Sẵn sàng du học – Mô hình sinh hoạt phổ biến cho du học sinh là ở nhà người bản xứ, gọi là ở homestay. Mô hình homestay được ca ngợi là phương thức nhanh nhất để du học sinh hội nhập cuộc sống mới, nhanh chóng bắt nhịp văn hóa bản xứ để học tập tốt hơn.
Với những phân tích về lợi thế của homestay như an toàn, kinh tế, rất nhiều gia đình cảm thấy khá an tâm chọn mô hình này khi cho con du học. Tôi quyết định đi cùng con, mặc cho cháu phản đối. Và tôi đã trải qua cùng con những cú sốc văn hóa.
Mẹ ơi, con có thể quay về được không?
Úc cũng như các nước tiên tiến khác, trên 18 tuổi, ở homestay chỉ đơn giản là thuê phòng. Nhưng với trẻ dưới 18 tuổi, nếu trường không có ký túc xá thì bắt buộc phải ở homestay và phải có người giám hộ thay cha mẹ. Con tôi chỉ mới 17 tuổi nên cháu bắt buộc phải ở homestay.
Mặc dù được khuyến cáo trước trong văn bản về các điều khoản ở nhà bản xứ như học sinh cần cố gắng tuân thủ các quy định riêng của từng gia đình để hòa hợp lối sống Úc và sau khi chung sống 2 tuần mà không thể hòa hợp, có thể làm đơn xin đổi homestay.
Trước khi đưa con đến Sydney, tôi đã gửi thư điện tử trước cho chủ nhà để tỏ lòng cảm ơn vì đã trở thành “cha mẹ thứ hai” của con tôi trong những năm tháng đầu tiên cháu đặt chân đến Úc và thông báo trước việc mình sẽ đi cùng cháu trong lần đầu xa nhà này. Thế nhưng, tôi và con trai thật sự sốc khi vừa đẩy hành lý vào cổng. Bà chủ nhà ra đón, sau câu chào hỏi xã giao và hỏi thăm nơi tôi sống trong thời gian ở Sydney, bà cũng không có ý mời tôi vào nhà.
Con tôi tiếp tục sốc bởi sau khi tôi về, bà chủ nhà đưa ra một bản nội quy riêng, bổ sung vào bảng nội quy của nhà trường như: Mỗi ngày chỉ được tắm 1 lần, mỗi lần tắm không quá 10 phút; cuối tuần gom đồ để bà giặt để tiết kiệm nước; chỉ được sinh hoạt trong khu vực dành cho du học sinh, không được phép đi vào phòng khách; cuối tuần được phép về trễ nhưng trước 10 giờ đêm. Từ thứ hai đến thứ sáu phải có mặt trước 8 giờ tối, nếu về trễ lúc 10 giờ tối thì không được tắm để tiết kiệm điện và nước nóng; đặc biệt không được tiếp xúc, làm thân với con chó của gia đình…
Con tôi khóc: Mẹ ơi, có thể cho con quay về Việt Nam học được không? Không khí thiếu thân thiện, về nhà không chút ấm áp, dẫn đến stress thì làm sao tập trung học?
Ngày tựu trường, khi gặp các du học sinh mới cùng khóa, con tôi kết luận: “Con không phải là ngoại lệ, mẹ ạ. Mấy bạn khác còn gặp chủ nhà “kinh khủng” hơn. Có bạn bị chủ nhà vào kiểm tra, lục xét hành lý; có bạn vào trường, gọi điện về nhà, khóc òa vì bị chủ nhà cho ăn sáng bằng đồ ăn thừa của gia đình; có chủ nhà thu tiền wifi cả tháng (10 đô la Úc/tuần) nhưng chủ nhà tự gõ chứ dứt khoát không cho biết mật khẩu wifi…
Tiết kiệm, cảnh giác và kỷ luật
Cô sinh viên năm 2 của trường UTS (Đại học Kỹ thuật Sydney) nơi tôi ở nhờ, cười cho biết: Ai sang đây học cũng trải qua giai đoạn sốc văn hóa lúc đầu, rồi sẽ đến mỗi đêm khóc vì nhớ nhà. Nhưng rồi, ai cũng sẽ vượt qua, chúng con sẽ trưởng thành từ chính những cú sốc đó, cô ạ.
Sau khi nghe tôi kể một loạt câu chuyện sốc văn hóa của mình và của các bạn tân du học sinh, bạn tôi – Trần Anh Thuyên, từng là du học sinh, nay đã định cư tại Úc chia sẻ: Sau 6 năm sống ở Úc, giờ tôi cũng thấy sốc về văn hóa với các bạn trẻ ở Việt Nam. Một đặc điểm chung của trẻ em và thanh niên Việt Nam hiện nay là được cha mẹ cưng chiều, chỉ học mà không biết làm việc nhà, không biết tiết kiệm và không có tính tự lập cũng như tính kỷ luật.
Homestay ở Úc là một nghề, để được làm homestay, chủ nhà phải qua chương trình huấn luyện và cấp phép. Mỗi khiếu nại của du học sinh, họ đều bị nhà chức trách đến kiểm tra, thẩm vấn. Một người bạn tôi, người Việt, làm homestay đã bật khóc kể cho tôi nghe, cô bị học sinh Việt Nam tố cáo mình cho ăn “cơm thừa canh cặn”.
Du học sinh đâu biết, ở Úc, việc cất đồ ăn dư để sử dụng tiếp ngày hôm sau là chuyện bình thường. Chuyện tắm rửa, giặt giũ xong để quên cho vòi nước chảy suốt đêm không hiếm; chuyện du học sinh, sau khi thân thiện với thú cưng, vào lúc chủ nhà đi vắng, đã đưa xe tải đến dọn đồ cung cấp cho chợ trời cũng đã có…
Và rồi từng bước, tôi và con trai đã phải thay đổi cái nhìn với chủ nhà khó tính tưởng như khắc nghiệt khi sáng sớm bà vào đánh thức các học sinh dậy để đảm bảo các cháu không trễ giờ đến trường. Nhắc nhở học sinh về muộn sẽ bị bà báo cáo cho nhà trường. Bà khuyên du học sinh những bất trắc có thể xảy ra, như không đi nhờ xe người lạ, không được uống nước do người lạ mời…
Còn rất nhiều khó khăn khác trong cuộc sống sau này để các du học sinh thấy những khó khăn trong sốc văn hóa với chủ nhà bản xứ vô cùng nhỏ như: làm sao để đạt được kết quả học tập tốt khi luôn phải cân đối chi tiêu trong định mức eo hẹp; tại sao người này tìm được việc làm thêm mà mình thì không…