Cái kết đau buồn của những thân phận lạc loài

0

Sẵn sàng du học – Xoá nhoà ranh giới giữa hư cấu và phi hư cấu, sách "Ký ức lạc loài" của nhà văn Đức W.G. Sebald là tiếng đời xao động về những kiếp người lạc loài khi rời bỏ quê hương.

Vào ngày 14/12/2001, W.G. Sebald đột ngột qua đời bởi một cơn nhồi máu cơ tim trong lúc đang lái xe. Sebald lúc đó 57 tuổi, đang sống và làm việc tại một trường đại học của Anh; mới được công nhận tài năng văn chương chỉ vỏn vẹn 5 năm trước đó bởi những tác phẩm như The Emigrants, Vertigo, The Rings of Saturn…

Sở dĩ người viết nhắc đến cái chết của W.S.Sebald như vậy bởi sự kiện đau buồn này kết nối thẳng (không hẳn ngẫu nhiên) với các nhân vật trong cuốn The Emigrants (bản tiếng Việt: Ký ức lạc loài, Đăng Thư dịch) ra mắt 10 năm trước đó của chính ông. Có vẻ gì đó bí ẩn, giữa những người Đức tha hương (mà chính Sebald là một trong số đó), lẩn khuất trong đời sống thực và trong các trang văn với những kết cục bi thương lúc cuối đời.

4 con người, 4 số phận lạc loài

Ký ức lạc loài được phân ra thành bốn câu chuyện tách biệt với nhau. Mỗi chuyện giống như thước phim với góc máy lia cận và chậm vào cuộc đời của những người đàn ông không còn sống ở đất nước họ sinh ra (Đức). Họ là những người không thể tìm kiếm sự yên bình trong quá khứ, không hạnh phúc ở hiện tại.

Câu chuyện đầu tiên trong cuốn sách kể về bác sĩ Henry Selwyn. Sau nhiều thập kỷ rời khỏi đất nước quê hương từ năm 7 tuổi, ông nhận ra thật khó để sống trong hiện tại. Tâm hồn Selwyn lần hồi về quê hương, về tuổi thơ đã bỏ lại đằng sau… nhưng tất cả chỉ đưa ông đến một kết cục đau lòng: Tự sát bằng một khẩu súng chĩa thẳng vào quai hàm.

ssdh-ky-uc-lac-loai

 

Chuyện thứ hai kể về Paul Bereyter, người thầy giáo đáng kính đã tìm đến cái chết đầy khốc liệt, để cả đoàn tàu hoả chèn ngang đầu. Rời bỏ quê hương và mang những sang chấn tâm lý, Paul luôn cố gắng sống tốt, dạy học trò một cách đầy nhiệt tâm nhưng số phận nghiệt ngã đã đẩy ông đến bệnh tật, mù loà và cuối cùng là cái chết.

Cuộc đời phi thường nhưng cũng nhiều đau đớn của Ambros Adelwarth hay chuyện về người hoạ sĩ lập dị Max Aurach là hai mảnh ghép cuối cùng, tạo nên bức tranh hoàn hảo mà ảm đạm của Ký ức lạc loài. Những đứt gãy về cảm xúc với gia đình, quê hương cùng những cuộc di cư đã mang đến cho họ những kết cục tang thương.

Ambros với cuộc đời huy hoàng, những chuyến phiêu lưu khắp châu Âu và Mỹ, cuối đời tự xung phong trên ghế điện để chữa trị bệnh tâm thần. Trong khi đó, Aurach cũng chẳng khá khẩm hơn, cuối đời bị đẩy vào một bệnh viện kiêm nhà dưỡng lão với những người đủ thứ bệnh.

Bàn tay số mệnh hay chiến tranh đã huỷ hoại con người?

Không quá khó hiểu khi dịch giả Đăng Thư lựa chọn tựa đề tiếng Việt cho cuốn sách là Ký ức lạc loài, bởi bức tranh ảm đạm mà W.S Sebald vẽ nên là những mảng chắp vá của một quá khứ vỡ vụn vì li tán, bàn tay số mệnh và chiến tranh. Tất cả con người hiện lên trong cuốn sách chẳng khác gì “như những hồn ma, trên mặt giấy bị tàn phá” hay “chúng tôi ai cũng cố gắng đến tuyệt vọng để duy trì một bề ngoài bình thường”.

