Sẵn sàng du học – Cuộc sống du học Úc chắc chắn sẽ đầy rẫy những khó khăn, nhất là đối với “ma mới” lần đầu du học Úc. Thế nhưng không có gì mà chúng ta không thể vượt qua đúng không? Tham khảo các bí kíp dưới đây để có một hành trình du học Úc đáng nhớ nhất.
1. Nạp tiền vào thẻ sinh viên
Hãy upload hình thẻ của bạn sớm để có thể nhận được thẻ sinh viên ngay trong tuần lễ định hướng (Orientation Week) đầu học kỳ. Chiếc thẻ này sẽ giúp bạn tiếp cận và sử dụng các dịch vụ của nhà trường, chẳng hạn như mượn sách hoặc in ấn trong thư viện.
Sau khi có thẻ, hãy nhanh chóng nạp vào thẻ một ít tiền để dùng trong các trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như bạn cần in bản phụ lục/ trích dẫn cho các bài tập về nhà mà chỉ còn 30 phút nữa là hết hạn.
2. Tìm hiểu kỹ trước khi mua giáo trình
Nếu như không có những bài đọc bắt buộc trong tuần lễ đầu tiên, du học sinh Úckhông nên mua giáo trình trước.
Hãy đợi sau khi tham dự buổi lecture đầu tiên rồi quyết định. Bởi vì sau giờ lên lớp đầu tiên của môn đó, giảng viên có thể cho bạn biết rằng quyển sách/ giáo trình đó có trong thư viện và bạn không cần phải mua, hoặc là bạn chỉ sử dụng nó một lần, hoặc là sau buổi học đầu tiên, bạn nhận ra là mình không thích môn đó và muốn rút.
Khi thật sự cần mua sách, nếu muốn mua được với giá tốt, hãy vào nhóm Textbook Exchange trên facebook, cửa hàng cũ SRC hoặc các trang web như Book Depository, thay vì vào thẳng Coop Bookshop.
Đối với một số môn học, có thể bạn sẽ cần đến một tài liệu gọi là ‘course reader’, đó là tài liệu tập hợp các chương trong giáo trình, những bài báo hoặc các nguồn tư liệu khác mà giảng viên đã sắp xếp chúng lại để phục vụ cho môn học. Đây là một tài liệu quan trọng, hữu ích mà bạn nên mua.
3. Khảo sát giá cả trước khi mua đồ
Đừng chỉ hỏi câu này với người quen, bạn bè mà cả những người lạ vừa trở ra từ cửa hàng mà bạn đang đi vào. Đơn giản vì việc biết giá của món đồ họ vừa mua xong sẽ khiến chủ quán không thể “hét giá” chỉ sau vài phút, chưa kể còn giúp bạn trả giá hiệu quả.
Nếu có thời gian, hãy đi “đọ giá” ở nhiều điểm bán khác nhau, từ siêu thị đến chợ hay giữa các chợ tại Úc với nhau trước khi đồng ý mua hàng.
4. Lên danh sách những việc cần làm
Khi đến sống lại một thành phố lạ, đau đầu nhất chính là các thủ tục hành chính, sau là việc sắm sửa “ổn định cuộc sống mới ở khu dân cư”. Cụ thể, thường bạn sẽ phải làm thủ tục du học Úc như xin thẻ cư trú dài hạn, mở tài khoản ngân hàng, đăng ký nhập học/làm việc, ký hợp đồng thuê nhà và đặt cọc, mua sắm các vật dụng cần thiết…
Để mọi việc vận hành trơn tru, du học sinh Úc nên ghi rõ những thứ cần làm trong một danh sách rồi đánh dấu thứ tự quan trọng cho từng việc, nhằm ưu tiên làm trước những công chuyện gấp rút.
5. Dừng ngay việc đổi mọi chi phí du học Úc sang VNĐ
Lúc mới sang Úc nhiều du học sinh vẫn chưa thể làm quen ngay với tỷ giá địa phương vì thế khi mua một món đồ gì đó, bạn thường nhẩm ra tiền Việt, thấy cao quá nên khư khư giữ tiền không dám ăn tiêu gì cả vì nhìn đâu cũng thấy đắt đó.
Để có thể làm quen dần, bạn hãy vào ra các siêu thị, ngắm nghía các cửa hàng, trò chuyện với người dân bản xứ để tìm hiểu về mức sống địa phương rồi tự đưa ra cho mình một mức chi tiêu hợp lý.
Một điều cần lưu ý nữa là hãy loại bỏ dần việc quy đổi giá cả qua vietnam dong vì việc này vừa mất thời gia vừa khiến bạn chẳng dám chi tiêu.
6. Tìm hiểu về công việc trong khuôn viên nhà trường hoặc xung quanh trường
Career Hub là một nơi vô cùng hữu ích giúp bạn tìm kiếm các công việc bán thời gian trong trường hoặc xung quanh trường, những việc mà bạn có thể vừa học vừa làm.
