SSDH – Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng du học là con đường sáng giá để giúp con trưởng thành và thành đạt trong cuộc sống cũng như trên con đường công danh sự nghiệp.
Ngày nay các bậc cha mẹ, nhất là những gia đình có điều kiện luôn cố gắng để con em mình được đi du học càng sớm càng tốt cho “bằng bạn bằng bè”. Thực tế là, nhiều trường hợp khuynh gia bại sản và con cái lại hư hỏng vì đi “du học”.
Ngày càng có nhiều học sinh cấp 3, cấp 2 thập chí là cấp 1 thuộc những gia đình có điều kiện ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng… ra nước ngoài học tập, chủ yếu là học tự túc, rất ít có học bổng. Chi phí hàng tháng cho việc học tập và sinh hoạt ở nước ngoài của các du học sinh này thường từ vài trăm cho đến vài nghìn đô.
Để chu cấp cho con cái ăn ở học tập như vậy, những gia đình thuộc diện khá giả cũng khá vất vả, nhiều gia đình đã phải bán đất, vay mượn để thỏa mãn giấc mơ du học của con và giải quyết “khâu oai” cho bố mẹ. Họ đâu biết rằng, việc cho con đi du học còn quá nhỏ là việc làm hết sức mạo hiểm.
Không phủ nhận, việc được học tập ở những nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới là rất tốt, trẻ có điều kiện để phát huy hết tiềm năng vốn có và lĩnh hội những tri thức tiên tiến của nhân loại. Tuy nhiên, cần biết rằng để trẻ có thể phát huy hết khả năng của mình và đón nhận kiến thức mới, trước tiên trẻ phải có một sức khỏe tốt, tinh thần thoải mái và sự chuẩn bị tốt.
Việc cho trẻ đi du học ở lứa tuổi quá nhỏ, khi chưa có sự chuẩn bị tốt cả về “trí lẫn lực”, cũng giống như chúng ta lạc vào một thế giới xa lạ đầy cám dỗ, mà ở đó ta đơn độc, phải tự mình thích nghi và tồn tại. Trong thế giới đó, không phải ai cũng có thể tồn tại và phát triển được, đã có không ít người sa ngã và bị đào thải.
Bản thân người lớn, những người ra nước ngoài học Thạc sĩ hay Tiến sĩ, cũng gặp không ít khó khăn, dù đã có sự chuẩn bị lâu dài về kiến thức và ngoại ngữ, có kinh nghiệm sống. Không ít người vấp phải những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, sự chênh lệch về trình độ… và buộc phải bỏ cuộc giữa chừng. Đó là chưa kể đến trường hợp du học tự túc, phải vừa lo kiếm sống và học tập thì nguy cơ không tốt nghiệp được là khá lớn.
Với các em học sinh THPT và THCS, do còn ít tuổi, kinh nghiệm sống chưa nhiều, đặc biệt những em sống trong các gia đình khá giả, thì việc ra nước ngoài bắt đầu cuộc sống tự lập, không có người lớn ở bên là điều rất khó khăn. Phần lớn các em sẽ bị sốc trong giai đoạn đầu và học tập sa sút.
Ở môi trường mới với những con người mới, cách giáo dục mới, phải tự chăm sóc bản thân nhiều em đã không vượt qua nổi. Nhiều trường hợp sau khi cả nhà phát ốm để lo cho con “mang chuông đi đánh xứ người”, đã phải đón con về vì kết quả học tập quá yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu của trường, hoặc vì sang đó không có sự quản lý nên sa ngã và dính vào các tệ nạn xã hội…
Nhiều bạn trẻ du học ở bậc phổ thông, do gia đình cũng không khá giả cho lắm, nên sau khi ra nước ngoài đã đi làm thêm, rồi bị cuốn vào vòng xoáy kiếm tiền, thậm chí dính đến ma túy và vi phạm pháp luật. Một số gia đình ở Việt Nam đã phải vay mượn để sang nước ngoài đưa con về trong trường hợp này.
Có nhiều em sau khi giấc mơ du học tan tành, phải trở về nhà, với sự mặc cảm lớn của bản thân, sự xấu hổ của gia đình, đã sống một cách thu mình, thậm chí còn “tự kỷ” và bị “rối loạn tâm thần”.
