Sẵn sàng du học – Hóm hỉnh, tinh tế nhưng cũng không kém phần sâu cay, bức tranh xã hội chân thực và sống động được vẽ ra dưới những góc nhìn riêng, nơi đồng tiền giữ vai trò chủ đạo.
Từ thập niên 1930, John Steinbeck đã khẳng định với giới phê bình rằng ông xứng đáng được công nhận là “tượng đài” của nền văn học Mỹ hiện đại.
Hàng loạt tiểu thuyết của John Steinbeck đã cho chúng ta thấy được một bức tranh toàn cảnh về con người trong vòng quay ngột ngạt và đầy bất công của xã hội. Có kẻ trụ vững, có kẻ bị hất văng không thương tiếc. Dù ở vị trí nào, tất cả họ đều mệt mỏi và rệu rã.
Quyền lực của đồng tiền trở thành một nỗi ám ảnh lớn trong văn chương của John Steinbeck. Nó được diễn tả bằng nhiều sắc thái và cấp độ khác nhau trong các tiểu thuyết của ông. Với chủ nhân của giải Nobel Văn chương năm 1962, sống là một quá trình đấu tranh không ngừng, ngay cả với những người hiền lành, an phận, cả đời chưa từng rời xa mảnh đất quê hương.
Phố Cannery Row là một trong những tác phẩm thể hiện được ngòi bút đa dạng của “chàng cao bồi California” . Tiền bạc, cuộc sống mưu sinh, tình thương… vẫn những vấn đề ấy được “tái sinh” dưới một cách kể chuyện rất khác, nhẹ nhàng và giàu chất thơ. Cuộc sống này dù khó khăn tới đâu, chúng ta hãy luôn đặt niềm tin vào điều thiện. Bởi có như vậy cuộc đời mới đáng sống.
Con phố nhỏ và những đợt sóng ngầm
Tiểu thuyết Phố Cannery Row lấy bối cảnh một dãy phố có những nhà máy đóng hộp cá mòi trên bờ biển Monterey vào giữa thập niên 1930, khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn để lại những dư chấn âm ỉ. Không phải ngẫu nhiên, địa điểm đầu tiên John Steinbeck đưa người đọc đến thăm là cửa tiệm tạp hóa của ông già người gốc Hoa, Lee Chong.
Đó là một cửa tiệm nhỏ và chật ních, nhưng người dân của Cannery Row có thể tìm thấy mọi thứ mà mình cần. Lee Chong chỉ đóng cửa khi đồng xu cuối cùng đã được tiêu đi. Một ông già di cư từ một nơi xa xôi, không nói sõi tiếng Anh nhưng lại khiến nhiều người dân bản địa phải nể nang. Đơn giản vì ông ta có những gì mà họ muốn. Nhiều lúc, không có đủ tiền, họ đành mắc nợ Lee Chong.
Số nợ ấy cứ lớn dần lên, và đến một ngày họ mất tất cả. Để trả hết số nợ cho Lee Chong, Horace Abbeville đã gán đi ngôi nhà duy nhất và tự sát ngay sau đó. Sau cái chết của người đàn ông tội nghiệp, ông chủ gốc Hoa giàu có của phố Cannery Row đã gửi đồ tiếp tế cho hai bà quả phụ và một tá những đứa trẻ bơ vơ coi như một sự an ủi.
Một địa điểm khác, nhất định phải đến thăm khi ở phố Cannery, là Phòng thí nghiệm Sinh Vật miền Tây của Doc. Ông ta bắt những con sao biển, ếch, rắn… và biến chúng thành mẫu vật. Đó là một người đàn ông lạ lùng, có thể tận tâm giúp đỡ người khác vào hôm nay nhưng sẵn sàng trả giá và tính toán từng đồng với họ vào ngày mai.
