Chuyện du học: Dù gặp nhiều khó khăn nhưng tuyệt không đáng tiếc

0

SSDH – Nhiều người sẽ nghĩ rằng, hẳn phải giàu có thì mới có thể đi du học, hoặc nếu không, bạn phải cực giỏi mới có thể săn học bổng toàn phần. Vậy còn những người lơ lửng ở giữa thì du học sẽ như thế nào?

 

Cách đây 2 năm, sau khi tốt nghiệp Đại học trong nước, T. (SN 1989, Hà Nội) quyết định apply học bổng Thạc sỹ vào Đại học Chester (trường nằm gần Liverpool và Manchester, Anh quốc) để hiện thực hóa ước mơ du học trời Tây của mình. Tuy nhiên, 1 năm học Thạc sỹ khiến cô bạn nhận ra khoảng cách xa vời giữa cuộc sống du học trong những cuốn truyện và thực tế.

 

Dưới đây là những dòng chia sẻ về cuộc sống du học tại Anh của T.

 

“Trước khi du học, mọi thứ đều mơ mộng, cứ như bạn nhìn đời qua lăng kính màu hồng vậy. Cũng phải! Mới ra trường không lâu, chưa kiếm được công việc gì ổn định, chưa kể ngày nào phụ huynh cũng hỏi han về việc làm khi thấy con cái ở nhà. Cũng không phải chỉ ở nhà ăn bám bố mẹ, sinh viên mới ra trường thì vẫn bám trụ với nghề gia sư bán thời gian thôi. Cũng đồng ra đồng vào đỡ đần cho bố mẹ. Nhưng hỡi ôi, nếu không tìm được việc toàn thời gian thì cũng liệt vào “danh sách thất nghiệp”! Áp lực gia đình cũng là một trong những lí do tôi quyết định đi du học!

 

Trước khi đi du học, tất nhiên phải dành cả mấy tháng trời (có khi từ nửa năm tới 1 năm) chỉ để tìm hiểu thông tin đi học. Thế nhưng bởi vì tôi là đứa tính khí thất thường nên lí do đi học bởi áp lực gia đình đã khiến tôi quyết định đi học trong thời gian ngắn. Học thạc sỹ có 1 năm thôi nhưng yêu cầu tiếng Anh cũng rất cao, tối thiểu phải 6.0 IELTS nếu không muốn thêm thời gian học bổ túc tiếng Anh bên đó. Vậy nên, nếu có thể tập trung cao độ, toàn tâm toàn lực cho bài thi Ielts đầy thử thách (khi mà thời gian đầu tư kiểm tra trình độ tiếng Anh chỉ vẻn vẹn 5.0 và lúc nào cũng nơm nớp lo sợ thi trượt) thì tôi lao vào học ngày học đêm để mà cố đạt chỉ tiêu trong vòng 4 tháng. May thay, ngày nhận kết quả thi cũng thở phào nhẹ nhõm vì đủ điểm qua. Ít ra không phải dời thời gian nhập học.

 chester_town_hall_small.jpg

Town Hall, Chester.

 

Du học, thiết nghĩ đến một nơi khác sẽ được tự do làm nhiều điều mình thích. Thế nhưng, chẳng có gì là như mơ cả! Cuộc sống với văn hóa hoàn toàn khác biệt sẽ khiến cho những du học sinh ở cái điều kiện lơ lửng như tôi (gia đình bình thường và học lực cũng bình thường) phải tìm mọi cách thích nghi với hoàn cảnh. Ở đất nước trời Tây, mọi sinh hoạt phí đều đắt đỏ, học bổng ít ỏi cũng chẳng thể thấm vào đâu so với chi phí ăn ở. Vậy nên, những du học sinh có hoàn cảnh như thế này đều phải cố gắng chi tiêu cho hợp lý và kiếm thêm công việc bán thời gian để làm. Chưa kể, thời gian đầu xa nhà, phải nói là nhớ nhà khủng khiếp. Ăn uống cũng không được như ở nhà khi đồ ăn nào cũng đều đắt đỏ. Thế mới thấy không đâu bằng nhà!

 

Cứ tính sơ sơ như thế này! Sống tại một thành phố nhỏ, tiền thuê nhà rẻ nhất cũng phải gần 10 triệu. Nếu ai may mắn sẽ kiếm được nhà rẻ khoảng 6 triệu. Nếu ở thành phố lớn như London thì tiền thuê nhà đã gần 20 triệu nếu bạn không tìm được người ở cùng phòng. Nếu không phải quá giàu sang thì tất nhiên thuê nhà sẽ là một vấn đề lớn rồi! Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải tìm hiểu kỹ quy trình thuê nhà vì có nơi sẽ ký hợp đồng 6 tháng, thậm chí 1 năm nhưng có nơi chỉ ký hợp đồng 3 tháng. Ngoài ra, bạn cũng cần tìm hiểu xem liệu mình có được sử dụng các vật dụng trong nhà hay không. Ví dụ như nhà tôi ở có đầy đủ sẵn các tiện nghi như nồi niêu xoong chảo, lò vi sóng, tủ lạnh, máy giặt, máy sấy nhưng nhà đứa bạn tôi lại chẳng hề được hỗ trợ những đồ dùng như vậy. Và may mắn thay, tôi cũng kiếm được một căn phòng với giá rẻ, chỉ bằng một nửa giá thuê nhà thông thường. Ngẫm lại cũng thấy bản thân hơi liều lĩnh khi tự tìm phòng trọ từ khi còn ở Việt Nam, tìm thông tin cho thuê phòng qua trang Facebook của nhóm sinh viên của trường và chắc cũng là được trời cho ít may mắn nên đã tìm được ngay một phòng trọ ưng ý.

