Cứ đi rồi sẽ đến… [Chuyện đi học] – julyle

0

SSDH – Tháng 7…Tâm điểm của những ngày hè oi bức ở Hà Nội. Tháng 7 của tôi hôm nay, Nó không còn là tháng 7 của 7 năm về trước khi tất cả những đứa 18 tuổi phải vật lộn bước vào kỳ thi đại học. Khi có đứa vì thức đêm liên tục mà ngất ra tưởng phải bỏ thi đi bệnh viện. Tháng 7 năm nay – Tôi đang ngồi ở 1 quán cafe nhỏ ven hồ. Tháng 7 của những rộn rịp, hồi hộp và một chút lo lắng cho 1 cuộc hành trình dài sắp tới. Tôi sẽ lại đến trường, lại đi học, lại thức đêm, lại ôn thi. Tôi sẽ lần đầu tiên được biết đến cảm giác xa nhà, xa Hà Nội. Để đi, để học, để khám phá, để trải nghiệm. Để được đặt chân đến những miền đất mới. Để những ước mơ trở thành hiện thực. Để được sống trọn vẹn với những hoài bão của tuổi trẻ.

 

Tôi ngồi quan sát con phố nhỏ, nắng nhạt lọc qua tán cây nhảy nhót trên mặt đường. Đêm qua trời vừa mưa nên sáng nay mát dịu, gió nhẹ thổi làm tờ giấy trắng trên bàn khẽ bay mất, một gánh tào phớ đi qua, tiếng dép loẹt quẹt trên mặt đường. Tôi phát hiện ra mình đã bỏ lỡ rất nhiều nếu cứ đi làm từ sáng sớm rồi trở về vào lúc chiều tối. Những điều nhỏ nhặt giản dị trong cuộc sống hàng ngày thường dễ bị bỏ qua. Tôi quyết định viết 1 cái gì đó chỉ là một câu chuyện nhỏ thôi, một thứ có thể truyền cảm hứng cho nhiều người. Như chính những điều mà tôi đã đọc được và truyền cảm hứng cho tôi trong những năm qua. Một thứ thay cho lời cảm ơn tới những người đã giúp đỡ tôi trong suốt một thời gian dài. Một thứ để nhắc nhớ tôi rằng: sau này dù cuộc sống có khó khăn thử thách thế nào tôi cũng có thể vượt qua, vì đã có lúc tôi làm được những điều kỳ diệu (với cá nhân tôi) thế này. Tôi muốn viết nó cho bạn & cho chính mình!

 

(Những người tôi muốn cảm ơn đều không được nhắc tên ở trong này, nhưng tôi tin họ sẽ biết họ là ai trong câu chuyện của tôi!)

 

Cứ đi rồi sẽ đến… [Chuyện đi học] – julyle

 

***

 

Tôi đã thất bại như thế nào?

 

Chắc đa phần mọi người sẽ kể về việc vì sao mình làm được một điều gì đó, mà ít ai nói cho bạn biết vì sao bạn không làm được một điều gì đó. Bạn đi xin việc, bạn mà không được thì automatically là bạn sẽ chờ lâu lâu mà ko thấy được gọi vào vòng sau. Bạn xin học bổng, bạn mà không được thì tử tế bạn sẽ nhận được một cái mail bắt đầu là “We regret to inform you that…”, còn không thì cũng bặt vô âm tín và bạn tự hiểu là bạn trượt. Không ai cho bạn biết điểm mà bạn được và ranking thứ tự rõ ràng như đi thi đại học, biết một chọi mấy, biết lấy mấy, trượt mấy, bạn ở đâu, thiếu mấy điểm…Mọi email follow up sau đó đều sẽ không có ai trả lời.

 

Tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện của mình, cho những ai đã, đang, và sẽ đi trên con đường mà tôi đã chọn. Cho những ai mong muốn tìm thấy 1 người giống như mình. Cho những ai luôn thất bại. Cho những ai không dễ dàng từ bỏ ước mơ. Cho những ai đang sắp sửa gục ngã cần được tiếp thêm sức mạnh. Cho những ai tin rằng điều kỳ diệu sẽ đến khi bạn thực sự tin tưởng và theo đuổi ước mơ.

 

Vì nhiều khi tôi nghĩ rằng, có thể khi bạn đạt được một điều gì đó, chưa chắc đã là vì bạn tốt hơn bạn của ngày hôm qua đâu. Chỉ đơn giản là tôi tin rằng “Cuộc sống luôn công bằng theo cách riêng của nó”. Bạn đạt được vì bạn đã nhiều lần không đạt được, bạn thành công vì bạn đã nhiều lần thất bạn. Vậy thôi.

 

Tất nhiên là, Ở đây tôi không đề cập đến những bạn cứ làm cái gì là được luôn cái đó. Tôi may mắn biết rất nhiều bạn như vậy ở xung quanh. Đừng vội kết luân những bạn đó chỉ may mắn không thôi. Tôi nhớ đã đọc được ở đâu đó là: “Luck is what happens when preparation meets opportunity.” Họ có thể không quá xuất sắc, họ cũng có thể không quá chăm chỉ hay quyết tâm nhưng họ đủ may mắn để làm đủ tốt khi họ gặp được cơ hội.

