SSDH – “Chúng tôi quyết định sản xuất “phi thuyền” bay vào không gian hoàn toàn ở Việt Nam để khẳng định công nghệ của nước ta cũng như chứng minh Việt Nam có khả năng xuất khẩu những sáng chế công nghệ ra nước ngoài”, Phạm Gia Vinh bày tỏ.
Từ đam mê “phá hoại” đồ dùng…
Dân chơi máy bay mô hình ở Hà Nội từ lâu đã không còn xa lạ với cái tên Phạm Gia Vinh – BCH CLB máy bay mô hình phía Bắc. Thông tin anh và cộng sự chế tạo thành công chiếc “phi thuyền” bay vào không gian với trần bay cao và các tính năng vượt trội nhanh chóng “phủ sóng” giới khoa học Việt Nam.
Thuở 9-10 tuổi, mang theo nhiều thích thú, tò mò về máy bay mô hình và các đồ điện tử, Vinh “phá hoại” khá nhiều đồ dùng ở trong nhà. Cũng vì am hiểu và say mê chế tạo mô hình điện tử nên ở lớp, Vinh được thầy cô, bạn bè gọi với cái tên trìu mến “chàng phù thủy điện tử”.
Tốt nghiệp cấp 3, Vinh sang Pháp theo đuổi ngành Điện, Điện tử công nghiệp – Điều khiển tự động. Tại đây, Vinh say mê nghiên cứu, tìm tòi về máy bay không người lái, dù hồi ấy công nghệ này còn khá mới. Anh chàng học viết phần mềm, làm phần cứng đến mua công nghệ nước ngoài để chế tạo máy bay không người lái.
Tốt nghiệp năm 2008 với thành tích học tập xuất sắc, chàng Chủ tịch Hội du học sinh Việt Nam tại thành phố Rennes (Pháp) nhận được nhiều lời mời làm việc hấp dẫn ở Pháp và một số nước châu Âu.
Phạm Gia Vinh thường xuyên cập nhật những công nghệ mới của thế giới về máy bay không người lái.
Một năm sau, anh quyết định trở về quê hương thành lập Công ty CP Nghiên cứu & Phát triển Đông Giang Việt Nam (2009) – một trong số ít công ty chuyên về nghiên cứu và sản xuất máy bay không người lái ở Việt Nam.
Vinh bắt tay phát triển các loại máy bay và khí cụ bay không người lái. Những sản phẩm đầu tiên là máy bay không người lái tự động và bán tự động (M94, M96) phục vụ huấn luyện phòng không.
Ý tưởng chế tạo một thiết bị có thể bay được ở trần cao gấp 3 đến 5 lần máy bay thông thường hình thành vào khoảng tháng 2/2014. Chỉ trong hơn nửa năm, anh cùng các cộng sự của mình đã hiện thực hóa ý tưởng, cho ra đời chiếc “phi thuyền” không gian được giới chuyên gia đánh giá là bước tiến vượt bậc, mở ra cơ hội to lớn cho ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam còn non trẻ.
“Đến thời điểm hiện tại, cái tôi đạt được chính là làm được điều mình mong muốn và cảm thấy công việc mình làm có ích. Con đường tôi chọn từ bé xuất phát từ ham thích tò mò, phá hoại là chính.
Môn “chơi” về hàng không, điện tử mang đến những bài học vô tận, từ cơ khí đến điện tử, phức tạp hơn là kĩ thuật hàng không. Tôi luôn phải tự mình đặt ra nhiều câu hỏi và đi tìm đáp án”, anh tâm sự.
Từ máy bay không người lái cho tới “phi thuyền” không gian đòi hỏi những vấn đề về cơ khí, điện tử, kỹ thuật phức tạp hơn rất nhiều.
Bí quyết thành công: Đặt câu hỏi đúng và cụ thể
“Đối với khoa học, những câu hỏi chung chung sẽ khó lòng đưa đến kết quả tối ưu. Chừng nào nhìn thấy bản chất vấn đề, đặt ra bài toán với một câu hỏi đúng, chúng ta sẽ chọn ra giải pháp phù hợp”, đó là tiết lộ Phạm Gia Vinh về bí quyết làm nên thành công khi chế tạo “phi thuyền”.
“Việc chế tạo và vận hành thiết bị bay không người lái đạt tới độ cao 30 km là công nghệ không đơn giản về mặt kĩ thuật. Trước hết là về công nghệ vật liệu, để lên được độ cao 30 km thì thiết bị bay phải bay qua tầng đối lưu của khí quyển.