Thiết nghĩ, lo cho việc học tập và tương lai của con cái là một việc nên làm của các bậc cha mẹ. Cho con đi du học khi có điều kiện là tốt, nhưng đi học ở lứa tuổi nào thì người lớn cần phải suy tính thật kỹ cũng như chuẩn bị thật tốt cho trẻ trước khi xuất ngoại.
Những nguy hiểm tiềm tàng khi bạn đi du học
Ước mơ du học có lẽ đã trở thành một ước vọng không còn quá xa lạ với những bạn trẻ. Mong muốn tiếp cận một nền tri thức mới, khám phá cuộc sống ở một chân trời xa lạ thực sự đều là những lý do tuyệt vời để bạn sẵn sàng “xách ba lô lên và đi” ngay lập tức.
Tuy vậy, ít ai hiểu được, phía sau những giấc mộng thiên đường với những lời hứa hẹn mà bạn đã có thể thuộc lòng khi các trung tâm du học vẫn thường giao giảng, lại ẩn chứa một hiện thực có phần “thực” và khắc nghiệt hơn những gì bạn tưởng. Một mình sống ở một nơi xa lạ không có sự chăm sóc giúp đỡ của cha mẹ, người thân, sẽ có biết bao nguy hiểm đang rình rập bạn.
1. Sao lãng học hành
Mục đích ban đầu khi mỗi cá nhân quyết định du học tất nhiên là việc được học tập một cách chất lượng và hiệu quả hơn trong một môi trường mới.
Tuy nhiên, những áp lực của việc phải sống cô đơn một mình đã khiến rất nhiều bạn sinh viên phải bỏ cuộc ngay sau khi mới tận hưởng trải nghiệm là du học sinh một thời gian ngắn. Một số khác làm quen được với môi trường, nhưng vì việc sinh hoạt và học tập không còn dưới sự quản thúc của cha mẹ khiến giới hạn của sự tự do nhiều khi trở nên quá mức.
Không có người đôn đốc học tập, “con mọt sách” của ngày nào giờ dành nhiều thời gian hơn cho việc mua sắm, shopping, đi chơi cùng bạn bè, đi bar hay hẹn hò với người yêu. Kết quả là thành tích học tập của bạn tụt dốc không phanh. Kiềm chế bản thân mình và giữ đúng mục tiêu của bạn như ban đầu là điều cần thiết. Đừng biến những chuyến đi du học thành những chuyến du lịch dài ngày và một tấm bằng thật xấu xí khi trở về quê nhà.
2. Hiểm họa từ công việc làm thêm
Sinh viên ở bất kỳ đâu có lẽ đều có chung một đặc điểm, đó là yêu thích những công việc làm thêm. Đó không chỉ là cơ hội để kiếm thêm thu nhập, phụ giúp cho cha mẹ mà còn là trải nghiệm thú vị giúp bạn tích lũy thêm những kinh nghiệm phong phú cho bản thân.
Tuy vậy, đừng để hình ảnh những cô cậu sinh viên làm thêm trong những bộ phim truyền hình lừa phỉnh bạn, hiện thực không phải lúc nào cũng tươi đẹp và rực rỡ như những gì bạn tưởng. Rất nhiều sinh viên đi du học đã thở ngắn than dài với công việc làm thêm khi mà họ bị bóc lột sức lao động, không trả lương, trả lương quá thấp hay thậm chí là một số tệ nạn khủng khiếp khác như bạo hành, cưỡng bức…
Việc bạn không phải là một người bản xứ, “lạ nước, lạ cái” trong một xã hội xa lạ có thể là nguyên nhân trực tiếp khiến bạn không tìm được công việc làm thêm phù hợp hay phải làm thêm những công việc nặng nhọc với mức lương gần như bị “ép giá”. Hãy tỉnh táo và chín chắn khi tìm kiếm cho mình một cơ hội làm thêm phù hợp.
3. Điều kiện y tế không đủ tốt
Có lẽ sẽ nhiều người thắc mắc, vì sao lại nhắc tới điều kiện y tế yếu kém trong khi phần lớn các bạn sinh viên đều du học ở các quốc gia tiên tiến hàng đầu với nền y học phát triển.