 

Trở lại với câu chuyện của mình

 

Tôi đã có mơ ước được đi du học từ những ngày cấp 3 khi xem “Đường lên đỉnh Olympia” thấy các anh chị ở miền quê nghèo vượt khó học giỏi được tặng suất học bổng đi Úc tôi thấy nể phục và ghen tị kinh khủng. Khi anh chị em họ hàng trong gia đình cứ lần lượt ra nước ngoài học tập, khi bạn bè/những người tôi quen biết xung quanh cũng từ từ đi học năm bảy năm không tin tức, tôi thì chỉ luôn có mặt trong những bữa tiệc liên hoan chia tay hay ra sân bay tiễn chào mọi người. Từ ngày đó, tôi đã hứa với lòng mình sẽ có ngày tôi đặt chân đến châu Âu.

 

Với tôi châu Âu luôn được cất ở một vị trí đặc biệt, tôi không chỉ muốn đặt chân đến đó, ở lại đó vài tuần như một người khách du lịch và tôi đã luôn mong ước được học tập, làm việc và được sống ở châu Âu, ước mơ đó cứ âm ỉ, âm ỉ,  nhưng quyết liệt, tôi nghĩ thế.

 

Rồi tôi vào đại học

 

Những giấc mơ cứ xa dần xa dần mà tôi quên mất. Du học là điều gì đó quá xa xỉ, thậm chí cả trong suy nghĩ làm sao tôi có thể đi học được khi mà số tiền cần phải chi trả lớn hơn bất cứ khoản tiết kiệm nào của gia đình. Mục tiêu của tôi ngày ấy đơn giản lắm. Tôi chỉ ước vào được Đại học Ngoại Thương, cố gắng học hành được cái bằng khá, rồi ra trường kiếm được một công việc ổn định lương tầm tầm, tự nuôi được bản thân và đóng góp được cho gia đình.

 

Thế rồi thì

 

Vào năm thứ 2 đại học, tôi thấy một con bé bạn bỗng chốc được đi học ở nước ngoài nhờ kiếm được một suất học bổng của 1 tổ chức phi chính phủ. Học bổng lúc đó với tôi là một khái niệm quá sức xa lạ, ngày trước tôi thậm chí còn ngô nghê tới mức tưởng học bổng tức là ai học giỏi quá, siêu phàm quá thì đc bỏ vài năm học lên cao Như thế gọi là học bổng. Hóa ra đến lúc đó tôi mới biết học bổng tức là được cho tiền để đi học. Lúc đó tôi nể phục nó lắm

 

Quan trọng hơn tôi ngộ ra 1 điều

 

Hóa ra mình vẫn có thể đi du học mà ko mất tiền, hóa ra du học ko chỉ dành cho những người có điều kiện, hóa ra những người có thể đi du học ko mất tiền là tồn tại và ở rất gần quanh ta và tôi bắt đầu search google hai chữ “học bổng” lần đầu tiên trong đời.

 

Tình cờ tôi tìm được một trang mạng cá nhân đó là trang blog của một người có nickname là TungKelvin với slogan là “There can be miracles when you believe” Và bài viết đầu tiên tôi đọc là “Tôi đã apply thành công học bổng toàn phần master như thế nào?”. Bài viết rất hay, rất cụ thể, đầy đủ, chi tiết về các bước xin học bổng. Trang blog còn tổng hợp rất nhiều thông tin của các học bổng Master toàn phần khác nhau ở các nước châu Âu với các bài chia sẻ kinh nghiệm sưu tầm tổng hợp từ những anh chị đi trước.

 

Sau khi đọc xong bài đó, tôi như người mù được khai sáng và được tiếp thêm rất nhiều sức mạnh, tôi bắt đầu đăng nhập vào ttvnonline – diễn đàn du học được highly recommend trong trang cá nhân đó. Câu nói mà tôi vẫn nhớ nhất trên diễn đàn của các anh chị cho đến tận bây giờ đó là: “Luôn có học bổng cho người không bao giờ từ bỏ”.

 

Tôi thử theo dõi 1 topic về học bổng. Đầu tiên chỉ định đọc qua thôi nhưng càng đọc càng như được khai sáng. Tôi say mê miệt mài dành hằng đêm để đọc hết các chủ đề về học bổng toàn phần trong suốt 1 tháng có những hôm thức đến hai ba giờ đêm để đọc. Tham khảo profile của những người đã thành công vừa đọc vừa take note kín đặc quyển sổ những điểm cần lưu ý, những học bổng hay, những tip quan trọng. Cảm thấy xin học bổng là một quá trình gian nan bền bỉ và hồi hộp theo từng đợt công bố kết quả cùng các anh chị.

 

Có những người apply 4-5 năm vẫn không từ bỏ, có những người lấy chồng đẻ con xong vẫn cảm thấy đó là ước mơ lớn nhất trong đời cần thực hiện, có những người liên tục thất bại cảm tưởng như tất cả các cánh cửa đã đóng lại cả rồi vẫn tiếp tục kiên trì bước đi với niềm tin “All roads lead to Rome”. Và rồi họ cũng đều thành công dù sớm dù muộn quan trọng là họ đã đi đến cùng. Vì vậy mà giây phút hái quả thực sự rất xúc động.

 

Dù chỉ là người ngoài cuộc quan sát như tôi mà còn có thể bật khóc trước niềm hạnh phúc ngày công bố kết quả sau hàng tháng trời hồi hộp phấp phỏm chờ đợi của các anh chị. Từ thời điểm đó tôi quyết tâm vạch ra một kế hoạch hơi dài lần đầu tiên trong đời. Tôi nghĩ tại sao mình ko thử apply học bổng, mình cũng có xuất phát điểm giống những người mình đọc. Sao họ làm được mà mình thì không cơ hội là dành cho tất cả mọi người.

