SSDH – Hầu như tất cả mọi người đều nghĩ rằng, được đi du học là được bước chân vào một thế giới mới với một tương lai tươi sáng, rộng mở. Nhưng thực sự, mọi thứ có thể sẽ không được hoàn hảo như bạn nghĩ.
Ấp ủ giấc mơ đi du học từ những năm đầu đại học, tôi đã lên kế hoạch và cố gắng hết sức để đạt được kết quả tốt nhất. Suốt 4 năm tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, tôi chăm chỉ và nỗ lực hoàn thành tất cả mục tiêu do chính mình đặt ra. Tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi của hệ đào tạo chất lượng cao ở trường, tôi vui mừng xem đó như bước đi thành công đầu tiên của một đứa con gái 22 tuổi. Và niềm vui còn tiếp tục nhân đôi khi tôi hay tin mình nhận được học bổng bậc Thạc sĩ từ một trường Đại học công lập có tiếng ở thành phố Melbourne (Úc) không lâu sau đó.
Ngày chuẩn bị xa nhà, tôi không hề cảm thấy buồn hay lo lắng gì, ngược lại, tôi vô cùng nôn nao, thích thú, hồi hộp chờ đợi ngày sẽ được nhìn thấy ánh mặt trời ở đất nước kangaroo xinh đẹp. Nhưng, có những sự thật không hoàn hảo như giấc mơ. Khi vừa đặt chân đến xứ người, tâm trạng tôi đã hoàn toàn thay đổi… Những ngày đầu đến trường, tôi cảm thấy vô cùng lạc lõng, chơi vơi. Trong lớp, chỉ có mỗi mình tôi là người Việt Nam. Ban đầu, tôi rất khó để làm quen với các bạn mới vì thời gian học trên lớp rất ít, chúng tôi không có nhiều cơ hội trao đổi với nhau. Kết thúc buổi học, mọi người lại nhanh chóng ra về để dành nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu.
Song song đó là sự khác biệt về văn hóa, dẫn đến cách sống và lối suy nghĩ của mỗi người cũng khác nhau. Hầu như tôi và các bạn chỉ nói chuyện xã giao bởi chúng tôi có quá ít thứ tương đồng. Điều này đôi lúc khiến tôi thấy hơi buồn và cô độc. Nhớ lại những tháng ngày khi còn học đại học ở Việt Nam, lúc nào tôi và lũ bạn cũng rôm rả mỗi khi gặp mặt. Chúng tôi lén lút nói chuyện trong giờ học, chúng tôi lang thang khắp các con đường ngõ hẻm, chúng tôi thưởng thức, khám phá những hàng quán mới lạ sau giờ ra về… Những kỷ niệm đó, đối với tôi luôn đẹp, nhưng giờ, lại quá xa xôi.
Cách học ở Úc cũng khá khác biệt so với cách học ở Việt Nam. Lượng kiến thức mà giảng viên truyền đạt trên lớp thường là những kiến thức cơ bản, muốn tìm hiểu sâu hơn, sinh viên phải dành thời gian tự đọc sách, nghiên cứu khá nhiều. Để hoàn tất một bài luận, chúng tôi phải dành nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần tìm kiếm thông tin từ sách, báo, các công trình nghiên cứu khoa học khác, rồi sau đó tự mày mò viết bài. Vấn đề đậu – rớt cũng được đặt lên hàng đầu vì học phí cho một môn học là rất đắt đối với du học sinh Việt Nam, ước tính khoảng vài nghìn đô/môn.
Có lẽ, điều tôi may mắn hơn so với một số bạn là được sống với gia đình họ hàng, không phải lo nghĩ đến các chi phí ăn, ở, đi lại… và đặc biệt là được thưởng thức các món ăn Việt Nam hàng ngày. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tôi không thấy buồn khi phải sống xa gia đình. Nỗi nhớ nhà cứ len lỏi trong tôi. Mỗi khi bất chợt nghe những bài ca về quê hương, về cha mẹ, lòng tôi lại rưng rưng một cảm xúc khó tả…
Tạm gác những điều đó qua một bên, những ngày tháng học tập ở Úc thực sự cũng là một cơ hội cho tôi. Chính khoảng thời gian xa nhà này đã giúp tôi mở mang kiến thức, hiểu biết thêm về nhiều nền văn hóa mới. Tôi cũng tự thấy mình ngày một trưởng thành hơn, tự lập hơn, biết tự nấu ăn, tự chăm sóc cho bản thân và chăm sóc người khác. Những công việc làm thêm bán thời gian cũng phần nào khiến tôi trở nên bận rộn và dạy cho tôi được nhiều điều hay. Tôi luôn tin rằng, mọi khó khăn, cực nhọc ban đầu sẽ là nguồn động lực lớn giúp ta vươn lên. Nếu cố gắng không ngừng thì một ngày nào đó, bạn sẽ có được thành công cũng như sự đền đáp xứng đáng.
Nguồn: Một Thế Giới