SSDH – Có lẽ với nhiều bạn trẻ, New Zealand là cái tên chưa thật sự phổ biến. Tại ngôi trường tôi học – ĐH Victoria Wellington (VUW) thì số lượng sinh viên Việt Nam rất ít.
Học: không được lười biếng
Cựu du học sinh Huỳnh Thanh Trung
Lúc đầu, gia đình muốn tôi đi Mỹ, vì tôi có họ hàng ở đó nên sẽ thuận lợi rất nhiều cho việc du học. Tuy nhiên, bản thân tôi thiên về Úc hoặc New Zealand nhiều hơn, vì tôi thấy mình không phù hợp lắm cuộc sống tất bật và có phần xô bồ tại Mỹ.
Lý do nữa là học ở hai nước này, tôi có thể về thăm nhà dễ dàng hơn. Qua sự tư vấn của StudyLink International, tôi quyết định chọn New Zealand. Đến bây giờ tôi thấy rằng quyết định ấy là hoàn toàn đúng đắn.
Sang New Zealand, tôi cư ngụ tại ký túc xá Helen lowry hall, cách trường 10km. Những người bạn ở đây khá vui tính và nhiệt tình, tuy nhiên để đến mức thân thiết và lúc nào cũng kè kè với nhau như ở Việt Nam thì không có. Họ tôn trọng quyền riêng tư của nhau, vì thế ít khi cùng nhau dính như hình với bóng, nhưng vẫn luôn giúp đỡ bạn hết mình khi cần.
Tôi vẫn nhớ ngày sinh nhật đầu tiên của mình. Lúc đó tôi nghĩ chẳng ai nhớ hết nên đã đắp chăn đi ngủ sớm. Các bạn bất ngờ cuộn tôi chặt vào tấm chăn và khiêng tôi đến địa điểm tổ chức sinh nhật bí mật, làm tôi xúc động nói không nên lời. Đến bây giờ tôi vẫn thấy vui và cảm động khi nhớ lại.
Về việc học, điểm khác biệt lớn nhất là tại trường Victoria, mọi thứ đều rất tối tân hiện đại: điểm danh bằng máy quét vân tay, chấm bài bằng máy quét copy, học tập thực hành đều có phương tiện hiện đại và wifi phủ sóng toàn trường. Tất cả hỗ trợ cho sinh viên rất nhiều và hạn chế tối đa sinh viên “lười biếng”, do đó các bạn lưu ý nhé!
Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý đến khoản chi cho giáo trình – điều mà sinh viên thường hay bỏ qua. Hầu hết giáo trình có giá khoảng 100 NZD một cuốn và bạn có thể cần phải mua ít nhất một hoặc hai cuốn cho mỗi khóa học. Mẹo: bạn có thể mua lại giáo trình cũ từ sinh viên khóa trước hay quầy sách cũ.
Chơi: hết mình
New Zealand là thiên đường dành cho những ai yêu thích đồ ăn. Có vô số nhà hàng và quán cà phê giá cả phải chăng, với đủ các món ăn đa dạng từ Thái, Trung Quốc cùng các nước châu Á khác, nơi bạn có thể ăn với giá khoảng 10 USD.
Ở đây có nhiều nhà hàng thuộc loại ‘BYOB – Bring your own beverage’ (Tự mang đồ uống), điều đó có nghĩa là bạn có thể tiết kiệm một khoản tiền đáng kể trong hóa đơn và được phép mang rượu đến. Đặc biệt đừng bỏ lỡ những món thịt cừu và thịt bò nổi tiếng thế giới cùng các loại hải sản tươi ngon và nông sản sạch, đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Người New Zealand rất xem trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
New Zealand còn là một sân chơi mạo hiểm dành cho những ai yêu thích hoạt động ngoài trời, chẳng hạn đi bộ, chạy bộ, đạp xe hoặc đi dã ngoại. Đặc biệt các môn thể thao mạo hiểm như nhảy bungee, lướt sóng… rất được yêu thích tại đây. Môn thể thao được người dân New Zealand yêu thích là bóng bầu dục (rugby) chứ không phải bóng đá. Đội tuyển bóng bầu dục của họ rất mạnh với cái tên được giới yêu rugby biết tới: All black.
Giờ hành chính ở New Zealand vào khoảng 9g sáng cho đến 16g30, một tuần người dân chỉ phải làm việc 35 tiếng với mức lương khá cao. Tầm 18g, 19g đường đã vắng lặng. Họ có thói quen sinh hoạt buổi tối ở nhà. Tới 22g là người dân đã đi ngủ. Nhưng cuối tuần, dân tình không phân biệt già trẻ đổ xô ra bar cho đến sáng, những ngày này ở đây không khác gì những lễ hội lớn.
Sinh viên đi làm thêm lương tối thiểu là 10,25 NZD/giờ, nếu là công việc văn phòng mức lương sẽ là 20 – 40 NZD/giờ.
Ở New Zealand, nếu mỗi năm bạn kiếm dưới 25.000 NZD (20.000 USD) bạn sẽ bị xếp vào dạng thu nhập thấp và là ở mức nghèo đói cần sự trợ cấp chính phủ. Những người có thu nhập trung bình chỉ phải trả mức thuế 17,5% , thuế giá trị gia tăng là 15%. Tuy nhiên nếu một năm bạn kiếm trên 60.000 NZD, tức là thuộc hàng “thu nhập cao”, bạn phải đóng thuế cho nhà nước 33%.
Mệnh giá tiền và học phí tại New Zealand hầu như luôn ổn định và có vẻ chẳng hề hấn gì so với những biến động kinh tế thế giới ngoài kia, mà đôi lúc tôi hay đùa rằng “New Zealand thật quan ngại”. Tuy nhiên điều đó khiến cho các bậc phụ huynh không khỏi đau đầu về việc lên xuống thất thường của ngoại tệ.
Lưu ý tiếng Anh “bản xứ”
Có 1 điều nho nhỏ mà tôi muốn chia sẻ là tiếng Anh. Người New Zealand cũng sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính, tuy nhiên nếu so với tiếng Anh của người Anh có một chút khác biệt: khi phát âm “i” lại hóa thành âm “u”, âm “e” trở thành “i”, ví dụ “fish and chip” thành “fush and chup”. “you go to the left” lại hóa thành “you go to the lift”.
Tôi có một kỷ niệm vui khi đi dạo chơi và hỏi đường, dân bản xứ họ bảo bên trái (left) mà tôi cứ ngờ ngợ tìm kiếm cái thang máy (lift). Tại khách sạn, tiếp tân nói rằng “please chick un”, hỏi lại vài lần mới biết là “check in”…
4 năm du học New Zealand, bây giờ tôi đã về nước và đang áp dụng những kiến thức bổ ích mà tôi đã học được cho công việc kinh doanh gia đình. Tôi vẫn sẽ du lịch New Zealand nếu có dịp, sẽ xung phong làm hướng dẫn viên cho bạn bè ở Việt Nam để họ khám phá những cảnh đẹp, núi đồi, thảo nguyên, bãi biễn thơ mộng nơi đây, cũng như ôn lại những khảong khắc tại xứ sở kiwi đáng yêu này…
Huỳnh Thanh Trung
Cựu sinh viên Victoria University of Wellington