Chăm thôi chưa đủ, muốn học tốt hãy tìm phương pháp học đúng

0

Sẵn sàng du học – Muốn nâng cao chất lượng và hiệu quả trong học tập, phải học có phương pháp trong tất cả các khâu: từ nghe giảng, ghi chép, làm bài và tự học…

ssdhhanhtrangduhoc

Tập trung nghe giảng sẽ tăng hiệu suất tiếp thu

Muốn học tập có hiệu quả, bước đầu tiên hãy chắc chắn bạn tập trung nghe giảng trong giờ học. Và đương nhiên là bạn phải nghe tích cực, chứ không phải cứ cắm cúi ghi ghi chép chép mà không hiểu người giảng nói gì, hoặc nghe nhưng tâm trí đang nghĩ đến việc khác. Nếu như vậy thì kết quả tất yếu sẽ là chúng ta nghe nhưng không hiểu, nếu có hiểu thì chỉ là qua loa chứ không hiểu sâu vấn đề. Và thực tế, chỉ khi nào hiểu sâu kiến thức thì bạn mới luôn nhớ và biết cách áp dụng chúng vào từng hoàn cảnh như thế nào cho phù hợp. Vậy nên, hãy tập trung nghe giảng để tăng hiệu suất tiếp thu.

Ghi chép hiệu quả

Có ghi chép bài, học bài càng chóng thuộc. Ghi chép hiệu quả nghĩa là chúng ta có thể sử dụng những điều đã ghi bất cứ lúc nào (không áp dụng trong trường hợp bạn ngồi phòng thi nhé) một cách linh hoạt nhất. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là cái gì bạn cũng cật lực ghi chép dày đặc cả trang giấy đến mức sau này chính bản thân cũng không đọc nổi những điều đã ghi, vừa mất thời gian vô ích mà lại phí sức. Hãy tập xử lý nhanh vấn đề, tóm gọn trọng điểm của bài học và chỉ cần ghi lại những điều chính yếu vào vở. Đó là cách học giúp bạn thành thạo kỹ năng ứng dụng hơn so với kiểu học truyền thống. Với phương pháp này, hiệu quả ghi nhớ đạt được sẽ lớn hơn rất nhiều.

Tích cực thực hành và làm bài tập

Học không chỉ là lưu trữ kiến thức rồi để đó, mà cần đi đôi với thực hành, làm bài nhiều thì mới có thể nhớ kỹ, nhớ lâu. Có thể bạn chưa biết, thực hành khi học có thể tạo cảm giác thích thú, giúp bạn có động lực tìm hiểu các kiến thức hơn. Học hóa học, vật lí, hãy tự tay mình làm thí nghiệm. Học địa lí, sinh vật bạn hãy tự tay vẽ biểu đồ, vẽ hình giải phẫu. Những hoạt động kết hợp sẽ nâng cao hiệu quả ghi nhớ.

Học từ cơ bản đến nâng cao

Nếu muốn đi đường dài bạn phải có nền tảng căn bản, đi từ dễ đến khó chứ không thể nhảy cóc. Nhiều bạn có kiểu học gọi là “ôn thi cấp tốc”, một sai lầm rất lớn khiến bạn chẳng bao giờ đạt được điểm cao trong các kì thi. Đấy chỉ cách học đối phó, học “vẹt” không thể vận dụng được về sau. Nếu bạn muốn bất kì bài toán nào mình cũng có thể giải được thì cách duy nhất là nắm chắc kiến thức cơ bản. Hãy bắt đầu với kiến thức nền sao cho thật nhuần nhuyễn rồi từ từ học nâng cao lên.

Tạo lập thói quen tự học

Làm bất kì điều gì bạn cũng cần có kế hoạch và mục tiêu rõ ràng rồi thực hiện chúng như một thói quen. Chỉ khi hình thành thói quen, bạn mới duy trì để thực hiện nó, học tập cũng vậy.Tạo cho mình một thói quen học tập, bạn sẽ tránh xa được “căn bệnh” lười biếng mà bất cứ học sinh nào cũng ít nhất một lần mắc phải. Hãy lên cho mình một lịch học tập khoa học, phân bổ thời gian cho từng loại kiến thức… việc học sẽ trở nên “dễ thở” hơn nhiều!

Học với thái độ tích cực

Việc học là cho bạn và do bạn, vậy nên cần có thái độ tích cực khi học tập. Và khi bản thân chúng ta hiểu được tầm quan trọng của việc học, không chỉ là các môn học để thi mà còn gồm cả học những kĩ năng mềm khác như: thuyết trình, giao tiếp… bạn sẽ thấy rằng mình còn rất nhiều điều cần học, bởi nếu lười biếng bản thân bạn sẽ bị thụt lùi. Chỉ khi thoải mái, yêu thích và hiểu được những giá trị mà việc học mang lại thì các bạn mới có động lực học tập và đạt hiệu quả cao.

Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14.vn

Share.

Leave A Reply