 

Tôi vẫn nhớ đã nghe ở đâu đó ai đó nói thế này: “Việc khó nếu thử làm thì vẫn có xác xuất thành công, còn nếu vì sợ mà không làm thì chắc chắn là không thành công”

 

Hồi đó tôi muốn đi học càng nhanh càng tốt nếu có thể tôi muốn được đi ngay sau khi ra trường. Sau khi lọc ra tất cả các tiêu chí, tôi đặc biệt thích 1 học bổng: Học bổng chỉ yêu cầu kết quả học tập (ít nhất ở trong top 10% của khoa), ko phỏng vấn, ko cần kinh nghiệm làm việc và có thể apply ngay khi đang học năm 4 chưa cần bằng đại học, ko ưu tiên khu vực nhà nước, nghiên cứu hay giảng dạy, chương trình học bằng tiếng Anh, ra trường có thể đi học luôn, cover toàn bộ chi phí học tập và ăn ở.

 

(Xin chú thích là do đã xác định ngay từ đầu về khả năng tài chính cá nhân nên tôi chỉ nhắm vào các học bổng toàn phần – tức là ko chi cover 100% học phí mà còn cover toàn bộ ăn ở và đi lại)

 

Từ động lực đó, tôi đặt ra những target sau: Nằm trong top 5% GPA của khoa, tham gia hoạt động ngoại khóa tích cực, IELTS đạt tối thiểu 7.0.

 

Đó là những thứ duy nhất tôi nghĩ mình có thể (cố gắng) làm được lúc bấy giờ. Tạm lướt qua việc làm thế nào để tôi đạt được những target đó mặc dù nó cũng là những câu chuyện dài. Nhưng đó cũng là lần đầu tiên tôi đặt ra những mục tiêu cần phải làm trong một khoảng thời gian tương đối dài và việc thực hiện nó cũng là những việc phải theo đuổi trong hàng năm trời. Giờ nghĩ lại tôi cũng thấy khó tin không hiểu sao hồi đó tôi lại có thể sắp xếp được thời gian làm nhiều việc cùng lúc đến vậy.

 

Bài vở năm 3, năm 4 rất bộn bề

 

Tôi vừa lo học, lo thi, vừa đi làm, đi tình nguyện, vừa tham gia nghiên cứu khoa học, vừa học lại thi lại 1 số môn tôi bỏ hồi năm 2 do phải nghỉ học nằm viện 1 tháng trời. Tôi còn fai ôn thi IELTS, chuẩn bị hồ sơ, tìm hiểu thông tin học bổng, tìm đề tài luận văn, apply internship. Tôi còn tranh thủ apply một vài học bổng hỗ trợ tài chính nhỏ trong nước để làm mạnh hồ sơ từ Amcham, SCIC, Citibank…Chưa kể còn thời gian hẹn hò…:P. Giờ cho tôi làm lại chắc chịu!

 

Đến năm thứ 4 đại học tôi vừa kịp hoàn thành tất cả những mục tiêu. Có được chứng chỉ ielts vào tháng 10 năm 2010, tôi thu xếp nộp bộ hồ sơ học bổng đầu tiên vào tháng 12 năm đó.

 

Hồi đấy tôi đi học nửa ngày và đi làm thêm nửa ngày bất cứ khi nào có thời gian rảnh là tôi lại nghiên cứu về học bổng. Tôi dành hàng đêm để ngồi viết bài luận, khi đó tiếng Anh của tôi còn kém, cái SOP (Statement of Purpose) đầu tiên thực sự đã khiến tôi vô cùng chật vật. Tôi tham khảo các mẫu viết trên mạng, cop nhặt và cố gắng viết những thứ thật bay bổng cao siêu. Những thứ mà cho đến một năm trước đây tôi vẫn nghĩ là nó rất hoàn hảo (Nhưng thực ra là không, lý do vì sao tôi sẽ giải thích ở phần sau).

 

Tôi gửi bài cho một số thầy cô trong trường có kinh nghiệm xin học bổng góp ý hộ (điều mà với riêng tôi sau này ngộ ra là không ai hiểu mình bằng mình). Cho dù có nhờ người giúp đỡ thì họ cũng chỉ có thể góp ý giúp bạn lời văn và logic bài viết mà thôi, còn việc bạn làm được gì, bạn kết nối nó ra sao, bạn dẫn dắt câu chuyện thế nào, đó là việc bạn fai tự làm, tự suy nghĩ, đầu tư thời gian công sức đủ nhiều, xóa đi sửa lại rất nhiều lần

 

Hồi đó tôi chẳng có tiền, việc apply các học bổng thực sự là vô cùng tốn kém. Ngoài việc sao in chứng thực rất nhiều giấy tờ, tôi phải gửi sang châu Âu bằng chuyển phát nhanh mà mỗi lần chuyển đều ngấp nghé 1 triệu tiền phí. Hồ sơ một đi không trở lại, nếu trượt thì cũng coi như là thôi chưa kể có những trường còn bắt nộp phí ứng tuyển (application fee) cũng tầm 50 euro, nghĩ xót nên tôi cũng chỉ chắt lọc các trường cho apply online và không thu phí.

 

Sau khi qua được vòng nhập học ở trường (thứ mà cũng fai nín thở hồi hộp chờ đợi) và fai follow 1 lô xắc xông các loại process thì tôi nhận được thư báo trượt học bổng lần đầu tiên trong đời.