Bên cạnh tiệm tạp hóa của Lee Chong và cũng rất gần phòng thí nghiệm của Doc là nhà thổ của Dora, nơi người ta tìm thấy lạc thú sau những giờ đắm chìm trong mùi tanh nồng của lũ cá mòi. Đó là bề nổi của phố Cannery Row nơi người ta sống bằng những mánh khóe và sự lừa dối.
Biệt thự Lữ thứ là một nửa khác của phố Cannery Row. Có lẽ, đã có sự mỉa mai trong cái tên có phần thanh cao này, bởi đây là nơi ở của đám vô công rồi nghề, mà tác giả gọi chung là “đám choai choai”. Những con người xem chừng như thừa thãi của xã hội ấy được lãnh đạo bởi Mack, một tên tình cảm nhưng chán ghét gia đình.
Không có những xung đột lớn hay các nút thắt gay cấn, Phố Cannery Rowđược kể bằng một giọng điệu chậm rãi và chân thực vô cùng. Dường như John Steinbeck để cho những nhân vật của mình tự đi vào trang sách và thoải mái kể chuyện. Mỗi một tuyến nhân vật trong sách mang đến một câu chuyện rất riêng. Tất cả hợp lại thành một bức tranh sống động về xã hội với sự lên ngôi của đồng tiền.
Đồng tiền và phẩm giá của người nghèo
Nhân vật Mack và “đám choai choai” vô dụng trong phố Cannery Row gợi cho người ta nhớ đến nhân vật Danny và những người huynh đệ trong tiểu thuyết Thị trấn Tortilla Flat (1935). Một lần nữa, John Steinbeck lại muốn câu chuyện của mình được kể ở địa hạt văn chương của riêng ông, hạt Monterey bang California.
Là một người luôn hướng tới những giá trị nhân văn và giàu lòng yêu thương, tác giả của Chùm nho uất hận tiếp tục dùng ngòi bút của mình để bênh vực những người nghèo, những người cùng khổ bị áp bức trong xã hội, dù họ có thể bị mua chuộc, bị dụ dỗ; nhưng trên hết, những con người đáng thương ấy đều muốn ngẩng cao đầu, sống một cuộc đời đường hoàng và chính trực.
Dù có phải dùng đến những cách cực đoan đi chăng nữa, họ vẫn muốn bảo vệ phẩm giá của chính mình. Chi tiết Horace Abbeville nhượng lại ngôi nhà duy nhất cho Lee Chong và tự sát để con cái được sống mà không phải mang món nợ truyền đời trên đầu là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó.
Nhà Abbevill , Mack và đám choai choai đều là những con người được sinh ra và lớn lên ở Montery. Nhưng vòng xoáy của số phận và thời cuộc đã khiến họ chao đảo và phải dùng hết sức bình sinh để vật lộn mới có thể tồn tại trên mảnh đất từng là nơi “chôn rau cắt rốn” của chính mình. Dù bị bủa vây trong một thế giới thiếu công bằng, nhưng họ vẫn cố sống một cuộc đời đầy nghĩa hiệp và hào sảng.
Trong Phố Cannery Row không có ai hoàn toàn xấu xa. John Steinbeck tin rằng: bên trong mỗi con người, thiện và ác luôn song song tồn tại. Chính phần thiện giữ cho tâm hồn ta lơ lửng. Bởi vậy, ông không cần dùng đến “đao to búa lớn” hay những giáo điều đạo đức nhưng vẫn viết lên được một cuốn tiểu thuyết đầy nhân văn.
Bối cảnh trong tác phẩm được lấy nguyên mẫu từ khu phố đóng hộp cá mòi có tên là Ocean View Avenue, bang California. Sau thành công vang dội của tiểu thuyết Phố Cannery Row, Ocean View Avenue đã biến thành một địa điểm tham quan thu hút lượng lớn khách du lịch và trở nên sầm uất. Năm 1953, phố Ocean View Avenue được đổi tên thành Cannery Row để tri ân nhà văn John Steinbeck và tác phẩm của ông.
Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing