Du học sinh đừng chờ người khác đến cứu

0

SSDH – “Thích nghi với cuộc sống mới không khó, nhưng nếu bạn thụ động chờ người khác đến cứu thì những ngày tháng du học sẽ rất nhàm chán”, Lê Hồng Nhung, du học sinh tại Nga, chia sẻ.

 

Bắt đầu cuộc sống ở một nơi xa lạ luôn là chuyện khó khăn, đặc biệt với những người chưa từng rời xa gia đình. Thời kỳ mới sang Nga, tôi cũng khó hòa nhập môi trường mới, do rào cản ngôn ngữ và bất đồng văn hóa.

 

Cuộc sống mới như một căn phòng bừa bộn. Tôi không biết bắt đầu sắp xếp từ đâu và hình như càng thu dọn, lại càng bừa. Bản thân thỉnh thoảng chìm vào mớ cảm xúc tiêu cực nhưng chưa từng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc.

 

Đương nhiên, tôi không cô độc, bởi xung quanh là những du học sinh. Hơn nữa, các anh chị khóa trên đón tiếp và giúp đỡ nhiệt tình.

 

Tôi làm quen nhiều bạn mới. Phần lớn các bạn đều du học theo diện học bổng nhà nước nên có thành tích đáng nể. Tôi tự nghĩ đây là những tấm gương mình cần học tập nhiều.

 

 Du học sinh đừng chờ người khác đến cứu

Các lớp học ở Nga chú trọng sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên.

 

Tôi nghĩ, ai rồi cũng sẽ đến lúc phải tự bước đi, đâu thể dựa vào người khác mãi được. Vì thế, dù các anh chị sẵn sàng giúp ổn định cuộc sống ban đầu, tôi vẫn muốn tự mình xoay xở. Nếu không thử vấp ngã, sao mình biết cách đứng lên.

 

Thực ra, cuộc sống nơi xa lạ không khó khăn như nhiều người nghĩ. Sau một năm học tiếng, tôi đỗ Đại học Nông nghiệp Quốc gia Moscow.

 

Những thứ mới lạ luôn có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Tôi nhanh chóng thích cảnh vật nơi đây, vừa đi dạo vừa bắt chuyện với người địa phương bằng thứ tiếng Nga chưa thật sự trôi chảy. Tôi hiểu, nếu rụt rè thì không thể tiến bộ.

 

Tôi không thích bó buộc bản thân trong vòng chật hẹp. Thay vì chỉ kết bạn với du học sinh người Việt, tôi làm quen với các bạn Nga. Điều vui nhất là có thể hòa đồng với một nhóm bạn người bản địa.

 

Chúng tôi thường du lịch, tụ tập ăn uống, hát hò. Nước Nga, con người Nga rất thú vị.

 

 Du học sinh đừng chờ người khác đến cứu

Du học sinh Việt Nam tại Nga tổ chức giải bóng đá, tạo cơ hội để các bạn kết bạn, giao lưu.

 

Sau khi hòa nhập với cuộc sống tại Nga, tôi lên kế hoạch du lịch. Kinh phí là một vấn đề khá đau đầu. Nhà nước chỉ cấp học bổng đủ để trang trải chi phí học tập và sinh hoạt hàng ngày. Vì thế, tôi tích cực tìm việc làm thêm.

 

Qua giới thiệu của một chị khóa trên, tôi nhận làm gia sư cho con của một gia đình người Việt. Công việc nhẹ nhàng, thu nhập tạm ổn, đủ cho những chuyến du lịch “bụi”.

 

Điều tuyệt vời nhất là tôi có cơ hội tiếp xúc giáo dục của Nga. Ở đây, phụ huynh hiếm khi bắt con đi học thêm. Họ thường gửi con đến các lớp năng khiếu như bơi lội, cầu lồng, khiêu vũ, piano … Các lớp này tạm dừng vào dịp nghỉ hè. Nhìn chung, tôi hâm mộ trẻ em Nga.

 

Tôi thích ngồi xe buýt, đi qua những con phố ở Moscow, ngắm thành phố vào những thời điểm khác nhau trong ngày, chiêm ngưỡng cảnh sắc thay đổi theo các mùa trong năm. Thỉnh thoảng, tôi xuống xe, bước vào một quán ăn ven đường, khám phá ẩm thực Nga.

 

 Du học sinh đừng chờ người khác đến cứu

Hội du học sinh Việt Nam tại Nga tổ chức lễ mừng năm mới.

 

Thực ra, khó khăn lớn nhất của tôi không phải hòa nhập môi trường mới mà làm thế nào để theo kịp các bạn.

 

Tôi học tập chăm chỉ hơn. Phần vì yếu tiếng Nga, phần vì thầy cô giảng bài rất thú vị, Để hiểu hết những gì họ nói, mỗi lần đi học về, tôi lại lấy sách vở ra, tiếp tục nghiên cứu. Đây là chuyện hiếm khi xảy ra khi tôi còn ở Việt Nam.

 

Giáo viên thường quan tâm hơn đến du học sinh vì lo các bạn không theo kịp bài học. Chuyện này có cả mặt tốt lẫn xấu. Nó giúp sinh viên quốc tế dễ hòa nhập với lớp và bài học nhưng cũng khiến các bạn trở nên thụ động, làm việc gì cũng chờ người khác giúp đỡ.

 

Quan điểm của tôi luôn là “tự mình cứu mình, không chờ người khác đến cứu”. Vì thế, tôi luôn tự tin trong các tiết học hay giờ thực hành, chủ động thu hút sự chú ý của giáo viên. Tôi học cách đặt câu hỏi và sẵn sàng tranh luận với bạn học, thầy cô.

 

Bên cạnh việc học và khám phá nước Nga, tôi còn tích cực tham gia các hoạt động của du học sinh Việt Nam tại đây, nhằm kết bạn, giao lưu, học hỏi và giúp đỡ lẫn nhau. Điều đáng tiếc là sinh viên quốc tế khó tiếp cận với các hoạt động của trường.

 

Là cán bộ Đoàn, tôi có cơ hội tham gia nhiều hoạt động, tiếp xúc với nhiều học sinh. Tôi nhận ra rằng, thích nghi với cuộc sống mới không khó nhưng nếu bạn thụ động chờ người khác đến cứu thì những ngày tháng du học sẽ rất nhàm chán

 

Tôi may mắn được một giáo sư hướng dẫn làm đề tài khoa học và đang phấn đấu để có thể mang đề tài của mình tham dự hội thảo khoa học ở Hàn Quốc vào tháng 8/2016.

 

Nguồn: Zing

Share.

Leave A Reply