Chiến lược tìm việc làm của du học sinh Việt ở Australia

0

Sẵn sàng du học – Du học sinh Úc muốn tìm việc làm văn phòng lâu dài, phù hợp với ngành nghề mình theo học thì khó gấp nhiều lần so với trong nước vì sinh viên Việt không nói tiếng Anh như người bản địa, không có kinh nghiệm làm việc ở Australia và khác biệt văn hóa. Bạn phải có chiến lược cụ thể thì mới hy vọng tìm được một việc làm tốt.

nhan-nguoi-di-lam-viec-o-uc-2-

Đây là bài chia sẻ của Chị Trương Nguyễn Thoại Giang, quê Bình Dương, hiện làm việc cho Chính phủ Australia, chia sẻ kinh nghiệm tìm việc làm ở quốc gia này.

Đối với du học sinh ở Australia, tìm việc tạm thời trong thời gian đi học như phục vụ nhà hàng, phụ bếp, bán hàng, làm farm… tương đối dễ. Nhưng để tìm việc làm văn phòng lâu dài, phù hợp với ngành nghề mình theo học thì khó gấp nhiều lần so với trong nước vì sinh viên Việt không nói tiếng Anh như người bản địa, không có kinh nghiệm làm việc ở Australia và khác biệt văn hóa. Bạn phải có chiến lược cụ thể thì mới hy vọng tìm được một việc làm tốt.

Tìm việc càng sớm càng tốt

Trước đây, khi còn là sinh viên ở Việt Nam, có lần thấy báo đăng doanh nghiệp nhỏ cần tuyển thư ký tôi liền đến hỏi thì ông giám đốc trả lời khi nào học xong hãy trở lại. Ở Việt Nam các công ty hầu như chỉ nhận sinh viên đã tốt nghiệp, có bằng đại học và làm việc toàn thời gian. Ở Australia thì khác, các công ty bắt đầu nhận thực tập sau khi sinh viên hoàn tất năm nhất đại học.

Tôi tìm việc từ khi mới tới Australia, bắt đầu từ những quảng cáo trên website của trường đại học và trên mạng. Theo dõi quảng cáo tuyển dụng thường xuyên cũng giúp tôi có thời gian chuẩn bị hồ sơ xin việc để nộp khi có vị trí thích hợp.

Sau khi hoàn tất năm nhất đại học, tôi xin thực tập ở KPMG, một trong 4 công ty kế toán và tư vấn lớn nhất thế giới (Big 4). Đây là lần đầu tiên tôi đi phỏng vấn xin việc chính thức ở Australia. Mặc dù không đậu, nhờ buổi phóng vấn này tôi nhận ra những điểm yếu của mình, và rút ra được nhiều bài học.

Từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau, các nhân viên toàn thời gian thường nghỉ phép năm nên KPMG và nhiều công ty khác cần người giúp việc ngắn hạn. Sinh viên cũng được nghỉ hè, thay vì về Việt Nam ăn Tết, các bạn nên nắm lấy cơ hội, ở lại và toàn tâm toàn ý tìm việc.

Các bạn cũng đừng nên chờ đợi tới khi tốt nghiệp mới tìm việc vì khi đó áp lực sẽ rất lớn. Nếu không tìm được việc làm có lương thì có thể làm tình nguyện để lấy kinh nghiệm. Vì nếu sau 2 năm ra trường mà bạn vẫn chưa tìm được việc làm, kiến thức bị mai một trong khi kinh nghiệm không có thì sẽ càng khó tìm việc.

Xem thêm: Du học Úc và 25 việc làm thêm vào mùa hè

Đầu tư vào hồ sơ xin việc (CV) và thư ngỏ (cover letter)

Tôi dành thời gian tham khảo nhiều hồ sơ xin việc trước khi viết rồi đến dịch vụ hỗ trợ sinh viên trong trường đại học nhờ tư vấn, chỉnh sửa. Nhân viên ở đây có thể hỗ trợ hoàn thiện lý lịch xin việc, giúp bạn khai thác những phẩm chất và kinh nghiệm mà đôi khi bạn không nhận ra. Ví dụ bạn vừa làm vừa học mà vẫn có kết quả tốt chứng tỏ bạn biết quản lý thời gian.

Nhiều đêm tôi trằn trọc suy nghĩ làm cách nào để lý lịch xin việc của mình nổi bật giữa hàng trăm hồ sơ khác. Tôi có kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam nhưng chưa từng làm ở Australia nên giải pháp duy nhất là phải có bảng điểm ngoại hạng. Vì thế tôi lao vào học. Đúng như tôi dự đoán, bảng điểm đa số là xuất sắc (High Distinction) và giỏi (Distinction) đã gây được ấn tượng tốt với nhiều nhà tuyển dụng và là tấm vé đưa tôi đi phỏng vấn nhiều nơi mặc dù tôi là sinh viên đại học Victoria University, một trường bậc trung ở Melbourne.

Để vượt qua vòng sơ khảo, bạn phải có lý lịch xin việc và thư ngỏ thỏa mãn tất cả yêu cầu của nhà tuyển dụng vì khả năng được gọi phỏng vấn chỉ khoảng 2%. Bạn tôi có kinh nghiệm tuyển dụng nhân sự cho phòng tài chính của một công ty tư nhân bật mí là thông thường một vị trí có hơn 200 hồ sơ, bộ phận nhân sự sẽ dùng phần mềm chọn ra khoảng 5. Theo người này, công ty trước hết đọc thư ngỏ, nếu thấy hấp dẫn thì giở tiếp hồ sơ, sau đó ưng ý thì mới gọi đi phỏng vấn.