 

Khi đó tôi đã đi làm ở nơi làm việc đầu tiên, hôm đó là một ngày siêu bận và căng thẳng tôi thậm chí không có quá nhiều thời gian để mà buồn tôi tặc lưỡi động viên bản thân dù sao cũng là lần đầu thử sức năm sau nhất định sẽ khá khẩm hơn.

 

Thế rồi trong suốt 2 năm sau đó, lần lượt tôi nghiên cứu hầu hết các học bổng toàn phần, đa phần là học bổng chính phủ. Từ Anh, Úc, New Zealand, Eramus Mundus cho đến Bỉ, Hà Lan, Nauy, Thụy Sĩ, Thụy Điển…

 

(Xin chú thích là học bổng chính phủ tức là trợ cấp của chính phủ nước ngoài cho sinh viên toàn cầu hoặc sinh viên của các nước đang phát triển có điều kiện được học ở những nước phát triển với mục tiêu đào tạo ra nguồn nhân lực tốt hơn cho sự phát triển của đất nước 😀 😀 😀 chứ ko fai là học bổng của chính phủ Việt Nam)

 

Vì tôi làm cho công ty nước ngoài khu vực tư nhân nên hiển nhiên tôi ko đủ điều kiện apply các học bổng của chính phủ Việt Nam. Hơn nữa tôi ko đc tin tưởng lắm vào tính công bằng và minh bạch của những học bổng này. Nói là apply hầu hết thực ra cũng ko hẳn đúng. Tôi nghiên cứu kỹ tất cả nhưng chỉ apply chọn lọc những học bổng mình đạt điều kiện hồ sơ hay cảm thấy mình có thế mạnh chứ cũng ko hẳn là rải hồ sơ càng nhiều thì sắc suất trúng càng cao. Cho nên giờ bạn có hỏi tôi quy trình apply học bổng toàn phần nào hầu như tôi cũng nắm được, dù tôi chưa apply học bổng đó bao giờ.

 

Tôi bắt đầu vào được đến vòng phỏng vấn cuối cùng của một số học bổng. Cuộc bàn luận trên các diễn đàn du học ngày càng diễn ra sôi nổi và nóng hổi hơn khi vào mùa. Tôi hăm hở, háo hức, quyết tâm dù cho những lúc công việc bận rộn, hẹn hò và các kế hoạch vui chơi khiến tôi xao lãng. Hoặc bắt đầu nhận được những thông báo trượt tiếp theo hoặc bặt vô âm tín những hồ sơ gửi đi không có lời đáp. Tôi may mắn vì luôn có công việc tốt từ sau khi ra trường nên trượt học bổng tôi vẫn còn công việc. Tôi không quá chông chênh nhưng dường như tôi cảm thấy mình chủ quan, xao nhãng ở những phút quyết định. Tôi nghĩ mình đã chưa làm đến 100% sức mình có.

 

Thời gian apply mỗi học bổng thông thường fai từ 3-6 tháng cho đến khi có kết quả, nó cũng khiến tôi phần nào bị mất tinh thần bớt quyết tâm đi khi vào những giai đoạn nước rút

 

Chừng nào tôi còn cảm thấy việc apply học bổng chỉ như một option khác bên cạnh công việc, chừng nào tôi còn chưa đặt hết 100% quyết tâm vào nó, chừng nào tôi còn nghĩ “được thì tốt ko được thì thôi”, có lẽ chừng đó những người khác vẫn xứng đáng để được nhận học bổng hơn tôi

 

Mùa apply năm thứ ba

 

Cú hích lớn thúc đẩy tôi chính là tin đứa bạn thân nhận được học bổng toàn phần đi Châu Âu. Đó là mùa apply đầu tiên của nó. Nhưng nó đã cố gắng hết sức và đã “mất tích” trong một thời gian dài để chuẩn bị thật tốt. Và nó đã thành công. Nhận được tin nó trúng học bổng, tôi vừa mừng cho nó lại vừa hụt hẫng cho mình. Tôi tự đặt câu hỏi tại sao mình lại dễ dàng từ bỏ sớm đến vậy?!

 

Nghĩ mình thật kém cỏi và thiếu quyết tâm. Tôi quyết định tìm ra lý do vì sao mình trượt. Tôi biết rõ những điểm yếu của bản thân khi apply hb chính phủ. Tôi không làm việc cho cơ quan Nhà nước. Tôi cũng không thuộc khối nghiên cứu giảng dạy hay làm các công việc có tính chất chính trị, ngoại giao, truyền thông hay cộng đồng. Tôi cũng ko thuộc diện ưu tiên vùng sâu vùng xa 😛

 

Tôi làm việc cho công ty nước ngoài, khu vực tư nhân, ngành bất động sản. Tôi cần phải làm gì đó để biến những điểm yếu này thành điểm mạnh của mình?! Rà soát lại toàn bộ hồ sơ, những thứ mà trước giờ tôi luôn nghĩ là rất tốt rất ổn rồi

 

Tôi nhận ra là: Bài esay của tôi, nó chẳng đọng lại trong tôi cái gì cả. Nó thật bay bổng cao siêu, nhiều từ khó câu dài nhưng nó chẳng làm tôi khác biệt.

 

Và tôi quyết định làm lại toàn bộ

 

Tôi viết lại SOP mà không sử dụng bất cứ một tài liệu tham khảo nào nữa, tôi viết cái mà tôi biết, tôi học được, tôi đã làm sẽ làm, những gì là tôi và của tôi, chân thành và cụ thể nhất.

 

Tôi cần 1 câu chuyện. Một câu chuyện chân thực. Tôi cần connect tât cả những thứ mình đã làm thành một con đường. Tôi dành thời gian sửa lại toàn bộ CV.

