Sẵn sàng du học – Tuy có chủ đề khá nặng nề và “lạnh gáy” xoay quanh nghề nạp quan cho xác chết; nhưng "Departures" lại là một phim nhẹ nhàng và mang lại cảm giác “ấm lòng” cho người xem.
Sản xuất năm 2008, Departures (Okuribito, Người Tiễn Đưa) có lẽ là một trong những bộ phim đương đại nổi tiếng nhất của Nhật Bản. Phim đã giành được 98 giải thưởng (tính đến tháng 12/2009), và đặc biệt là giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.
Tuy vậy, Departures không phải là một phim hay theo kiểu hàn lâm. Khi giành chiến thắng tại Oscars năm 2008, phim cũng hứng chịu nhiều chỉ trích mạnh mẽ rằng nó "quá thường" để xứng đáng với sự danh giá mà giải thưởng này mang lại. Đặc biệt là khi đối thủ của nó lại là hai phim được giới phê bình đánh giá cao hơn hẳn là Waltz With Bashir (Israel) và The Class (Pháp). Nhưng lý do gì khiến ban giám khảo lựa chọn Departures? Để "chơi trội" ư?
Không. Người của Oscars giải thích: "Cảm xúc luôn thắng lý trí". Departures là một bộ phim giàu cảm xúc, vậy nên, một cách tự nhiên, nó thuyết phục được ban giám khảo bỏ phiếu cho mình. Đạo diễn Yōjirō Takita, sau những giây phút bất ngờ và cảm thấy mình quá hên, thì sau đó cũng giãi bày: "Phim của tôi nói về những chủ đề mang tính phổ quát và mang đến một thông điệp chữa lành. Có lẽ điều đó khiến nó trở nên ấn tượng với ban giám khảo".
Quả thực, sức mạnh của Departures nằm ở khả năng chữa lành. Nó chậm chạp, dễ đoán, và không quá sâu xa triết lý; nhưng nó tinh tế, nhẹ nhàng, và chạm đến trái tim người xem. Departures như khúc nhạc dưới bàn tay nhân vật chính của nó – Một nhạc công cello không đủ tài năng để được chơi ở những dàn giao hưởng lớn, nhưng đủ nhạy cảm để kéo lên những giai điệu rung động đến tận tâm can.
Nạp quan là một nghệ thuật, và người nạp quan cũng là nghệ sĩ
Nhân vật chính của Departures là Daigo Kobayashi (Masahiro Motoki thủ vai) – Một nhạc công cello thất nghiệp vì ban nhạc giải thể. Cảm thấy tài năng của mình không đủ để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp này nữa, Daigo cùng vợ là Mika (Ryōko Hirosue) rời Tokyo về quê nhà anh ở Yamagata để sinh sống. Tại đây anh đọc được quảng cáo trên báo về một chỗ "việc nhẹ lương cao" và quyết định xin vào làm việc. Đến nơi, anh mới biết đó là một công ty chuyên làm "noukan" – công việc làm sạch xác chết, mặc quần áo đẹp và trang điểm cho họ trước khi đem hỏa táng.
Công ty chỉ có hai nhân viên: thư ký Yuriko Kamimura (Kimiko Yo) và giám đốc Sasaki (Tsutomu Yamazaki). Daigo là người đầu tiên đến phỏng vấn nên được nhận ngay. Ban đầu, Daigo miễn cưỡng làm việc vì cần tiền; nhưng rồi anh dần dần nhận ra ý nghĩa và vẻ đẹp của công việc vốn bị người đời cho là bẩn thỉu và tỏ thái độ xa lánh này. Song song với đó, anh tiếp tục thói quen chơi cello những khi rảnh rỗi. Sự trân trọng của anh dành cho những xác chết, và sự chân thành của anh dành cho những sợi đàn, đã làm rung động trái tim của những người xung quanh. Daigo tìm thấy và hoàn thiện cuộc đời mình, cả những dự định trong tương lai và những mất mát từ quá khứ, qua một nghề nghiệp mà anh chưa bao giờ tưởng tượng được là mình sẽ làm – Noukanshi (Nạp quan sư).
Người viết giữ nguyên chữ Hán Việt của từ "nạp quan", vì không có từ nào có thể diễn tả chính xác ý nghĩa của từ này trong Tiếng Việt. Cũng cần làm rõ rằng, nạp quan cũng không thật sự là một tục lệ phổ biến ở Nhật Bản, có lẽ chỉ còn tồn tại ở một số vùng nông thôn. Đa số người Nhật hiện đại cũng không có khái niệm gì về những "nạp quan sư", cho đến khi họ xem Departures.