Bạn ấy còn khuyên không nên rải hồ sơ đại trà mà nộp có chọn lọc, chỉnh sửa thư ngỏ và lý lịch cho phù hợp với đòi hỏi của từng vị trí, cũng như sử dụng ngôn ngữ chuyên ngành của chính nhà tuyển dụng. Các công ty cũng quan tâm tới những hoạt động ngoại khóa, những đức tính và sở thích của ứng viên.

Tạo dựng những mối quan hệ có ích

Nếu bạn không có kinh nghiệm làm việc, cũng không có bảng điểm như mơ, không thể tạo một hồ sơ ấn tượng thì cách nhanh nhất để có việc làm là nhờ người quen giới thiệu. 90% người Việt bắt đầu công việc đầu tiên ở Australia thông qua người quen.

Khi tôi mới đến Australia du học, tôi chỉ quen biết 2 người. Sau một học kỳ tôi quen biết với tất cả thầy cô các môn tôi học vì tôi hẹn gặp họ mỗi tuần để hỏi bài. Trong lớp, tôi kết giao, trao đổi bài vở tất cả bạn đồng môn, đặc biệt là các bạn bản xứ, phát triển những mối quan hệ cũ và gây dựng những mối quan hệ mới. Tôi quan niệm giao thiệp rộng thì xác suất được giới thiệu việc làm sẽ cao hơn.

Quả thật, giữa năm hai, tôi may mắn được một giảng viên giới thiệu công việc kế toán viên làm hợp đồng bán thời gian cho BAE Systems, công ty tư nhân của Anh.

Chuẩn bị trước khi đi phỏng vấn và thi

Nhận giấy mời đi phỏng vấn là bạn đã bước được một chân vào công ty, nhưng để có một chỗ đứng thì bạn phải thể hiện tốt lúc phỏng vấn. Vì vậy hãy chuẩn bị thật kỹ, tìm hiểu hình thức, nội dung, thời gian và người phỏng vấn để lên chiến lược “thu phục lòng người”.

Biết được người tuyển nhân sự cho BAE Systems là sinh viên cùng lớp, lúc gặp mặt tôi tranh thủ khoe điểm số. Sau này khi đã thân, tôi mới hỏi vì sao lại chọn tôi, người không có kinh nghiệm mà tiếng Anh lại kém. Chị ấy trả lời rất ấn tượng với kết quả học tập của tôi. Ngoài ra, từ những việc làm thiện nguyện chị ấy đánh giá tôi là người tử tế nên có thiện cảm.

Khi tôi đi phỏng vấn ở Worley Parsons, công ty tư vấn của Mỹ, thì đã có kinh nghiệm làm việc 4 năm ở BAE Systems nên rất tự tin. Tôi nhớ bà sếp tương lai hỏi “Điểm yếu của bạn là gì?”. Tôi trả lời rằng không có yếu điểm nào cả. Vậy là tôi được nhận. Nếu trong lý lịch xin việc bạn liệt kê, ví dụ kỹ năng giao tiếp tốt, thì khi đi phỏng vấn bạn phải chứng minh được điều đó.

Nhưng công phu nhất có lẽ là lúc tôi chuẩn bị thi công chức. Trong 4 tuần từ khi nhận giấy mời cho đến ngày thi, tôi đến thư viện mượn 3 quyển sách về tư duy số học (numerical reasoning), tư duy ngôn ngữ (verbal reasoning) và tư duy trừu tượng (abstract reasoning) về luyện. Trong khi sinh viên Australia đã được học kiến thức này từ nhỏ, thì đây là lỗ hổng của tôi cũng như nhiều du học sinh Việt, nên phải cố gắng gấp bội.

Ngoài ra, cơ quan tuyển dụng còn có buổi kiểm tra làm việc nhóm và phỏng vấn riêng từng ứng viên. Tôi chuẩn bị cho mỗi vấn đề một câu chuyện ngắn, học thuộc lòng và ngồi trước gương luyện nói hàng giờ mỗi ngày. Tôi nhớ họ đã hỏi về kinh nghiệm tiếp cận đồng nghiệp khó tính. Tôi kể là tìm hiểu sở thích của người đó, thường xuyên gợi chuyện về đề tài này, sau một thời gian thì đồng nghiệp trở nên vui vẻ hơn, sẵn sàng giúp đỡ khi được yêu cầu.

Học tiếng Anh và kiên trì tìm việc

Cuối cùng, tôi nghĩ quan trọng nhất để xin được việc làm tốt là phải nói tiếng Anh lưu loát. Học tiếng Anh là cả quá trình lâu dài, vì vậy đừng chần chờ, hãy bắt đầu ngay từ bây giờ.

Khi đã cố gắng hết sức mà may mắn vẫn chưa tới thì bạn cũng đừng vội nản chí, hãy kiên trì và không ngừng học hỏi, hoàn thiện. Ở Australia, trung bình sinh viên mới tốt nghiệp chưa có kinh nghiệm phải mất khoảng một năm mới tìm được việc phù hợp.

SSDH team

Share.

Leave A Reply