Tuy nhiên, sự thật rằng rất nhiều sinh viên phải chấp nhận điều kiện y tế có phần tồi tệ khi du học nước ngoài. Một phần do sinh viên du học không có nguồn thu nhập và sống bởi tiền cha mẹ gửi.
Khi gặp phải những bệnh nặng cần chi phí lớn để chữa trị, nếu không được hỗ trợ kịp thời từ gia đình và nhà trường, sinh viên sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, những chuyến du lịch và dã ngoại cũng tiềm ẩn những nguy cơ nhất định.
Một ví dụ cụ thể có thể nhắc tới, vào tháng 06/2007, Tyler Hill, một cô bé 16 tuổi đã tử vong trong một chuyến đi dã ngoại tại Nhật Bản do biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường. Hội Chữ Thập Đỏ Nhật Bản đã khẳng định, cô bé hoàn toàn có thể được cứu chữa nếu được cấp cứu kịp thời nhưng điều kiện ở đó đã không cho phép.
4. Tình hình chính trị
Vấn đề chính trị vốn chẳng liên quan giờ lại trở thành mối quan ngại hơn bao giờ hết. Bạn có thể quen sống tại đất nước Việt Nam yên bình và thoải mái, tuy nhiên tình hình ở một số quốc gia khác không phải lúc nào cũng được tốt đẹp như thế.
Những vụ đánh bom, nổ súng, bắt cóc con tin… đều là những điều thường nhật mà một số quốc gia vẫn phải đối mặt hàng ngày, là mối hiểm họa đe dọa sinh viên cũng như biết bao người dân thường khác. Theo “Báo cáo quốc gia về khủng bố năm 2014” của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong năm 2014 đã xảy ra 13.463 vụ tấn công tại 95 quốc gia. Mỹ cũng không thoát khỏi danh sách những quốc gia có nạn khủng bố đang hoành hành.
5. Hành hung và giết hại
Năm 2007, Jenee Klotz, một sinh viên năm nhất của một trường đào tạo quốc tế tại Brattleboron đã bị cướp, hành hung và cưỡng bức trong khi cô bé đang tham gia một chương trình nghiên cứu sinh nước ngoài ở Jamaica.
Việc sinh viên du học bị hành hung và giết hại đã trở nên vô cùng phổ biến, được báo chí không ít lần đăng tải. Sống một mình ở một nơi xa lạ, bạn sẽ trở nên yếu đuối và không có chỗ dựa hơn rất nhiều, từ đó dễ trở thành đối tượng cho kẻ xấu xâm hại và lợi dụng.
Đặc biệt là với những sinh viên da màu, nạn phân biệt chủng tộc có thể kinh khủng hơn nhiều so với những gì bạn đã tưởng tượng hay trong sách báo. Luôn có thói quen cảnh giác và đảm bảo an toàn cho bản thân là điều vô cùng cần thiết.
Những câu chuyện mà bạn tưởng chỉ có trong sách báo giờ đây lại trở thành những hiểm họa gần bạn hơn bao giờ hết. Là một du học sinh, hãy biết bảo vệ mình trước mọi khó khăn và cám dỗ. Hãy để du học là điểm bắt đầu thay vì điểm kết thúc cho chuyến hành trình lớn của cuộc đời bạn.
Kinh nghiệm cho con đi du học của chị Thu Mai từng cho con đi du học
Du học là một kế hoạch ‘dài hơi’ chứ không phải là xách ba lô lên đường ngay được”, cho nên cần có kế hoạch, định hướng rõ ràng từ trước:
1. Xây dựng ước mơ du học cho con
Ngay từ khi còn bé, nhiều con do mê các bộ phim hoạt hình, truyện tranh của Mỹ, Anh, Nhật Bản hay Trung Quốc nên có ước mơ được đến các nước này khi lớn lên. Bố mẹ không xem đó là chuyện viển vông mà hãy tôn trọng và tìm cách xây dựng ước mơ du học cho con từ những mơ ước trẻ thơ này.
Có nhiều cách để giúp con tiếp cận với đất nước mà con mong muốn đặt chân tới như cho con đọc sách, xem phim, tìm hiểu về con người và văn hóa, kể cho con nghe những tấm gương thành đạt của các anh chị đã du học tại đó…
2. Định hướng ngành học, trường học
Việc định hướng ngành học, trường học đòi hỏi các bố mẹ phải đầu tư ít nhất một năm để tìm hiểu thông tin và tham khảo những bố mẹ đã có con đi du học.