 

Thi lại để nâng điểm IELTS. Tôi lập 1 file excel chi tiết timeline, điều kiện, hồ sơ cho tất cả những học bổng toàn phần trong ít nhất một năm tới. Đã có trong tay hơn 2 năm kinh nghiệm làm việc, vì vậy mà số học bổng tôi đủ điều kiện apply đã nhiều hơn. Tôi tìm hiểu chi tiết từng học bổng với những tiêu chí lựa chọn và ưu tiên khác nhau.

 

Xin reference là công việc tôi ngại nhất trong cả quá trình vì đó là thứ duy nhất tôi không thể cố gắng mà tự làm được, vì không phải lúc nào cũng có thể xin được và không fai lúc nào cũng có thể gặp được người mình cần xin. Không thể cứ apply học bổng nào là lại lẽo đẽo liên hệ nhờ người ta viết giúp reference được. Tôi quyết định reach out đến những người mà trước giờ tôi cứ ngại ngần.

 

Tính tôi ngại nhờ vả nên việc đi nhờ người khác giúp đỡ khiến tôi thấy rất khó khăn. Nhưng tôi ko có lựa chọn nào khác là fai cố gắng hết sức dù chỉ một lần trong đời. Để không bao giờ phải hối hận vì bất cứ việc gì mình chưa làm.

 

(Sau này thì tôi học được là: cảm giác ngại nhờ vả chỉ là trở ngại tâm lý từ phía tôi mà thôi – I’m a typical Leo by the way. Các mối quan hệ xung quanh ko fai được gây dựng để giúp đỡ bạn khi nào đó, nhưng người có nhiều mối quan hệ chắc chắn có nhiều khả năng thành công hơn. Just knock the door and ask for help when needed. Rõ ràng là mọi ng đều rất sẵn sàng giúp tôi)

 

Một trong 3 người tự tay viết cho tôi 7 thư học bổng khác nhau gửi cho 7 tổ chức học bổng toàn phần. Còn lại tôi đã chủ động dành thời gian viết liền 15 thư giới thiệu khác nhau customize cho từng học bổng mà tôi sẽ apply cho 1 năm tới. 15 thư gửi cho 2 người tôi tin tưởng gửi gắm (1 là chị sếp của tôi, 1 là thầy hiệu phó) tổng cộng là 30 bản cần ký và đóng dấu.

 

Tôi vẫn nhớ có những ngày trầu trực ở văn phòng thầy lúc chiều tối với đống giấy tờ dày cộp và gương mặt siêu tội nghiệp. Thầy đã ký cho tôi 2 năm liên tiếp vậy mà tôi vẫn ko thể đến gặp thầy để báo tin vui. Ngày hôm đó tôi thấy mình như một sự phiền toái lớn.

 

Cũng may tôi được thầy cô, bạn bè và nhất là chị sếp ủng hộ sẵn lòng ký cho tôi chừng ấy giấy tờ. Xong hồ sơ, giai đoạn nhọc nhằn và mệt mỏi nhất, tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi bắt đầu chiến dịch apply theo đúng timeline đã vạch ra. Dù công việc vô cùng bận rộn, tôi vẫn cố gắng dành thời gian để follow đúng timeline này. Apply xong cái nào tôi lại highlight gạch khỏi list.

 

Năm thứ ba với những sự chuẩn bị chu đáo nhất có thể. Tôi tự nhủ mình sẽ có thể dừng lại khi mình ko còn gì để ân hận. Những ước mơ chưa được thực hiện khiến tôi chưa bao giờ có cảm giác ổn định trong công việc. Cho dù đó là những công việc tôi đã phải nỗ lực rất nhiều mới có được. Tôi vẫn thấy mình cần phải làm gì đó khi mình còn trẻ. Cũng ko có quá nhiều những học bổng mà tôi chưa từng apply hay nghiên cứu

 

Chướng ngại của tôi là: apply lại những nơi mình đã trượt. Tôi phải đối mặt với nỗi sợ và sự mất tự tin của bản thân

 

Ngoài một số học bổng toàn phần của trường tôi nộp thêm của năm nay, có 4 học bổng chính phủ mà tôi tập trung tâm huyết nhất, 2 trong số đó tôi đã từng apply.

 

Tôi cũng vào được đến vòng trong cùng như lần trước. Tôi cố gắng hết sức để đối mặt với nỗi sợ hãi của bản thân khi fai gặp lại hội đồng tuyển chọn đã phỏng vấn tôi một năm trước đây. Những câu trả lời đã không còn ngô nghê. Thế nhưng vẫn bị thiếu 1 cái gì đó.

 

Một mắt xích then chốt kết nối tất cả những thứ tôi đã làm với những dự định tương lai mà một lần nữa tôi thấy mình hoàn toàn bất lực vẫn ko thể vượt qua.

 

Sau tất cả, cô giám khảo khó tính hỏi tôi: What if you will fail again this year? Câu hỏi unexpected nhất của tôi.

 

Tại thời điểm đó tôi đã biết mình sẽ lại trượt. Tôi lấy hết những can đảm để trả lời với tất cả những gì mà tôi suy nghĩ và tâm huyết. Hiển nhiên, tôi sẽ ko apply lại thêm 1 lần nữa.

 

Ngày biết kết quả, đương nhiên tôi ko được gọi. Tôi chỉ biết qua 1 chị bạn ở cơ quan quen người ở đại sứ quán. Chị đã giúp đỡ hỏi han cho tôi rất nhiều nhưng tôi cũng chẳng thể làm tốt hơn.

