Du học, nào phải thiên đường?

0

SSDH – Nhiều người trẻ rất chuộng hai từ “du học”. Với họ, điều này tương đương việc được mở rộng chân trời tri thức, tiếp xúc một nền văn hóa mới mẻ…

 

Du học, nào phải thiên đường?
Để có được những nụ cười rạng rỡ thế này, nhiều giọt nước mắt đã rơi… – Ảnh: Google

Nhiều người không giấu nổi sự háo hức, ngập tràn hi vọng ngày đi, nhưng có mấy ai biết nhiều bước chân trong số ấy trở nên âm thầm, lặng lẽ lúc về…

 

Rào cản ngôn ngữ

 

Điều đầu tiên cần nhắc tới là việc một số quốc gia hạ tiêu chuẩn tiếng Anh đầu vào cho du học sinh có nguyện vọng học tại nước mình. Đơn cử như Úc, nếu trước đây để có được sự đồng ý bảo lãnh của trường thì học sinh cần có điểm IELTS quốc tế thì nay quy định này được bỏ. Điều đó tưởng là sự nới rộng cơ hội, nhưng thực chất lại là “thòng lọng” cho không ít du học sinh.

 

V.An (một du học sinh tại Úc) chua xót: “Nghe theo lời các trung tâm tư vấn, ai cũng “lên mây” khi nghĩ mình chỉ cần sáu tháng là đủ trình độ theo kịp chương trình. Vậy nhưng với nhiều bạn phải mất gần một năm, thậm chí hai năm mới được xét duyệt vào, có bạn còn bị đuổi về nước…”. Đó là những quốc gia giảng dạy tiếng Anh – ngoại ngữ mà hầu hết học sinh tại VN đã có ít nhất sáu năm “dằn túi” trước khi du học, thế mà không ít người vẫn lao đao. Ở những nước như Nga, Nhật, Hàn… sử dụng ngôn ngữ riêng tình trạng còn bi thảm hơn.

 

Việc không theo kịp ngoại ngữ khiến nhiều bạn rơi vào trạng thái tự ti, tuy du học nhưng không dám hé miệng với người bản xứ, nếu có đi đâu thường chỉ quây quần với bạn bè cùng nước (đây là tình trạng rất phổ biến với giới sinh viên châu Á). Chính vì thế nhiều bạn thừa nhận sau khi du học về thì các kỹ năng nghe, đọc được cải thiện, chứ khả năng nói vẫn không khá hơn xưa là mấy.

 

Học giỏi vẫn không “thoát”

 

Bạn M.Tuệ (du học sinh tại Mỹ, từng học trung học tại Singapore) cho biết không phải ai đạt được học bổng du học cũng sẽ học tốt. Nhớ lại khoảng thời gian năm năm trước, Trường NUS của Tuệ đã cấp học bổng cho vài bạn học sinh người Việt sau nhiều vòng thi gắt gao, thế nhưng vẫn có trường hợp “rơi rụng” giữa chừng do không theo kịp chương trình khi qua Sing. Theo Tuệ, có sự khác biệt rất lớn giữa khái niệm “giỏi” tại VN và nước ngoài. Ở VN chỉ cần học đúng điều giáo viên giảng là sẽ được giỏi, trong khi giáo dục nước ngoài lại đề cao sự cố gắng tự học của bản thân.

 

N.Giao có thành tích vượt trội trong suốt thời gian phổ thông với thứ hạng luôn ở mức nhất lớp, nhất trường. Tuy nhiên, khi vào ĐH Mỹ bằng học bổng thì Giao lại khiến mọi người bất ngờ khi thường cáu gắt, đãng trí và luôn trốn biệt trong phòng, không giao du với bất kỳ ai. Thậm chí Giao phải về nước hẳn một năm để ổn định tinh thần rồi mới tiếp tục trở lại giảng đường.

 

Tất cả chỉ vì ngày tiễn Giao lên đường, ai cũng tin tưởng 100% bạn sẽ mang chiếc nón thủ khoa về nhà. Nỗi ám ảnh mang tên “thủ khoa” khiến Giao thấy quyển sách nào cũng cần đọc, môn học nào cũng cần phải lấy điểm tối đa… để những cú điện thoại từ VN qua không phải nhận tiếng thở dài, nặng nhẹ từ gia đình.

 

Nỗi khổ mang tên “tiền”

 

Nếu như du học sinh đi theo dạng học bổng không phải lo lắng nhiều về vấn đề tài chính thì đây lại là thứ khiến du học sinh tự túc trăn trở nhiều nhất.

 

Q.Khang (du học sinh tại Mỹ) thở dài xót xa khi kể về việc hằng tháng vẫn phải ngửa tay nhận tiền trợ cấp từ bố mẹ, dẫu công ty của gia đình làm ăn ngày càng thua lỗ. “Tôi cũng muốn đi làm thêm để kiếm tiền. Nhưng đi làm thêm bên ngoài thì luật pháp không cho, còn làm “chui” lại không an toàn. Chưa kể tôi từng chứng kiến nhiều người bạn do mải mê kiếm tiền nên kết quả học tập bị ảnh hưởng, bị đuổi về nước…” – Khang bỏ lửng câu nói. Trước đây Khang 70kg, hiện tại bạn chỉ còn khoảng 55kg do khẩu phần ăn được giảm phân nửa để tiết kiệm chi tiêu.

 

V.Minh (du học sinh tại Canada) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ba Minh – lao động chính trong gia đình, bất ngờ bị về hưu sớm, khoản trợ cấp 1.000 đôla mỗi tháng cho Minh giờ trở thành gánh nặng vô hình. Thế là trong khi bạn cùng lớp tranh thủ các kỳ nghỉ để đi du lịch thì Minh lại tận dụng để học dồn, rút ngắn chương trình nhằm giảm tối đa chi phí. Minh còn miệt mài rửa chén nơi góc bếp với mức lương 4 USD/ giờ…

                                                                                                                       CÔNG NHẬT

Share.

Leave A Reply