SSDH – Những gì tôi đã học, mang lại cho tôi sự vững vàng và không ngần ngại khi đối mặt với khó khăn. Đây quả là một lớp học vô cùng bổ ích cho tôi và các học sinh quốc tế lần đầu tới Canada.
1. Mọi thứ thay đổi
Khi đặt chân xuống mảnh đất xa lạ này, dường như mọi thứ đối với tôi đều thay đổi đến chóng mặt, nào là khí hậu, khung cảnh và đặc biệt là ngôn ngữ. Nhiệt độ giảm hẳn so với ở Việt Nam, khoảng 10-11 độ. Những căn nhà thì nằm thưa thớt một cách kì lạ, chắc hẳn con người ở nơi đây sống “mạnh ai người nấy lo”. Còn về ngôn ngữ, vì tôi được ba mẹ gửi gắm vào trường quốc tế hồi cấp hai, nên tôi thấy không gặp trở ngại cho lắm. Tôi có thể nghe và hiểu được người bản xứ, nhưng về phần nói thì không chắc là người ta có hiểu hay không?
Đi vòng vòng sân bay một hồi, tôi nhận ra một gia đình người Canada cầm bảng tên tôi và chúng tôi gặp nhau mừng rỡ như họ hàng từ xa đến thăm. Họ đưa tôi đến ký túc xá của trường đại học Saskatchewan. Trên đường đi, mọi người hỏi tôi đủ thứ và cứ thế tiếng nói rổn rản không ngừng cho tới khi tôi nhận được phòng ở.
Lạch cạch! Mở cửa phòng ra, trước mắt tôi mọi thứ được sắp đặt ngăn nắp, trông rất thoải mái. Tuy nội thất đầy đủ như: tủ lạnh, máy sưởi ấm, lò nướng, máy nước nóng, nhưng tôi vẫn phải mang nồi niêu xoong chảo và cả bộ ga giường nữa điều này tôi đã được cho biết trước bởi những người bà con có con em đi học trước tôi góp ý. Chính vì vậy trước khi tôi đi Canada cả tuần Mẹ tôi đã lo đi siêu thị để mua những đồ dùng cần thiết như kể trên. còn ba tôi tìm và mua cục adaptor to đoành để có thể sử dụng những thiết bị “Made in Vietnam” mà tôi mang theo . nguồn điện ở đây khác hằn so với ở Việt Nam,(110V)
Trong căn hộ của tôi, có tới bốn phòng ngủ, hai nhà vệ sinh, một phòng ăn và một phòng khách. Tôi là người đầu tiên ở đây, vì tôi đến sớm hơn so với ngày nhà trường quy định. Ở một mình trong một căn hộ cũng vui vì mình cứ thoải mái “tung hoành”, nhưng về đêm thì e là đáng sợ.
Bước đầu đến với Canada thật là thuận lợi với tôi, không có gì trở ngại cho lắm. Mong rằng những ngày kế tiếp cũng vậy!
2. Siêu thị
Sáng hôm sau, tôi đi siêu thị để mua thức ăn về nấu, nhưng vì mới tới đây tôi chả biết đường xá gì cả. May mắn thay, tôi gặp một bạn Trung Quốc đang xách bao nhiêu là bịch thức ăn đang hướng về kí túc xá. Bạn đấy đã chỉ cho tôi: “Just go straight and you can see the supermarket”.
Ban đầu đi siêu thị, tôi hăng hái mua rất nhiều thứ. Điều tôi chú ý đầu tiên là giá tiền sản phẩm. Công nhận so với Việt Nam thì đồ dùng và thực phẩm ở đây mắc gấp đôi hoặc gấp ba lần. Tôi so đi tính lại mãi để quyết định mua một món đồ. Điều mắc cười là một số người Canada đi ngang qua và cười khi thấy tôi đang lẩm nhẩm tính toán với cái điện thoại trên tay. Ôi, cảm giác quê quê làm sao ấy!
Tôi không dám mua đồ mắc tiền, mà cũng không mua đồ rẻ nhất, vì chất lượng kém bỏ ra không đáng. Ở Canada, càng mua với số lượng nhiều thì giá càng rẻ. Ví dụ, như sữa tươi, một chai sữa 2L giá $3 còn 4L thì $4. Biết vậy, tôi liền mua sữa 4L, mua luôn 1kg đường và muối, 1 chai rửa chén và giặt đồ loại lớn.