 

Tuy nhiên, đi du học nghĩa là sẽ phải quen với cảnh nhà nào biết nhà nấy, phòng nào biết phòng nấy, nếu bạn ở trọ cùng với người dân bản địa hoặc bạn bè quốc tế. Vì không phải ai cũng thân thiện để có thể mở lòng với bạn. Nếu họ có nói chuyện cởi mở chút thì cũng đừng mừng vội, vì để có thể thân thiết với bạn bè quốc tế thì chắc hẳn phải trải qua một quá trình dài đấy!

 

Đi du học, lên lớp học rất ít còn ở thư viện thì nhiều. Vậy nên, bạn sẽ phải làm quen với việc đọc hàng chục quyển sách một ngày. Vì nếu không, bạn sẽ chẳng thể bắt kịp với bài giảng của thầy cô giáo trên lớp.

 

Và bởi học trên lớp rất ít, bạn sẽ muốn kiếm thêm công việc nào đấy để thêm ít thu nhập chi tiêu cá nhân. Nhưng với visa cho sinh viên chỉ làm 20h/tuần, thì thực tế có rất nhiều du học sinh phải làm chui để hầu bao rủng rỉnh. Do vậy, sẽ gặp trường hợp sinh viên quá mải mê kiếm tiền mà xao nhãng học hành. Chuyện đó không hề hiếm trong các câu chuyện của các du học sinh. Dù biết kiếm tiền sẽ trang trải nhiều chi phí, nếu không đảm bảo thời lượng học trên lớp cũng như điểm số, bạn sẽ bị gửi trả về nhà không thương tiếc đấy!

 

Đi du học, đó là cơ hội để bạn tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau. Dĩ nhiên, nếu bạn kiếm được visa Schengen – visa cho phép bạn nhập cảnh vào 26 quốc gia châu Âu nằm trong khối Schengen thì đó sẽ là một trải nghiệm cực kỳ đáng nhớ! Mặc dù vậy, hãy nghiên cứu tất cả các thông tin trước khi bạn đi du lịch nếu bạn không muốn gặp sự cố đáng tiếc nào.

 

Trước khi đi Pháp – Ý – Tây Ban Nha, tôi cũng đã nghiên cứu rất nhiều thông tin về giá vé máy bay, phòng khách sạn, phương tiện công cộng, và cả vấn đề an ninh tại các nước đó. Thế nhưng, mọi thứ đọc được cũng chỉ mang tính tương đối. Tôi sẽ không biết được thủ đô của Pháp có phần hơi xô bồ, nhiều mánh khóe xảy ra trên đường như việc người ta cố gắng buộc một chiếc dây vào tay bạn rồi đòi tiền hay như việc người ta kiếm một bảng tên đòi bạn làm chút từ thiện. Tôi cũng sẽ không biết được đất nước Ý và Tây Ban Nha, thành phố nơi tôi đến ít sử dụng tiếng Anh cho dù giờ đây, du lịch tại các nước rất phát triển khiến bạn nghĩ ở đâu họ cũng sẽ dùng tiếng Anh giao tiếp với khách du lịch. Có lẽ lần sau nếu có cơ hội đi du lịch, tôi phải học ngoại ngữ nước họ để giao tiếp thuận lợi hơn.

 

Vậy nên đi du học, cho dù bạn là người có định hướng rõ ràng về công việc tương lai hay không, thì cuộc sống xa nhà sẽ không hề dễ dàng chút nào nếu bạn không phải là người có điều kiện cực kỳ khá giả. Bạn sẽ phải độc lập trong mọi việc, từ việc tìm nhà ở, mua đồ đạc cho phòng nếu thiếu, chi tiêu khi đi chợ sao cho hợp lý. Bên cạnh đó, bạn sẽ phải chống chọi với sự lười biếng khi tuần gần như không lên lớp mà lên thư viện. Mọi thứ khi đi du học sẽ là tự lực cánh sinh. Vậy nên, bạn cần chuẩn bị tốt tinh thần một khi xác định đi học ở nước ngoài.

 

Do vậy, du học Anh – cuộc sống không là mơ! Nhưng dù có gặp nhiều khó khăn khi xa nhà, có lẽ du học sẽ không làm bạn nuối tiếc. Bởi bạn có cơ hội tìm hiểu văn hóa, giao lưu gặp gỡ bạn bè quốc tế và học cách độc lập trong cuộc sống”.

 

Nguồn: Tiin

Share.

Leave A Reply