Có thể nói, tác giả W.G. Sebald đã kể lại một cách tường tận, trong một văn phong hối hả của những cuộc truy vấn về gốc tích, tái hiện lại một thế giới tinh thần cô lập, đơn độc và chìm đắm trong sự ngột ngạt, ám ảnh của ký ức. Hoài niệm u ẩn đã đè nặng lên tâm hồn con người, thậm chí có lúc còn dập tắt cả ham muốn sống.

Đi sâu vào lịch sử ở góc độ những cá nhân cụ thể, Sebald đã phần nào phác thảo được bối cảnh xã hội, không chỉ tại Đức mà toàn thể châu Âu và Mỹ vào những thập kỷ đầu của thế kỷ 20. Ở đó, mỗi cá nhân dường như bị bứt ra khỏi gia đình, cộng động, khỏi căn tính lẫn đức tin của mình và trôi theo những gì mà cuộc đời an bài. Trong đó, nước Đức trở thành một trục để định vị về sự “lạc loài” của những con người tha hương này.

Hình ảnh về nước Đức, quê hương của các nhân vật trong Ký ức lạc loài được Sebald vẽ nên đầy méo mó: “Đức là một đất nước đã đóng băng trong quá khứ, đã bị phá hoại, một nơi chốn kỳ lạ nằm ngoài mọi phán quyết, được cư trú bởi những con người mang khuôn mặt vừa đáng yêu vừa đáng sợ”.

Thẩm quyền phi thường của “giọng nói” W. G. Sebald

W.G. Sebald (1944 – 2001) được xem là một trong những nhà văn, học giả người Đức quan trọng sau Thế chiến thứ hai. Các tác phẩm của ông thường xoay quanh chủ đề người Đức với ký ức, sự lãng quên và những thương tổn tinh thần trong thời hậu chiến. Cuốn sách Ký ức lạc loài (1992) cho thấy không chỉ rõ nhất mà còn tài tình nhất về chủ đề và văn phong độc đáo của ông.

Ký ức lạc loài được cấu trúc như một cuốn sách văn chương hư cấu nhưng mỗi câu chuyện lại mang tính phi hư cấu (hồi ký/ tài liệu) với hành trình khám phá cẩn thận, với các “cứ liệu” khả tín. Điểm độc đáo của cuốn sách còn nằm ở việc Sebald thêm thắt những bức ảnh đen trắng minh hoạ cho mỗi câu chuyện, mang đến cho người đọc cảm xúc vừa chân thực vừa xúc động. Điều này cũng cho phép độc giả nhìn sâu hơn vào cuộc sống của từng nhân vật và nhìn rõ hơn thế giới mà họ đã sống.

 

Tác giả W. G. Sebald.

Tác giả W. G. Sebald.

Nhà văn, nhà viết tiểu luận và cũng là nhà hoạt động chính trị Susan Sontag là một trong những fan trung thành của W.G. Sebald. Bà đã không hề giấu diếm sự hâm mộ nồng nhiệt của mình dành cho tác giả gốc Đức này. Sontag đã dành những lời phê bình, mà đúng hơn là khen ngợi cho cuốn sách của Sebald. "Khi Ký ức lạc loài xuất hiện bản tiếng Anh năm 1996, sự ngoan nghênh và sự sợ hãi cùng lượt tiến tới”.

Susan Sontag đánh giá Sebald là một nhà văn bậc thầy với ngôn ngữ như một kỳ quan, tinh tế và sâu lắng chưa có nhiều tiền lệ trong văn chương tiếng Anh. Cuối cùng, tác giả của cuốn tiểu luận nổi tiếng Bàn về nhiêp ảnh nói: “Điều có vẻ xa lạ cũng như có sức thuyết phục nhất là thẩm quyền phi thường của giọng nói của Sebald”.

Trong khi đó, nhà văn Geoff Dyer từng viết trên tờ The Guardian: “Sebald là một trong những tác giả sáng tạo nhất cuối thế kỷ 20”.

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing

Share.

Leave A Reply