trình du học ở Mỹ của bạn có thể khiến bạn…điên tiết một cách cực kì dễ dàng.
Ví dụ như lần đó tôi đang rất cần một bản xác nhận y tế để hoàn tất công việc đang tồn đọng của mình. Trên thang điểm từ 1 – 10 mô tả mức độ cần thiết của tôi với tờ giấy, tôi nằm trên diện số 11.
Ngặt nỗi viên y tá phụ trách hồ sơ tôi đang nghỉ phép. Bản xác nhận y tế chỉ có giá trị khi viên y tá đó chứng nhận, vì bà là trưởng y tá, và cũng là người phụ trách nắm giữ hồ sơ của tôi từng ấy năm.
Thế là thay vì ngồi chờ, tôi đã làm mọi thứ hỗn loại lên, bằng cách gọi điện thoại cho từng người trong bệnh viện, ngay cả giám đốc của bệnh viện. Tôi thậm chí còn bỏ bom hộp thư thoại của y tá về tờ giấy y tế.
Chỉ đến khi y tá doạ nếu tôi tiếp tục làm những điều như vậy, không những tôi không được nhận lại giấy y tế, tôi còn có thể bị kết tội làm phiền người khác.
Bài học nhớ đời.
2. Kiếm Việc Làm Thêm Không Quá Khó:
Một trong những điều tôi thích du học Úc hơn, nằm ở việc du học sinh đi làm thêm. Nếu du học sinh Úc có thể đi làm thêm trong trường, hay ngoài trường tuỳ ý, cơ hội làm thêm cho du học sinh Mỹ thường gói gọn trong việc làm trong trường.
Lúc ở Mỹ, tôi chỉ được làm thêm ở trong trường (on-campus). Làm thêm ngoài trường (off-campus) chỉ được thực hiện, khi du học sinh có giấy tờ đầy đủ chứng minh cho việc làm thêm ngoài trường.
Tôi đã được hỏi rất rất nhiều về việc tìm việc làm trong trường. Đối với nhiều du học sinh, tìm việc trong trường gần như là bất khả thi. Tôi cũng đã từng nghe rất nhiều bạn thẳng thừng tuyên bố, rằng những việc làm trong trường chỉ cho…dân bản xứ. Du học sinh như chúng ta còn lâu mới có việc làm trong trường (!)
Nhưng thực tế thì, việc làm trong trường cho du học sinh không hề ít. Việc đơn giản bạn cần làm, là lên website chính thức của trường, và…search.
Điều tiếp theo bạn làm, là gửi mail cho quản lý, và chờ đến ngày phỏng vấn.
Thế là xong! Bạn vẫn có thể làm việc hợp pháp, mà không bị lăn tăn về túi tiền của mình.
3. Tự Tin Khoe Cá Tính:
Hồi trước khi là du học sinh Mỹ, vài lần tôi để những điều khác thường làm cuộc sống mình hơi…khó nhằn một tí.
Tôi vẫn nhớ rõ như in lần đầu bước chân vào giảng đường, và tôi cảm thấy cực kì khó chịu khi thấy tên ngồi cùng bàn người Thái Lan có tóc màu…hơi nâu (!)
Đối với môi trường sống của tôi từ đó đến giờ, một con người có học thức cao, sống tốt, sẽ không bao giờ để tóc tai của mình có màu gì khác ngoài đen. Thế là trong ba giây, cái đứa cùng bàn với mình bỗng chốc trở thành một du học sinh văn hoá…lùn.
Không dừng lại ở đó, tôi còn cảm thấy rất ức chế khi những sinh viên bước vào lớp với những bộ cánh…như đi tiệc, hay những cái đầu để highlight. Thậm chí tôi còn bán tín bán nghi về giáo viên của mình khi mặc quần…jeans đi dạy.
Cuộc sống chúng ta thường bị bủa vây bởi những đánh giá sai lầm về hình thức bên ngoài.
Thằng bạn tóc nâu hôm nào trở thành một trong những người bạn khá thân với tôi. Ngạc nhiên nữa là sức học của cậu bạn hơn tôi rất nhiều. Và tất nhiên khi tốt nghiệp, tên ấy được điểm cao hơn cả tôi.
Thầy giáo quần jeans kia chính thức trở thành top 5 giáo viên cực kì hay ho mà tôi có. Số lượng kiến thức tôi nhận được đáng giá rất rất nhiều. Đời sống du học sinh Mỹ của tôi có lẽ sẽ nhạt màu hơn rất nhiều nếu không được gặp thầy.
4. Điểm Số Không Phải Là Tất Cả:
Tôi học ngành truyền thông, chuyên ngành quảng cáo và PR khi còn là du học sinh Mỹ hệ đại học. Một trong những điều chúng tôi cần để tốt nghiệp, là một portfolio đẹp.
