Sẵn sàng du học – Dù có chuẩn bị kĩ tới đâu, những sinh viên chưa một lần ra nước ngoài khó có thể hình dung được những khoản phát sinh mà họ phải chi trả trong thời gian học đại học.
Dưới đây sẽ là bài viết tổng hợp những chia sẻ của Rachel, một sinh viên trường De Montfort (De Montfort University) về những chi phí phát sinh ấy, và quan trọng hơn là những biện pháp giúp bạn “tránh” được dễ dàng.
1. Những khoản giao thiệp xã hội
Giao lưu, gặp gỡ là phần quan trọng trong đời sống sinh viên vì đây là cơ hội để bạn gặp gỡ bạn bè, hòa nhập với cuộc sống mới và phát triển sự tự tin của bản thân. Iona McGregor-Nelson, 20 tuổi, cho rằng việc tham gia câu lạc bộ chèo thuyền là điều đúng đắn nhất mà cô đã từng làm, vì hoạt động này đã giúp cô gặp gỡ được nhiều người bạn mới, và quan trọng hơn là cô đã được rèn luyện thể thao cũng như thực sự cảm nghiệm được tinh thần đồng đội những khi thi đấu. Tuy nhiên, để tham gia vào câu lạc bộ, Iona đã phải mua bảo hiểm thể thao với giá 40 bảng Anh, và sau đó là 45 bảng Anh cho mỗi kì tham gia. Ngoài ra, bạn cũng sẽ phải trả thêm bộ dụng cụ đi kèm.
Lời khuyên: Bạn nên chỉ tập trung đầu tư vào một câu lạc bộ nào đó thay vì tham gia cùng lúc thật nhiều câu lạc bộ.
2. Chi phí in ấn
Đây là một khoản chi vô cùng cần thiết cho quãng đời Đại học. Có nhiều bạn chọn mua máy in riêng tại nhà, trong đó có Rachel. Cô giải thích vì mỗi lần in ở trường sẽ tốn 15 xu cho một tờ in màu, con số này nghe qua thì rất nhỏ nhưng khi nộp luận văn hàng chục trang, bạn sẽ phải trả khoảng 75 bảng Anh trong một năm.
Để tiết kiệm khoản này, bạn có thể ghi chép vắn tắt lại từ các nội dung trên màn hình. Ngoài ra, bạn cũng có thể kiểm tra các chế độ in khi nhấn nút in để chọn các phương án in hai mặt giấy, in chữ đen trắng hay in với cỡ chữ nhỏ hơn để tiết kiệm giấy… Và nếu trường bạn chấp nhận những bài luận nộp qua thư điện tử thì hãy ngay lập tức chọn cách này thay vì in ra giấy.
3. Công cụ học tập
Có một số cua học không đòi hỏi bạn phải đầu tư vào dụng cụ, nhưng một số khóa khác thì không, giống như các khóa về Y khoa. Natalie Miles, 20 tuổi, sinh viên năm hai tại University of Exeter, kể: “Một chiếc ống nghe có giá 70 bảng Anh, và bạn phải tự tậu cho riêng mình trong quá trình học”. Có một số khóa học lại yêu cầu sinh viên phải trả tiền cho các kì thi cuối khóa, nếu không bạn sẽ không hoàn thành được chương trình. Chẳng hạn, một số khóa về Báo chí sẽ đòi hỏi bạn phải trả tiền cho những buổi học về tốc ký.
4. Máy vi tính cá nhân
Ngày nay, việc sử dụng máy vi tính ở trường Đại học là vô cùng thiết yếu. Dẫu cho các trường luôn có một phòng máy tính riêng, nhưng không phải lúc nào cũng tìm được máy trống và quan trọng là bạn không thể mang nó về nhà để làm bài tập (hay đi đâu đó làm bài tập nhóm với bạn bè). Chính vì thế, bạn nên quan tâm đến khoản phí này khi du học. Một chếc laptop cơ bản có thể tốn của bạn khoảng 400 bảng Anh. Khi đã sang Anh, hãy so sánh các trang web bán hàng trực tuyến để chọn cho mình chiếc máy hợp lí nhất.
5. Sách, sách và sách
Ở Việt Nam, việc đọc sách tham khảo bên cạnh các sách chuyên ngành không phải là điều bắt buộc, nhưng ở Vương quốc Anh thì đây là một yêu cầu được áp dụng gần như ở tất cả các môn học. Rachel đã phải chi tới 150 bảng Anh để mua sách trong danh-sách-những-sách-cần-đọc cho năm học. Cô khuyên rằng, bạn nên mua sách đã qua sử dụng hay mượn sách từ thư viện cho tiết kiệm (trừ khi bạn muốn sở hữu sách riêng cho mình). Vào cuối năm học, nếu không có nhu cầu sở hữu cuốn sách đã mua, bạn có thể bán lại chúng cho những sinh viên năm dưới trên các group của trường.
6. Khoản chi cho ngày tốt nghiệp
Có thể bạn sẽ phá lên cười khi nghe đến “khoản chi hạnh phúc” này, nhưng thật ra nó cũng là một khoản nên tính đến nếu bạn có một hầu bao khiêm tốn. Josephine Perry, 39 tuổi, một sinh viên từ tốt nghiệp bằng Tâm lý học đã phải trả 28 bảng Anh cho mỗi chiếc vé tham dự của phụ huynh, thêm 51 bảng Anh cho áo choàng và mũ cử nhân^^. Cách tốt nhất ở đây là nên đề nghị những người thân đến tham dự tự chi cho tấm vé của họ, và nhớ cầm theo máy ảnh để tránh được khoản chụp ảnh.
Cá Domino (SSDH) – Theo Theguardian