SSDH – “13 cháu đi du học, 12 cháu không trở về”, vấn đề nhức nhối đó đặt ra và lập tức được bàn luận sôi nổi nhiều ngày. Các du học sinh lý giải vì sao họ chọn ở lại.
Với nhiều bạn du học sinh, chuyện đi du học là tiếp cận với một chân trời mới, năng động, đầy thách thức, thỏa sức trẻ đam mê.
“Không bị gò ép bởi những lớp học thêm dày kín lịch, mà có nhiều thời gian tự học, có cơ hội mở rộng mối quan hệ với nhiều nền văn hóa khác nhau từ những du học sinh các nước khác” – bạn Đào Duy Băng Thanh (ĐH Exeter, Anh) chia sẻ.
Lương Thị Thu Hằng (thứ hai từ phải qua) – du học sinh tại Đức. Ảnh: Tuổi Trẻ.
“Giáo viên sẽ dẫn dắt bạn hiểu sâu vấn đề. Những trường đại học, cao đẳng bên này đều có người phụ trách sinh viên, hướng dẫn làm bài tập. Sinh viên yếu sẽ có những sinh viên giỏi kèm cặp. Thư viện lớn để bạn tự do nghiên cứu. Đó là những gì mình ít nhận được khi học ở Việt Nam”, Thảo Lâm (du học sinh tại Canada) nhận xét.
Bạn Phú Vinh (du học sinh tại Hàn Quốc) nói: “Điều kiện sống ở nước ngoài tốt hơn, dân trí cao, phúc lợi xã hội bình đẳng, an ninh xã hội tốt. Nếu được học bổng, bạn không phải lo lắng nhiều về tiền bạc”.
Từ góc nhìn đó, nhiều bạn thừa nhận: “Đang sung sướng vậy thì việc về hay không về là băn khoăn có thật, nếu ai nói không băn khoăn là chưa nói thật lòng”.
Nhiều du học sinh cho biết, họ đã chọn những ngành học đặc thù có thể ở lại làm việc tại nước ngoài. Bạn Lương Thị Thu Hằng (Trường Technische Universität Darmstadt, Đức) bày tỏ: “Đa số sinh viên đi du học ở Đức thường chọn học chế tạo máy, điện – điện tử viễn thông hoặc công nghệ thông tin. Việc tốt nghiệp một ngành kỹ thuật với trình độ tiếng Đức nhuần nhuyễn sẽ có cơ hội xin được việc làm ở một công ty Đức rất cao, thậm chí được làm ở những công ty nổi tiếng như Siemens, Bosch, Volkswagen, BMW… với mức lương tốt là có thể”.
Bên cạnh đó, môi trường sống ở những nước phát triển như Đức rất tốt, an sinh xã hội cao, dịch vụ y tế tốt, an ninh cao… cũng là động lực để người ta đến rồi ở lại.
Du học giống một khoản đầu tư kinh doanh và cần phải sinh lời. Chính vì lẽ đó, một số du học sinh cũng mong muốn làm việc tại nước ngoài để cải thiện mức sống sau này.
“Khi học xong về nước, lương sẽ không cao như ở nước ngoài. Ví dụ, học bốn năm hết hơn 100.000 USD, chưa tính các khoản chi phí khác. Trong khi đó nếu về Việt Nam, mỗi tháng nhận lương vài triệu đồng thì biết bao giờ mới gỡ vốn. Dù sao ở nước ngoài làm công việc bình thường với mức lương trung bình thì cũng đỡ hơn rất nhiều”, Thảo Lâm nêu.
Bạn Đ.T.Q.B. (du học sinh tại Mỹ) băn khoăn: “Mình sợ về Việt Nam gặp phải chuyện “con ông cháu cha”, muốn thăng chức thì phải có “ô dù”. Trong khi đó ở nước ngoài thì lên theo năng lực, không ai ganh ghét nhau mà luôn hoạt động theo nhóm để phát triển”.
Đối với Lê Thị Tố Linh, vừa tốt nghiệp chuyến du học bốn năm tại Singapore, rõ ràng môi trường tại Singapore năng động, hiệu quả và chuyên nghiệp.
“Khi về nước, làm việc chung với mọi người có thói quen “nước đến chân mới nhảy” và tất nhiên sản phẩm cuối cùng luôn không được hài lòng như mong muốn khiến tôi khó chịu”, Linh chia sẻ.
Hơn nữa, theo Linh, đi du học rồi về hay ở không ảnh hưởng gì đến tình yêu đất nước vì các bạn tạo ra giá trị ở nước ngoài nhưng dùng những giá trị ấy đóng góp cho nước nhà (từ thiện, giới thiệu công ăn việc làm cho những người đồng hương có tài…) thì cũng chẳng khác những bạn ở Việt Nam làm việc.
Nguồn: Tuổi trẻ