 

Tôi vẫn nhớ như in cái ngày hôm đấy. Chị nhìn thấy tôi, ko nói câu gì. Chỉ sau 3 giây, tôi biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi gật đầu em hiểu và tôi cố mỉm cười như thể mình chẳng sao. Hóa ra hôm đó tôi đã khóc.

 

Tôi thấy mình mất tự tin vào bản thân. Tôi thấy mình đã cố gắng hết sức mà vẫn ko thể làm được. Tôi thấy có cái gì đó tôi mãi mãi ko thể vượt qua. Tôi thấy mình là kẻ thất bại. Tôi hoang mang, hụt hẫng và muốn gục ngã. Tôi nghi ngờ chính năng lực của bản thân. Tôi tìm gặp ông sếp già người Đan Mạch, người luôn truyền cảm hứng cho tôi trong công việc và cuộc sống. Tôi không còn chịu đựng một mình mà thẳng thắn chia sẻ những thất bại của mình

 

Cứ đi rồi sẽ đến… [Chuyện đi học] – julyle

 

Tôi lắng nghe những lời khuyên

 

Tôi vẫn nhớ như in những điều mà sếp nói với mình: “Điều quan trọng nhất trên đời là phải biết mình thực sự muốn gì. Đừng có chỉ ước mơ không mà phải thực sự xây dựng nó. Du học, được đi nước ngoài không phải là mục đích cuối cùng. Mày phải tìm ra điều mày thực sự muốn thì mày mới có thể thuyết phục được hội đồng tuyển chọn cũng tin rằng mày là người mà họ cần. Nếu mày không thể thì ngay cả 3 năm nữa, mày vẫn sẽ quay lại gặp tao và nói mày vẫn thất bại.” (đại từ “mày”, “tao” chỉ là thói quen của tôi khi dịch tiếng Anh :P)

 

Có một cậu bạn chịu nghe tôi than vãn mỗi khi tôi trượt học bổng. Rồi cùng tôi work out ra một câu chuyện với những móc nối khác nhau. Có một cô em họ thường gọi điện động viên cổ vũ tôi. Sau tất cả, tôi nghĩ mình đã tìm ra được điểm mấu chốt đó. Tôi không cần phải biến mình thành một người hoàn hảo mà tôi phải phải trả lời được câu hỏi: Tại sao người ta phải cho tôi tiền?

 

Tại sao người ta phải đầu tư vào tôi?

 

Số tiền mà ngay cả 3 năm đi làm tiết kiệm của tôi cũng chẳng thể có được. Những thành tích tôi kể, những gì tôi đã làm, thực ra là tôi đã học được gì??? Hãy cụ thể nhất có thể

 

Sau đó, 3 hồ sơ còn lại tôi nộp vào thời điểm cuối năm 2013

 

Một hồ sơ đã vô lý không cho tôi vào vòng phỏng vẫn vì lý do tôi nộp vào ngày deadline cũng là ngày đầu tiên tôi đi làm ở chỗ mới nên ko thể xin giấy giới thiệu của công ty mới.

 

Một hồ sơ đem lại cho tôi suất học bổng 100% học phí trong 2 năm ở châu Âu nhưng tôi vẫn ko thể nhận vì chi phí sinh hoạt ở quốc gia Băc Âu đắt đỏ nhất thế giới này.

 

Bộ hồ sơ cuối cùng: Irish Aid.

 

Nộp hồ sơ xin học vào tháng 12.

 

Phỏng vấn lần 1 bằng điện thoại từ Ireland vào 30 tết.

 

Được nhận học, nộp hồ sơ học bổng vào tháng 3.

 

Phỏng vấn học bổng và thuyết trình vào tháng 4.

 

Qua bao nhiêu vòng hồi hộp nín thở, tôi một lần nữa lại bước vào vòng phỏng vấn với nỗi sợ hãi ko thể vượt qua chính bản thân mình.

 

Tôi tự nhủ: đây là học bổng cuối cùng mình nộp cho fall intake 2014. Học bổng duy nhất cho phép mình được nói nhiều hơn là fai thụ động trả lời những câu hỏi thông thường Học bổng duy nhất cho phép ứng viên được thuyết trình theo chủ đề – một trong những kỹ năng hiếm hoi tôi cảm thấy tự tin ở bản thân.

 

(thật ra format của học bổng đã được thay đổi 1 năm trước khi cho thêm phần presenting theo chủ đề vào phần interview)

 

Hầu hết các chủ đề năm nay đều khá xa lạ. Tôi dành thời gian tìm hiểu nghiên cứu thu thập dữ liệu để có 1 bài thuyết trình chất lượng. Tôi dựng bài công phu và luyện tập nói. Tôi connect tất cả những gì mình đã học và đã tích lũy được trong những năm đi làm để có một kết nối rành rọt nhất cho những gì tôi sẽ làm.

 

Tôi muốn mình ở trong trạng thái chủ động và sẵn sàng nhất có thể. Vì tôi không muốn thấy mình một lần nữa sợ hãi. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

 

Đùng 1 cái, 2 ngày trước buổi thuyết trình tôi sốt cao. Ko thể hiểu nổi nguyên nhân, tôi tìm mọi cách để buộc mình hạ sốt trong vòng 24 giờ. Chưa bao giờ tôi thấy mình cần fai tỉnh táo hơn lúc đó. Là người đầu tiên thuyết trình mở màn hội đồng Hà Nội vào lúc 8 rưỡi sáng.