Hôm đi phỏng vấn thử, nhà tuyển dụng phỏng vấn lắc đầu, rồi bảo:
“Chúng tôi cần một người biết làm việc, chứ không cần một người chỉ biết kiến thức nhẵn nhụi từ sách vở. Nên nhớ rằng, trừ khi em muốn làm một nghiên cứu sinh, tôi hy vọng em hãy chăm chút hơn với những kinh nghiệm thực tế của mình. Hãy liên hệ với cái câu lạc bộ, hay trung tâm tình nguyện xung quanh, rồi em có thể viết cho họ một mẩu quảng cáo nhỏ, hay làm một kế hoạch giúp họ biết đến rộng rãi hơn trên mạng xã hội.”
Điểm số sau này của tôi dù thấp hơn tôi dự tính một tí, nhưng kinh nghiệm thực tế thì tôi không còn e dè.
5. Có Nhiều Hơn Một Học Bổng:
Tôi đi du học Mỹ, cả hệ trung học và hệ đại học, đều bằng học bổng. Thế nên tôi cứ tưởng chỉ có một học bổng dành cho du học sinh.
Nhưng thực tế thì không. Có nhiều hơn một học bổng dành cho du học sinh.
Tôi từng biết có một người em từng dành đến tận…5 học bổng thêm vào khi còn đang là du học sinh Mỹ. Thế nên trong suốt quá trình làm du học sinh, số tiền em chi ra rất ít, vì không những được học bổng lớn bao trọn, em còn được thêm những học bổng nhỏ khác của trường.
Thông thường, ngoài học bổng chính ra, du học sinh vẫn có thể tìm thêm những học bổng khác không những của trường, mà có thể là của khoa. Thậm chí, ở những vùng có dân số người Việt Nam nhập cư cao, những ai là du học sinh Mỹ đến từ Việt Nam, cũng có khả năng được nhận thêm những học bổng ấy.
Dù bạn có được học bổng hay không, nhiều hay ít, hãy tự tìm thêm cho mình những học bổng khác khi còn là du học sinh nhé.
6. Giữ Học Bổng Không Khó:
Đối với học bổng lớn, rất nhiều người băn khoăn về sự lâu dài của học bổng ấy. Một số trường chỉ cho du học sinh một hoặc hai năm học bổng. Phần còn lại, du học sinh phải trả hết.
Tuy nhiên, phần lớn du học sinh khi được nhận học bổng, sẽ được đài thọ cho suốt quãng thời gian mình học. Tất nhiên sẽ có những điều kiện đi kèm.
Đối với trường cũ của tôi, để duy trì học bổng du học sinh của mình, hai điều cơ bản du học sinh ấy cần có để giữ học bổng là:
- Là học sinh toàn thời gian của trường.
- Điểm GPA phải trên 2.7
Trừ khi bạn dành thời gian đi làm suốtttt, hoặc bạn đi party suốtttt, giữ học bổng không phải là vấn đề quá khó khăn với bạn.
7. Môi Trường Học Nhìn Dễ-Mà-Không-Dễ:
So với một lớp học 45 phút, một ngày 5 tiết như ở Việt Nam, tôi chỉ học 4 tiết khi còn là du học sinh trung học. Điểm đặc biệt ở đây, là mỗi tiết kéo dài đến tận…100 phút!
Thay vì 45 phút vừa nhồi nhét, vừa trả bài, vừa làm đủ thứ điều, tôi lại có thể học một cách cặn kẽ hơn qua các hoạt động thú vị tại lớp. Tính đến bây giờ, có rất nhiều thông tin về lịch sử Mỹ mà tôi vẫn nhớ rất kĩ.
Nhớ nhất là hôm tôi được giao bài tập, về Columbus. Thay như các bạn khác viết lên tấm poster to chảng, tôi…đốt giấy cho cháy xém một tí, cuộn lại thành vòng như những bức văn bản cổ, rồi viết thông tin vào. Học là học được những tính sáng tạo nhỏ nhoi như thế khi đi du học.
Học ở trung học thì không đến nỗi nào, khó là khó khi ở trường đại học. Ở đại học, nhìn là thế, nhưng không phải thế chút nào.
Tôi nhớ lúc học xong tiết đầu tiên của lớp PR, tôi vẫn chưa tin được mình đang đi du học, tôi vẫn chưa tin được mình là sinh viên năm 1 ngành truyền thông.
Lớp học kéo dài 90 phút, và phần lớn là chúng tôi thảo luận, chứ không được “dạy” nhiều.
Chỉ khi kì thi giữa kì đến. Mọi thứ mới bắt đầu chạy hơi lệch khuôn. Không những bạn phải có kiến thức từ những bài giảng, bạn còn phải lấy thêm thông tin từ nhiều phía. Những câu hỏi cần được trả lời vừa ý, đủ, không dư. Tôi nhớ lúc mới qua, tôi quen thói viết câu trả lời rất dài, nhưng trọng tâm thì chỉ có một nhúm. Nên thay vì 200 chữ đó, bạn phải mở rộng đề tài ra rất rất nhiều, bạn lại sử dụng hết 150 chữ cho việc dắt vòng và loanh quanh. Học 100, nhưng phải nỗ lực 200, hoặc hơn thế nữa.
Nguồn: http://govinhgo.com/