7. Tham gia nhiệt tình các hoạt động của khoa
Những hoạt động chào đón sinh viên của các khoa thường rất bổ ích và thú vị, có khi còn bao gồm cả tiệc BBQ. Nếu có thể, hãy xem qua phần giới thiệu tổng thể về khoá học của bạn để biết những thông tin nào áp dụng cho mình, chẳng hạn như bạn có thể chọn mấy chuyên ngành, có bao nhiêu môn tự chọn…
Và sẽ thật tuyệt vời nếu bạn đăng ký tham gia vào chương trình hỗ trợ của sinh viên cũ đối với các sinh viên mới. Theo kinh nghiệm du học Úc của anh chị đi trước thì khi tham gia vào chương trình này, hầu hết những thắc mắc của bạn xoay quanh việc học tập đều sẽ được giải đáp.
8. Giao lưu, kết bạn
Tất cả các trường đại học cao đẳng tại Úc đều có các câu lạc bộ năng khiếu hoặc sở thích mà bạn có thể tham gia. Chỉ tính riêng đại học Sydney đã có hơn 200 câu lạc bộ, hội nhóm mà tân sinh viên có thể gia nhập ngay trong tuần lễ định hướng. Và đây là cách dễ nhất để kết nối thêm với những người bạn mới.
Ngoài việc giao lưu kết bạn, đối với những hội nhóm của khoa Kinh doanh hoặc khoa Luật, bạn còn có thể được kết nối với những người làm việc trong lĩnh vực này. Như vậy, tham gia vào các CLB, hội nhóm này giúp bạn rèn luyện và nâng cao kỹ năng lãnh đạo, nắm bắt các cơ hội thực tập và thậm chí là việc làm trong tương lai.
Tuy nhiên, bạn cũng nên lường trước những khó khăn mà mình sẽ gặp phải khi du học Úc. Dưới đây là 10 khoảnh khắc “bi kịch” mà bất cứ du học sinh Úc nào cũng sẽ phải trải qua:
- Luôn phải đối mặt với đầy rẫy những khó khăn trước mắt như chuyện xung đột với bạn chia nhà, vấp váp trong học hành, và thường xuyên nhất là nỗi nhớ nhà da diết, nhưng lại chẳng bao giờ nói ra. Câu cửa miệng khi trả lời điện thoại của gia đình luôn là “Con vẫn ổn”.
- Trải qua hàng tiếng đồng hồ ở thư viện tra cứu từ điển mà vẫn chỉ hiểu được đôi ba dòng ngắn ngủi, cảm thấy sợ sệt một kỳ thi đang đến gần, lo lắng khi nghĩ tới kết quả học tập, mơ hồ tự hỏi liệu quyết định du học có đúng hay không.
- Phải đi học, đi làm thêm ngay cả vào những dịp Lễ Tết quan trọng, khi bạn bè ầm ầm chia sẻ hình ảnh tiệc tùng trên Facebook. Vừa “thui thủi” vừa ngùn ngụt quyết tâm phải học và làm thật tốt, để sớm được về với mẹ!
- Không có nổi một hội bạn thân đúng nghĩa để có thể chia sẻ tất tật mọi điều trong cuộc sống.
- Là cảm giác bất lực vì không thể ở cạnh gia đình, bạn thân vào những lúc họ cần mình chia sẻ nhất.
- Điệp khúc mì tôm. Những ngày cuối tháng, những đêm ôn bài, những lúc “chán chẳng buồn lao vào bếp”, mì tôm là cứu cánh hiệu quả nhất.
- Sẵn sàng chấp nhận bắt xe bus ra tận ngoại ô thành phố chỉ vì siêu thị ở đó rẻ hơn so với ở trong khu trung tâm, để rồi chịu khó cồng kềnh ôm hàng đống bao bì về nhà với đôi tay mỏi rục.
- Run sợ vào những lúc cô giáo yêu cầu chọn bạn để làm bài thuyết trình nhóm, đặc biệt là lúc mới sang và lúc nào cũng khư khư mặc cảm mình là người nước ngoài (đối với những du học sinh là sinh viên nước ngoài hiếm hoi trong trường).
- Rơi vào trạng thái lo lắng mỗi lúc tính tiền ở siêu thị, sợ số tiền còn lại trong thẻ sẽ không đủ để trả thu ngân.
- Là băn khoăn không biết nên học thêm lên hay về nước, nên ở lại hay về nước, nên tiếp tục những chuỗi ngày phòng trọ – trường học – siêu thị hay về nước. Mong ước trở về từ những ngày đầu mới sang bỗng dưng bị chùn lại bởi những lí lẽ “nên không”. Và dù quyết định nào được đưa ra thì đó cũng chỉ là khởi đầu của một chặng đường mới.
Thái Hải (SSDH) – Theo Vinau.net