 

Tôi lo láng bồn chồn dậy từ lúc 4h để luyện tập nói thêm vài lần. Như một cơn ác mộng ập đến: tôi phát hiện ra mình ko nói được. Tôi hoàn toàn bị mất giọng chỉ sau 1 đêm như 1 trong những tác hại của cơn sốt. Tôi bật khóc và chỉ muốn hét ầm lên vì ko thể hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra. Tôi cố gắng phát ra âm thanh nhưng hoàn toàn ko ra tiếng. Tôi tức giận chỉ muốn tung hê tất cả với ý nghĩ thực sự đây là điều mà mãi mãi tôi không bao giờ làm được ư. Tôi còn 3 tiếng để có thể nói trở lại. Tôi tu một ngụm mật ong đặc quánh và cố gắng từng chút từng chút một nói thật to. Tôi bắt đầu nói được trở lại nhưng là một giọng như vịt đực chữ có chữ mất.

 

Thứ duy nhất khiến tôi luôn tự tin khi thuyết trình chính là giọng phát âm trôi chảy của mình, giờ ko còn nữa. Cố gắng đến 8h, tôi lấy lại đc khoảng 40% giọng nói. Tôi vẫn đến phỏng vấn dù nghĩ rằng mình sẽ thua.

 

Bài thuyết trình may thay đã diễn ra suôn sẻ mà ko gặp bất cứ lỗi máy móc kỹ thuật nào. Tôi nói trôi chảy, gãy gọn, tự tin dù giọng rất khàn và yếu. Sau đó hội đồng phỏng vấn tôi trong 45’ tiếp theo. Tôi bình tĩnh trả lời từng câu hỏi và cố gắng rành mạch từng dự định của bản thân. Chỉ cần bản thân tôi không mẫu thuẫn, nhất định tôi sẽ thuyết phục được người ta tin tôi. Tới lúc này tôi mới thấy lợi ích của tính consistent trong kinh nghiệm làm việc

 

Nó cho tôi những hiểu biết sâu sắc và sự tự tin nhất có thể khi được hỏi về những điều tôi đã làm, đưa ra những dẫn chứng về những case study cụ thể trong công việc và những khó khăn bất cập mà tôi thực sự thấy sau những năm đi làm để thuyết phục hội đồng phỏng vấn.

 

Sau tất cả, cô giám khảo lớn tuổi nhất hỏi tôi có câu hỏi gì không. Thường thì với câu hỏi này tôi sẽ chỉ hỏi những câu hỏi liên quan đến thông tin học bổng mà tôi chưa rõ như thời điểm công bố kết quả, đợt này lấy mấy loại mấy…

 

Thế nhưng không hiểu sao lúc đó trong đầu tôi lại nảy ra câu hỏi như một thắc mắc thường trực sau tất cả những thất bại liên tiếp ở những vòng phỏng vấn (Như tôi đã trình bày, sẽ không ai nói cho bạn biết vì sao bạn trượt, vậy tại sao không hỏi chính những người ra quyết định nếu như đây là cơ hội cuối cùng).

 

Tôi mạnh dạn đánh bạo: “What do you expect from candidates as interviewers?”

 

Đột nhiên, bầu không khí căng thẳng của buổi phỏng vấn bị phá vỡ, toàn bộ panel phỏng vấn cười ồ lên với tôi

 

Cô giám khảo trẻ tuổi hơn vừa cười vừa trả lời: “Just like you!”

 

Mặt tôi thộn ra không hiểu nên hiểu câu này thế nào: đó là một câu đùa ngắn gọn nhất khi mà người ta ko có thời gian và cũng ko có trách nhiệm fai trả lời thí sinh câu hỏi này hay thực sự that’s what they meant?

 

Làm xong, tôi về nhà với một sự nuối tiếc nho nhỏ khi bài thuyết trình chưa thể đạt đến mức độ tốt nhất có thể. Giá mà tôi ko ốm, giá mà tôi ko mất giọng. Có lẽ tôi đã cho mình quyền hy vọng nhiều hơn

 

Những ngày tháng 4 trôi qua trong sự thấp thỏm

 

Phải nói rằng chờ đợi kết quả là một trong những giai đoạn gay cấn và nhiều cảm xúc nhất trong đời. Nếu bạn thử một lần theo dõi trọn vẹn 1 topic về du học trên diễn đàn, bạn sẽ ko bao giờ quên được những cảm xúc đó – những cảm xúc mà bạn  sẽ không có cơ hội nếm trải nếu chưa từng xin học bổng chính phủ.

 

Trích dẫn lời của 1 bạn đã chia sẻ trong bài viết “Con đường tôi đi” thì nó chính xác là như thế này: “…ngày nào cũng nhấn F5 ttvnol, F5 hộp thư cá nhân, thót tim khi đọc nhầm comment của ai và nghĩ rằng đã có kết quả, đau khổ thất vọng tưởng mình rớt vì mọi người đều đã nhận được mail, nhưng vẫn hi vọng thoi thóp biết đâu chưa gọi đến tên mình, và bỏ cuộc buông tay vì nghĩ rằng giờ này chắc đã thông báo xong hết rồi – mình rớt thật rồi, nhưng đến phút chót lại nước mắt giàn giụa vì biết mình đậu.”

 

Tôi may mắn được trải qua cảm xúc này vài lần

 

Lần này, lại là tháng 4, tháng đánh dấu những bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Sau những thất bại đã trải qua, tôi hoàn toàn chuẩn bị tâm lý cho thêm một lần thất bại nữa. Tôi vẫn còn 8 bộ hồ sơ chưa nộp từ giờ đến cuối năm cho spring intake năm sau.