Mua xong tất cả mới chợt nhận ra đoạn đường về nhà khá là dài. Tôi còn nghĩ chắc mình rụng rời luôn cả hai cánh tay này quá vì xách đồ, không những thế khi đi được nửa đoạn đường trời bỗng dưng trút mưa trong thời điểm vô cùng khốn khổ này.,vừa lúc đó một chiếc xe ô tô tới gần với một giọng nói văng vẳng: “Come in, I drive you home”. Sợ lắm, trong đầu tôi bây giờ tưởng tượng lung tung, nghĩ rằng người ta bắt cóc hay cướp tiền này nọ. Chấn tỉnh một hồi, cửa kính xe mở ra, một cô gái trạc tuổi chị tôi nhìn ra với vẻ mặt tươi tắn dễ thương và một nụ cười thân thiện. Tôi cũng ngập ngừng rồi đồng ý lên xe. Trên đường về, chị ấy giới thiệu mình và hỏi đôi chút về tôi. Gần đến kí túc xá, chị còn viết số điện thoại và bảo tôi nếu tôi cần gì thì hãy gọi cho chị ấy. Công nhận vui thiệt vì tựa như Ông trời cho người tới giúp khi tôi đang gặp khó khăn.
Vào trong phòng, trong một hồi suy nghĩ lại mọi chuyện vừa trải qua, tôi có cảm giác sợ sợ và cho rằng mình đã sai khi tin tưởng một người không quen biết. Lỡ đâu chị ấy không tốt thì sao, tuy là con gái nhưng cũng không chắc là người tốt. May mà không có chuyện gì xảy ra. Thôi thì rút kinh nghiệm, không để chuyện như thế này xảy ra nữa.
3. Tiết học
Sau một thời gian chán nản ngồi không ở nhà, cái ngày tôi mong đợi cũng đã tới, ngày tựu trường. Tôi hí hửng cắp sách trên vai tới trường với niềm vui sướng sẽ được gặp bạn bè mới và thầy cô mới. Tuy là chỉ học Anh văn, nhưng vậy cũng tốt hơn “Nhàn cư di bất thiện”. Vào đến lớp, bầu không khí đã tràn ngập nhiều tiếng cười và tiếng nói rổn rản của các bạn học sinh đến từ những đât nước khác nhau: Trung Quốc, Philippine, Thái Lan, Nhật và duy nhất mình tôi là Việt Nam.
Reng, Reng! Tiếng chuông báo giờ vào tiết, một ông thầy có bộ râu xồm xoàm và mái tóc dài ngang vai bước vào. Dường như tất cả các học sinh im bặt và liếc mắt nhìn thầy ấy. Với vẻ bề ngoài, chắc hẳn thầy là một giáo sư giảng dạy chuyên nghiệp nhiểu năm. Nhưng đến lúc thầy giới thiệu về mình, thì tôi mới ngạc nhiên thầy trẻ so với những gì tôi nhận định, tên thầy là Eric Koshinky và năm nay thầy 32 tuổi. Thầy Eric đưa chúng tôi thời khóa biểu về tiết học của các kĩ năng. Trong đó thầy đảm nhận về ngữ pháp, viết và nói. Còn lại kĩ năng nghe, đọc là cô Marian sẽ giảng dạy.
Qua nhiều tiết học, những bài học mới đã làm thay đổi suy nghĩ “xem nhẹ Anh văn” bao năm nay của tôi. Ban đầu, tôi còn không muốn học Anh văn vì nghĩ nó không quan trọng và cứ khăn khăn đòi vào thẳng đại học luôn. Nhưng rồi giờ tôi mới nhận ra rằng ba mẹ tôi nói đúng, tôi mà không ôn Anh văn vững thì sau này vào đại học tôi sẽ “ngã rất đau”. Ở đây, cũng có kiến thức tôi đã học từ trước, lâu lâu tôi cảm thấy chán nhưng việc lập đi lập lại này giúp tôi nhớ lâu hơn nữa.
Tôi cũng được học nhiều điều mới, ví dụ như cách viết email đúng cách để gửi cho thầy cô, làm sao viết một bài văn thu hút người đọc, người nghe và cách triết những thông tin từ trong sách vào bài văn của mình sao cho hợp lý. Bên cạnh đó, việc học nghe ở đây khác hoàn toàn so với những gì tôi đã học tại Việt Nam, tôi phải vừa nghe vừa viết ra tờ giấy nháp, sau đó cô Marian mới đưa câu hỏi để trả lời với những gì mình ghi được. Công nhận khó thiệt, nhưng rồi cũng quen dần!