Trong tầng khí quyển này, nhiệt độ sẽ giảm dần đến mức thấp nhất là từ -50 độ C đến -80 độ C. Thách thức lớn nhất nằm ở việc điều khiển thiết bị bay và kiểm soát nó”, Vinh giải thích.
Nhiều đêm thức trắng nghiên cứu, Vinh đã tìm ra câu hỏi bản lề: “Bài toán cần giải quyết ở đây là việc thiết bị liên tục tăng độ cao và phát nổ giống như bóng thám không”. Vấn đề mấu chốt được tháo gỡ, Vinh và “đồng đội” bắt tay vào tìm lời giải đáp qua rất nhiều phương án và thiết kế thực tế.
Anh mong muốn ứng dụng công nghệ thật tốt và khẳng định được tầm vóc của những sáng tạo khoa học Việt.
Nói về “bí kíp” tạo nên trần bay sánh ngang các nước tiên tiến, anh cho biết: “Thực ra cơ bản chúng tôi sử dụng một dạng khinh khí cầu giữ vai trò vật nâng. Bởi lẽ, trên trần bay 30-50km, không khí rất loãng, máy bay bình thường không bay được. Nhưng quy trình, phương thức, công nghệ vật liệu chất tạo thì rất khác và phức tạp, thể tích của quả “khí cầu” này rất lớn, có thể lên tới trên 1 triệu m3”.
Trong quá trình đi tìm lời giải, Vinh và đội ngũ kỹ sư Việt đã phát hiện ra câu trả lời chính xác và tiến hành sản xuất chiếc “phi thuyền” – phát hiện được đúc rút nhờ vào những kinh nghiệm, kiến thức sẵn có cộng với một chút may mắn.
“Nếu được triển khai trong thực tế thì Việt Nam sẽ là nước đầu tiên ở Đông Nam Á áp dụng công nghệ này”, anh cho hay.
Lần thử nghiệm thứ 3 sẽ ở Việt Nam
Chàng giám đốc trẻ đang kỳ vọng vào lần bay thử nghiệm thứ 3 dự kiến vào tháng 4 tới, trước khi tiến hành thử nghiệm lần thứ 4 vào giữa tháng 5 ở Australia để chính thức đưa người lên vùng không gian cận vũ trụ.
Đam mê, không nản lòng sau thất bại và “đặt câu hỏi đúng”, không ngừng nghiên cứu là những yếu tố làm nên thành công của Gia Vinh.
“Tôi kỳ vọng sẽ đưa giai đoạn thử nghiệm thứ 3 về Việt Nam để trình diễn công nghệ và chứng minh các với nước trong khu vực là hiện tại chúng ta đã hoàn toàn làm chủ được về mặt công nghệ”, Vinh chia sẻ.
Vinh và các cộng sự đã trải qua 6 năm miệt mài nghiên cứu, tìm tòi với những lần thất bại đếm không xuể.
“Làm nghiên cứu là đầu tư tương đối mạo hiểm và tương đối lớn về cả thời gian, công sức và tiền bạc. Dẫu làm hỏng rất nhiều lần nhưng tôi luôn có niềm tin “ánh sáng ở cuối đường hầm” và tìm cách để lan truyền niềm tin cho đội ngũ anh em kĩ sư, nghiên cứu.
Cá nhân và công ty chúng tôi vẫn đang ở giai đoạn khẳng định, chứng minh năng lực, xây dựng cơ sở kiến thức và công nghệ của riêng mình để thu hút các khách hàng thực tế”, Vinh tâm sự.
Câu chuyện về chàng trai 8X và cộng sự chế tạo thành công chiếc “phi thuyền” Việt Nam bay vào không gian làm lớn lên trong chúng ta một niềm tin. Nghiên cứu khoa học không chỉ tập trung ở các viên nghiên cứu, các trung tâm khoa học. Những tập thể, cá nhân (có đôi lúc) tưởng chừng bị xem là “ngoại đạo” vẫn luôn có sức sáng tạo và cống hiến không ngừng.
Tin rằng, nghiên cứu khoa học nên – sẽ được xã hội hóa và xuất phát từ mọi nguồn lực có thể. Niềm tin ấy càng lớn hơn với câu chuyện về chàng giám đốc 8X tài năng này.
Nguồn: Dân Trí