Sinh viên tốt nghiệp có thể làm gì với tấm bằng kinh tế

0

SSDH- Văn bằng kinh tế sẽ thúc đẩy khả năng được tuyển dụng của sinh viên trong nhiều lĩnh vực bởi tính ứng dụng rộng lớn và đa dạng. Dưới đây là một loạt thông tin chi tiết về các nghề nghiệp kinh tế phổ biến mà bạn có thể tham khảo.

1. Các vị trí phù hợp với bằng kinh tế

  • Nhà kinh tế học
  • Nhà phân tích rủi ro tài chính
  • Nhà phân tích dữ liệu
  • Người lập kế hoạch tài chính
  • Kế toán viên
  • Nhà nghiên cứu kinh tế
  • Tư vấn tài chính
  • Phân tích đầu tư
  • Thư ký
  • Quản lý khu vực công

2. Nhà kinh tế chuyên nghiệp

Là một nhà kinh tế chuyên nghiệp, bạn sẽ tham gia vào việc nghiên cứu, phân tích các dữ liệu kinh tế và vấn đề xu hướng. Sinh viên sẽ phải trau dồi thêm ít nhất một văn bằng sau đại học để đạt được các kỹ năng chuyên môn cần thiết. Bên cạnh đó, sự tự tin trong việc đưa ra các dự báo kinh tế để trình bày cho khách hàng (cá nhân, công ty, tổ chức tài chính và cơ quan nhà nước) và tư vấn về chính sách, chiến lược kinh doanh phù hợp cũng được đánh giá cao.

Các nhà tuyển dụng tiềm năng bao gồm chính quyền địa phương và quốc gia, ngân hàng công và tư, công ty bảo hiểm, tổ chức tư vấn, các công ty đa quốc gia lớn, tư vấn tài chính, công ty kế toán…

3. Kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng

Nghề ngân hàng là một lựa chọn rất phổ biến đối với sinh viên tốt nghiệp kinh tế bởi thu nhập cao và cơ hội việc làm dồi dào. Học viên tốt nghiệp có nền tảng về kinh tế được đánh giá cao, đặc biệt trong các vai trò kiểm soát tài chính, lập kế hoạch tài chính, phân tích rủi ro, phân tích dữ liệu và tư vấn. Công việc trong ngành ngân hàng chủ yếu quan tâm đến việc tư vấn và cung cấp dịch vụ cho đối tác và khách hàng.

4. Kinh tế trong lĩnh vực kế toán

Vai trò kế toán tập trung vào việc giám sát tình hình tài chính của một tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân. Công việc của kế toán là ghi chép, phân loại, giải thích và truyền đạt dữ liệu tài chính. Những vị trí này đòi hỏi kỹ năng phân tích chặt chẽ, trình độ toán học, trình độ tin học, sự hiểu biết về tất cả các yếu tố tài chính của công ty và khả năng bối cảnh hóa dữ liệu thu thập được. Sinh viên tốt nghiệp ngành kinh tế thường có khả năng hiểu các tập dữ liệu phức tạp và xác định gốc rễ của các vấn đề tài chính.

5. Kinh tế trong lĩnh vực kinh doanh và tư vấn tài chính

Các nhà kinh tế và chuyên gia kinh tế là trung tâm của thế giới kinh doanh và tư vấn tài chính. Vai trò của một nhà nghiên cứu kinh tế đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về các lý thuyết và mô hình kinh tế, kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề cùng trình độ toán học. Các nhà tư vấn tài chính trong lĩnh vực kinh tế sẽ thực hiện các vai trò tương tự nhưng có thể làm việc cho nhiều khách hàng thay vì chỉ một tổ chức, tạo báo cáo và tư vấn về chiến lược kinh doanh. Việc thường xuyên cập nhật kiến thức và nhận thức về tài chính doanh nghiệp là điều cần thiết đối với những nghề nghiệp này.

6. Kinh tế trong lĩnh vực công

Những người nghiên cứu kinh tế luôn được đánh giá cao trong tất cả các lĩnh vực chi tiêu công và tư, bao gồm các vai trò trong định giá và phân tích rủi ro, tư vấn tài chính và lập kế hoạch kinh tế. Các nhà kinh tế trong khu vực công thường liên quan đến thuế công, vận tải, dịch vụ thương mại, chất thải, năng lượng và các hình thức chi tiêu khác của chính phủ. Gần đây, cuộc suy thoái toàn cầu và sự thắt chặt quản lý kinh tế của các chính phủ đã khiến nhu cầu cho vị trí này gia tăng.

7. Phân tích dữ liệu và tính toán trong kinh tế

Chuyên gia phân tích dữ liệu có vai trò đánh giá và tư vấn về tác động của rủi ro tài chính và những khuynh hướng không chắc chắn trong tương lai. Sử dụng kiến thức về cả kinh doanh và kinh tế, họ sẽ cung cấp các báo cáo và đưa ra chiến lược về cách giảm thiểu rủi ro. Nhà phân tích, tính toán phải có kỹ năng về toán học và biên soạn số liệu thống kê, cũng như có thể truyền đạt dữ liệu phức tạp một cách hiệu quả cho những người không phải chuyên gia.

8. Các cơ hội nghề nghiệp khác

Nếu không có vị trí nào ở trên đủ hấp dẫn, bạn có thể xem xét các lựa chọn thay thế như trí tuệ kinh doanh, phát triển quốc tế, quản lý nguồn nhân lực, công nghệ thông tin, báo chí, luật, nghiên cứu thị trường, chính trị, quan hệ công chúng, nghiên cứu xã hội và thuế… Thậm chí, sinh viên có thể trở thành một doanh nhân và bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình.

Người dịch: Phương Thảo (SSDH)

Share.

Leave A Reply