Nghi lễ nạp quan, theo miêu tả trong phim, gồm có: Chặn lỗ mũi/ miệng người chết với bông hoặc gạc; lau sạch khuôn mặt và thân thể họ bằng vải ẩm; thay trang phục cho họ; và có thể trang điểm để họ trông tươi tắn như khi còn sống. Tất cả những việc này được thực hiện trước mắt cả gia đình người chết; vì vậy, người nạp quan phải đảm bảo sự chính xác, gọn gàng và kín đáo trong những động tác của họ, để giữ gìn danh dự cho người chết. Người chết sau đó được đặt vào trong quan tài, trên một lớp đá khô; cùng với những vật dụng cá nhân và những thứ cần thiết cho hành trình của họ đến thế giới bên kia.
Tinh tế và phức tạp, tương tự như những thao tác trong Trà Đạo – Nam diễn viên Motoki (thủ vai Daigo) đã nhận xét như vậy về nghi lễ nạp quan. Quả thực, nghi lễ này được các diễn viên thể hiện rất đẹp và nghệ thuật, thậm chí là lý tưởng hóa. Đây là một sự dũng cảm "không hề nhẹ" của đoàn làm phim; khi dám biến những người làm nghề nạp quan – vốn bị cho là ô uế, bị người đời ruồng bỏ và đẩy xuống đáy xã hội – trở thành những người nghệ sĩ, tức là những người tạo tác cái đẹp.
Dụng ý khắc họa nạp quan như một môn nghệ thuật, và nạp quan sư như một người nghệ sĩ đã được thể hiện ngay từ việc thay đổi cốt truyện gốc: Sửa nghề nghiệp nhân vật chính từ "chủ một pub-café bị đóng cửa" sang một "nhạc công cello bị thất nghiệp". Cũng cần phải nói thêm là phim bắt đầu từ cuốn hồi ký của một nạp quan sư tên Aoki Shinmon; nhưng nó thay đổi nhiều đến mức cuốn hồi ký chỉ còn là "cảm hứng" chứ không còn là "nguyên gốc".
Nhưng tại sao lại là một nhạc công cello? Biên kịch Kundō Koyama nói rằng ông chỉ đơn giản là muốn nhạc nền phim được chơi bằng cello. Đạo diễn Takita thì bay bổng hơn khi chia sẻ, cello là một nhạc cụ có hình dạng của thân thể con người. Và khi một nhạc công cello chơi đàn, họ ôm ấp hình dạng ấy một cách trìu mến và yêu thương; rất giống (về mặt hình ảnh) với công việc của một nạp quan sư. Trong tiến trình của bộ phim, hai hành động nạp quan và chơi đàn cũng được đặt song song, tạo cảm giác tương đồng về cái đẹp và khả năng chữa lành – Những điều vốn được đem đến bởi nghệ thuật.
Suy nghĩ của người Nhật về cái chết và thế giới bên kia
Nếu bạn muốn biết những quan niệm dân gian Nhật Bản về sự chết, thì Departures là một bộ phim rất nên xem. Tuy nhiên, nó chỉ dừng lại ở mức "giới thiệu" mà không phát triển lên tầng triết lý. Đây chính là điểm mâu thuẫn to lớn nhất giữa đoàn làm phim và ông Aoki – tác giả cuốn hồi ký. Trong khi quyển sách tập trung vào việc diễn tả những suy ngẫm về Phật giáo của Aoki, thì bộ phim lại tránh đề cập đến khía cạnh này – Có lẽ là để phim bớt nặng nề và gây khó hiểu. Phim cũng nhiều lần ám chỉ nó không theo một tôn giáo cụ thể nào dù đang đề cập đến một vấn đề rất gần với tôn giáo là cái chết.
Xung đột tư tưởng khiến ông Aoki từ chối cho phép quyền sử dụng tên mình và tên cuốn sách là "Nạp quan phu nhật ký" (điều thú vị là ông dùng từ "phu", ý chỉ một người lao động bình thường). Cũng may cho cả hai bên, vì cái tên này rõ ràng không khớp với chủ đề "nghệ sĩ" mà đoàn làm phim xây dựng. Biên kịch Koyama đã phải nghĩ ra cái tên thay thế là "Okuribito", có thể dịch ra chính xác là "Người tiễn đưa" – Một diễn đạt uyển chuyển hơn cho cụm từ "người nạp quan". Sự văn hoa của tựa mới này hoàn toàn khớp với bộ phim, từ chủ đề chính cho đến… hình ảnh trên poster quảng bá của nó.
"Người tiễn đưa" cũng sẵn chứa trong câu chữ một quan niệm cổ xưa của người Nhật về cái chết, đã "thâm căn cố đế" trong đầu họ từ trước khi Phật giáo du nhập vào Nhật Bản hồi giữa thế kỷ thứ 6. Quan niệm này cũng rất thân thuộc với người Việt Nam chúng ta. Theo đó, cái chết là khởi đầu cho một chuyến hành trình sang thế giới bên kia – một thế giới tốt đẹp hơn, tự do tự tại hơn (Bởi thế mà người Nhật tự tử nhiều, và ngay trong 4 cái chết đầu phim thì đã có 2 cái chết vì tự tử). Ở thế giới đó, người chết có thể gặp lại những người thân yêu đã tạ thế trước mình; và cũng có thể về thăm gia đình nơi dương thế trong một số dịp nhất định. Bởi vậy, chết cũng không phải là một điều gì đó quá nặng nề và đau đớn. Nó chỉ là một chuyến đi xa nhưng có hẹn ngày trở về. Phim không "bô bô" giải thích điều này, nhưng nó thể hiện ngay ở những câu nói của người sống với người chết trong lễ nạp quan – Tất cả đều là những câu tạm biệt được dùng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, và mang hàm ý về sự gặp lại.