Bố mẹ cần trao đổi nghiêm túc với con về ngành học lựa chọn dựa vào sở thích và năng lực của con, cùng con tham gia các cuộc hội thảo về nước mà con sẽ du học.
3. Chuẩn bị hồ sơ
Bố mẹ nên chủ động tìm hiểu các đầu mục cần phải làm trong hồ sơ xin học cho con từ sớm (thông qua các công ty tư vấn du học, qua họ hàng, bạn bè) để có thể thuê dịch thuật, công chứng, bổ sung các phần còn thiếu và hoàn thiện dần hồ sơ.
4. Chuẩn bị tài chính
Bố mẹ có thể thông qua một công ty tư vấn du học, hoặc tham khảo họ hàng đang sinh sống tại nước du học để lên kế hoạch tài chính chi tiết cho con. Theo chị Thu Mai, do công việc kinh doanh của gia đình thường xuyên có biến động nên vợ chồng chị còn lên kế hoạch tài chính trong cả 4 năm học đại học cho con để tránh những rủi ro làm gián đoạn việc học tập của con.
5. Chuẩn bị ngoại ngữ
Bố mẹ nên có kế hoạch cho con học ngoại ngữ, tăng cường 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết ngay tại Việt Nam để tiết kiếm chi phí. Chị Thu Mai chia sẻ: “mặc dù con chị đã thi các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tại Việt Nam và cháu nghe nói khá tốt nhưng khi sang Australia, giai đoạn đầu cháu vẫn không thể bắt kịp người bản địa”. Vì vậy, việc được chuẩn bị tốt ngoại ngữ sẽ giúp con tự tin và thuận lợi trong mọi hoạt động tại nước nơi con du học ngay từ khi bắt đầu sang học.
6. Chuẩn bị sức khỏe
Các con cần được thăm khám sức khỏe định kỳ và có chế độ dinh dưỡng, tập thể dục khoa học và đều đặn trước khi đi du học. Bố mẹ cần cho con biết khi đi du học, các con phải đi bộ nhiều, khí hậu thời tiết khác với Việt Nam và học hành vất vả hơn… Các con có sức khỏe tốt thì mới đáp ứng được việc học tập và sinh hoạt tại đây.
7. Chuẩn bị môn năng khiếu
Trước khi đi du học, nếu con đã được học và giỏi các môn thể thao, âm nhạc, mỹ thuật như bơi lội, đàn hát, vẽ… thường có lợi thế hơn bạn khác bởi vì các trường ở nước ngoài thường quan tâm đến năng khiếu, khả năng tham gia các phong trào cộng đồng của học sinh, sinh viết. Ngoài ra, có được đam mê những môn này giúp các con có thể cải thiện đời sống tinh thần, tránh sa đà vào những hoạt động kém lành mạnh khi phải sống xa nhà.
8. Chuẩn bị khả năng tự lập, tự chăm sóc bản thân
Việc rèn cho con lối sống tự lập, học tập theo thời khóa biểu là một việc cần thiết mà bố mẹ cần thực hiện nếu muốn con sớm hòa nhập với đời sống khi du học. Các kỹ năng đơn giản như nấu ăn, dọn dẹp vệ sinh phòng riêng, nơi công cộng, tự xử lý các bệnh thông thường… cần được trau dồi sớm. Ngoài ra, các con cũng nên được học những kỹ năng khác như thoát hiểm khỏi đám cháy, nổ hay kỹ năng bơi lội khi bị rơi xuống nước…
9. Khảo sát trước nơi du học, nơi ăn chốn ở
Nếu có điều kiện, bố mẹ nên trực tiếp đến nơi con sẽ chuẩn bị học tập và thuê trọ để khảo sát, tìm hiểu và có những thay đổi cần thiết (nếu có). Chị Thu Mai cho biết, trước khi con nhập học một tháng, chị đã đưa con đi du lịch (nơi mà con chuẩn bị du học) để con có cơ hội làm quen với phố xá, thời tiết, ăn uống và môi trường sống tại đây, tránh cho con cảm giác bỡ ngỡ, xa lạ khi phải sống xa nhà.
Nguồn: Tổng Hợp