 

Chỉ có điều tôi đã cố gắng hết sức mình rồi và tôi cũng ko biết mình còn có thể làm tốt hơn được nữa ko. Và đó chính xác là một ngày thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong những giấc mơ của tôi

 

Một sáng mùa hè đẹp nhất trong đời. Tôi đang ngồi làm việc ở cơ quan và nhận được email của đại sứ quán. Tôi không dám mở cũng không dám nhìn subject. Tôi cố gắng trấn tĩnh lại nhịp tim của mình và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

 

Khi lấy hết can đảm tôi mở email ra. Một cảm giác lâng lâng vỡ òa mà cho đến bây giờ tôi vẫn không thể tin đó là sự thực tôi đã làm được, tôi làm được rồi, tôi muốn hét ầm lên. Tôi chạy ngay ra khỏi văn phòng trước khi để cho người ta thấy những giọt nước mắt của tôi. Tôi trấn tĩnh đọc kỹ lại email 2 lần 3 lần để chắc chắn là không có mọt sự nhầm lẫn nào ở đây.

 

Điều đầu tiên tôi muốn làm đó là gọi điện cho mẹ. Tôi đã mong chờ giây phút này từ lâu lắm rồi. Điều khiến tôi không khỏi ngạc nhiên đó là. Đa phần những người đc tôi báo tin họ còn mừng rỡ hơn cả tôi.

 

Tôi hỏi họ vì sao hóa ra là bởi họ đã biết tôi trong một thời gian dài. Họ đã luôn chứng kiến những cố gắng nỗ lực của tôi. Và cái cách họ nhìn thấy thành quả của tôi cũng giống như cái cách tôi rơi nước mắt khi chứng kiến những thành quả của các anh chị trên diễn đàn.

 

PAID OFF!

 

Thế đấy, những giọt nước mắt hạnh phúc. Cuối cùng thì phép màu cũng đã xuất hiện. Cuối cùng tôi cũng đã có thể được đi học. Cuối cùng tôi cũng đã có thể được đặt chân đến châu Âu. Cuồi cùng tôi cũng đã có thể thực hiện được lời hứa của mình với mẹ. Quan trọng hơn tôi đã chiến thắng được bản thân mình. Dám thất bại và dám theo đuổi một điều gì đó đến cùng.

 

Nghĩ lại thì. Tôi chẳng hối tiếc đâu. Tôi sẽ không ước là mình đã trúng học bổng ngay từ lần đầu tiên apply. Trong số 15 bộ hồ sơ, cuối cùng tôi cũng mới chỉ nộp đến 7 bộ. Ba năm qua tôi nhận ra bản thân mình rõ hơn bao giờ hết. Tôi thấy mình đủ chín chắn và trưởng thành để mơ ước và thực hiện ước mơ. Tôi thấy mình đủ kinh nghiệm để biết mình muốn gì và mình có thể làm được gì. Tôi đã có 3 năm không phí hoài. Tôi đã có được những kinh nghiệm làm việc quý báu.

 

Được gặp gỡ với những con người tuyệt vời và “thực sự xuất sắc”. Được đi, được trải nghiệm những miền đất mới. Được sống và được làm tất cả những gì mình mơ ước

 

Cuộc sống của tôi là thế: Tôi muốn A và không bao giờ được A, nhưng tôi lại thích những cái B, C, D mà tôi có thay vào

 

Nếu bạn hỏi tôi sợ nhất điều gì

 

Tôi sẽ trả lời rằng:

 

Tôi sợ nhất là tuổi trẻ mà chưa làm hết mình để theo đuổi những giấc mơ

 

“I would rather say that I tried and failed than live a life of regret”

 

25 tuổi, tôi đã thực hiện được một trong những ước mơ lớn nhất của mình. Tôi chỉ là một hạt cát nhỏ trong đại dương bao la rộng lớn. Và so với nhiều người khác, tôi có thể mất nhiều thời gian hơn để đạt đến ước mơ của mình. Thành công của tôi có thể cũng chẳng lớn lao gì so với rất nhiều những người bạn/người anh/người chị xuất sắc trên các diễn đàn du học.

 

Mà cũng không nên gọi đó là thành công. Đi học chỉ là một sự khởi đầu. Còn rất nhiều khó khăn thử thách ở phía trước. Nó không đảm bảo cho bạn có công việc tốt hơn, vị trí tốt hơn, mức lương cao hơn. Nhưng với tôi, đó là sự chiến thắng bản thân. Chiến thắng chính nỗi sợ, sự tư ti, những rào cản, và giới hạn mà bản thân tôi đã tự đặt ra cho chính mình. Nếu bạn còn do dự đắn đo điều gì, hãy dũng cảm bước tới. Chỉ cần bạn đừng bao giờ bỏ cuộc.

 

À, mà bạn cũng đừng vì đọc những thứ thế này của tôi hay nhìn người nọ người kia mà cảm thấy điều gì đó là quá sức nhé. Ai cũng cần cố gắng và một chút may mắn. Chỉ cần có ước mơ. Và ước mơ đủ lớn. Không điều gì là không thế

 

Cuộc đời là những chuyến đi mà. Cứ đi rồi sẽ đến. Cứ gõ cửa, rồi cửa sẽ mở. Tôi tin điều đó!

 

“Dare to fail – Once you are brave enough to fail, you are eligible to win!” – LV

 

Thục Uyên (SSDH) – Nguồn: Scholarshipplanet

Share.

Leave A Reply