Nhiệm vụ của những nạp quan sư: Thanh tẩy, tiễn đưa và chữa lành
Đó là ba ý nghĩa chính của công việc nạp quan mà người viết cho rằng bộ phim cố gắng xoáy vào. Trước tiên, về sự "thanh tẩy". Phim nhấn mạnh sự đẹp và sự sạch. Những xác chết được lên màn hình đều là những con người đẹp và sạch như khi còn sống. Những xác chết theo kiểu kinh dị thì đều ở ngoài màn hình và chỉ được nhắc đến qua những hình ảnh ẩn dụ hoặc lời nói của các nhân vật. Đặc biệt, phim mang lại rất nhiều ấn tượng về màu trắng: Tuyết trắng, đàn chim trắng, tang phục trắng, hoa cúc trắng… và đặc biệt là tấm vải trắng xấp nước dùng để lau đi những ô uế mà cái chết đem lại cho thân thể con người. Cần phải chuẩn bị cho người chết một thân thể thật thanh khiết để họ có thể "tự tin" bước sang thế giới bên kia – Đó là ý nghĩa cơ bản nhất trong công việc của người nạp quan.
Tiếp theo là sự "tiễn đưa". Nếu theo quan niệm dân gian thì những người làm việc với xác chết sẽ bị lây nhiễm sự ô uế của nó. Quan niệm của bộ phim đi theo hướng ngược lại. Tức là con đường "lây nhiễm" không phải đi từ xác chết sang nạp quan sư, mà từ nạp quan sư sang xác chết. Bằng những thao tác trìu mến và trân trọng dành cho người chết, những nạp quan sư đã truyền đến họ hơi ấm và tình yêu thương; để họ có thể yên lòng mà ra đi. Điều này đặc biệt ý nghĩa đối với một số trường hợp như cô gái chuyển giới tự tử bằng khí CO hay bà cụ chết trong cô độc gần 2 tuần mà không ai hay biết. Đó là những người mà, trớ trêu thay, sau khi chết mới cảm thấy hơi ấm từ một người khác.
Cuối cùng là sự "chữa lành". Đây cũng là thông điệp chính mà đạo diễn Takita nhắc đến ở trên. Cái chết là một cảnh tượng không được đẹp mắt cho lắm – Ít nhất thì người ta cũng sẽ tím tái, cứng đờ và co quắp. Nhìn người thân yêu của mình như thế, ai có thể cầm lòng cho được? Vì vậy, nhiệm vụ của nạp quan sư là biến ấn tượng cuối cùng (và sẽ là ấn tượng sâu sắc nhất) về người chết là một ấn tượng đẹp; để gia quyến có thể bớt thương xót và đau lòng. Nghĩa tử là nghĩa tận, khoảng thời gian thực hiện nghi lễ nạp quan có lẽ là khoảng thời gian mà những người trong gia đình trở về với đúng nghĩa "gia đình" nhất. Gần như tất cả các gia đình trong phim đều bị đứt gãy ở ít nhất một mối quan hệ, kể cả gia đình Daigo; và nghi lễ nạp quan – với vẻ đẹp và sự chân thành mà nó truyền tải – đã gắn kết tất cả những đoạn đứt gãy ấy, chữa lành những mối quan hệ và những người trong đó.
Với ba ý nghĩa được truyền tải như trên, Departures đã thành công trong việc thay đổi thái độ của nhiều người Nhật đối với nghề nạp quan. Từ vị trí chót bảng trong danh sách những bộ phim sắp phát hành mà khán giả muốn xem nhất; Departures đã chứng minh sức hút của mình với doanh thu trong nước đạt 60 triệu USD, trên tổng doanh thu 70 triệu USD toàn thế giới. Cuốn hồi ký của ông Aoki cũng được "thơm lây" với lượng tiêu thụ vọt đến 230.000 bản, sau vụ rầm rộ của phim ở Oscars 2008. Hàng loạt sản phẩm và dịch vụ ăn theo cũng đạt được thành công rất lớn về mặt thương mại. Năm 2013, Okuribito Academy – Học viện chuyên đào tạo nạp quan, ướp xác và các quy trình liên quan được thành lập; mở ra một "tương lai xán lạn" cho những nạp quan sư và nghi lễ nạp quan tưởng đã sắp sửa mai một trên đất nước Nhật Bản.
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14