Bạn Hồng Di (đội nón) cùng các bạn sinh viên Trung Quốc
4. Văn hóa Canada
Ngoài học tiếng Anh, tôi còn phải tham gia 4 buổi tại môt lớp “Văn hóa Canada” nữa. Nếu tôi vắng mặt thì phải học lại từ đầu; lớp học này bắt buộc cho tất cả học sinh quốc tế mới vào trường. Nghe đến cái tên lớp học, tôi đã cảm thấy chán mặc dù chưa học tiết nào cả. Thêm một lần nữa giống như Anh văn, tôi lại phạm sai lầm.
Tiết học đầu tiên, tôi học về “Ngân hàng”, từ cách lập thẻ cho đến cách sử dụng thẻ. Thêm vào đó, cô Lisa đã đưa ra những mặt tốt và xấu khi dùng những loại thẻ khác nhau này như: debit, credit. Không những vậy, tôi còn học về những đơn vị tiền tệ Canada và cách phân biệt qua những hình vẽ trên đồng xu.
Chủ đề tiết học thứ hai là “Sức khỏe và ăn uống”. Làm cho tiết học thêm sinh động hơn, cô đã dùng hình ảnh của các đồ ăn, nước uống được ép sẵn nhựa cứng và trông rất tinh tế. Bên cạnh đó, các thành phần nguyên liệu trong từng loại thức ăn được diễn tả qua các hộp trong suốt. Ví dụ: thành phần trong bánh hăm-bơ-gơ gồm có chất béo, đường, muối, và đạm; chất béo được minh họa bằng hai loại nến, nến đen (xấu) và nến trắng (tốt) nằm gọn trong một lọ nhựa trong suốt, còn đường và muối cũng được bỏ trong mỗi hộp nhựa trong khác và có ghi chú khối lượng bên ngoài hộp. Qua đây, tôi có thể thấy rất rõ các thành phần của các đồ ăn, thức uống và đặc biệt hơn là nhận ra nên ăn gì và hạn chế món nào.
Buổi học tiếp theo, tôi được học về “cách bảo vệ bản thân”. Trong tiết học này, cô Lisa đưa ra nhiều tình huống trở ngại và bảo các học sinh nêu những phương pháp để giải quyết các vấn đề ấy. Khi học sinh giải thích xong, cô không sửa ai đúng ai sai, cô chỉ đưa ra ý kiến hay và tiện lợi nhất. Tiếp đến, tôi và các bạn học sinh được phát một tấm card với các số điện thoại cần thiết, nào là cảnh sát trường, y tế, khẩn cấp và đi bộ an toàn. Trong đó, tôi thấy hay nhất là “Safewalk”, hay còn gọi là đi bộ an toàn. Nếu học sinh ở lại học khuya, họ có thể gọi số điện thoại này bất cứ lúc nào để nhờ người trợ giúp; nhân viên trường sẽ đưa bạn về tận nhà an toàn.
“Ứng xử với người Canada” là bữa học cuối cùng của tôi với cô Lisa. Có bao giờ bạn ra đường mà chào hỏi người khác không? Ở Canada thì có đó, tuy là xa lạ với nhau, nhưng mọi người nơi đây lúc nào cũng niềm nở, vui vẻ chào và thậm chí hỏi thăm lẫn nhau. Những câu nói “Hi” hay “Hello” là những lời chào thông thường được nghe nhiều từ những người xung quanh, kể cả người mà chúng ta không quen. Tuy nhiên, có những lúc không nên chào hỏi người khác khi đang đi vệ sinh, trong bữa ăn hay là thời gian nghỉ ngơi. Khác với Việt Nam, ở đây không ứng xử theo những cấp độ cần thiết nhưng trong câu nói đối với người lớn tuổi hơn, chúng ta cần phải tỏ ra tôn trọng và kính nể.
Những gì tôi đã học, mang lại cho tôi sự vững vàng và không ngần ngại khi đối mặt với khó khăn. Đây quả là một lớp học vô cùng bổ ích cho tôi và các học sinh quốc tế lần đầu tới Canada.
Theo: Tintuccanada